Con đường hoàn lương của một học sinh vùng quê nghèo

09/01/2016 07:43
Lê Văn Vỵ
(GDVN) - “Những tháng ngày ở trong trại dài đằng đẵng. Nỗi ân hận cứ dày vò. Khi đó, em nghĩ chỉ có con đường duy nhất là cố gắng cải tạo tốt, lấy công chuộc tội”.

Từ cú ngã đầu đời đến vòng lao lý

Năm 2005, Phan Trung Hiếu (SN 1986) ở thôn Đông Dũng, xã Đức Dũng, Đức Thọ, Hà Tĩnh khi đó đang là học sinh lớp 11 trường THPT Trần Phú, Đức Thọ bị Nhà trường kỷ luật vì tội đánh cô giáo. 

Do “em nặng lời xúc phạm cô nên cô lấy ghế nhựa ném. Không kiềm chế được bản thân, em đã đánh cô. Vì hành vi vô lễ đó, em bị đuổi học”, Hiếu kể lại. 

Thầy Trần Quang (nguyên giáo viên trường THPT Trần Phú) nhớ lại: “Hiếu là lớp trưởng lớp 11B, năng lực học khá, tôi cũng bất ngờ trước hành vi vô lễ, đi quá giới hạn của một học sinh”.

Con đường hoàn lương của một học sinh vùng quê nghèo ảnh 1
Hiếu cho lợn ăn (Ảnh: Lê Văn Vỵ)

Hiếu sinh ra trong một gia đình nông dân, mồ côi bố từ năm 12 tuổi, một mình mẹ vất vả nuôi 3 chị em Hiếu ăn học. 

Nhà chỉ có 1 sào ruộng nên mẹ Hiếu phải đi làm thuê quanh năm để nuôi các con ăn học. 

Khi bị đuổi học, ở nhà không có việc gì làm, nhờ một người bà con giới thiệu, Hiếu ra Hà Nội kéo đường dây điện. Nhưng do công việc bấp bênh, ngày làm thì ít, ngày nghỉ thì nhiều, làm không đủ tiêu, Hiếu đành về quê đi lang thang.  
Khi về nhà không có tiền tiêu, Hiếu đã ra trấn lột người đi đường.Hành vi đó, Hiếu đã bị tòa tuyên phạt 90 tháng tù vì tội danh cướp của. 

Hiếu nhớ lại: “Em không biết tại sao em lại đánh mất mình nhanh đến thế. Sau khi bị đuổi học, em mất phương hướng và thấy buồn chán vô cùng nên đã sa ngã. Đến khi tòa tuyên án, tay bị còng, bước vào chiếc xe bịt kín mít, em nghĩ đời mình coi như chấm hết”. 

Con đường hoàn lương của cậu học trò

Hiếu được đưa về cải tạo tại nhà lao Đồng Sơn, Đồng Hới, Quảng Bình. “Những tháng ngày ở trong trại dài đằng đằng. Nỗi ân hận cứ dày vò. Khi đó, em nghĩ chỉ có con đường duy nhất là cố gắng cải tạo tốt, lấy công chuộc tội”, Hiếu ngậm ngùi. 

Trong thời gian bị giam trong tù, Hiếu nhận được sự quan tâm, chỉ bảo, khích lệ tinh thần và tạo điều kiện dạy nghề từ các anh chị quản giáo nên cậu học trò đã cố gắng học hỏi. 

Ba năm đầu tiên trong nhà giam, Hiếu được học thêu hạt cườm sau đó được dạy nghề làm bàn ghế đá, sơn giả gỗ. Do quá trình cải tạo tốt, Hiếu được cử làm tổ trưởng tổ xây dựng. 

Hiếu vui vẻ kể: “Lao động đã giúp em hòa nhập, thăng bằng với cuộc sống, khi đó em nghĩ mình sẽ biến thời gian trong tù vô nghĩa thành thời gian học lấy một cái nghề, biết đâu trong cái rủi lại có cái may”. 

