Ông Dương Trung Quốc: "Bộ Giáo dục nên cẩn trọng, có thiện chí và dân chủ hơn"

01/12/2015 06:50
Xuân Trung (thực hiện)
(GDVN) - "Bộ quyết tâm trên nền tảng nào, quyết tâm để làm một dự án là chuyện khác, nếu quyết tâm làm thay đổi giáo dục lịch sử thì chúng tôi hết sức ủng hộ".

Nhà sử học, Đại biểu Quốc hội Dương Trung Quốc bày tỏ quan điểm khi trao đổi với phóng viên Báo điện tử Giáo dục Việt Nam bên lề Đại hội Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam khóa VII chiều ngày 30/11 về Dự thảo Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể, đặc biệc là việc tích hợp môn Lịch sử.

Phóng viên: Phản ứng của giới sử học như thế nào khi Quốc hội thông qua Nghị quyết trong đó giữ môn Lịch sử là môn học bắt buộc trong chương trình giáo dục phổ thông mới?

Nhà sử học Dương Trung Quốc: Chúng tôi ghi nhận đó là một sự chia sẻ rất lớn của xã hội, đặc biệt là trên diễn đàn Quốc hội.

Các cuộc chất vấn tuy là chỉ một vấn đề nhưng đã tạo ra hiệu ứng rất tốt, vừa động viên, nhắc nhở những người có trách nhiệm, đồng thời đòi hỏi có một sự cần thiết lúc này là lúc tập hợp nhau lại, chứ không phải là lúc để tạo ra những khuynh hướng xa cách nhau. Vì rõ ràng giáo dục lịch sử là vấn đề lớn, liên quan tới thế hệ tương lai thì chúng ta phải tập hợp nhau lại.

Ông nghĩ thế nào về động thái của Bộ GD&ĐT khi mà sau ngày 27/11 Quốc hội quyết giữ môn Lịch sử là môn học bắt buộc trong chương trình mới, nhưng Bộ vẫn triển khai tập huấn cho giáo viên về phương pháp dạy tích hợp môn này ở một số trường của tỉnh Thanh Hóa như GS. Nguyễn Quang Ngọc đề cập?

Nhà sử học Dương Trung Quốc: Về hình thức thì cảm thấy không cần thay đổi gì cả, nhưng điều quan trọng hơn tôi nghĩ Bộ GD&ĐT cần cẩn trọng hơn, nên có thiện chí hơn, nhất là trong bối cảnh hiện nay phải dân chủ hơn. Đừng biến các thế hệ học sinh là vật để thí nghiệm.

Ông Dương Trung Quốc trao đổi với phóng viên. Ảnh Xuân Trung
Ông Dương Trung Quốc trao đổi với phóng viên. Ảnh Xuân Trung

Cá nhân ông và Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam có sẵn sàng hợp tác với Bộ GD&ĐT để thúc đẩy môn học này trong trường phổ thông hay không?

Nhà sử học Dương Trung Quốc: Chúng tôi sẵn sàng đứng đằng sau ủng hộ Bộ GD&ĐT, chúng tôi chỉ không tán thành cách làm dường như thiếu thận trọng, chưa dân chủ.

Dân chủ là ở chỗ phải tham khảo ý kiến nhiều người, chia sẻ với mọi người. Tôi có cảm giác rằng trong trường hợp này Bộ GD&ĐT triển khai một dự án nhiều hơn là xây dựng một mục tiêu làm tri thức lịch sử đi vào đời sống học đường. 

Tôi nghĩ rằng, sau này sẽ có sự hợp tác tốt hơn, mặc dù trước kia Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam đã có sự hợp tác với Bộ GD&ĐT, nhưng riêng đối với chủ trương tích hợp Lịch sử thì cần phải xem xét lại, cẩn trọng hơn và quan trọng nữa là nâng cao môn học này trong trường học.

