BV đa khoa Đống Đa cấp cứu thành công bệnh nhân nhiễm HIV bị sốc nhiễm khuẩn

22/09/2015 11:26
THỤY MIÊN
(GDVN) - Các y, bác sĩ Bệnh viện đa khoa Đống Đa rất nhiệt tình, chu đáo hết lòng cứu chữa bệnh nhân nhiễm HIV bị sốc nhiễm khuẩn.

“Các y, bác sĩ Bệnh viện đa khoa Đống Đa rất nhiệt tình, chu đáo. Dù biết tôi bị nhiễm HIV nhưng các bác sĩ đã không nề hà, tham gia cứu chữa, chăm sóc tôi, còn giúp đỡ tôi làm thủ tục tham gia điều trị HIV bằng thuốc ARV miễn phí để ổn định sức khỏe và kéo dài sự sống”… Đó là chia sẻ chân tình của bệnh nhân Nguyễn Ngọc B trú tại Thanh Xuân, Hà Nội sau khi được tập thể y, bác sĩ trẻ Bệnh viện đa khoa Đống Đa cứu sống trong tình trạng sốc nhiễm khuẩn nặng.

Triển khai kỹ thuật lọc máu liên tục cấp cứu thành công cho bệnh nhân
 
Ca cấp cứu bệnh nhân B được thực hiện thành công cách đây gần 1 tháng, nhưng kíp trực hôm đó không thể quên được trường hợp cấp cứu đặc biệt này. Bác sĩ Dương Thanh Sơn, khoa hồi sức cấp cứu, Bệnh viện đa khoa Đống Đa (người đã trực tiếp tham gia cấp cứu cho bệnh nhân B) cho biết, bệnh nhân B được chuyển vào khoa Hồi sức cấp cứu trong tình trạng sốt, kèm theo mụn mủ trên mặt, đi ngoài phân lỏng nhiều lần trong ngày.

Trước đó, bệnh nhân B sốt kéo dài 15 ngày ở nhà, đến ngày 25/8/2015 bệnh nhân được người nhà đưa vào khoa nội, Bệnh viện đa khoa Đống Đa thăm khám. Sau 1 ngày điều trị cơn sốt không giảm vẫn duy trì trạng thái sốt cao 39-40 độ C, bệnh nhân B được các bác sĩ khoa truyền nhiễm hội chẩn bị nhiễm khuẩn huyết nghi do tụ cầu vàng và rơi vào tình trạng nặng sốc nhiễm khuẩn, huyết áp tụt nên bệnh nhân được đưa vào khoa hồi sức cấp cứu.

Vào đây, bệnh nhân nhanh chóng được kíp trực tiếp nhận và làm các xét nghiệm cần thiết. Kết quả xét nghiệm cho biết bệnh nhân B dương tính HIV (trước đó các y bác sĩ bệnh viện khai thác tiền sử bệnh nhân từ gia đình, chị Nguyễn Khánh N vợ bệnh nhân B không biết bệnh nhân B bị nhiễm HIV). Các kết quả xét nghiệm cho thấy, bệnh nhân bị nhiễm HIV giai đoạn cuối. Sau đó kết quả xét nghiệm của Trung tâm phòng chống HIV/AIDS Hà Nội cũng khẳng định bệnh nhân B dương tính HIV.

Bệnh nhân B đang được kiểm tra sức khỏe để tiếp cận thuốc ARV điều trị HIV.
Bệnh nhân B đang được kiểm tra sức khỏe để tiếp cận thuốc ARV điều trị HIV.

 Đối với tình trạng bệnh nhân nặng như vậy, trước đây bệnh viện sẽ chuyển lên tuyến trên hoặc điều trị bằng kháng sinh và truyền dịch.

Nhưng hiện tại khoa hồi sức cấp cứu Bệnh viện đa khoa Đống Đa đã triển khai kỹ thuật lọc máu liên tục nên đã tiến hành lọc máu cho bệnh nhân B.

Bệnh nhân được lọc máu liên tục trong ngày 26 và ngày 28/8 và hết sốc, cắt được sốt và duy trì kháng sinh theo phác đồ điều trị. “Kỹ thuật lọc máu liên tục là kỹ thuật cao được can thiệp giải quyết cho những bệnh nhân nặng đặc biệt là bệnh nhân sốc nhiễm khuẩn sẽ có hiệu quả rất tốt. Bệnh nhân B là người thứ 5 được áp dụng kỹ thuật lọc máu liên tục tại bệnh viện kể từ khi bệnh viện triển khai kỹ thuật này từ đầu tháng 8/2015” - bác sĩ Sơn cho biết.
 
