Thầy giáo kể chuyện đi học ngoại ngữ cứ "phù phiếm, giả giả thế nào ấy"

02/03/2016 07:20
Đỗ Tấn Ngọc
(GDVN) - Hiện nay, việc đi học, đi thi lấy chứng chỉ Ngoại ngữ của nhiều giáo viên đã tạo ra không ít câu chuyện bi-hài, giả- thật, tiêu cực.

LTS: Qúy độc giả đang theo dõi bài viết của thầy giáo Đỗ Tấn Ngọc khi nhìn nhận về tình trạng giáo viên đi học, đi thi chứng chỉ Ngoại ngữ hiện nay. 

Hiện nay nhiều giáo viên tự mặc định cho mình là “phải” cầm trong tay chứng chỉ Ngoại ngữ thì mới yên tâm. Vậy thực hư chuyện này là như thế nào? Tòa soạn trân trọng gửi tới độc giả câu trả lời.


Học sinh, sinh viên bây giờ rất chăm lo học Ngoại ngữ. Học để có điểm lên lớp, để thi tốt nghiệp THPT, để xét điều kiện tốt nghiệp ra trường, để giao tiếp, làm ăn với các đối tác nước ngoài….

Ngay cả, người lớn, cán bộ, viên chức, giáo viên nay cũng lo lắng chuyện học Ngoại ngữ, vì đây là điều kiện, tiêu chuẩn bắt buộc đối với trình độ Thạc sĩ, Tiến sĩ, đối với chuyên viên, giảng viên chính, đối với giáo viên muốn thăng hạng chức danh nghề nghiệp… 

Gần đây, “làn sóng” giáo viên tiểu học ở nhiều địa phương đổ xô đi học lấy chứng chỉ Ngoại ngữ gia tăng một cách đột biến khi Thông tư liên tịch số 20/2015 TTLT- BGD ĐT-BNV, 21/2015 TTLT- BGD ĐT-BNV, 22/2015 TTLT- BGD ĐT-BNV được ban hành quy định mã số tiêu chuẩn chức danh nhà giáo các cấp mầm non, tiểu học, trung học, có hiệu lực từ tháng 11/2015. 

Theo thông tư xếp hạng giáo viên các cấp quy định: Giáo viên các cấp phải có trình độ Ngoại ngữ hạng A1 đối với giáo viên cấp Tiểu học và Trung học cơ sở, hạng A2 đối với giáo viên Trung học phổ thông theo khung quy chuẩn châu Âu. 

Đã có biết bao nhiêu câu chuyện bi-hài, giả- thật, tiêu cực từ việc đi học, đi thi lấy chứng chỉ Ngoại ngữ của đối tượng người lớn. 

Theo tờ Vnexpress cho biết, qua kỳ kiểm tra trình độ giáo viên tiếng Anh của 30 tỉnh/thành do Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức, chỉ 3% giáo viên THPT và 7% giáo viên THCS đạt chuẩn theo yêu cầu đề án ngoại ngữ quốc gia. (Ảnh: vnexpress.net)
Theo tờ Vnexpress cho biết, qua kỳ kiểm tra trình độ giáo viên tiếng Anh của 30 tỉnh/thành do Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức, chỉ 3% giáo viên THPT và 7% giáo viên THCS đạt chuẩn theo yêu cầu đề án ngoại ngữ quốc gia. (Ảnh: vnexpress.net)

Người học và thi Ngoại ngữ với động cơ để trau dồi, phục vụ tốt hơn công việc, hoạt động chuyên môn thì ít, người học và thi Ngoại ngữ với mục đích để có thêm bằng cấp, để thăng quan tiến chức, để nâng ngạch, bậc…thì nhiều. 

Có cung, ắt có cầu. Thông tư về tiêu chuẩn chức danh nhà giáo các bậc học có hiệu lực từ tháng 11/2015, thì trước đó, cuối tháng 10/2015, Trường Cao đẳng Công thương Thành phố Hồ Chí Minh liên kết với Trường Đại học Ngoại ngữ Đà Nẵng có ngay một thông báo “hoành tráng” về việc mở các lớp đào tạo, bồi dưỡng tiếng Anh 6 bậc theo khung tham chiếu Châu Âu (thông qua Sở GD&ĐT Quảng Ngãi) để gửi công văn đến các đơn vị trường học trên địa bàn toàn tỉnh Quảng Ngãi. 

Các nhà giáo, với đồng lương ít ỏi, nhìn vào bảng giá học phí ôn tập và học (chưa kể thi) bậc nào cũng hàng chục triệu đồng trở lên, nét mặt ai nấy đều xanh xám. 

Thầy giáo kể chuyện đi học ngoại ngữ cứ "phù phiếm, giả giả thế nào ấy" ảnh 2

Lao động Việt Nam chủ yếu làm cửu vạn là do không biết tiếng Anh

(GDVN) - Một số nước ASEAN coi trọng việc học tiếng Anh nên kỹ sư của họ đi làm với thu nhập cao. Còn lao động Việt Nam chủ yếu làm cửu vạn vì không biết tiếng Anh.

