Nguyên Thứ trưởng Giáo dục "bắt mạch, chữa bệnh" giúp ngành

12/02/2016 08:57
Xuân Trung (thực hiện)
(GDVN) - Báo điện tử GDVN trò chuyện với ông Trần Xuân Nhĩ – nguyên Thứ trưởng Bộ GD&ĐT để nhìn lại những tồn tại và mục tiêu của giáo dục trong năm cũ và mới.

LTS: Ngành giáo dục đã trải qua một năm với nhiều hoạt động có dấu hiệu đổi mới. Tuy nhiên những hoạt động, nội dung đổi mới vẫn chưa được xã hội ghi nhận một cách triệt để, bởi đâu đó vẫn còn có những mối lo từ nhiều phía.

Kết thúc một năm sôi động của giáo dục nước nhà, chúng ta cùng nhìn lại để thấy ngành đã làm được gì và chưa làm được gì để cùng nhau khắc phục trong năm 2016 cho tốt hơn. 

Báo điện tử Giáo dục Việt Nam có cuộc trò chuyện với nguyên Thứ trưởng Bộ GD&ĐT, ông Trần Xuân Nhĩ về vấn đề này.

Trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc.

Vẫn băn khoăn cách làm của Bộ Giáo dục

PV: Với ông, giáo dục trong năm qua đã để lại trong ông điều gì?

Ông Trần Xuân Nhĩ: Vấn đề đầu tiên thực hiện trong năm qua là bắt đầu đổi mới sự nghiệp giáo dục theo tinh thần của Nghị quyết 29. Trong đó câu chuyện đáng chú ý nhất là chuyện thi cử, trong đổi mới thi cử thì quan điểm của Bộ từng cho rằng phải tới năm 2017 mới đổi mới, còn vẫn áp dụng ba chung.

Ông Trần Xuân Nhĩ, nguyên Thứ trưởng Bộ GD&ĐT. Ảnh Xuân Trung
Ông Trần Xuân Nhĩ, nguyên Thứ trưởng Bộ GD&ĐT. Ảnh Xuân Trung

Tuy nhiên, qua việc dư luận đấu tranh thì năm 2015 bắt đầu thực hiện đổi mới bằng cách hai kỳ thi thành một. Qua phân tích, tổ chức một kỳ thi có lợi là đỡ căng thẳng, đỡ tốn kém cho học sinh. 

Điều này là một cái tốt, nhưng cái chưa được là mục đích của hai kỳ thi khác nhau nhưng lại gộp thành một.

Kỳ thi tốt nghiệp THPT là đánh giá trình độ phổ thông, kỳ thi đại học là tuyển sinh đại học. Do đó đã có kiến nghị việc thi phổ thông là để đánh giá trình độ phổ thông, còn thi đại học là giao cho các trường tự chủ. 

Trong kỳ thi vừa qua, rõ ràng Bộ GD&ĐT đã làm thay cho cơ sở, làm thay cho cả các trường đại học.

Chính vì vậy vấn đề nổi lên khiến Bộ GD&ĐT vô cùng vất vả, cũng làm cho xã hội thêm bất bình. Bất bình vì ngành giáo dục đã chia các cụm thi khác nhau, làm cho tình hình thêm phức tạp. 

Sở GD&ĐT thì nói họ bị tước quyền vì họ đào tạo 12 năm học, giờ Bộ Giáo dục nhúng vào và họ mất quyền tổ chức đánh giá học sinh phổ thông.

Trong khi đó với hai loại cụm thi thì học sinh bị phân biệt đối xử, số vào đại học thì thi ở các cụm liên tỉnh còn lại thi tại địa phương.

Sau này học sinh thi cụm địa phương cầm tấm bằng cũng tự ti, các cơ quan tuyển dụng chắc chắn nhìn vào đó và sẽ gây một ảnh hưởng không tốt với học sinh này. Điều này là không được.

Điều không được nữa ở kỳ thi vừa qua là quy định các môn thi khiến học sinh học lệch nghiêm trọng (môn bắt buộc và môn tự chọn). Học sinh không học các môn không thi thì khổ sở ở các trường phổ thông, gây lãng phí. 

Ông thầy phải dạy những học trò không thích môn học của mình thì đã khổ, học sinh phải ngồi nghe những điều mình không thích thì càng khổ hơn.

Nhưng điều tai hại nhất là lứa học sinh này ra đời kiến thức rất què quặt. Do đó đổi mới thì được ít mà không được thì lại nhiều.