Ông Dương Trung Quốc: "Bộ Giáo dục nên cẩn trọng, có thiện chí và dân chủ hơn" ảnh 2

Chủ tịch nước: Lịch sử là cội nguồn của sức sống, là sự trường tồn của dân tộc

Một vấn đề như Bộ trưởng Phạm Vũ Luận giải trình trước Quốc hội là vẫn giữ môn học Lịch sử trong chương trình mới, vẫn tăng giờ dạy, nhưng nếu không thi (không chỉ riêng môn sử) thì học sinh sẽ không học, nhưng đó cũng chỉ là hình thức, cái quan trọng là làm cho lịch sử hấp dẫn, thành nhu cầu.

Do đó chúng ta phải thay đổi lại phương pháp giảng dạy, đồng thời phải quan tâm hơn nữa tới các thầy cô dạy sử.

Giới sử học sẽ tham gia viết lại sách giáo khoa lịch sử lần này không và vai trò của Hội là như thế nào trong việc này?

Nhà sử học Dương Trung Quốc: Tôi nghĩ việc viết sách giáo khoa vừa là vấn đề khoa học, vừa là vấn đề sử học, đồng thời là một khoa học sư phạm, do đó cần có sự kết hợp trên cơ sở rút kinh nghiệm của các thầy cô dạy sử lâu năm, trên cơ sở học hỏi phương pháp của bạn bè quốc tế và tranh thủ sự hợp tác của giới sử học.

Nếu làm tốt được những vấn đề đó thì có thể giải quyết được vấn đề bức xúc hiện nay.

Vậy theo ông làm gì để thay đổi cách nhìn nhận của xã hội về lịch sử, đặc biệt là giới trẻ?

Nhà sử học Dương Trung Quốc: Tôi nghĩ thuận lợi lớn nhất là chúng ta có chủ trương, đó là tạo mọi điều kiện để mọi người cùng tham gia vào, không chỉ trong nhà trường mà còn học ở ngoài xã hội, không chỉ trong sách giáo khoa, trên bục giảng mà còn có thêm nhiều yếu tố hỗ trợ như ngôn ngữ nghệ thuật, tiếp cận những không gian lịch sử, với những nhân chứng lịch sử. 

Do đó, đòi hỏi chúng ta phát huy, có một sáng kiến, hình thức để bổ sung thêm giáo dục thuần túy ở học đường. Đây là việc làm mà nhiều quốc gia đã quan tâm. 

Vấn đề liên quan tới môn sử không chỉ có riêng Việt Nam, khi xã hội phát triển mạnh mẽ như thế thì vị thế của Lịch sử quan trọng như thế nào, đây là vấn đề cả thế giới họ quan tâm.

Ông Dương Trung Quốc: "Bộ Giáo dục nên cẩn trọng, có thiện chí và dân chủ hơn" ảnh 3

Giáo sư Phan Huy Lê muốn rõ thế nào là "tiếp tục giữ môn học Lịch sử?

(GDVN) - Các nhà quản lý giáo dục, chuyên gia sử học đều cho rằng, cần làm rõ thế nào là "tiếp tục giữ môn học Lịch sử trong chương trình sách giáo khoa mới"?

Nếu chúng ta biết cầu thị thì có thể học hỏi được rất nhiều điều hay của thiên hạ, nhưng trước hết ở những người có trách nhiệm liên quan tới lịch sử phải tập hợp lại về trí tuệ, về năng lực.

Bộ GD&ĐT từng có ý kiến muốn đổi mới thì phải có ý kiến trái chiều, có phản biện, do vậy nên Bộ vẫn quyết tâm làm, ông nghĩ sao về điều này?

Nhà sử học Dương Trung Quốc: Quan trọng là họ quyết tâm trên nền tảng nào, quyết tâm để làm một dự án là chuyện khác, nếu quyết tâm làm thay đổi giáo dục lịch sử thì chúng tôi hết sức ủng hộ. Do đó, nếu quyết tâm làm dự án thì chúng tôi phản đối.

Theo ông, truyền thông có vai trò như thế nào để thay đổi nhận thức học Lịch sử?

