Thành phố Hồ Chí Minh làm tốt công tác cai nghiện

09/05/2015 15:00
Hương Linh
(GDVN) - Mặc dù hiệu quả nhưng đề án đưa người nghiện không nơi cư trú ổn định vào cơ sở xã hội khó nhân rộng cả nước vì còn vướng quá nhiều luật.

Chiều 8/5, Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội đã có buổi làm việc với UBND TP. Hồ Chí Minh về việc đưa người nghiện ma túy không có nơi cư trú ổn định vào cơ sở cai nghiện bắt buộc.

Kéo giảm các tệ nạn

Báo cáo với đoàn khảo sát, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TP. Hồ Chí Minh Huỳnh Thanh Khiết cho biết qua 5 tháng thực hiện (từ ngày 5/12/2014 đến 30/4/2015), tổng số người phát hiện có biểu hiện nghi vấn sử dụng ma túy và được xét nghiệm tìm chất ma túy là 9.592. Qua xét nghiệm, có 5.845 người dương tính với ma túy, 2.652 người dương tính nhưng không thuộc đối tượng đưa vào cơ sở xã hội.

Phó Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh Hứa Ngọc Thuận thăm, động viên người nghiện điều trị tại một cơ sở xã hội
Phó Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh Hứa Ngọc Thuận thăm, động viên người nghiện điều trị tại một cơ sở xã hội

Chủ tịch UBND phường, xã, thị trấn đã ban hành 3.193 quyết định đưa người nghiện không có nơi cư trú ổn định vào các cơ sở xã hội để quản lý, cắt cơn, giải độc và tư vấn tâm lý. 

Cơ sở xã hội đã xác định tình trạng nghiện cho 3.055 người, trong đó nghiện heroin là 1.764 trường hợp, ma túy tổng hợp là 1.291 trường hợp; 224 trường hợp chưa xác định được tình trạng nghiện.

Tòa án nhân dân các quận, huyện đã quyết định áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc 1.974 trường hợp, có 14 người khiếu nại (đã được tòa án giải quyết lần 2 và tất cả giữ nguyên quyết định của Tòa án nhân dân quận, huyện), trong đó 1.968 người nghiện thi hành quyết định của tòa án.

Bên cạnh đó, qua gần 5 tháng ra quân đấu tranh phòng chống và kiểm soát ma túy, đưa người nghiện ma túy không có nơi cư trú ổn định vào các cơ sở xã hội, tình hình phạm pháp hình sự tại TP. Hồ Chí Minh được kéo giảm 472 vụ, tương đương 20% so với thời điểm liền kề. 

Các loại án xâm phạm sở hữu tài sản, nhất là án xảy ra nơi công cộng, giảm đáng kể; tình trạng sử dụng ma túy tại nơi công cộng cũng được kéo giảm rõ rệt…. Qua đó, góp phần quan trọng bảo đảm trật tự an toàn xã hội trên địa bàn TP và được nhân dân đồng tình, ủng hộ.

Nhiều địa phương đến khảo sát

Theo Báo Người lao động, nhìn nhận về đề án đưa người nghiện không nơi cư trú ổn định vào cơ sở xã hội ở TP. Hồ Chí Minh, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội Đặng Thuần Phong đánh giá cao nỗ lực của Thành phố: 

Tôi rất ấn tượng trước cách làm của Thành phố khi huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc, đặc biệt là vai trò chủ đạo của ban chỉ đạo đề án, từ đó tạo sự đồng thuận lớn trong nhân dân và xã hội. Những kết quả bước đầu đã chứng tỏ quyết tâm của TP. Hồ Chí Minh. 

Thành phố cũng nhận diện rất rõ những tồn tại và khó khăn. Từ nền tảng này, các tỉnh - thành khác cũng thực hiện
” - ông Phong khẳng định và mong muốn tại kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XIII sắp tới, TP. Hồ Chí Minh sẽ cung cấp thêm nhiều thông tin về đề án để giúp cho việc hoạt động chính sách được tốt hơn.

