Có nên phó mặc tiền mừng tuổi để trẻ tự chi tiêu?

15/02/2016 09:52
Bùi Minh Tuấn
(GDVN) - Sau Tết nguyên đán, không ít bậc phụ huynh băn khoăn, có nên cho trẻ toàn quyền sử dụng tiền lì xì được nhận trong dịp Tết không?

LTS: Mừng và nhận tiền lì xì là một phong tục của người Việt Nam. Nó thể hiện sự kính trọng của trẻ nhỏ đối với người lớn tuổi và sự quan tâm của người lớn đối với con trẻ. 

Đặc biệt, việc người lớn mừng tiền trẻ đồng nghĩa với việc ghi nhận những thành tích của trẻ trong  suốt năm qua. Nhưng, với trẻ nhỏ, tiền mừng tuổi không chỉ đơn giản là thế.

Chúng chỉ có thể hiểu rằng, phong bao lì xì là những đồng tiền tự nhiên mà có và đương nhiên thuộc về mình.

Dù ít hay nhiều, tiền mừng tuổi cần được trẻ đón nhận và biết trân trọng, sử dụng hợp lý. 

Trong bài viết này, tác giả Bùi Minh Tuấn chỉ ra một số mẹo mà các bậc phụ huynh có thể tham khảo trong việc giúp con trẻ nhận và tiêu tiền được mừng tuổi. 

Tòa soạn trân trọng giới thiệu cùng độc giả. 


Mừng tuổi cho trẻ dịp đầu xuân đã trở thành một nét văn hóa truyền thống tốt đẹp. Bên cạnh ý nghĩa tinh thần cầu chúc cho các em nhỏ mạnh khỏe, học giỏi chăm ngoan thì tiền mừng tuổi của trẻ dù nhiều hay ít cũng mang giá trị vật chất. 

Hiện nay, điều kiện kinh tế của nhiều gia đình được cải thiện, nhất là ở các vùng đồng bằng, thành phố. Điều này đồng nghĩa với việc tiền mừng tuổi của trẻ trong nhiều gia đình cũng là một khoản “không nhỏ”. 

Một số người cho rằng, tiền mừng tuổi khi đã được trao, trở thành “tài sản” riêng của trẻ, các bậc phụ huynh không nên can thiệp vào việc chi tiêu món tiền này. 

Các bậc phụ huynh cần giáo giục ý thức tiết kiệm qua việc định hướng trẻ sử dụng tiền mừng tuổi có ích (Ảnh: Bùi Minh Tuấn)
Các bậc phụ huynh cần giáo giục ý thức tiết kiệm qua việc định hướng trẻ sử dụng tiền mừng tuổi có ích (Ảnh: Bùi Minh Tuấn)

Tuy nhiên, dễ dàng nhận thấy việc “thả lỏng” cho trẻ toàn quyền tự do sử dụng tiền mừng tuổi để tiêu xài hoang phí, không có mục đích là một sai lầm. 

Sau kỳ nghỉ Tết cũng là lúc học sinh các cấp bước vào thời điểm “nước rút” quan trọng của năm học. 

Tuy nhiên, do có sẵn tiền mừng tuổi “rủng rỉnh” trong tay, không ít em bỏ bê chuyện học hành, sa vào các trò chơi vô bổ, la cà nơi quán xá, chơi game, tụ tập bạn bè… 

Thực tế cho thấy, khi có nhiều tiền trong tay và được phụ huynh cho phép tiêu xài thoải mái, nhiều trẻ không biết coi trọng đồng tiền cũng như công sức lao động để kiếm ra tiền. 

Có nên phó mặc tiền mừng tuổi để trẻ tự chi tiêu? ảnh 2

Những phong tục đẹp ngày Tết

(GDVN) - Người Việt là một trong những dân tộc ở Đông Nam Á giữ được rất nhiều phong tục, nét văn hóa cổ truyền đặc biệt trong dịp Tết Nguyên Đán.

Thói quen tiêu xài khi bản thân chưa có khả năng làm việc để kiếm tiền có thể khiến trẻ mắc phải tính lười lao động, không có chí tiến thủ, thích hưởng thụ. 

Thậm chí, dễ làm phát sinh ở trẻ những hành động dối trá, phạm pháp khi không có tiền tiêu.

Để trẻ chi tiêu có mục đích, đúng ý nghĩa món tiền mừng tuổi đầu năm, các bậc phụ huynh cần quan tâm, định hướng việc sử dụng đồng tiền của trẻ. 

Thay vì phó mặc cho con toàn quyền sử dụng, cha mẹ cần giúp con bước đầu nhận thức được giá trị của đồng tiền, từ đó hướng dẫn con chi tiêu hợp lý (ngoại trừ những trẻ dưới 5 tuổi, phụ huynh có thể giữ hộ con cái). 

Trước tiên, các bậc phụ huynh nên giải thích cho trẻ hiểu phần nào ý nghĩa tốt đẹp của phong tục mừng tuổi đầu năm. Tiền mừng tuổi không chỉ có giá trị vật chất mà còn mang giá trị tinh thần, tượng trưng cho sự ghi nhận thành tích của trẻ trong năm cũ và những lời chúc tốt đẹp đầu xuân mới. 

Bởi vậy, trẻ cần biết trân trọng và sử dụng hợp lý “lộc đầu năm” này. Sau khi giúp trẻ nhận thức được ý nghĩa của món tiền mừng tuổi, các bậc phụ huynh có thể cùng con lập kế hoạch sử dụng, chi tiêu liên quan đến việc sinh hoạt, học tập của trẻ. 

Chẳng hạn, khoản để mua sách vở, đồ dùng học tập, khoản để mua quần áo, sinh nhật bạn bè, liên hoan lớp… 

Một cách khác, phụ huynh có thể mua tặng con một con lợn đất tiết kiệm xinh xắn để bỏ tiền mừng tuổi. Khi cần đóng học phí, mua quần áo, đồ dùng học tập… có thể “mổ” lợn, cách làm này vừa giáo dục ý thức tiết kiệm, vừa khiến trẻ phần nào ý thức được bổn phận của mỗi thành viên trong gia đình khi biết san sẻ gánh nặng chi tiêu. 

Có nên phó mặc tiền mừng tuổi để trẻ tự chi tiêu? ảnh 3

Lời chúc Tết dành tặng ông bà hay và ý nghĩa nhất năm 2016

(GDVN) - Lời chúc Tết hay luôn là món quà tinh thần mà mọi người dành cho nhau nhân dịp Tết đến xuân về. Cùng tặng ông bà những lời chúc mừng năm mới đầy ý nghĩa.

Tiền mừng tuổi đầu năm cũng là tiền may mắn. Cha mẹ có thể hướng dẫn trẻ dùng một phần trong số tiền đó để làm việc nghĩa, quyên góp từ thiện. 

Dạy trẻ biết cách san sẻ niềm vui, sự may mắn cho người khác sẽ được mọi người thêm thương yêu, tôn trọng.

Việc ứng xử của các bậc phụ huynh một cách đúng đắn, linh hoạt đối với số tiền mừng tuổi đầu năm là vô cùng cần thiết. 

Đây thực sự là dịp để các bậc làm cha, làm mẹ dạy con những bài học đầu đời về vấn đề sử dụng, quản lý tiền bạc cũng như cách xử sự đúng mực trước sự quan tâm của mọi người. 

Bùi Minh Tuấn