Phân luồng và định hướng nghề nghiệp cho học sinh trong cơ cấu hệ thống mới

23/02/2016 07:08
TS. Nguyễn Tùng Lâm
(GDVN) - Học sinh THCS đến lớp 9 đã phân loại để học 1 chương trình lớp 9 phù hợp với từng loại trường mà khả năng học tập.

LTS: Cơ cấu hệ thống giáo dục quốc dân phải làm rõ tính phân luồng và định hướng nghề nghiệp cho học sinh phổ thông. Đó là đề nghị của TS. Nguyễn TùngLâm – Chủ tịch Hội Tâm lý giáo dục học Hà Nội khi ông có bài viết gửi đến Báo điện tử Giáo dục Việt Nam.

Tòa soạn trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc.

“Đề án hoàn thiện cơ cấu hệ thống giáo dục quốc dân” trong tờ trình của Bộ GD&ĐT với Thủ tướng Chính phủ ngày 06/01/2016 đã khẳng định rất đúng về 7 vấn đề còn hạn chế của cơ cấu hệ thống giáo dục quốc dân hiện hành, trong các hạn chế đó, tờ trình khẳng định 2 hạn chế cơ bản nhất là:

“Cơ cấu hệ thống giáo dục quốc dân bị phân mảnh, liên kết lỏng lẻo giữa các bộ phận (giáo dục phổ thông, giáo dục nghề nghiệp, giáo dục thường xuyên, giáo dục đại học), quy hoạch mạng lưới các cơ sở giáo dục chưa hợp lý, không đồng bộ; 

Tình trạng mất cân đối trong cơ cấu trình độ và ngành nghề đào tạo chậm được khắc phục, chưa thực sự đáp ứng được nhu cầu nhân lực xã hội và hội nhập quốc tế.

Chưa phân biệt cụ thể trình độ đào tạo (được xác định bởi văn bằng, chứng chỉ của các cơ sở giáo dục) và trình độ tay nghề, chuyên môn nghiệp vụ (theo yêu cầu của vị trí việc làm)”.

Tờ trình còn chỉ rõ những hạn chế về quản lý hệ thống giáo dục quốc dân hiện hành, do các luật về giáo dục phổ thông (2005, bổ sung năm 2009) về giáo dục Đại học (2012) và giáo dục nghề nghiệp (2014) có phạm vi điều chỉnh chưa thống nhất và nhất quán dẫn đến “việc thực hiện quản lý nhà nước về giáo dục đào tạo ở các Bộ, ngành địa phương có sự khác nhau”.

Và quan trọng nhất, tờ trình đã chỉ rõ hạn chế cơ bản, có tính chất trầm trọng nhất của hệ thống giáo dục quốc dân hiện hành là:

“Việc định hướng nghề nghiệp cho học sinh trung học cơ sở và trung học phổ thông chưa rõ đã dẫn đến sức ép lớn đối với các trường đại học trong khi các cơ sở giáo dục nghề nghiệp lại không thu hút được học sinh”.

Về quan điểm để xây dựng và hoàn thiện cơ cấu hệ thống giáo dục quốc dân, Bộ GD&ĐT cũng đã chỉ rõ:

“Đảm bảo cơ cấu hệ thống giáo dục quốc dân sau khi hoàn thiện sẽ khắc phục những hạn chế, bất cập hiện tại, đồng thời đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và tiếp cận hệ thống giáo dục của các nước tiên tiến trong khu vực và trên thế giới”.

Tất cả những vấn đề đúng đắn, sâu sắc trên Bộ GD&ĐT lại không giải thích và làm tường minh ở phần “phương án hoàn thiện cơ cấu hệ thống giáo dục quốc dân” (mục 2.3).

TS. Nguyễn Tùng Lâm. Ảnh Xuân Trung
TS. Nguyễn Tùng Lâm. Ảnh Xuân Trung

Đây là phần trọng tâm nhất, cần giải thích một cách tường minh. Tờ trình của Bộ chỉ thể hiện hết sức sơ lược chưa được nửa trang, trong khi đó phần quá trình xây dựng đề án (mục IV) lại trình bầy quá tỉ mỉ những hơn 2 trang. 

Phần này chẳng giải thích được gì cho đề án mới chỉ đạt một mục tiêu giải trình đề án này Bộ đã nghiên cứu chuẩn bị nhiều năm nay. Và điều đặc biệt nữa, Bộ lại để hẳn một mục “vấn đề còn ý kiến khác” (mục V).

Phần này Bộ phải khẳng định những quan điểm của Bộ để trình Thủ tướng xem xét, quyết định hoặc chỉnh sửa. Như giáo dục thường xuyên là một phương thức học tập có tính chất đặc thù để đảm bảo mục tiêu phổ cập giáo dục phải xếp vào hệ thống giáo dục quốc dân, tại sao còn đặt vấn đề “có hay không đưa vào hệ thống?”.

Ngoài phần chính đề án trình bày sơ lược, không thuyết minh rõ những đổi mới mà Bộ đã chuẩn bị trong chương trình giáo dục phổ thông sau 2015, nhất là phần định hướng nghề nghiệp của PTTH.

Phân luồng và định hướng nghề nghiệp cho học sinh trong cơ cấu hệ thống mới ảnh 2

Từ câu chuyện khó góp ý tới Khung trình độ quốc gia

(GDVN) - Theo ông Lê Viết Khuyến, những sai lầm trong trật tự ban hành văn bản khiến chuyên gia rất khó góp ý kiến cho dự thảo của từng văn bản pháp quy cụ thể.

Thiếu sót chính đề án không giải quyết được vấn đề phân luồng sau THCS và sau THPT. Hệ thống các trường nghề vẫn không có học sinh theo học, tất cả chỉ đổ vào Đại học, Cao đẳng.

Bộ GD&ĐT chủ quan, nghĩ rằng thiết kế THPT có 3 luồng gồm “Định hướng chung (có tính hàn lâm khoa học như hiện nay) Định hướng kỹ thuật công nghệ hay định hướng năng khiếu (nghệ thuật, thể thao)”. 

Các tác giả làm đề án đã có sự lầm lẫn: loại trường nghệ thuật, thể thao là loại trường vừa thể hiện năng khiếu, vừa thể hiện là loại trường nghề; cụ thể hiện nay các trường này đều được các cơ sở giáo dục đào tạo quản lý theo khối các trường đại học, cao đẳng và trường nghề.

Để giải quyết vấn đề cơ bản của phân luồng học sinh một cách triệt để, có thể mạnh dạn thiết kế 3 loại trường trung học, đó là:

Trường trung học định hướng khoa học cơ bản: đầu vào là học sinh giỏi THCS, có thiên hướng nghiên cứu khoa học, đầu ra là vào các trường đạo học nghiên cứu: Đại học Quốc gia, Đại học Sư phạm, Đại học Kinh tế quốc dân, Đại học ngoại thương, Đại học Luật…

Trường trung học định hướng kỹ thuật công nghệ.

Đầu vào là học sinh THCS khá, giỏi và những học sinh có thiên hướng chọn những nghề có sử dụng nhiều kỹ thuật, công nghệ. Đầu ra là vào các trường Đại học, Cao đẳng thuộc hệ kỹ thuật và công nghệ.

Trường trung học nghề: Đảm bảo có kiến thức THPT ở mức cơ bản chủ yếu phải học một nghề cụ thể để ra trường có thể đạt tay nghề bậc 2 hoặc 3. 

Đầu vào là học sinh THCS chỉ đạt trung bình trở lên. Đây là những học sinh có hoàn cảnh kinh tế khó khăn có nhu cầu sớm tìm việc làm để mưu sinh hoặc có thiên hướng thích nghề gắn với lao động chân tay. Đầu ra là đi làm hoặc vào các trường cao đẳng nghề.

Như vậy khi học sinh THCS đến lớp 9 đã phân loại để học 1 chương trình lớp 9 phù hợp với từng loại trường mà khả năng học tập cũng như thiên hướng nghề nghiệp các em mong muốn khi lên học THPT. 

Như vậy chương trình giáo dục hướng nghiệp phải làm kỹ cho học sinh THCS từ lớp 8 đến lớp 9 các chương trình đã được phân hóa theo các loại trường trung học. 

