Chuyện khó tin về đình công tại Việt Nam

06/10/2011 06:50
Tư Khương
(GDVN) - Dự án Luật Lao động (bổ sung) lần này vẫn chưa đầy đủ các quy định, để các cuộc đình công có thể diễn ra đúng pháp luật.

Dù có tới 5.000 cuộc đình công từ trước tới nay luôn trái luật song dự án Luật Lao động (bổ sung) lần này vẫn chưa đầy đủ các quy định, để các cuộc đình công có thể diễn ra đúng pháp luật.

Ưu tiên cho lương, hạn chế đình công

Ngày 5-10, phiên họp thường vụ Quốc hội tiếp tục thảo luận về Bộ Luật lao động (sửa đổi). Với phạm vi áp dụng cho khoảng 15 triệu người liên quan trực tiếp có quan hệ lao động, dự thảo dự án Luật lao động (sửa đổi) bổ sung 64 điều, sửa đổi 157 điều, giữ nguyên 52 điều. Nhóm chính sách sửa đổi tập trung hoàn thiện một số quy định: hợp đồng lao động; tiền lương và tiền lương tối thiểu; an toàn lao động và vệ sinh lao động; người lao động nước ngoài; chính sách lao động nữ; thương lượng tập thể; trách nhiệm công đoàn cấp trên và bảo vệ cán bộ công đoàn..

Tại báo cáo thẩm tra, bà Trương Thị Mai, Chủ nhiệm Uỷ ban các vấn đề xã hội, khẳng định: Tiền lương là cơ bản nhất, cần được chú trọng trong dự án Bộ luật này, là vấn đề có tính chất quyết định trong các quy định về tiêu chuẩn lao động, có ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống người lao động, là nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tình hình tranh chấp lao động, đình công đang diễn ra phức tạp hiện nay.

Quan điểm về chế độ tiền lương là đẩy mạnh phát triển thị trường lao động. Tiền lương, tiền công phải được coi là giá cả sức lao động, được hình thành theo cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước.

Nhiều ý kiến khác cũng bày tỏ quan ngại với mức lương hiện nay là quá thấp, không đủ đáp ứng tối thiểu. Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng- An ninh Nguyễn Kim Khoa nhấn mạnh, tiền lương, tiền công là gốc của nhiều vấn đề trong các quy định về lao động. "Nhiều doanh nghiệp nước ngoài vẫn lợi dụng sơ hở của luật để lợi dụng tiền công giá rẻ để thu lợi nhuận, cho nên nếu chỉ quy định tiền lương theo vùng chưa chắc đã giaỉ quyết được, vẫn gây khó khăn cho công nhân", ông Khoa băn khoăn.

Ngược lại, ở trong nước, theo báo cáo thì nhiều doanh nghiệp lỗ nhưng lương của công nhân vẫn quá cao. Ví dụ như Tập đoàn Điện lực Việt Nam kêu lỗ nhưng vẫn xin thưởng hàng nghìn tỷ đồng. Theo ý kiến của Tổng LĐLĐ VN, mức lương mà người lao động nhận hiện nay ở các DN chỉ đáp ứng 60-70% nhu cầu sống tối thiểu của người lao động

Quy định chưa sát thực tế.

Một trong những nội dung khác được đặc biệt quan tâm là giải quyết tranh chấp lao động và đình công. Dự án Bộ luật đưa ra quy định không cho phép đình công về quyền và tiếp tục quy định tranh chấp lao động về quyền giải quyết bằng: hoà giải viên lao động, chủ tịch UBND cấp huyện, toà án nhân dân và tranh chấp lao động về lợi ích giải quyết bằng các thiết chế hoà giải viên lao động và Hội đồng trọng tài lao động. Tuy nhiên, các thiết chế về quan hệ lao động đang có hiện nay hoạt động rất hạn chế.

Ông Phan Trung Lý, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Quốc hội đặt câu hỏi: “Theo quy định của Luật lao động, đình công phải do BCH CĐCS lãnh đạo. Song trong thời gian vừa qua, CĐ chưa tổ chức và lãnh đạo 1 cuộc đình công nào. Vậy pháp luật quy định ở đâu và thực tiễn ở đâu?”.

Lý giải việc này, ông Mai Đức Chính, Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ VN lý giải, theo quy trình để tổ chức được một cuộc đình công, phải qua hội đồng hoà giải, tiếp đến là hội đồng trọng tài cấp tỉnh, rồi đến bước thứ 3 mới đến CĐ tổ chức, lãnh đạo đình công. “Tuy nhiên, gần 5.000 cuộc đình công từ trước đến nay đều chỉ ở hội đồng hoà giải và không lên được hội đồng trọng tài chứ đừng nói tới được tay CĐ. Giống như một câycầy, đã tắc ở 2 điểm phía trước rồi thì khó để điểm sau tiếp cận”, ông Chính nói.

Theo ông Phan Trung Lý, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, một trong những vấn đề cần sửa đổi là quy định về đình công. “Nhu cầu về đình công rất lớn. Thực tế đã có hàng ngàn cuộc đình công. Tại sao hơn 5.000 cuộc đình công không cuộc nào đúng pháp luật, không có cuộc nào do CĐ lãnh đạo?”, ông Lý đặt vấn đề.

Ông Lý phân tích, pháp luật không phù hợp dẫn đến người ta vi phạm pháp luật. Vi phạm pháp luật thì lại phải xử lý người lao động. Tuy nhiên, Bộ Luật mới chỉ sửa 6/28 điều về đình công song sửa không cơ bản. “Tôi đề nghị phải sửa lại, sửa cơ bản. Hiện Công đoàn nói quy định của pháp luật khiến họ không tổ chức đình công được song Luật lao động mới vẫn chưa sửa gì để CĐ có thể tổ chức lãnh đạo đình công”, ông Lý gay gắt.

Đồng tình với ý kiến này, đại biểu Kso Phước, Chủ tịch Hội đồng dân tộc cho rằng cẩn phải sửa Luật để đình công được hợp pháp. Trong 15 năm qua, đình công không thể hợp pháp được thì rõ ràng cần phải xem lại luật. Bà Trương Thị Mai, chỉ rõ, trong thực tế DN không đối thoại được, các thoả ước lao động tập thể không phát huy đúng ý nghĩa. “Vì lương thấp, điều kiện lao động kém! Nếu không đình công mới là lạ!”, bà Mai khẳng định. CĐ không lãnh đạo được cuộc đình công nào, công nhân cũng không hỏi lãnh đạo CĐ trước khi đình công.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng lưu ý, tại sao đình công lại thường xuyên xảy ra ở DN FDI trong khi các DN nhà nước vẫn trả cao được? Các DN nước ngoài luôn dựa vào quy định lương tối thiểu, trả lương theo mức sàn tối thiểu theo quy định để không làm sai pháp luật. Vì thế, cần phải giải quyết rốt ráo vấn đề này trong dự án Luật, giải quyết quyền lợi cho NLĐ.

Tư Khương