Mỹ triển khai cụm tàu sân bay thứ hai ở Đông Á có liên quan tới Biển Đông

12/02/2016 06:35
Đông Bình
(GDVN) - Mỹ tăng cường quân sự ở Đông Á, khuyến khích Trung Quốc tôn trọng quy tắc, giúp Philippines và các nước nhỏ xây dựng năng lực ứng phó khủng hoảng...

Tờ Asahi Shimbun Nhật Bản ngày 10/2 đưa tin, tàu sân bay động cơ hạt nhân USS John C. Stennis Mỹ đã tới phía tây Thái Bình Dương, đang trên đường tới bán đảo Triều Tiên.

Tàu sân bay động cơ hạt nhân USS John C. Stennis Hải quân Mỹ
Tàu sân bay động cơ hạt nhân USS John C. Stennis Hải quân Mỹ

Cụm tàu sân bay này sẽ bổ sung cho biên đội Hải quân Mỹ triển khai lâu dài ở vùng biển Viễn Đông, nòng cốt của biên đội này là tàu sân bay động cơ hạt nhân USS Ronald Reagan triển khai ở căn cứ Yokosuka, Nhật Bản.

Khu vực này đồng thời xuất hiện 2 tàu sân bay là “chưa từng có” trong những năm gần đây. Điều này có liên quan đến căng thẳng xung quanh bán đảo Triều Tiên và tình hình phức tạp của khu vực Biển Đông.

Tàu sân bay USS John C. Stennis có thể chở 90 máy bay, trực thăng và máy bay cánh xoay, lực lượng tấn công chính của nó là máy bay chiến đấu đa năng F/A-18 Hornet.

Theo kế hoạch, cụm tàu sân bay USS John C. Stennis sẽ cùng với lực lượng vũ trang Hàn Quốc tổ chức diễn tập quân sự chung. CHDCND Triều Tiên đã chỉ trích mạnh mẽ vấn đề này với lý do rằng, hành động trên của Mỹ - Hàn là nhằm chuẩn bị cho việc phát động tấn công quân sự chống Bình Nhưỡng.

Tàu sân bay động cơ hạt nhân USS John C. Stennis Hải quân Mỹ
Tàu sân bay động cơ hạt nhân USS John C. Stennis Hải quân Mỹ

Báo JoongAng Ilbo Hàn Quốc cũng xác nhận, tàu sân bay USS John C. Stennis CVN-74 đã đi vào khu vực tác chiến ở  Đông Á và Đông Bắc Á.

Nguồn tin từ lực lượng Quân đội Mỹ đóng tại Hàn Quốc cho hay, tàu sân bay USS John C. Stennis sẽ lấy Yokosuka làm cảng chính để triển khai các hoạt động. Một cụm chiến đấu tàu sân bay còn có cả máy bay, tàu khu trục Aegis và tàu ngầm. Đây là tài sản chiến lược của Mỹ.

Mỹ triển khai 2 cụm tàu sân bay như vậy là điều rất hiếm thấy. Mặc dù giữa Mỹ-Trung còn tồn tại căng thẳng quân sự, nhưng việc triển khai này chủ yếu là để đối phó với tình hình căng thẳng do CHDCND Triều Tiên thử nghiệm hạt nhân và bắn tên lửa gây ra.

Hãng tin Yonhap Hàn Quốc khẳng định, tàu sân bay này sẽ tham gia cuộc tập trận với Hàn Quốc vào tháng tới nhằm ngăn chặn các hành động “khiêu khích” của CHDCND Triều Tiên, thể hiện Mỹ cam kết bảo vệ đồng minh Hàn Quốc.

Tàu sân bay động cơ hạt nhân USS John C. Stennis Hải quân Mỹ
Tàu sân bay động cơ hạt nhân USS John C. Stennis Hải quân Mỹ

Tàu ngầm hạt nhân USS North Carolina của Hải quân Mỹ cũng đang trên đường tới Hàn Quốc. Chiếc tàu này có khả năng mang theo tên lửa Tomahawk và ngư lôi Mark 48. Mỹ còn đang cân nhắc điều một máy bay chiến đấu tới Hàn Quốc, có thể là máy bay ném bom tàng hình B-2 hoặc máy bay chiến đấu tàng hình F-22.

Trước đó, trang mạng Viện nghiên cứu Hải quân Mỹ ngày 3/2 cũng cho rằng, Mỹ cần cân nhắc triển khai tàu sân bay thứ hai ở tuyến đầu Tây Thái Bình Dương. Quan điểm này thống nhất với quan điểm của Chủ tịch Ủy ban quân sự Thượng viện Mỹ John McCain.

Nhưng việc triển khai sẽ liên quan tới nhiều vấn đề như thao tác, chi phí và hạ tầng cơ sở cùng các lực lượng liên quan như liên đội máy bay. Bài viết đề xuất mở rộng căn cứ Iwakuni của lực lượng Thủy quân lục chiến để triển khai, nhưng để được phía Nhật Bản ủng hộ cũng là cả một vấn đề.

Bài viết đề xuất tăng cường phát đi tín hiệu rõ ràng hơn với Trung Quốc và các đồng minh của Mỹ như khuyến khích Trung Quốc tôn trọng các quy tắc, giúp Philippines và các nước nhỏ tiến hành xây dựng năng lực để ứng phó với các cuộc khủng hoảng như động đất, sóng thần; thúc đẩy các thỏa thuận thương mại. 

Tàu sân bay động cơ hạt nhân USS John C. Stennis Hải quân Mỹ
Tàu sân bay động cơ hạt nhân USS John C. Stennis Hải quân Mỹ
Đông Bình