Phụ huynh hồi hộp, giáo viên lo lắng ngày sơ kết kỳ I

10/01/2016 07:36
Đỗ Tấn Ngọc
(GDVN) - Sơ kết học kỳ, tổng kết năm học khiến tâm trạng phụ huynh hồi hộp nhiều cảm xúc trước kết quả học tập, hạnh kiểm của con em mình.

LTS: Họp phụ huynh là chiếc cầu nối giữa nhà trường và gia đình góp phần thúc đẩy quá trình giáo dục con trẻ một cách toàn diện. Cuộc họp ấy sẽ là niềm vui hay biến nó thành áp lực đều là do chính chúng ta. 

Trong bài viết này, thầy giáo Đỗ Tấn Ngọc chỉ ra những áp lực ấy và mạnh dạn chỉ ra biện pháp với mong muốn tạo môi trường học tập thật tốt cho con trẻ bởi việc học là cả một quá trình. 

Tòa soạn trân trọng giới thiệu cùng độc giả. 


Thương cảm phụ huynh có con em cá biệt

Một năm học, thông thường có 3 lần họp phụ huynh học sinh: đầu năm, sơ kết học kỳ I và tổng kết cuối năm. 

Nếu như cuộc họp phụ huynh đầu năm, nỗi lo lớn nhất của cha mẹ học sinh là các khoản nộp bắt buộc và tự nguyện thì cuộc họp phụ huynh sơ kết học kỳ I, tổng kết năm học là tâm trạng hồi hộp, nhiều cảm xúc về kết quả học tập, rèn luyện hạnh kiểm của con em. 

Hoạt động giáo dục ở học kỳ I đã hoàn tất, đến thời điểm này, các cơ sở giáo dục từ bậc mầm non tới bậc trung học phổ thông trên cả nước đang đồng loạt tiến hành tổ chức họp phụ huynh nhằm sơ kết học kỳ.  

Về cơ bản, cuộc họp phụ huynh thường có mấy nội dung chính sau: thầy cô  chủ nhiệm đánh giá, báo cáo tình hình trường, lớp; ban đại diện cha mẹ học sinh báo cáo hoạt động của ban đại diện trong học kỳ qua. 

Phụ huynh có con ngoan thì mừng ra mặt, phụ huynh có con cá biệt, học yếu thì buồn bã khôn tả xiết. (Ảnh: news.zing.vn)
Phụ huynh có con ngoan thì mừng ra mặt, phụ huynh có con cá biệt, học yếu thì buồn bã khôn tả xiết. (Ảnh: news.zing.vn)

Rồi phụ huynh học sinh phát biểu ý kiến, giáo viên chủ nhiệm giải đáp; cuối cùng là thông qua biên bản kết thúc cuộc họp. 

Hầu hết, các cuộc họp phụ huynh đều đem lại nhiều cảm xúc, tâm trạng cho các bậc làm cha, làm mẹ. 

Phụ huynh có con chăm chỉ, ngoan ngoãn, học hành giỏi giang thì phấn khởi, vui sướng, còn cha mẹ có con cá biệt, lười học, ham chơi, kết quả hai mặt yếu, kém thì buồn bã, bực tức. 

Tôi trở thành phụ huynh học sinh 9 năm nay, từng trải qua những thái cực trái ngược như thế, cháu trai đầu học tập hạn chế, lại ham chơi game, còn cháu gái thì chăm ngoan, học giỏi, hoạt động, cuộc thi nào cũng tự tin, nhiệt tình tham gia. 

Một lớp học như một xã hội thu nhỏ, có bao nhiêu em là bấy nhiêu tính cách, năng lực học tập, ý thức chấp hành nội quy nhà trường lại không giống nhau. 

Vì vậy, khi giáo viên chủ nhiệm báo cáo, đánh giá kết quả học lực và hạnh kiểm của lớp cũng có những mảng màu khác nhau, khen ngợi, biểu dương các em học giỏi, chăm ngoan; nêu tên, kể “tội” những học sinh cá biệt, vô lễ, lười học… 

Phụ huynh có con ngoan thì mừng ra mặt, phụ huynh có con cá biệt, học yếu thì buồn bã khôn tả xiết. 

Phụ huynh hồi hộp, giáo viên lo lắng ngày sơ kết kỳ I  ảnh 2

Phụ huynh đi xin giấy khen cho con để gia đình bớt xấu hổ

(GDVN) - Chỉ khi nào mỗi chúng ta dẹp bỏ được bệnh sĩ, bệnh háo danh thì giáo dục mới hết đi căn bệnh thành tích.

Là một phụ huynh và cũng là thầy giáo với 14 năm công tác ở vị trí giáo viên chủ nhiệm, tôi rất thấm thía, thấu hiểu nỗi niềm của quý bậc phụ huynh trong và sau họp phụ huynh. 

