Quốc hội đã có quyết định hợp lòng dân

28/11/2015 07:38
Xuân Trung
(GDVN) - Quốc hội đã lắng nghe ý kiến các nhà khoa học, nhân dân, các cực chiến binh và đã nhận thấy những bất cập của chương trình giáo dục phổ thông tổng thể".

Chiều qua (27/11), là một ngày vui của các thầy cô dạy Lịch sử, các nhà sử học khi Nghị quyết vừa được Quốc hội biểu quyết yêu cầu tiếp tục giữ môn học Lịch sử trong chương trình giáo dục phổ thông mới.

PGS. Nghiêm Đình Vỳ, nguyên phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương nhận định, Quốc hội nhìn nhận vấn đề rất xác đáng và lắng nghe ý kiến của các nhà khoa học lịch sử. Căn cứ vào tình hình thực tiễn Quốc hội cũng thấy rõ được vai trò của môn Lịch sử trong Chương trình giáo dục phổ thông, nhất là trong tình hình đất nước hiện nay.

“Tất cả các đại biểu quốc hội đã lắng nghe ý kiến của các nhà khoa học, của nhân dân, các cựu chiến binh và cũng đã nhận thấy những bất cập của chương trình giáo dục phổ thông tổng thể do Ban soạn thảo làm” PGS. Vỳ cho hay.

PGS. TS Nghiêm Đình Vỳ. Ảnh Xuân Trung
PGS. TS Nghiêm Đình Vỳ. Ảnh Xuân Trung

Cũng theo PGS. Nghiêm Đình Vỳ, sắp tới Ban soạn thảo cũng phải điều chỉnh lại chương trình giáo dục phổ thông tổng thể, trong đó có cả kế hoạch dạy và học. Nếu như chỉ đạo của Quốc hội thì phải điều chỉnh lại cả các môn khoa học xã hội, điều chỉnh cả thời lượng trong dự thảo mới. 

Đồng quan điểm, PGS. Vũ Quang Hiển, giảng viên khoa Lịch sử, trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội) cho rằng, việc Quốc hội có nghị quyết để môn Lịch sử là môn bắt buộc, đó là một quyết định sáng suốt.

Bởi rõ ràng trí tuệ của Quốc hội đã nhìn thấy môn Lịch sử như là một môn khoa học riêng biệt, độc lập. Theo ý kiến của PGS. Hiển, vì đâu có việc tích hợp như trong dự thảo, bởi xuất phát của Ban soạn thảo chương trình mới là dựa vào xu thế của thế giới tích hợp, nhưng Ban soạn thảo không hiểu một vấn đề “xu thế của thế giới là tích hợp, nhưng không tích hợp môn Lịch sử”.

Quốc hội đã có quyết định hợp lòng dân ảnh 2

GS. Bùi Đình Thanh: Xã hội chưa đồng tình, càng cố càng thêm rắc rối

(GDVN) - “Đừng làm rối thêm vấn đề, một vấn đề xã hội không đồng tình thì càng nhiều rắc rối” GS. Bùi Đình Thanh, nhà giáo lão thành nói.

Ngay cả những nước đã từng tích hợp môn Lịch sử như Nhật Bản thì hiện nay cũng phải xây dựng lại đề án để trả lại vị trí độc lập của môn học này.

“Rõ ràng không có lý gì Việt Nam lại đi vào vết xe đổ đó. Do vậy, tôi nghĩ quyết định của Quốc hội là một quyết định sán suốt, thể hiện một tầm nhìn xa trông rộng. Tôi nghĩ đây cũng là trách nhiệm của Quốc hội đối với nhân dân, với đất nước” PGS. Vũ Quang Hiển khẳng định.

Hơn nữa, theo PGS. Vũ Quang Hiển, đây còn là một quyết định dũng cảm, bởi vì dự thảo chương trình giáo dục phổ thông đã xây dựng xong, giờ phải thay đổi, bổ sung, nhưng trên thực tế Bộ GD&ĐT muốn giữ nguyên như trong dự thảo. 

“Quốc hội cũng đã phản ánh được vị trí, nguyện vọng của đông đảo tầng lớp nhân dân, không chỉ là các thầy cô dạy sử mà còn nhiều các em học sinh, các bác cựu chiến binh, đặc biệt là những người già, những người mà trước nay không biết tới internet là gì” PGS. Vũ Quang Hiển nói.

Cũng theo PGS. Hiển thông tin, ngay tại khu vực nhà gia đình ông sinh sống, trong các cuộc họp chi bộ, tổ dân phố thì đã có rất nhiều người ý kiến về chuyện Lịch sử là môn tích hợp. 

PGS. Vũ Quang Hiển. Ảnh Xuân Trung
PGS. Vũ Quang Hiển. Ảnh Xuân Trung

Nhận định về chỉ đạo từ Quốc hội với việc thông qua để môn Lịch sử là môn bắt buộc trong chương trình giáo dục phổ thông mới, PGS. Vũ Quang Hiển cho rằng, chắc chắn thời gian tới Bộ GD&ĐT phải điều chỉnh dự thảo.

Bởi các môn đều quan trọng, nhưng riêng môn Lịch sử có tính đặc thù, tính đặc thù biểu hiện ở hai mặt; thứ nhất là bản thân môn học này có tính tích hợp rất cao; thứ hai, môn học này cung cấp nền tảng tri thức về nền văn hóa dân tộc, xây dựng con người Việt Nam.