Theo ông Lê Đức Hiền, Phó Cục trưởng Cục Phòng chống tệ nạn xã hội (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội), đây là cố gắng rất lớn của TP. Hồ Chí Minh.

Thành phố thực hiện đề án hết sức chặt chẽ. Đến nay, nhiều tỉnh, thành trong cả nước vẫn chưa thực hiện được. Ở thời điểm hiện tại, chỉ có 10 địa phương thành lập được cơ sở xã hội.

Ngay như TP. Hà Nội cũng chưa lập được phiên tòa để xét xử người nghiện trong thời gian cắt cơn, giải độc tại cơ sở xã hội. TP. Hồ Chí Minh nên phổ biến kinh nghiệm để nhân rộng ra cả nước” - ông Hiền đề nghị.

Tuy nhiên, ở góc độ địa phương thực hiện đề án, Phó Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh Hứa Ngọc Thuận thẳng thắn:

Từ khi thực hiện đề án, rất nhiều đoàn của trung ương, địa phương khác đến TP. Hồ Chí Minh khảo sát. Thành phố cung cấp tất cả tài liệu cũng như cách làm nhưng nói thật là rất khó nhân rộng vì vướng quá nhiều luật như: Luật Phòng chống ma túy; Luật Xử lý vi phạm hành chính…”.

Không chỉ vướng về luật định, theo ông Khiết, 19.213 người nghiện có hồ sơ quản lý tại TP nhưng qua triển khai, chỉ 30% của hơn 3.000 người nghiện đưa vào cơ sở xã hội có thông tin, tài liệu nằm trong danh sách đợt rà soát, 70% còn lại không nằm trong danh sách thống kê (53% hộ khẩu tỉnh, 17% hộ khẩu
Thành phố nhưng bỏ nhà sống lang thang).

Điều này cho thấy tình trạng người nghiện sót lọt, không có hồ sơ quản lý còn nhiều khiến tình hình phức tạp. 

Mặt khác, việc xác minh tình trạng cư trú ổn định của người nghiện còn gặp nhiều khó khăn. Khoảng 70% người nghiện ma túy từ nhiều tỉnh, thành khác đến TP. Hồ Chí Minh sống lang thang.

Bản thân người nghiện cố tình khai nhiều địa chỉ, không đúng sự thật để gây trở ngại cho công tác xác minh nơi cư trú; đồng thời việc phối hợp xác minh nơi cư trú tại các tỉnh, thành khác, nhất là các tỉnh vùng sâu, vùng xa, cũng gặp khó khăn…

Quốc hội phải sửa đổi, bổ sung Luật Phòng chống ma túy cho phù hợp với Luật Xử lý vi phạm hành chính và tình hình thực tiễn. Về phía Chính phủ, phải chỉ đạo các địa phương hỗ trợ tích cực cho TP. Hồ Chí Minh trong việc xác minh nơi cư trú của người nghiện” - ông Khiết đề xuất.

Trước ý kiến của TP. Hồ Chí Minh, ông Đặng Thuần Phong nhìn nhận đúng là người đứng đầu các tỉnh, thành chưa quan tâm, chỉ đạo sâu sát việc hỗ trợ TP. Hồ Chí Minh xác định nơi cư trú của người nghiện. Bên cạnh đó, hiện các văn bản luật còn chồng chéo, chưa tương thích, chậm hướng dẫn gây khó khăn nhiều cho việc thực hiện đề án.

Nghị quyết 77 có hiệu lực đến hết năm 2015. Từ nay đến hết năm 2015, Chính phủ phải hoàn thiện toàn bộ hệ thống văn bản hướng dẫn để sau khi nghị quyết này hết giá trị thì vẫn tiếp tục thực hiện đề án” - ông Phong nói.
 

Hương Linh