Thầy Nguyễn Viết Hòa, giáo viên, trường THPT Huỳnh Thúc Kháng, TP. Quảng Ngãi, phân trần: 

Bỏ ra mười mấy triệu đồng để lấy cái chứng chỉ Ngoại ngữ và nhiều thứ khác nữa…mới được thăng hạng, ngạch. 

Thử hỏi chút tiền lương từ nâng hạng, ngạch từ giờ đến khi nhắm mắt xuôi tay liệu có hơn được mấy so với hiện tại? 

Cứ thấy nó phù phiếm, giả giả thế nào ấy. Học và thi Ngoại ngữ chẳng để làm gì cả. 

Nhiều giáo viên, cán bộ bằng cấp, chứng chỉ tiếng Anh đầy người nhưng vài chữ tiếng Anh thuộc dạng “vỡ lòng” cũng không biết viết, đọc. Buồn cho “bệnh” sính bằng cấp ở nước ta
”. 

Tiến sĩ Nguyễn Văn Giang, trưởng Phòng đào tạo, trường Cao đẳng Sư phạm Kon Tum (tỉnh Kon Tum) cho rằng: 

Việc phân hạng giáo viên là cần thiết, vừa đảm bảo sự công bằng, vừa là động lực thúc đẩy thầy cô giáo chịu khó nghiên cứu, bồi dưỡng nâng cao tay nghề, nhất là đáp ứng yêu cầu của đổi mới giáo dục đặt ra. 

Thăng hạng sẽ giúp giáo viên tăng thêm thu nhập, đó là động lực để giáo viên phấn đấu. Tuy nhiên, để tránh tình trạng “loạn” học Ngoại ngữ và Tin học, gây lãng phí công sức, thời gian, kinh phí của thầy cô giáo thì các nhà quản lý giáo dục cần có định hướng, có chọn lựa thành phần người đi học, vừa có lợi cho họ vừa tốt cho trường, nhất là khi có những môn học sau này cần dạy song ngữ… 

Mặt khác, các cấp quản lý giáo dục và người học cần cảnh giác trước những “chiêu trò” cám dỗ tinh khôn của các trung tâm  “dạy chơi, ăn thật” đang mọc lên như nấm khắp nơi hiện nay
”.

Thầy giáo kể chuyện đi học ngoại ngữ cứ "phù phiếm, giả giả thế nào ấy" ảnh 3

Nhiều giáo viên nói tiếng Việt còn chưa sõi thì chứng chỉ tiếng Anh để làm gì?

(GDVN) - Nhiều vùng giáo viên chủ yếu người dân tộc thiểu số nói nhiều từ tiếng Việt chưa rõ. Vậy thử hỏi chứng chỉ tiếng Anh để làm gì?

Trước những băn khoăn, thắc mắc của nhiều giáo viên về Thông tư nêu trên, trao đổi với báo chí, bà Nguyễn Thúy Hồng - Phó cục trưởng Cục Nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục (Bộ GD&ĐT), cho biết: 

Thực hiện Thông tư liên tịch nêu trên, tất cả giáo viên đang ở các ngạch giáo viên mầm non, tiểu học, Trung học cơ sở, Trung học phổ thông đều được chuyển xếp vào các hạng chức danh nghề nghiệp tương ứng và được hưởng chế độ lương như cũ mà không có yêu cầu thêm về bất cứ điều kiện nào khác. 

Về bậc lương và việc nâng lương định kỳ đều không bị ảnh hưởng. Riêng về các trường hợp giáo viên muốn được thăng hạng chức danh nghề nghiệp (từ hạng đang giữ lên hạng cao hơn) thì phải đảm bảo có đủ các tiêu chuẩn theo quy định về tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp ở hạng muốn thăng hạng
”. 

Ý kiến giải thích cụ thể này từ lãnh đạo Bộ GD&ĐT chắc chắn sẽ làm nhiều giáo viên, nhất là bậc tiểu học hết hoang mang, lo lắng để tiếp tục yên tâm công tác. 

Đúng là trong quy chuẩn thăng hạng chức danh nhà giáo nói riêng, nhiều lĩnh vực, trình độ khác nhau nói chung cần có tiêu chí, quy định về chứng chỉ ngoại ngữ bởi nếu không thì tình trạng lười nhác học tập, trau dồi môn Ngoại ngữ trong giới chuyên môn, cán bộ, viên chức càng trở nên trầm trọng. 

Vấn đề cốt lõi ở đây là cách quản lý, sử dụng của các cơ quan Nhà nước và ý thức tự giáo dục, tự học của bản thân người học như thế nào để việc học, chứng chỉ đó thật sự hữu ích, không lãng phí, hình thức, có tác dụng kích thích, thúc đẩy, nhân rộng “ một xã hội học tập” đúng nghĩa.

Đỗ Tấn Ngọc