Cấm nhập khẩu sữa Ensure có tạo độc quyền cho Công ty 3A?

12/01/2016 07:23
Mai Anh
(GDVN) - Khi Abbott in dòng chữ giới hạn lưu thông, doanh nghiệp nhập khẩu sữa Ensure bỗng trở thành người vi phạm pháp luật, còn Công ty 3A được củng cố thế độc quyền.

Tạo thế độc quyền cho doanh nghiệp sữa?

Mới đây, Cục Hải quan TP.HCM đề xuất gửi Tổng cục Hải quan báo cáo Bộ Tài chính, đưa sản phẩm sữa Ensure có dòng chữ “Not to be sold in Vietnam or Mexico” – tạm dịch “không bán tại thị trường Việt Nam hoặc Mexico” vào danh mục sản phẩm cấm nhập khẩu.

Theo Cục Hải quan TP.HCM, hiện nay, các chi cục hải quan trực thuộc đơn vị phát hiện mặt hàng này vi phạm chính sách nhập khẩu, nhưng lại vướng mắc trong việc xử lý. 

Cụ thể, để xử phạt hành vi vi phạm trong lĩnh vực hải quan, phải căn cứ vào các quy định tại Nghị định 127/2013/NĐ-CP.

Theo đó, cơ quan Hải quan phải xác định mặt hàng nhập khẩu vi phạm quy định: Nhập khẩu hàng hóa không đủ điều kiện hay nhập khẩu hàng cấm, khi đó mới áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả (buộc tái xuất) hay áp dụng hình thức xử phạt bổ sung (tịch thu hàng hóa vi phạm).

Cơ quan chức năng nhận định Hãng Abbott và Công ty 3A có dấu hiệu vi phạm luật Cạnh tranh khi tạo thế độc quyền kinh doanh Ensure dạng nước - nguồn Ảnh: Diệp Đức Minh - Thanh Niên.
Cơ quan chức năng nhận định Hãng Abbott và Công ty 3A có dấu hiệu vi phạm luật Cạnh tranh khi tạo thế độc quyền kinh doanh Ensure dạng nước - nguồn Ảnh: Diệp Đức Minh - Thanh Niên.

Muốn xác định mặt hàng không đủ điều kiện nhập khẩu phải căn cứ vào thông báo kết quả kiểm tra của cơ quan kiểm tra chuyên ngành. Tương tự, muốn xác định là hàng hóa cấm nhập khẩu thì phải căn cứ vào các văn bản quy phạm pháp luật, quy định cấm nhập khẩu.

Cục Hải quan TP.HCM cho rằng, tại công văn 263/ATTP-TTr ngày 30/1/2015 của Cục An toàn Thực phẩm - Bộ Y tế chỉ quy định: “Việc kinh doanh, phân phối, lưu thông, quảng cáo sản phẩm này tại thị trường Việt Nam là vi phạm pháp luật”.

Nội dung quy định này chưa đủ cơ sở pháp lý vững chắc để xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hải quan.

Đầu năm 2015, những tranh luận về việc sản phẩm sữa nước Ensure Nutrition Shake của Abbott in thêm dòng chữ “không bán tại Việt Nam” khiến 3 Bộ gồm Y tế, Công Thương và Tài chính phải vào cuộc để làm rõ vấn đề độc quyền, cạnh tranh không lành mạnh.

Tại cuộc họp, đại diện các cơ quan quản lý đều thừa nhận câu chuyện ghi nhãn nêu trên là vấn đề trước nay chưa gặp phải. Ngay cả Nghị định 89 quy định việc ghi nhãn hàng hóa cũng không đề cập đến giới hạn lưu thông thị trường. Do vậy, các đơn vị đều cho rằng rất khó để đánh giá. 

Cấm nhập khẩu sữa Ensure có tạo độc quyền cho Công ty 3A? ảnh 2

Tràn lan sữa Ensure không rõ nguồn gốc

Cấm nhập khẩu sữa Ensure có tạo độc quyền cho Công ty 3A? ảnh 3

Sữa Ensure “không bán tại Việt Nam”: Xử lý nghiêm để tránh độc quyền

Mặc dù vậy, với việc đặt lợi ích của người tiêu dùng lên trên, đại diện 3 Bộ đều khẳng định cần làm rõ đằng sau việc ghi dòng chữ "Không bán ở Việt Nam" của nhà sản xuất có dấu hiệu gì liên quan đến hạn chế phân phối thị trường và tạo lợi thế cạnh tranh cho doanh nghiệp độc quyền hay không?

Trước đó, theo Ban Chỉ đạo quốc gia về chống buôn lậu, kinh doanh hàng giả, gian lận thương mại (Ban Chỉ đạo 389), tính đến 21/3/2014, cả nước có hơn 50 doanh nghiệp nhập khẩu mặt hàng Ensure nước với tổng giá trị lên tới 700 tỷ đồng.

Tuy nhiên từ khi sản phẩm Ensure Nutrition Shake ghi thêm vì dòng chữ giới hạn lưu thông, những công ty nhập khẩu trước đó bỗng nhiên trở thành người vi phạm pháp luật (do không được cấp giấy chứng nhận kiểm định).