Hết lòng vì người bệnh
 
Sau khi được can thiệp tích cực, sức khỏe bệnh nhân B đã dần ổn định và được chuyển đến khoa truyền nhiễm để tiếp tục điều trị. Sau một tuần, bệnh nhân B được ra viện và được bác sĩ Hà Huy Tình, Phó Trưởng khoa truyền nhiễm giới thiệu, giúp đỡ làm các thủ tục để được tham gia điều trị HIV bằng thuốc ARV tại phòng khám ngoại trú của bệnh viện.  
 
Không những vậy, để khích lệ tinh thần bệnh nhân B kiên cường đấu tranh với bệnh tật, bác sĩ Tình luôn động viên, khuyên nhủ bệnh nhân về nhà sống lành mạnh, không dùng các chất kích thích, duy trì và tuân thủ đúng nội quy, quy định khi tham gia điều trị thuốc ARV tại phòng khám ngoại trú của bệnh viện. Đồng thời, tư vấn cho bệnh nhân và người nhà bệnh nhân các biện pháp phòng chống bệnh HIV không bị lây nhiễm sang người xung quanh. 
 
Chia sẻ với chúng tôi quá trình cấp cứu bệnh nhân B, bác sĩ Sơn đã thẳng thắn: “Trước tình trạng bệnh nhân nguy hiểm, tôi chỉ có suy nghĩ là làm sao để vận dụng được tất cả những kiến thức mình đã học, giành giật lại sự sống cho người bệnh, chứ mình không quan niệm phân biệt hay ái ngại bệnh nhân này bị nhiễm HIV hay bệnh nhân bình thường. Bởi, người bệnh có ốm đau, bệnh tật họ mới tìm đến bác sĩ.

Đối với bệnh nhân nhiễm HIV thì quá trình thực hiện các kỹ thuật lọc máu cho bệnh nhân có nguy cơ lây nhiễm rất cao thế nên phải mang bảo hộ đảm bảo an toàn, cần phải bình tĩnh, cẩn thận, khéo léo hơn so với bệnh nhân bình thường vì chẳng may mũi kim hay dưỡi dao chạm vào tay gây chảy máu khi đặt Catheter lọc máu thì rất nguy hiểm”. 
 
Không ngại khó, ngại khổ, ngại phải tiếp xúc với người bệnh nhiễm HIV dù biết rằng chỉ một sơ suất nhỏ như bị kim đâm cũng có thể ảnh hưởng tới chính tính mạng của người thầy thuốc.

Đứng trước ranh giới mong manh của sự sống và cái chết, các bác sĩ lạc quan, tự tin vận dụng tất cả khả năng của mình để cứu sống người bệnh. Với họ đó là niềm vui khôn siết: “Sức khỏe bệnh nhân B được hồi phục tôi rất vui. Vui vì những kiến thức, kỹ thuật được học đã ứng dụng thành công, cứu sống được bệnh nhân nặng qua cơn nguy kịch, đem lại sự sống cho bệnh nhân. Hơn nữa, đó là điều khích lệ tôi thêm yêu và gắn bó với nghề y”, bác sĩ Sơn tươi cười tâm sự.
 
Đội ngũ y, bác sĩ Bệnh viện đa khoa Đống Đa tham gia cấp cứu bệnh nhân B tuổi đời và tuổi nghề còn rất trẻ. Bác sĩ Sơn sinh năm 1986, công tác ở bệnh viện được 3 năm cùng với 2 điều dưỡng là Trần Thị Thúy Hường và Hà Hồng Hương đều sinh năm 1989 là những y, bác sĩ được bệnh viện cử đi đào tạo kỹ thuật cao lọc máu liên tục. Họ đã không ngừng học tập, nâng cao trình độ chuyên môn ứng dụng hiệu quả vào công tác khám chữa bệnh để người bệnh được thụ hưởng dịch vụ y tế tốt nhất.
 
ThS Phạm Bá Hiền, Phó Giám đốc bệnh viện đánh giá cao tinh thần, trách nhiệm và lòng nhiệt huyết của các y, bác sĩ: “Ở góc độ quản lý bệnh viện, tôi thấy hình ảnh của các cán bộ y tế rất đáng được biểu dương, mặc dù tuổi đời, tuổi nghề còn rất trẻ nhưng tinh thần, trách nhiệm đối với người bệnh, sự nhiệt huyết với nghề, niềm khao khát được cống hiến và khẳng định năng lực của tuổi trẻ, cái tâm của người thầy thuốc đối với người bệnh đã toát lên bằng chính những việc làm, hành động cụ thể khi đấu tranh thành công với tử thần giành giật sự sống cho người bệnh”.
 

THỤY MIÊN