Nhiều học sinh ở lớp tôi chủ nhiệm từng bị trận la mắng, đòn roi đến nảy lửa của phụ huynh nóng tính, không kiềm chế được cảm xúc, tức giận vì thất vọng, xấu hổ trước sai phạm, học tập sa sút của con em mình sau cuộc họp phụ huynh cuối kỳ và cuối năm. 

Có em uất ức quá mà bỏ học. Có em bị phụ huynh bắt nghỉ học luôn. Có em sợ cha, mẹ đến nỗi không dám đưa giấy mời họp, giấu luôn, thậm chí có trường hợp nhờ, thuê người khác đi học phụ huynh thay.  

Gặp phải giáo viên chủ nhiệm “thẳng như ruột ngựa”, nói tất tần tật… trong họp phụ huynh thì phụ huynh có con quậy phá, học yếu buồn đến não nề. 

Gặp được thầy cô chủ nhiệm hiểu phụ huynh, rất tâm lý, nhẹ nhàng, tế nhị trong đánh giá, nhận xét những em học yếu, cá biệt thì phụ huynh đỡ buồn, đỡ xấu hổ với những phụ huynh khác. 

Phụ huynh bây giờ ở bậc học nào cũng mong tất cả nhà trường, thầy cô giáo chủ nhiệm đều tình cảm, tế nhị, sư phạm trong họp phụ huynh cuối kỳ, cuối năm để nỗi lo lắng, buồn bực về con cái giảm đi phần nào. 

Thầy, cô giáo có “sợ” học trò “chấm điểm”?

Những năm gần đây, sau một học kỳ, một số nhà trường phổ thông  thường có động thái khảo sát tâm lý học sinh về cách giáo dục của giáo viên chủ nhiệm, cách giảng dạy của các thầy cô giáo bộ môn. 

Nhà trường xác định rõ với thầy cô giáo công việc này chỉ là một kênh thông tin để ban giám hiệu, tổ trưởng chuyên môn tham khảo mà thôi, chứ không đánh giá, kết luận năng lực, phẩm chất gì cả. 

Tuy nhiên, không ít thầy cô giáo lại rất lo sợ sự “đánh giá” của học sinh và có những phản ứng gay gắt, quyết liệt với lãnh đạo nhà trường, nào là học sinh nhận thức còn non nớt, còn nặng cảm tính sẽ “đánh giá” không công tâm, chính xác; nào là học sinh- người học không có quyền phán xét, “chấm điểm” thầy cô giáo dạy mình…

Trường tôi, nhiều lần, từng làm công việc khảo sát này, với hình thức trắc nghiệm gọn gàng, em có đồng ý hay chưa đồng ý về thầy cô giáo bộ môn đó và có những ý kiến khác. 

Phụ huynh hồi hộp, giáo viên lo lắng ngày sơ kết kỳ I  ảnh 3

Đi họp phụ huynh chỉ để nộp tiền, phí công, đến làm gì?

(GDVN) - Người giáo viên chủ nhiệm giỏi sẽ không đơn thuần chỉ thay mặt nhà trường đọc thông báo thu chi một cách lạnh lùng đầy vô cảm.

Mới đầu, một số giáo viên có phần lo lắng vì “sợ” học sinh “soi” mình, đồng nghiệp cười chê, nhưng sau khi được nhà trường quán triệt, phân tích kỹ từ mục tiêu đến cách thức tổ chức khảo sát, xử lý kết quả, họ đã thông suốt, đồng thuận cao. 

Thực tế cho thấy, sau khi có kết quả khảo sát  tâm lý học sinh, bước sang học kỳ 2, nhiều thầy cô giáo chủ nhiệm “mềm hóa” hơn trong quản lý giáo dục học sinh, các thầy cô bộ môn có những cải tiến, điều chỉnh phù hợp về truyền tải kiến thức và phương pháp dạy học, giúp các em học sinh tự tin hơn, tiếp thu bài học đạt hiệu quả tốt hơn. 

Nhờ thế chất lượng giáo dục của nhà trường có chuyển biến tích cực theo từng năm học. 

Tôi thiết nghĩ, công việc này rất cần thiết và có ý nghĩa trong hoàn cảnh giáo dục  đang hướng tới mục tiêu đổi mới căn bản, toàn diện. 

Học sinh có quyền được bộc bày thái độ, cảm xúc, suy nghĩ, nhận xét của mình về hoạt động giáo dục của nhà trường, giáo viên. 

Từ kênh thông tin dân chủ, công khai, đa chiều này giúp cho thầy cô giáo nắm bắt và đáp ứng được những nhu cầu, nguyện vọng chính đáng của các em, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả giáo dục. 

Các nhà trường phổ thông nên mạnh dạn tiến hành hoạt động khảo sát trắc nghiệm tâm lý học sinh sẽ giúp tình trạng học trò chê bai, nói xấu “sau lưng” thầy cô giáo sẽ bị đẩy lùi.  

Đỗ Tấn Ngọc