Trung Quốc chủ yếu bán vũ khí cho "bạn tốt"

23/02/2016 09:22
Hồng Thủy
(GDVN) - Pakistan là nước mua chủ yếu vũ khí Trung Quốc, chiếm 35% kim ngạch xuất khẩu vũ khí của Bắc Kinh. Tiếp đó là Bangladesh với 20% và Myanmar với 16%.

South China Morning Post ngày 23/2 đưa tin, Trung Quốc đã tăng gần như gấp đôi kim ngạch xuất khẩu vũ khí trong 5 năm qua và trở thành cường quốc xuất khẩu vũ khí hàng thứ 3 thế giới sau Hoa Kỳ và Nga. Khách hàng lớn nhất của vũ khí Trung Quốc chính là Pakistan, quốc gia láng giềng được Bắc Kinh gọi là "người bạn tốt trong mọi hoàn cảnh".

Vũ khí Trung Quốc trưng ra tại cuộc duyệt binh quy mô lớn ở Thiên An Môn ngày 3/9 năm ngoái, ảnh: Reuters.
Vũ khí Trung Quốc trưng ra tại cuộc duyệt binh quy mô lớn ở Thiên An Môn ngày 3/9 năm ngoái, ảnh: Reuters.

Đồng thời trong 5 năm qua 2011-2015, lượng vũ khí nhập khẩu của Trung Quốc đã giảm 25%  so với 5 năm trước đây. Điều này cho thấy năng lực phát triển ngành công nghiệp vũ khí của quốc gia này. Viện Nghiên cứu Hòa bình quốc tế Stockholm cho biết trong báo cáo mới nhất về thị trường vũ khí quốc tế.

Các nhà phân tích quân sự Trung Quốc cho rằng, ngành công nghiệp vũ khí Trung Quốc đã mang lại kết quả sau nhiều năm chi tiêu cho quốc phòng ngày càng tăng. Trung Quốc sẽ tiếp tục xuất khẩu vũ khí, bởi Bắc Kinh vẫn đang kiên trì thúc đẩy kế hoạch phát triển loại hình công nghiệp này.

Một số chuyên gia tin rằng, khoảng 1/3 khoản ngân sách Bắc Kinh dành cho quân sự năm ngoái ở mức 886,9 tỉ nhân dân tệ, chủ yếu là dành cho việc mua vũ khí, trang bị vũ khí cho quân đội. 

Báo cáo của Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm cho hay, 5 năm qua từ 2011 đến 2015  riêng xuất khẩu vũ khí của Trung Quốc đã tăng 88% so với 5 năm trước đó. Bắc Kinh bán vũ khí chính cho 37 quốc gia, 3/4 số khách hàng này ở châu Á và châu Đại Dương.

Pakistan là nước mua chủ yếu vũ khí Trung Quốc, chiếm 35% kim ngạch xuất khẩu vũ khí của Bắc Kinh. Tiếp đó là Bangladesh với 20% và Myanmar với 16%.

3 tuần trước khi Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình thăm chính thức Pakistan hồi tháng Bảy năm ngoái, Islamabad đã chấp thuận thỏa thuận mua tàu ngầm Trung Quốc với tổng trị giá 5 tỉ USD, đây là đơn hàng lớn nhất của Trung Quốc đối với mặt hàng tàu ngầm, theo Reuters.

Vũ khí Trung Quốc trưng ra trước dư luận trong cuộc duyệt binh ngày 3/9 năm ngoái tại Thiên An Môn, ảnh: Reuters.
Vũ khí Trung Quốc trưng ra trước dư luận trong cuộc duyệt binh ngày 3/9 năm ngoái tại Thiên An Môn, ảnh: Reuters.

Từ Quang Dụ, một viên Thiếu tướng Trung Quốc nghỉ hưu hiện là thành viên Hiệp hội Kiểm soát vũ khí và giải trừ quân bị Trung Quốc nói với South China Morning Post, nguy cơ an ninh lớn hơn và điều kiện kinh tế tốt hơn ở châu Phi, châu Á và Trung Đông đã khiến các nước trong khu vực củng cố sức mạnh quân sự.

Một cựu quân nhân khác, Đại tá Yue Gang tự hào nói với South China Morning Post: "Vũ khí Trung Quốc nổi tiếng với chất lượng tuyệt vời mà giá cả lại thấp, rất hấp dẫn đối với nhiều quốc gia nhỏ, những nước kém phát triển và không thể duy trì chi tiêu quân sự lớn hơn".

Tuy nhiên, báo cáo của Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm cũng chỉ ra rằng, những loại vũ khí chủ chốt và hiện đại như máy bay vận tải cỡ lớn, máy bay trực thăng, động cơ cho các loại máy bay phản lực, tàu ngầm...Trung Quốc vẫn phải nhập.

Những mặt hàng này, Trung Quốc chủ yếu mua từ Nga với tỉ trọng 59%, Pháp 15% và Ukraine 14%.

Hồng Thủy