Doanh nghiệp điều hành bóng đá: Tấm gương từ Ngoại hạng Anh

06/10/2011 08:17
Theo DĐDN
Thành tích của bóng đá Anh không phải là xuất sắc nhất, nhưng đội bóng lẫn các CLB của Anh luôn được yêu thích nhất thế giới.

Có được kiểu làm đầy nghệ thuật nhưng cũng đầy tính toán này là nhờ đơn vị điều hành giải ngoại hạng Anh hoạt động như một tập đoàn cổ phần. Tập đoàn này được thành lập vào năm 1992 - DN điều hành giải bóng đá đầu tiên của thế giới.


Nâng cao cạnh tranh

Trước năm 1992, khi Liên đoàn Bóng đá Anh quản lý và điều hành cùng một lúc 92 đội bóng chuyên nghiệp, bóng đá Anh nhàm chán và bế tắc rất nhiều so với ngày nay. Họ bị các nền bóng đá của Tây Ban Nha, Italia... lấn lướt. Một bộ máy nhỏ bé là liên đoàn bóng đá nhưng quản lý rất nhiều đội và cũng làm nhiều công việc khác, điều này đã tạo ra kiểu làm việc quan liêu, cửa quyền, không minh bạch... dẫn tới số lượng người xem rất thấp, khả năng bán bản quyền truyền hình không cao. Chất lượng giải đấu, khả năng điều hành của BTC kém, tính cạnh tranh giữa các đội bóng không lớn khiến bóng đá Anh lúc đó nguy cơ rơi vào khủng hoảng và quên lãng.
Bóng đá Anh đã trở nên hấp dẫn nhờ Tập đoàn điều hành giải ngoại hạng Anh.
Bóng đá Anh đã trở nên hấp dẫn nhờ Tập đoàn điều hành giải ngoại hạng Anh.

Trước thực trạng đó, yêu cầu cải cách trong bóng đá chuyên nghiệp được đưa ra. Tập đoàn điều hành Bóng đá chuyên nghiệp được thành lập, tách ra từ Liên đoàn bóng đá Anh, đơn vị này quản lý, giám sát và đưa ra phương thức hoạt động của giải ngoại hạng. Do hoạt động như một Cty cổ phần nên mỗi đội bóng ngoại hạng như một cổ đông. Hiện tại, có 20 đội bóng chuyên nghiệp chơi ở giải Ngoại hạng. Các CLB cũng tự chọn và bầu ra một chủ tịch, các nhân sự cao cấp và Ban tổ chức để giám sát các hoạt động của giải đấu. Quá trình cạnh tranh và đào thải các vị trí chủ chốt trên cũng rất khốc liệt. Mùa giải bắt đầu từ tháng Tám và kết thúc vào tháng Năm năm sau với tổng cộng 380 trận. Từ năm 1993 - 2007 giải có tên Premiership, nhưng sau đó chuyển thành Barclays Premier League do nhận được tài trợ mạnh từ ngân hàng Barclays.

Hoạt động trong môi trường mới, có nhiều cơ hội phát triển nên các đội bóng đá ở giải ngoại hạng Anh ngày càng phải có tính cạnh tranh cao, được hưởng tính khách quan và công tâm từ trọng tài hơn. Bóng đá Anh đã trở lên hấp dẫn như những gì mà nó từng tự hào là quê hương sản sinh ra môn túc cầu này. Premier League đã lần lượt vượt qua Serie A (Italia), Bundeslia (Đức), La Liga (Tây Ban Nha)... để trở thành giải đấu hấp dẫn nhất châu Âu và hành tinh.

Minh bạch từ xã hội hóa

Nhờ thành công của Tập đoàn điều hành giải ngoại hạng nên năm 2010, Ban lãnh đạo đơn vị này đã nhận được “Giải thưởng DN trong hạng mục Thương mại quốc tế” do Nữ Hoàng Anh MajestyQueen Elizabeth II trao tặng. Ngoài ra, đơn vị này cũng được tôn vinh nhờ đóng góp cho lĩnh vực truyền thông và các ngành dịch vụ khác phát triển và ăn theo.

Có thể nói, sự can thiệp của DN vào giải đấu bóng đá ở Anh là mạnh mẽ và triệt để nhất thế giới trong thập kỷ 90 của thế kỷ trước, trong khi các giải của Italia, Đức, Tây Ban Nha chưa chú trọng cải tổ, thậm chí ở các quốc gia này, liên đoàn bóng đá vẫn điều hành giải theo kiểu truyền thống như từ khi thành lập.

Theo các chuyên gia quốc tế, không có ý thức xã hội hóa bóng đá qua DN khiến Serie A, Bundesliga... ngày càng trở nên nhàm chán, không phải vì chất lượng chuyên môn thấp mà vì sân cỏ thiếu không khí “ăn bóng đá, ngủ bóng đá” do khả năng tiếp thị hình ảnh cầu thủ tới khán giả chưa được chú trọng, công tác điều hành tổ chức trận đấu không cao và có nhiều mặt trái khác do chưa tạo động lực cạnh tranh ở mỗi CLB - mỗi cổ đông tham gia giải.

Cũng có một số nhà nghiên cứu bóng đá cho rằng, DN xã hội hóa bóng đá sẽ làm mất đi tinh thần thượng võ của thể thao? Nhưng nhìn thực tế từ bóng đá Anh và một số nước có nền bóng đá phát triển nhanh ở châu Á như Nhật Bản, Hàn Quốc (riêng Hàn Quốc sẵn sàng đưa Tổng giám đốc Cty điều hành giải quốc gia là người ngoài CLB, ngoài Liên đoàn bóng đá vào điều hành giải) cho thấy, DN tham gia vào xã hội hóa bóng đá, chất lượng giải đấu không chỉ cao mà còn thu hút được nhiều khán giả, doanh thu tài chính lớn, thời gian điều hành trận đấu hợp lý hơn và đặc biệt là công tác trọng tài... Minh chứng là công tác trọng tài ở ở Anh ít bị kêu ca hơn hẳn ở Italia, Tây Ban Nha...
Theo DĐDN