Do đó, không có môn nào thay thế được, nếu chia cắt, làm mất tính thống nhất thì rõ ràng hậu quả không thể lường trước được. 

“Với chỉ đạo này chắc chắn Bộ GD&ĐT sẽ phải thay đổi, không thể làm khác được, nếu Bộ làm khác chắc chắn còn vướng vào nhiều phản ứng từ dư luận. Và Quốc hội đã nhìn thấy điều này, do đó, quyết định này còn mang tính đại diện cho nhân dân, đó là quyết định cần phải được tôn trọng” PGS. Vũ Quang Hiển khẳng định.

Là một giáo viên dạy Lịch sử ở bậc phổ thông, thầy Trần Trung Hiếu (Trường THPT chuyên Phan Bội Châu, Nghệ An) cho biết, khi biết được tin Quốc hội đề nghị môn Lịch sử là môn bắt buộc thì thầy đã thở phào nhẹ nhõm. Bởi suốt hơn 2 tháng qua thầy và các đồng nghiệp ăn không ngon, ngủ không yên về vấn đề tích hợp Lịch sử. 

Quốc hội đã có quyết định hợp lòng dân ảnh 4

Nhiều thầy cô ở Nghệ An không nghỉ Lễ, bàn chuyện cứu môn Lịch sử

(GDVN) - Chiều ngày 20/11/2015, tại thành phố Vinh - Nghệ An đã diễn ra cuộc Tọa đàm bàn tròn “Có hay không tích hợp môn Lịch Sử”.

Có lẽ ghi nhận được công sức của thầy Trần Trung Hiếu đấu tranh để bảo vệ vị thế môn Lịch sử trong dự thảo chương trình mới, khi Nghị quyết của Quốc hội thông qua vẫn đề nghị Lịch sử là môn học bắt buộc ở chương trình phổ thông thì Nhà sử học Dương Trung Quốc đã gọi điện báo cho thầy Hiếu đầu tiên.
“Tôi nghĩ mình đã góp một phần nhỏ bé để tạo nên một kết quả rất vui, khi Quốc hội quyết định môn Lịch sử không nằm trong những môn tích hợp. Đây là điều đáng trân trọng, hôm nay tôi đã sút cân, bơ phờ vì đã dành nhiều thời gian đấu tranh, có những lúc rơi vào ngõ cụt bởi sự bảo thủ của Bộ GD&ĐT.

Tôi vẫn nói với những giáo viên dạy sử rằng, đây là thắng lợi bước đầu và căn bản. Điều quan trọng nhất tôi và các đồng nghiệp chờ đợi sự đón nhận của Bộ GD&ĐT, và cách hành xử của Bộ về quyết định của cơ quan quyền lực cao nhất đất nước. Nhưng tôi tin đây là một bước ngoặt, tưởng chừng không vượt qua nổi sự bảo thủ của Bộ, nhưng bây giờ Bộ trưởng phải chấp hành” thầy Trần Trung Hiếu khẳng định.

Trước đó, Dự thảo chương trình Giáo dục phổ thông tổng thể nhận được sự quan tâm đặc biệt ở bộ môn Lịch sử. Theo bản dự thảo này thì ở tiểu học, Lịch sử được tích hợp trong bộ môn Khoa học xã hội theo dạng bắt buộc, cấp THCS, môn học này được phân hóa trở lại trong các môn tự chọn.

Cấp THPT sẽ chỉ còn 4 môn bắt buộc gồm: Ngữ văn, Ngoại ngữ 1, Toán, Công dân với Tổ quốc (tích hợp từ ba phân môn Giáo dục đạo đức, Lịch sử, Giáo dục quốc phòng an ninh).

Trước sự băn khoăn của các nhà sử học, chiều 3/11, Bộ GD&ĐT làm việc với Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam cùng đại diện Ban Tuyên giáo Trung ương, Liên hiệp Hội khoa học Kỹ thuật và các đơn vị liên quan về Dự thảo. Tại đây, các ý kiến bày tỏ quan điểm hoàn toàn không nhất trí với việc tích hợp Lịch sử ở cấp học THPT như trong Dự thảo nêu.

Ngày 15/11, tại Hội thảo khoa học về môn Lịch sử, giới chuyên môn chỉ trích Bộ GD&ĐT đang “khai tử môn Lịch sử” khi xây dựng chương trình giáo dục phổ thông mới. Ngay sau đó, trả lời chất vấn của đại biểu quốc hội, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Vũ Luận cho biết sẽ cân nhắc kỹ, nếu không phù hợp sẽ không tích hợp môn Lịch sử.

Liên quan đến chủ trương tích hợp môn Lịch sử, Báo điện tử Giáo dục Việt Nam đã mở chuyên đề và nhận được đóng góp, ý kiến của nhiều nhà khoa học, lão thành cách mạng, của nhiều tầng lớp nhân dân.

Các ý kiến phần đông cho rằng nên chú trọng đến môn lịch sử với tư cách là môn học bắt buộc, độc lập.

Tuy nhiên, cũng có nhiều đòi hỏi phải đổi mới cách dạy và học môn này sao cho hấp dẫn, hiệu quả.

Chúng tôi sẽ tiếp tục với chuyên đề này trong các số báo tới.

Xuân Trung