Đặc biệt từ khi phát sinh việc Abbott in thông tin giới hạn lưu thông hàng hóa và giao cho Công ty 3A nhập khẩu độc quyền sữa Ensure thì giá mặt hàng này gia tăng rất nhanh.

Vì vậy trước đề xuất của Cục Hải quan TP.HCM đưa mặt hàng sữa Ensure có in dòng chữ “không bán tại thị trường Việt Nam” vào danh mục cấm nhập khẩu, nhiều lo ngại việc cấm này sẽ càng củng cố thế độc quyền cho Công ty TNHH 3A – nhà phân phối sản phẩm sữa Abbott tại Việt Nam.

Cạnh tranh không lành mạnh?

Là một trong những doanh nghiệp đầu tiên nhập sản phẩm sữa Ensure vào thị trường Việt Nam (năm 2009), nhưng khi nhà sản xuất in dòng chữ giới hạn lưu thông, Công ty TNHH Đầu tư phát triển Song Nam (Công ty Song Nam) bỗng gặp khó về vấn đề pháp lý. 

Do đó, Công ty Song Nam đã ngừng nhập khẩu sản phẩm sữa Ensure. Tuy nhiên, việc Cục Hải quan TP.HCM đề nghị đưa sản phẩm sữa Ensure có dòng chữ “không bán tại thị trường Việt Nam” vào danh mục sản phẩm cấm là điều khá bất ngờ với doanh nghiệp này. 

Trao đổi với phóng viên, đại diện Công ty Song Nam khẳng định: Các sản phẩm sữa Ensure trước và sau khi được in thêm dòng chữ “không bán tại thị trường Việt Nam” đều được doanh nghiệp này nhập khẩu tại Mỹ. Đây là sản phẩm đang bán tại thị trường Mỹ, người dân Mỹ vẫn sử dụng hàng ngày.

Đại diện Công ty Song Nam cho rằng, khi đưa sữa Ensure vào Việt Nam không phải cạnh tranh để giành giật thị trường, mà vì muốn đưa sản phẩm chất lượng Mỹ vào thị trường trong nước để người dân được lựa chọn, sử dụng sản phẩm chất lượng, giá thành hợp lý.

Tuy nhiên, điều khó hiểu tại sao cùng sản phẩm sữa Ensure bán trên thị trường Mỹ, đang được người dân Mỹ, trong đó đó có cả người Mỹ gốc Việt sử dụng nhưng lại có dòng chữ “không bán tại thị trường Việt Nam và Mexico”.

“Lý giải vấn đề này có 2 giả thiết: Thứ nhất họ kỳ thị; Thứ hai cạnh tranh không lành mạnh”, đại diện Công ty Song Nam đặt giả thiết.

Công ty Song Nam cũng đặt câu hỏi: Cùng một mặt hàng sản phẩm được bày bán phổ biến tại thị trường Mỹ, được người Mỹ sử dụng nhưng tại sao không cho nhập về Việt Nam để người Việt sử dụng?

Theo đó, nếu nhà nước cho các doanh nghiệp được nhập sản phẩm sữa Ensure đang được bán tại thị trường Mỹ, nhưng có dòng chữ “không bán tại thị trường Việt Nam” sẽ tạo cạnh tranh với doanh nghiệp đang độc quyền phân phối sữa Ensure trong nước, giúp giảm giá thành sản phẩm này.

“Abbott Việt Nam, đơn vị độc quyền phân phối sản phẩm sữa Ensure cũng có sản phẩm giống công ty chúng tôi nhưng không có dòng chữ đó”, đại diện Công ty Song Nam cho biết.

Trước câu hỏi của phóng viên, về động cơ đằng sau chuyện giới hạn lưu thông thị trường của hãng sữa Abbott, Công ty Song Nam cho rằng việc in dòng chữ “không bán tại thị trường Việt Nam” thực chất muốn độc quyền tại Việt Nam để thao túng giá.

Nêu ví dụ cụ thể, Công ty Song Nam cho hay, cũng sản phẩm sữa nước Ensure khi vào bệnh viện lên đến hơn 50.000 đồng /chai, với giá thành đó khó để người dân tiếp cận. Trong khi sản phẩm tương tự khi nhập về Việt Nam, Công ty Song Nam chỉ bán hơn 20.000 đồng/sản phẩm.

Nói đến đề xuất đưa sản phẩm sữa Ensure “không bán tại thị trường Việt Nam” vào danh mục sản phẩm cấm nhập khẩu, Công ty Song Nam cho rằng, khi cơ quan quản lý nhà nước đưa chủ trương, quyết định nào đó chắc chắn cũng có những lý do chính đáng. 

“Tuy nhiên, tất cả những sản phẩm không riêng gì thực phẩm không nên độc quyền, bởi độc quyền sẽ dẫn đến tăng giá, người tiêu dùng khó tiếp cận hoặc phải sử dụng với giá cao. Chúng tôi chia sẻ câu chuyện này không phải vì muốn cạnh tranh hay giành giật thị trường bởi hiện nay Song Nam đã không nhập sản phẩm sữa Ensure này nữa điều Song Nam mong muốn người dân có cơ hội sử dụng sản phẩm tốt giá thành hợp lý”, vị đại diện Công ty Song Nam nói.

Mai Anh