Kết thúc phiên họp thứ 44 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội

17/01/2016 05:04
Theo Đại biểu nhân dân
(GDVN) - Sáng 16/1, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã bế mạc Phiên họp thứ 44.

Trước đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thảo luận và thông qua Nghị quyết quy định chi tiết, hướng dẫn việc tổ chức Hội nghị cử tri; việc giới thiệu người ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân cấp xã ở thôn, tổ dân phố; về hiệp thương, giới thiệu người ứng cử Đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân trong bầu cử bổ sung.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cơ bản tán thành với các nội dung dự thảo Nghị quyết quy định chi tiết, hướng dẫn việc tổ chức Hội nghị cử tri; việc giới thiệu người ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân cấp xã ở thôn, tổ dân phố; về hiệp thương, giới thiệu người ứng cử Đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân trong bầu cử bổ sung.

Cho ý kiến về hiệp thương, giới thiệu người ứng cử trong bầu cử bổ sung, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cho rằng, cần phải có quy trình hiệp thương để xem xét điều kiện của những người này chặt chẽ hơn.

Trong đó, quy định rõ nhiệm vụ của Mặt trận Tổ quốc để người tự ứng cử được kiểm tra, xác minh đầy đủ các thông tin, khi ra Hội nghị cử tri có thông tin để trao đổi, giải đáp khi cử tri hỏi. Mục đích, yêu cầu của cuộc bầu cử này là phải bảo đảm chất lượng đại biểu.

Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, quá trình chuẩn bị và hiệp thương phải bảo đảm đưa ra danh sách người ứng cử đáp ứng các tiêu chuẩn, yêu cầu để cử tri yên tâm lựa chọn. Không để lọt những người không đủ tiêu chuẩn, điều kiện vào danh sách ứng cử.

Những người khi hiệp thương phải bảo đảm tiêu chuẩn để ít nhất là 896 người chúng ta giới thiệu với đồng bào, cử tri để bỏ phiếu là những người đủ tiêu chuẩn. Cử tri sẽ căn cứ danh sách đó, lựa chọn những người ưu tú vào cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất.

Bế mạc Phiên họp thứ 44 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội
Bế mạc Phiên họp thứ 44 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội

Về việc tổ chức Hội nghị cử tri, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc nêu vấn đề, theo dự thảo hướng dẫn tổ chức hội nghị cử tri, nếu nơi công tác có dưới 100 cử tri thì phải tổ chức hội nghị toàn thể và phải bảo đảm ít nhất 2/3 tổng số cử tri tham dự.

Còn nơi nào có 100 cử tri trở lên thì không phải tổ chức hội nghị toàn thể, nhưng phải bảo đảm có ít nhất 70 cử tri tham dự.

Trong trường hợp này, nơi ít cử tri thì quy định tỷ lệ %, những nơi có nhiều cử tri lại ấn định số cứng tuyệt đối.

Ví dụ, Văn phòng Quốc hội có hơn 1.000 cử tri, trong khi đó, số ứng cử của cơ quan Quốc hội là 114 người, nếu như quy định trên thì số ứng cử còn đông hơn số cử tri bắt buộc có mặt tại Hội nghị.

Chủ nhiệm Nguyễn Hạnh Phúc đặt câu hỏi như vậy có khách quan không? Chủ nhiệm đề nghị đối với những đơn vị càng đông cử tri, cần phải quy định tỷ lệ % số lượng cử tri có mặt.

Góp ý vào dự thảo Nghị quyết, Phó chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng cho rằng, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã công bố Ngày Bầu cử Đại biểu Quốc hội Khóa XIV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016 - 2021.

Do đó cần phải ghi cụ thể ngày hiệp thương lần thứ nhất, lần thứ hai, lần thứ ba để các đơn vị căn cứ triển khai, tránh sự tùy tiện, thiếu thống nhất trong việc tổ chức hiệp thương, giới thiệu người ứng cử ở các địa phương.

Cùng với đó, cần có điều khoản thi hành trong Nghị quyết, trong đó quy định rõ thời điểm có hiệu lực của Nghị quyết và giao nhiệm vụ, trách nhiệm cụ thể cho các đơn vị liên quan để bảo đảm thuận lợi cho công tác triển khai thực hiện và kiểm tra, giám sát.

Cũng trong buổi sáng, cho ý kiến về dự thảo Quy chế tổ chức và hoạt động của Đoàn Hội thẩm, Ủy ban Thường vụ Quốc hội yêu cầu đơn vị soạn thảo và thẩm tra chuẩn bị tiếp.

Về dự thảo Nghị quyết quy định chế độ đối với cán bộ, công chức của Kiểm toán nhà nước, Ủy ban Thường vụ Quốc hội chưa thông qua nghị quyết và yêu cầu các đơn vị nghiên cứu, chuẩn bị thêm. Trong năm 2016, chế độ đối với cán bộ, công chức của Kiểm toán nhà nước được giữ nguyên như hiện hành.

Theo Đại biểu nhân dân