Cần làm rõ lợi nhuận, phi lợi nhuận trong Luật Giáo dục ĐH

06/10/2011 07:40
Xuân Trung
(GDVN) -Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng ngoài công lập vừa tổ chức buổi Hội thảo góp ý luật giáo dục đại học các trường phía Bắc.
Đã là Đại học Quốc gia thì không nên đào tạo Cao đẳng

Tại Hội thảo góp ý cho Luật Giáo dục ĐH (GDĐH) của các trường ĐH, CĐ Ngoài công lập (NCL) phía Bắc tại Hà Nội hôm 5/10, nhiều ý kiến đều bày tỏ, sau khi đã qua 4 bản dự thảo, cho tới bản  dự thảo lần thứ 5 này vẫn còn rất nhiều điều phải mổ xẻ.

Ông Lê Viết Khuyến, Trưởng ban Hệ thống chất lượng giáo dục ĐH (Hiệp hội các trường ĐH - CĐ Ngoài công lập), nguyên là Vụ phó Vụ Giáo dục đại học đã chỉ rõ, bản chất là góp ý cho luật Giáo dục ĐH nhưng thực tình đọc kỹ thì đó lại là luật của các trường, các cơ sở giáo dục chứ không phải Luật Giáo dục ĐH.

Theo ông, những vướng mắc của nền giáo dục Việt Nam đã không được đề cập đến ở đây. Ông Khuyến dẫn chứng, ngay tại điều 2 (Luật này áp dụng đối với trường CĐ, trường ĐH, HV, ĐH, viện nghiên cứu khoa học được phép đào tạo trình độ tiến sỹ, tổ chức và cá nhân có liên quan đến Giáo dục ĐH), ông Khuyến đặt vấn đề: Vậy trách nhiệm từ phía xã hội, từ phía doanh nghiệp để đi đâu? Những vấn đề đó chúng ta chưa đưa vào luật, lâu nay chúng ta vẫn ở góc độ là động viên, hô hào để xã hội quan tâm chứ không làm cho xã hội thấy được tất cả các thành phần”.
Buổi Hội thảo góp ý cho luật Giáo dục đại học thu hút nhiều các vị GS đầu ngành. Ảnh Xuân Trung
Buổi Hội thảo góp ý cho luật Giáo dục đại học thu hút nhiều các vị GS đầu ngành. Ảnh Xuân Trung
Về việc phải sớm làm rõ Hệ thống các trường ĐH, CĐ hiện nay, ông Khuyến cho biết rằng, bản thân ông đã tham quan nhiều nước trên thế giới nhưng chưa thấy nước nào phân loại các cơ sở giáo dục ĐH như chúng ta (CĐ, ĐH, HV, ĐHQG…). Theo ông Khuyến, sự bất cập trong cách gọi tên các trường của Việt Nam chưa rõ ràng, làm rối loạn cả Hệ thống ĐH.

“Quan trọng nhất chúng ta phải định hướng cho sự hình thành hệ thống Giáo dục ĐH, phân tầng, thống nhất, đa dạng rõ ràng, hiệu quả và mang tính đại chúng, đáp ứng đầy đủ yêu cầu cho sự phát triển kinh tế xã hội của đất nước. Những hệ thống này cần phải được thể hiện trong luật Giáo dục ĐH.”

Phó hiệu trưởng ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội Lê Khắc Đoá cũng cho biết, trong luật GDĐH lần này phải xác định được chức năng của ĐHQG là như thế nào. “Đã là ĐHQG trực thuộc Chính phủ thì phải nhấn mạnh vào đào tạo chất lượng cao, nghiên cứu khoa học là những trọng điểm.
TS Lê Khắc Đoá cho rằng: Hiện nay trong luật cũng nên xiết chặt hệ đào tạo liên thông. Ảnh Xuân Trung
TS Lê Khắc Đoá cho rằng: Hiện nay trong luật cũng nên xiết chặt hệ đào tạo liên thông. Ảnh Xuân Trung
Ngoài ra, cần chú trọng đào tạo thạc sỹ, tiến sỹ và đào tạo giảng viên cho các trường chuyên nghiệp (như các trường ĐH Sư phạm kỹ thuật cũng đang không đủ giáo viên). ĐHQG không nên đào tạo trình độ CĐ” TS Lê Khắc Đóa góp ý.

TS Trần Thị Thu Hà, Phó hiệu trưởng trường ĐH Hòa Bình nêu quan điểm, chỉ nên có một hệ thống là trường ĐH chứ không cần rườm rà như hiện tại.

“Bộ Giáo dục vẫn độc đoán"