Nhà sử học Dương Trung Quốc: Trước hết truyền thông phản ánh hiện thực, có thể cảnh báo, dự báo để cho những người có trách nhiệm phải quan tâm, để làm sao mối quan tâm đó được cụ thể hóa bằng việc làm cụ thể. Ở đây tôi muốn nói tới việc nâng cao chất lượng dạy và học môn Lịch sử ở các trường phổ thông. 

 Bộ Giáo dục đang bất chấp?

“Tiếp tục giữ môn học Lịch sử trong chương trình sách giáo khoa mới” là chỉ đạo kịp thời, sáng suốt của Quốc hội. Việc giữ lại môn Lịch sử được đưa vào nghị quyết của Quốc hội, thì mặc nhiên Chính phủ và Bộ GD&ĐT phải thực hiện, nhưng cần làm rõ giữ môn lịch sử thế nào? Việc có bắt buộc học bộ môn này hay không vẫn chưa có câu trả lời cuối cùng.

Đúng là trong bản dự thảo chương trình giáo dục phổ thông tổng thể có nhiều chỗ trình bày chưa rõ ràng, nhưng cái chưa rõ ràng lại nằm ở chỗ khác, còn việc chia môn Lịch sử ra từng mẩu nhỏ để tích hợp một cách tùy tiện thì dù có được giải thích như thế nào thì cũng không dấu nổi một thực tế là đã loại bỏ môn Lịch sử với tư cách là một môn khoa học.

GS. Nguyễn Quang Ngọc. Ảnh Xuân Trung
GS. Nguyễn Quang Ngọc. Ảnh Xuân Trung

Ban soạn thảo đã đánh lận giữa kiến thức lịch sử với khoa học lịch sử, mà giáo dục lịch sử trong nhà trường dù là cấp học nào thì cũng phải cung cấp cho học sinh nhận thức khoa học về lịch sử dân tộc, lịch sử nhân loại, chứ không phải là nhồi nhét kiến thức. 

Sử học gắn chặt với chính trị, nhưng năng lực phục vụ chính trị của Sử học lại nằm ở tính khách quan, khoa học của nó.

Sự yếu kém của sách giáo khoa lịch sử phổ thông đang lưu hành chính là do quá chú trọng đến kiến thức lịch sử, mà ít quan tâm đến Lịch sử với tư cách là một môn khoa học trong tính hệ thống và toàn diện.

Đây là vấn đề lý ra cần phải được rút kinh nghiệm một cách nghiêm túc nhưng Bộ cố tình lẩn tránh và đổ lỗi cho giới Sử học.

Bất chấp sự phản đối của toàn xã hội, những ngày 27, 28, 29 tháng 11, Bộ GD&ĐT đồng thời triển khai chương trình tập huấn môn học tích hợp Công dân với Tổ quốc tại Thanh Hóa cho 106 giáo viên và môn học tích hợp Khoa học xã hội tại Thừa Thiên Huế cho 150 giáo viên Lịch sử, Địa lý.

Trên cơ sở vị thế đã được khẳng định (tức là môn Lịch sử phải là môn học cơ bản, độc lập và bắt buộc từ cấp trung học cơ sở đến cấp trung học phổ thông, ngang hàng với các môn học cơ bản, độc lập và bắt buộc khác), chúng ta phải tìm mọi cách khôi phục chất lượng giáo dục môn Lịch sử, đổi mới một cách căn bản và toàn diện hệ thống môn học. 

Chúng ta phải dồn tâm, dốc sức xây dựng lại chương trình, biên soạn lại sách giáo khoa theo hướng tổng hợp, đa ngành và liên ngành; nâng cao chất lượng đào tạo giáo viên, thay đổi cách dạy, cách học và cách thi... để phát huy cao nhất hiệu quả giáo dục của môn Lịch sử trong chương trình giáo dục phổ thông mới Việt Nam. 

GS. Nguyễn Quang Ngọc, phó Chủ tịch Hội khoa học Lịch sử Việt Nam cho biết. 

Xuân Trung (thực hiện)