Hiếu với bạn Đào Thị Hiền (Phó Bí thư Đoàn xã Đức Dũng) chụp ảnh trước ngôi nhà vừa xây xong (Ảnh: Lê Văn Vỵ)
Hiếu với bạn Đào Thị Hiền (Phó Bí thư Đoàn xã Đức Dũng) chụp ảnh trước ngôi nhà vừa xây xong (Ảnh: Lê Văn Vỵ)

Đặc biệt, suốt những ngày tháng trong tù, “mẹ không bỏ rơi em. Dù mẹ có ốm, không có tiền mà mẹ vẫn lặn lội vào thăm em. Nhiều lần thấy mẹ xanh xao, tiều tụy, em nghĩ mình đã làm khổ mẹ quá nhiều nên phải cải tạo tốt để chuộc tội với mẹ”, Hiếu nhớ lại.  

Do cải tạo tốt, ngày 7/12/2013, Hiếu được ra tù. Cô Nguyễn Thị Thịnh (mẹ Hiếu) nhớ lại: “Khi đó tôi đang ốm. Con về. Không thể nào tin nổi mừng hết ốm luôn”. 

Thành lập trang trại


Khi ra tù, Hiếu phải đối mặt với vô vàn thách thức đặc biệt là phải làm lại từ đầu cuộc sống của mình. 

Hiếu kể lại: “Khi đó, em muốn làm gì đó nhưng không có vốn. Ra tù, không xu dính túi. Chẳng lẽ lại bám mẹ. Vậy là ăn Tết xong, em liều vào Nha Trang làm cho Công ty cấp thoát nước kiếm ít tiền rồi tính tiếp. Ai dè, làm được 7 tháng thì phát hiện bị thoái vị đĩa đệm bèn phải nằm viện. Tiết kiệm được mấy triệu, chi trả viện phí hết. 

Em lại khăn gói về quê. Em vay mượn được 10 triệu đồng để làm bàn ghế đá, sơn giả gỗ nhưng do bệnh cần kiêng việc nặng nên em quyết định chuyển sang chăn nuôi
”. 

Tháng 9/2014, Hiếu quy hoạch lại mảnh vườn nhà thuê máy đào ao nuôi cá. Tự tay xây chuồng trại nuôi gia súc rồi chạy vạy để vay vốn mua con giống. 

Khi không vay được tiền thì thuyết phục bằng cách mua nợ con giống. Nuôi đàn lợn 60 con sau 1 năm bán lấy tiền trả bớt nợ, đầu tư đàn mới, mua thêm bò để nuôi. 

Hai mẹ con Hiếu tiếp khách trong ngôi nhà mới xây xong (Ảnh: Lê Văn Vỵ)
Hai mẹ con Hiếu tiếp khách trong ngôi nhà mới xây xong (Ảnh: Lê Văn Vỵ)

Sau 1 năm, bò mẹ đẻ bò con, ao cá cũng cho thu nhập. Nghề làm ghế đá lấy công làm lãi nên cũng có đồng ra đồng vào. 

Tháng 7/2015, dư dả được chút tiền, Hiếu quyết định xây nhà với mong muốn mẹ một đời lam lũ có ngôi nhà đàng hoàng để ở. Một mình xoay lưng xây nhà. Vậy là cái nghề học được ở trong nhà tù đã không bị uổng phí. 

Chúng tôi đến khi ngôi nhà vừa hoàn thành kịp đón Tết năm 2016, nội thất chưa sắm sửa được gì, Hiếu trải chiếu trên nền nhà để tiếp khách, mẹ Hiếu rất vui. “Năm nay em sẽ được đón một cái Tết thực sự”, Hiếu nhoẻn cười và nói. 

Bí thư huyện đoàn Đức Thọ phấn khởi cho biết: “So với các trang trại trong địa phương thì trang trại của Hiếu doanh thu không đáng kể.

Nhưng điều đặc biệt là Hiếu đi lên từ đôi bàn tay trắng, với nghị lực, ý chí của một người từng gục ngã đứng dậy làm lại cuộc đời nên rất đáng hoan nghênh”. 

Cô Đào Thị Hiền- Phó Bí thư đoàn xã Đức Dũng: “Xã đoàn sẽ làm mọi cách để có thể giúp Hiếu tiếp cận với các chương trình, các nguồn vốn để phát triển mô hình.

Đặc biệt, đoàn xã sẽ vận động đoàn viên trong thôn giúp Hiếu phát triển trang trại đồng thời nhân rộng mô hình sản xuất, học tập ý chí, nghị lực vươn lên của Hiếu”. 

Lê Văn Vỵ