Như ông đã nói những hạn chế của việc thực hiện Nghị quyết 29 mà điều đầu tiên là thực hiện đổi mới thi và đánh giá sẽ có nguy cơ bị lặp lại trong năm 2016, thưa ông?

Ông Trần Xuân Nhĩ: Có nhiều ý kiến đóng góp, nhưng nếu Bộ bỏ qua, vẫn tiếp tục thực hiện như năm ngoái mà không tiếp thu thì năm tới tình hình tuyển sinh vẫn diễn ra như năm 2015. 

Tất cả những điều còn tồn tại của kỳ thi năm trước mà không khắc phục được thì mọi thứ vẫn như vậy.

Bộ nói vẫn tổ chức thành hai loại cụm thi và sẽ vẫn gây nên sự bất mãn cho các sở Giáo dục, trong khi đó không có một cơ sở lí luận nào cho quan điểm ấy.

Điều nguy hại nhất là các thế hệ học sinh này sẽ học lệch, đó là điều sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng tới chất lượng nguồn nhân lực.

Những tín hiệu mới

Ông còn ấn tượng hoạt động nào khác ở những hoạt động đổi mới giáo dục trong năm qua không?

Ông Trần Xuân Nhĩ: Điều nữa là đổi mới ở chương trình giáo dục phổ thông tổng thể.

Chương trình này đã có Nghị quyết của Quốc hội, Bộ GD&ĐT cũng đưa ra lấy ý kiến mọi người, ý tưởng nhiều nội dung cũng hoan nghênh như; bố trí kiến thức phổ thông vào THCS theo tinh thần chú ý đến kỹ năng.

Thực tế chương trình tổng thể làm cũng công phu, nhưng còn nhiều tồn tại. Rõ nhất là đối với cấp THPT vẫn còn tích hợp các môn, tích hợp một quan trọng để giáo dục đạo đức, lòng yêu tổ quốc như môn Lịch sử. Thực tế phải tổ hợp các môn khác vào môn Lịch sử.

Trong chương trình phổ thông tổng thể, cái mà tôi cho quan trọng là phân luồng. Theo Nghị quyết 29 thì toàn bộ kiến thức phổ thông bố trí xong ở THCS, đến THCS phải phân luồng mạnh.

Hiện nay trong chương trình tổng thể đến cấp THPT gọi là “định hướng nghề nghiệp” chứ không rõ việc phân luồng.

Phân luồng là việc chia hai luồng, một luồng mang tính chất định hướng nghiên cứu và một luồng theo hướng ứng dụng thực hành. 

Đối với đại học, nhà nước đã chủ trương phân tầng và xếp hạng. Tầng thành 3 tầng (nghiên cứu, ứng dụng và thực hành), từ đó có xếp hạng, vấn đề này cũng có tác dụng định hướng cho học sinh nên đi theo hướng nào. Khi xếp hạng sẽ thúc đẩy các trường phấn đấu.

Nhà nước đã ra một hệ thống trung tâm kiểm định chất lượng. Nhờ các trung tâm này, các trường đại học sẽ được kiểm định, sẽ chỉ ra được điểm nào được và chưa được của một trường đại học.

Nếu làm tốt sẽ giúp cho xã hội hiểu được trường nào là tốt, trường nào không tốt. 

Đồng thời kiểm định sẽ giúp cho các trường nhìn lại mình, mặt nào được và chưa được để phấn đấu.

Những tín hiệu đổi mới giáo dục trong năm vừa qua như ông đã đề cập thì ông có kỳ vọng gì ở giáo dục năm 2016?

Ông Trần Xuân Nhĩ: Nếu thực hiện đúng nghiêm chỉnh Nghị quyết 29 thì chắc chắn giáo dục có nhiều đổi mới theo hướng nâng cấp chất lượng tiếp cận vơi khu vực, thế giới.

Nhưng nếu vẫn làm theo cách như những năm qua thì trong năm 2016 tôi chưa thấy có điều gì sáng sủa. 

Nếu cứ đi theo con đường mòn đó thì thậm chí vẫn chưa phải là đổi mới, mà điển hình nhất là cách thì cử như vậy sẽ dẫn đến chất lượng nguồn nhân lực giảm sút. Sự bất bình trong xã hội, từ người quản lí Sở GD&ĐT cũng như học sinh đều không đồng tình. 

Trân trọng cảm ơn ông về cuộc trò chuyện này.

Xuân Trung (thực hiện)