Dự án tháp truyền hình cao nhất thế giới: Đừng đổi danh lấy lợi ích

25/02/2016 07:31
Mai Anh
(GDVN) - Theo TS. Liêm, nếu đạt kỷ lục thế giới mà hiệu quả cao, đầu tư lớn ta vẫn làm. Nhưng không phải kỷ lục thế giới, hiệu quả không có, vốn ít cũng không nên làm.

Dự án "khủng" đòi hỏi minh bạch

Mới đây, Đài Truyền hình Việt Nam (VTV) trình Thủ tướng Chính phủ về đề án xây dựng tòa tháp 636 m - cao nhất thế giới - tại khu đô thị Tây Hồ Tây (Hà Nội).

Theo đó, VTV cùng 2 đối tác là Tổng công ty Đầu tư kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) và Tập đoàn BRG thực hiện dự án. 

Đáng chú ý, VTV không chỉ xây tháp và khối đế tháp với tổng diện tích khoảng 14,1 ha mà còn xây dựng khối phụ trợ bao gồm các chung cư, văn phòng, khách sạn, khu dịch vụ, vui chơi giải trí và tổ chức sự kiện.

VTV lý giải hạng mục bất động sản này để “góp phần thúc đẩy kinh tế khu vực Tây Hồ Tây và thủ đô Hà Nội; gia tăng giá trị bất động sản, thu hút các nhà đầu tư, khách du lịch trong ngoài nước, mang lại nguồn lợi nhuận từ du lịch và các dịch vụ kèm theo.

Phác thảo dự án tháp truyền hình cao nhất thế giới của VTV và các đối tác (ảnh nguồn báo Người Lao Động).
Phác thảo dự án tháp truyền hình cao nhất thế giới của VTV và các đối tác (ảnh nguồn báo Người Lao Động).

Đáng chú ý, VTV đã có công văn xin Thủ tướng Chính phủ hàng loạt ưu đãi vốn chỉ áp dụng cho các dự án đầu tư vào những vùng đặc biệt khó khăn. Cụ thể là xin miễn hoàn trả chi phí đầu tư hệ thống hạ tầng ban đầu, hạ tầng chung; xin áp dụng cơ chế ưu đãi theo hình thức giao đất, miễn 100% tiền sử dụng đất, thuế đất và miễn chi phí giải phóng mặt bằng...

VTV còn đề xuất áp dụng cơ chế ưu đãi cao nhất gồm miễn thuế thu nhập doanh nghiệp trong 4 năm đầu, giảm 50% thuế thu nhập doanh nghiệp trong 9 năm tiếp theo, các năm còn lại áp dụng thuế suất 10%. Miễn thuế nhập khẩu cho các vật tư, máy móc, thiết bị, vật liệu, linh kiện… phục vụ xây lắp.

Nguồn vốn thực hiện dự án từ 1,3 tỷ USD - 1,5 tỷ USD, trong đó 900 triệu USD xây dựng tháp còn lại là các dự án bất động sản dưới chân tháp. Nguồn vốn được lấy từ nguồn vốn huy động, vốn cổ phần hóa doanh nghiệp VTV, vốn kinh doanh của SCIC…

Trao đổi với phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam về dự án tháp truyền hình VTV đang xin phép xây dựng TS. Phạm Sỹ Liêm - nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng cho rằng, về cơ bản đây là dự án BT, đổi đất lấy dự án, hạ tầng. Hiển nhiên đã xã hội hóa, các doanh nghiệp phải có lợi ích gì họ với bỏ tiền đầu tư. 

Đã mời họ vào đầu tư phải tạo điều kiện cho họ lợi ích. Muốn có lợi ích dự án phải nhiều công năng, trong đó có hạng mục phi lợi nhuận, có hạng mục lợi nhuận lớn... Tất cả yếu tố đó cộng lại, doanh nghiệp vẫn được lợi. Không phải chỉ lợi nhuận, mà tỷ lệ lợi nhuận so với vốn bỏ ra phải tương xứng họ với đầu tư. 

Với dự án BT, TS.Phạm Sỹ Liêm lưu ý: “Phải dè chừng doanh nghiệp không chỉ có lợi nhuận mà là siêu lợi nhuận. Siêu lợi nhuận này doanh nghiệp sẽ san sẻ cho những người ra quyết định một phần đó mới là cái nguy hiểm. Việc san sẻ, chia chác đó xuất phát từ không minh bạch. Vì thế với những dự án như tháp truyền hình cần rất nhiều sự minh bạch”.

TS Phạm Sỹ Liêm nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng trong cuộc trao đổi với phóng viên (ảnh H.Lực).
TS Phạm Sỹ Liêm nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng trong cuộc trao đổi với phóng viên (ảnh H.Lực).

Không chạy theo hư danh

Theo TS. Phạm Sỹ Liêm, để đảm bảo minh bạch với dự án lớn như xây dựng tháp truyền hình cần tổ chức đầu thầu. Trong trường hợp nếu chỉ có một doanh nghiệp, cần phải minh bạch xem xét lợi ích doanh nghiệp là bao nhiêu.

Trong điều kiện kinh tế Việt Nam, TS. Liêm cho rằng không phải chúng ta không làm ra được cái gì đó nhất thế giới nếu như những dự án mang danh nhất, nhì thế giới đó mang lại lợi ích tương xứng, đầy đủ. