Nơi núi rừng xa thẳm, nghe chuyện những người thầy đêm ngày bám bản

05/02/2016 07:48
Thủy Phan
(GDVN) - Cái đói nghèo, cuộc sống gian khổ nơi rừng núi cũng không quật ngã được các thầy cô giáo vẫn ngày đêm miệt mài bám trường, bám lớp “gieo chữ”.

Tuổi xuân nơi núi rừng

Tìm về xã Thượng Trạch (nơi khó khăn nhất của huyện Bố Trạch, Quảng Bình) vào những ngày mưa gió rét mướt, được tận mắt chứng kiến cuộc sống của những người đang ngày đêm bám bản "gieo chữ" cho các em học sinh, chúng tôi thực sự khâm phục ý chí và lòng yêu nghề của những thầy cô giáo nơi đây.

Theo chân các thầy giáo ở trường tiểu học số 2 Thượng Trạch đến nhiều bản làng, mặc dù trời đã gần trưa, nhưng trong làng bản vẫn im ắng đến lạ. Đã nghe nhiều, nhưng có đến đây mới thấy và biết được vì sao vùng đất này lại chậm phát triển như vậy. 

Vùng đất này hầu như biệt lập với các vùng khác bởi sự ngăn cách của những ngọn núi cao chót vót, đất đai thì ít, đường đi lại vô cùng khó khăn, điện không, nước sạch không... chỉ có rừng núi là nhiều vô kể.

Những người thầy luôn bám trường, bám lớp mang con chữ đến nơi rừng sâu núi cốc (Ảnh: Thủy Phan)
Những người thầy luôn bám trường, bám lớp mang con chữ đến nơi rừng sâu núi cốc (Ảnh: Thủy Phan)

Gặp gỡ và trò chuyện với các thầy giáo đang ngày đêm cắm bản, những người đã có trên dưới chục năm công tác ở đây, chúng tôi càng thấu hiểu hơn nỗi vất vả của họ.

Nhớ lại những ngày đầu mới lên nhận công tác, thầy Đỗ Hồng Thái (SN 1982, quê ở xã Trung Trạch, huyện Bố Trạch) cho biết, vào nghề đến nay đã được 10 năm thì thầy có 9 năm cắm bản ở Thượng Trạch. Khi đến đây ở và làm việc, thầy mới hiểu được vì sao nhiều người lại sợ vùng đất này đến vậy. 

Bây giờ, con đường 20 Quyết Thắng (đường duy nhất lên xã Thượng Trạch) đã được trải nhựa, chứ cách đây vài ba năm trở về trước, đường vốn đã ngoằn nghoèo với những con dốc thăm thẳm, thì mỗi khi trời mưa đường lại lầy lội, sụt lún. 

Tôi nhớ mãi cái lần đi xe máy từ nhà lên, đó là năm 2008 ở cây số 54 đường 20 Quyết Thắng, vì đường quá lầy lội nên xe tôi bị sụt lún xuống sâu dưới đất không sao kéo lên được. 

Lực bất tòng tâm, vừa mệt, vừa tủi thân, nói các chị đừng cười vì tôi là con trai chứ lúc đó tôi chỉ biết ngồi khóc. Khóc cho đã rồi vẫn không thể kéo nổi cái xe lên, đành ngồi yên một chỗ chờ có người đi qua rồi nhờ họ kéo lên giúp. Hôm đó, xuất phát từ nhà lúc 8h sáng, nhưng phải đến tối mịt tôi mới lên đến nơi”
, thầy Thái kể.

Theo thầy Thái, có những bản làng, muốn vào được phải đi bộ 7-8 cây số, leo qua những con dốc dựng đứng như bản Aki, mà nhiều khi, đến ngày nghỉ dù mong được về nhà lắm nhưng nghĩ đến đường đi là lại thấy ngại.

Tuổi trẻ xa nhà, lại đến nơi rừng núi không điện, thậm chí có nhiều nơi không có sóng điện thoại khiến thầy Thái không khỏi nhớ nhà, nhớ người thân. 

Một ngày ở nơi đây tưởng dài như cả tháng trời, chỉ mong đến ngày nghỉ để được về nhà. Nhiều lúc tôi nghĩ không biết mình có vượt qua được không, nhưng lâu rồi thành quen, và tôi đã hòa nhập với cuộc sống nơi đây. 

Tại vùng đất này, hầu như các gia đình chưa chú trọng đến việc học của con em mình. Các em học sinh đông cũng như hè, chỉ có bộ quần áo mỏng manh trên người dù trời rét cắt da cắt thịt. Nhìn các em mà thấy thương lắm. Vì vậy, tôi luôn lấy việc dạy các em làm niềm vui, cùng các em vượt qua mọi khó khăn
”, thầy Thái nói.

Những người thầy đặc biệt

Thầy Nguyễn Văn Thăng (SN 1973) cho biết, năm nay đã là năm thứ 10 thầy dạy học ở đây, nhưng cảm xúc những ngày đầu mới lên như chỉ mới hôm qua. 

Không chỉ đường đi mà cái gì cũng khó khăn, thiếu thốn, điện nước không có, thức ăn phải mang từ nhà lên dự trữ để ăn dần. Nếu có cá tươi hay thịt đưa lên thì cũng phải ướp muối để dùng dần, không thì chủ yếu là đồ khô.

Nơi núi rừng xa thẳm, nghe chuyện những người thầy đêm ngày bám bản ảnh 2
Với mong muốn một ngày không xa, những em học sinh này sẽ làm cho quê hương mình phát triển hơn (Ảnh: Thủy Phan)

Thầy Thăng kể, trước đây lớp học còn không có bàn ghế, học sinh phải ngồi trên cộc tre nứa để học. Thầy giáo thì không có chỗ ở, phải ở nhờ nhà dân. 

Khi đến bữa cơm, thấy họ dọn cơm ra rồi bốc tay ăn, mình ở dưới xuôi quen ăn bằng bát đũa, thấy cảnh bốc ăn mà chỉ muốn bỏ nghề”.

Thầy Thăng vừa dứt lời, tôi buột miệng hỏi: Thế bây giờ, thầy có yêu nghề không, sau những vất vả, khó khăn mà thầy đã trải qua?.

“Không yêu nghề thì sao tôi có thể bám trường, bám lớp đến tận bây giờ. Nhìn những em học sinh hàng ngày đến lớp, đọc chữ thành thảo là tôi thấy vui lắm
”, thầy Thăng nói.

Hiện thầy Thăng đang dạy ở bản Nồông mới, bản này không có sóng điện thoại. Các thầy chỉ tìm thấy một điểm rơi sóng điện thoại ở góc bếp rồi thiết kế để luôn điện thoại ở đó.

Có khi đang ngủ mà nghe chuông điện thoại reo là mừng quá, quên cả buồn ngủ để chạy đến đến điện thoại”, thầy Thăng vui vẻ nói.

Không riêng gì thầy Thái, thầy Thăng, mà hàng chục giáo viên ở đây đều chung hoàn cảnh như vậy. Ở lâu rồi thành quen, các thầy không còn sợ khó, sợ khổ nữa nhưng có một điều mà làm các thầy lo lắng đó là nhỡ có lúc bị ốm đau thì rất vất vả.

Thời điểm năm 2010, tôi đang dạy ở bản Nồông, năm đó lũ lớn ngập hết các con đường trong bản. Có lần tôi bị đau bụng dữ dội, xe máy thì không vào được, người dân sợ nước lũ nên họ không dám đưa tôi ra khỏi bản.

Sau đó, mấy anh em đồng nghiệp phải bì bõm trong nước lũ cả tiếng đồng hồ dìu tôi ra ngoài, rồi lấy xe máy chở tôi về. Về dưới xuôi thì các bác sỹ chẩn đoán tôi bị viêm dạ dày cấp tính. Nhớ lại lần đó, tôi vẫn thấy sợ đến bây giờ
”, thầy Hồ Văn Minh (SN 1965, quê ở xã Sơn Trạch) chia sẻ.

Nơi núi rừng xa thẳm, nghe chuyện những người thầy đêm ngày bám bản ảnh 3
Dù khó khăn và thiếu thốn, các thầy vẫn luôn yêu nghề, lấy học sinh làm niềm vui (Ảnh: Thủy Phan)

Trường tiểu học số 2 Thượng Trạch có tất cả 38 giáo viên thì chỉ có 3 cô giáo, còn lại là 35 thầy giáo. Vì vậy, khi các em học sinh cất lên câu hát:

“Lúc ở nhà mẹ cũng là cô giáo/Khi đến trường cô giáo như mẹ hiền",... chúng tôi nói đùa rằng, các thầy rằng nên xin lỗi tác giả Phạm Tuyên rồi sửa bài hát trên thành bài “Thầy và mẹ” để dạy cho các em.

Những câu chuyện trên chỉ là một trong rất nhiều câu chuyện “cười ra nước mắt” mà những người thầy nơi đây phải trải qua trong những năm bám bản ở nơi rừng sâu núi cốc để “gieo chữ”.

Mùa đông rét mướt, mùa hè thì nắng nóng, khô hạn, các thầy phải đi xa xách từng xô nước về dùng. Thế nhưng, các thầy vẫn luôn yêu nghề, bám trường bám lớp để mang ánh sáng tri thức đến cho các em học sinh với mong muốn, một ngày nào đó gần nhất, cuộc sống người dân nơi đây sẽ phát triển hơn.

Thủy Phan