Chủ tịch Quốc hội: "Ông nào đóng dấu mật một phát coi như là xong"

14/01/2016 11:45
Ngọc Quang
(GDVN) - Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng yêu cầu, Luật tiếp cận thông tin không được để "cửa" cho dấu mật, không ngăn cản quyền tiếp cận thông tin của người dân.

Khi nào được phép đóng dấu mật?

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nhấn mạnh yêu cầu này tại phiên thảo luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về dự án Luật tiếp cận thông tin sáng nay (14/1). Tại kỳ họp thứ 10 vừa qua, Quốc hội cũng đã cho ý kiến về dự luật này.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cho rằng, vấn đề bảo vệ bí mật nhà nước với sự tiếp cận thông tin của công dân nếu không được giải mật kịp thời sẽ không đáp ứng yêu cầu tiếp cận thông tin của công dân. Hiện các nghị định, quy định thì không phù hợp với Hiến pháp, vì vậy cần sớm trình Luật bảo vệ bí mật nhà nước.

“Thông tin gì được tiếp cận? Thông tin gì không được tiếp cận? Còn bảo vệ là việc khác, chỉ cần đưa vào một khoản là xong chứ không chờ luật khác. Nếu chờ luật khác thì luật này không có giá trị. Quan trọng nhất là thông tin nào được tiếp cận, thông tin nào hạn chế thì phải quy định vào luật này. Chờ luật khác thì luật này thế nào?

Nếu luật không giải quyết thông tin nào được tiếp cận thì không có giá trị. Đưa cốt lõi là thông tin nào được tự do tiếp cận, thông tin nào bị hạn chế”.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng yêu cầu, phải quy định rõ trường hợp nào được đóng dấu mật, không để ảnh hưởng tới quyền tiếp cận thông tin của người dân. ảnh: quochoi.vn
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng yêu cầu, phải quy định rõ trường hợp nào được đóng dấu mật, không để ảnh hưởng tới quyền tiếp cận thông tin của người dân. ảnh: quochoi.vn

Chủ tịch Quốc hội cũng nói thẳng, quy định như dự thảo luật là không minh bạch, cần rà soát lại: "Luật này phải nói rõ ra, loại nào là mật, thí dụ như thông tin cá nhân, thư tín, thông tin tình báo… Còn những loại khác không là mật. Từ đó mà quy định ra thực tế. Có nghĩa là không ai được đóng dấu mật khi không có quy định cụ thể.

Anh còn để một cái cửa cho người ta đóng dấu mật nữa thì còn ý nghĩa gì nữa. Quy định như thế này, ông nào đóng cái dấu mật phát coi như là xong. Không thể làm cho xong một cái luật, để rồi ra một cái luật không có giá trị.

Cũng như luật tự do kinh doanh thôi, nếu anh không rõ thì người ta cứ đẻ ra nào là giấy phép này, nào là giấy phép kia. Nếu anh quy định rõ cái nào cấm thì thôi, còn những cái không cấm thì nói rõ là được phép tự do".

Đừng ngăn sông cấm chợ

Đồng quan điểm, bà Trương Thị Mai – Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội nêu quan điểm: “Nếu không rõ thì quyền tiếp cận thông tin của dân bị ảnh hưởng. Đơn vị sự nghiệp sử dụng ngân sách phải cung cấp thông tin, thí dụ tới trường học hay bệnh viện hỏi học phí và viện phí thì phải trả lời cho người ta. Còn nếu quy định chỉ cung cấp thông tin cho người cư trú ở đó là vô lý. Song điều 6 của dự thảo luật không thấy xuất hiện của chủ thể đó”.

Trong một phiên làm việc của Ủy ban Thường vụ Quốc hội vào tháng 8/2015, Phó Chủ tịch Quốc hội – ông Huỳnh Ngọc Sơn đã nói rằng, cần phải xem lại việc đóng dấu mật, bởi vì có những giấy mời họp cũng đóng dấu mật, như vậy là không hợp lý.

Ông Huỳnh Ngọc Sơn dẫn ra thí dụ về sức khỏe của ông Nguyễn Bá Thanh - nguyên Trưởng ban Nội chính Trung ương và nêu quan điểm: “Tôi nghĩ chuyện sức khỏe của lãnh đạo không đến mức bí mật, nhưng vì cứ coi là bí mật nên mới sinh ra nhiều chuyện phức tạp, báo chí đưa tin, chụp ảnh từ xa, rồi đồn đoán.

Nếu những chuyện như tình hình sức khỏe lãnh đạo được dư luận quan tâm thì nên thông tin công khai cho công luận để xua tan những nghi ngờ”.

Bà Mai cũng đặt ra thí dụ cụ thể: “Một người dân họ muốn mua một mảnh đất ở đó, nhưng không được cung cấp thông tin vì họ không phải người cư trú ở đấy thì thế nào?

Chúng ta chỉ cần yêu cầu có chứng minh thư nhân dân rồi cung cấp thông tin cho người ta, ngăn sông cấm chợ là không phù hợp với đời sống hiện đại”.

Phó Chủ tịch Quốc hội – bà Nguyễn Thị Kim Ngân cũng đề nghị phải làm rõ trong luật, thông tin công khai, thông tin nào không công khai; đồng thời lưu ý các luật có liên quan đến thông tin phải rà soát, tránh chồng chéo với các luật khác, nhất là có thể vừa chồng chéo mà lại không đủ.

Ý kiến cuối cùng của ông Nguyễn Đức Hiền – Trưởng Ban Dân nguyện cũng đề nghị phải làm rõ quyền tiếp cận thông tin để đảm bảo quyền của công dân.

Chủ tịch Quốc hội: "Ông nào đóng dấu mật một phát coi như là xong" ảnh 2

Dân sống quanh rừng nghèo xơ xác, tiền rơi vào túi ai?

“Quyền tiếp cạn thông tin là quyền của công dân, con người vậy tiếp cận như thế nào thì cần quy định rõ trong luật? Như kinh doanh cũng có cấm, hạn chế và công khai. Do đó, người dân có quyền tiếp cận ra sao?

Làm sao để luật mang tính khả thi trong cuộc sống, đề ra mà không làm được thì dân không có niềm tin lắm”, ông Hiền nói.

Trong khi đó, Phó Chủ tịch Quốc hội - ông Uông Chu Lưu thì nhấn mạnh, đây là một dự án luật "nhạy cảm", cơ quan soạn thảo cần lưu ý để tránh hai khuynh hướng xảy ra:

Thứ nhất là không thực hiện được quyền của công dân về tiếp cận thông tin.

Thứ hai là có những đối tượng lợi dụng quyền này để gây ảnh hưởng, khó khăn, cản trở cho hoạt động bình thường của các cơ quan nhà nước, thậm chí có thể gây ảnh hưởng tới quốc phòng, an ninh.

Tiếp thu chỉ đạo của Chủ tịch Quốc hội và các ý kiến của thành viên Thường vụ Quốc hội, Bộ trưởng Bộ tư pháp – ông Hà Hùng Cường cho biết, sẽ tiếp tục làm việc với ban soạn thảo và cơ quan thẩm tra để rà soát lại cụ thể các quy định để đảm bảo tốt nhất quyền tiếp cận thông tin của người dân.

Ngọc Quang