Như vậy với chương trình lớp 9 THCS. Bộ phải mạnh dạn thiết kế lại mới bảo đảm tính phân luồng triệt để học sinh lớp 9 bắt buộc phải chia học theo chương trình để thi vào THPT. 

Có làm mạnh mẽ dứt khoát chúng ta mới giải quyết được vấn đề định hướng nghề nghiệp cho học sinh trung học phổ thông và trung học nghề. Có Trường nghề đào tạo công nhân sơ cấp sẽ bị xóa sổ, chuyển cho trung tâm đào tạo nghề ngắn hạn, không nằm trong hệ thống giáo dục quốc dân.

Vấn đề hoàn thiện hệ thống giáo dục quốc dân mới đáng lẽ phải làm trước đề án xây dựng chương trình sách giáo khoa phổ thông sau năm 2015, nhưng nay ta đã làm ngược.

Phân luồng và định hướng nghề nghiệp cho học sinh trong cơ cấu hệ thống mới ảnh 3

Sinh viên Việt Nam tụt hậu vì những môn học vô bổ

(GDVN) - PGS.TS Nguyễn Văn Nhã cho biết, ở nhiều nước đào tạo đại học 4 năm, nhưng sinh viên được học rất sâu về ngành, chứ không học nhiều môn vô bổ như ở Việt Nam.

Vậy hệ thống giáo dục phổ thông chúng ta vẫn giữ 12 năm nhưng một số chương trình cho học sinh lớp 9 THCS phải điều chỉnh cho phù hợp với việc phân luồng, cũng như chương trình THPT phải điều chỉnh cho phù hợp với loại hình trường THPT.

Đây chỉ là ý tưởng phác thảo nhằm đạt mục tiêu định hướng hoàn thiện cơ cấu hệ thống giáo dục quốc dân mới… 

Nếu chúng ta cứ luyến tiếc chương trình cũ, cách làm cũ sẽ không thể đạt yêu cầu phân luồng và liên thông theo định hướng nghề nghiệp của hệ thống. 

Đồng thời chúng tôi kiến nghị, Bộ GD&ĐT nên thuyết minh kỹ hệ thống giáo dục quốc dân để đảm bảo phân luông học sinh và đảm bảo tính liên thông giữa các chương trình đào tạo, thí dụ nếu học sinh vào trung học nghề thì học cao đẳng nghề (cùng nghề đã học trung học nghề) thì chỉ phải học 2 năm. 

Nếu tốt nghiệp THPT khác khi thi vào cao đẳng nghề học sinh phải đảm bảo học 3 năm có vậy mới khuyến khích học sinh vào các trường trung học nghề và cao đẳng nghề, nơi xã hội đang có nhu cầu.

Việc Bộ GD&ĐT phát hiện những nhược điểm của công tác quản lý của hệ thống giáo dục quốc dân cũ nhưng khi thiết kế cơ cấu hệ thống giáo dục quốc dân mới lại không đề cập đến sự thay đổi cho phù hợp. 

Quan điểm của chúng tôi hệ thống giáo dục quốc dân mới, chỉ nên để một mình Bộ Giáo dục đào tạo quản lý, để thống nhất điều hành và đảm bảo sự liên thông của hệ thống.

Bộ Lao động thương binh xã hội nên tập trung giám sát kết quả đào tạo nguồn nhân  lực của Bộ GD&ĐT, có chính sách huy động các cơ sở sản xuất, kinh doanh, cơ sở nghiên cứu tham gia sử dụng lao động và tổ chức đào tạo lại tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh mới đáp ứng nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực để hội nhập quốc tế.

Chúng tôi hy vọng lần này Việt Nam sẽ có một hệ thống giáo dục quốc dân kế thừa được những ưu điểm của hệ thống giáo dục quốc dân hiện hành, nhưng phải giải quyết được những nhược điểm của hệ thống giáo dục quốc dân cũ, đảm bảo phân luồng và hướng nghiệp cho học sinh phổ thông, nâng cao được chất lượng đào tạo của các trường Đại học, cao đẳng

TS. Nguyễn Tùng Lâm