Bằn khoăn về quản lí nhà nước trong dự thảo luật GDĐH chưa rõ ràng, thể hiện tính độc đoán của Bộ Giáo dục, TS Trần Thị Thu Hà, Phó hiệu trưởng trường ĐH Hòa Bình cho rằng: “Trong dự thảo có nói, Bộ Giáo dục tổ chức biên soạn giáo trình chung cho tất cả các cơ sở giáo dục ĐH. Tuy nhiên, giáo trình của mình đang theo hướng tiên tiến trên thế giới mà Bộ Giáo dục lại đứng ra tổ chức biên soạn, mà còn biên soạn chung cho tất cả các cơ sở giáo dục ĐH. Tôi nói, Bộ Giáo dục không thể giỏi hơn các GS chuyên ngành được. Chỉ có những GS chuyên ngành người ta mới hiểu ngành đó, từ đó biến tri thức, chấm xám thành những quyển giáo trình và lựa chọn để viết ra cho phù hợp”
TS Trần Thị Thu Hà, Phó hiệu trưởng trường ĐH Hòa Bình: "Mình Bộ Giáo dục không thể đảm đương và giỏi hơn các GS đầu ngành được". Ảnh Xuân Trung
TS Trần Thị Thu Hà, Phó hiệu trưởng trường ĐH Hòa Bình: "Mình Bộ Giáo dục không thể đảm đương và giỏi hơn các GS đầu ngành được". Ảnh Xuân Trung
Vấn đề  tự chủ và phi lợi nhuận lâu nay đang là chủ đề bàn cãi, chưa đi tới thống nhất giữa Nhà nước và các trường NCL, đây cũng là khía cạnh được các hiệu trưởng góp ý thẳng thắn. GS, TS Trần Hữu Nghị, Hiệu trưởng trường ĐH DL Hải Phòng cho rằng, tự chủ ở đây được hiểu là sự tự do của một cơ sở GDĐH, điều hành công việc mà không có sự chỉ đạo từ bất cứ một cấp chính quyền nào. “Tự chủ ĐH cho phép mở các cơ sở GDĐH, tiến hành các hoạt động tổ chức mà không có sự can thiệp từ bên ngoài. Nói như vậy không có nghĩa là nằm ngoài sự chi phối của pháp luật. Tự chủ là có điều kiện, điều kiện đó được xây dựng trên mối quan hệ giữa Nhà nước, xã hội và cơ sở GDĐH” GS. TS Nghị cho biết.

Theo các GS tại Hội thảo,  lâu nay chúng ta cứ ngỡ từ tự chủ là các trường được quyền quyết định mọi thứ, nhưng thực tế không phải vậy. GS, TSKH Hoàng Trọng Yêm, Hiệu trưởng trường ĐH Lương Thế Vinh  (Nam Định) cho rằng, khái niệm tự chủ có từ những năm 1980 trở lại đây.

Nhưng thực tế, các trường không có quyền tự chủ: “Chính xác là không đảm bảo đầy đủ quyền tự chủ. Thể hiện rõ nhất hiện nay là vấn đề ba chung, ba chung đã được 10 năm. Thời gian đầu còn tỏ ra hiệu quả và tốt để xác định trình độ chung, nhưng lâu quá thành ra lạc hậu” GS, TSKH Hoàng Trọng Yêm góp ý.
GS, TSKH Hoàng Trọng Yêm, Hiệu trưởng trường ĐH Lương Thế Vinh: Ba chung hiện tại đã quá lạc hậu và không hiệu quả với tình hình thực tế. Ảnh Xuân Trung
GS, TSKH Hoàng Trọng Yêm, Hiệu trưởng trường ĐH Lương Thế Vinh: Ba chung hiện tại đã quá lạc hậu và không hiệu quả với tình hình thực tế. Ảnh Xuân Trung
Nhiều ý kiến phân tích thêm, vấn đề tự chủ của các trường trong dự thảo luật lần này phải nói rõ hơn, trường được tự chủ cái gì, trường được làm gì, trường là đơn vị thực thi pháp luật và ngoài trường còn có xã hội. Vậy, các ý kiến bày tỏ phải giải quyết quan hệ Nhà nước, nhà trường và xã hội trong luật như thế nào cho chính xác.

Ngoài ra, một số ý kiến trong Hội thảo góp ý cho luật GDĐH cũng cho rằng, cần xác định  rõ khi nào thì gọi các trường ĐH, CĐ, HV cho đúng. Cần làm  rõ chức năng và nhiệm vụ của ĐH vùng.

Sử dụng triết lí  giáo dục của Chủ tịch Hồ Chí Minh?

Bàn về vấn đề triết lí trong giáo dục, lâu nay vẫn chưa đi tới thống nhất. Trong dự thảo luật GDĐH lần này, các ý kiến bày tỏ phải có một triết lí giáo dục để định hướng.

Theo TS Lê Khắc Đóa, Phó Hiệu trưởng trường ĐH Kinh doanh và công nghệ Hà Nội, giáo dục ĐH và trên ĐH của Việt Nam nên lấy theo triết lí làm giáo dục của Chủ tịch Hồ Chí Minh là: Học đi đôi với hành, lí luận đi đôi với thực tế, nhà trường gắn liền với xã  hội.

Đồng quan điểm với TS Đóa, GS, TS Trần Hữu Nghị cũng cho rằng, nên lấy theo triết lí giáo dục của Bác Hồ làm nền tảng.


Sắp tới sẽ có chế độ riêng cho GS và PGS?

Theo ông Chu Hồng Thanh, Vụ trưởng Vụ pháp chế (Bộ GD&ĐT):

“Chính sách đối với nhà giáo hiện nay chưa tương xứng, với GS hay PGS hướng tới sẽ không có sự phân biệt giữa Công lập hay NCL. Hiện nay GS, PGS cũng chưa có chế độ gì thêm, trong luật tới chúng tôi đang cố gắng để có chế độ riêng đối với GS và PGS. Ngoài ra, sẽ có chính sách kéo dài thời gian làm việc ở những người có trình độ cao tại các trường  Công lập, những vấn đề đó đã được tính đến trong luật”.



Xuân Trung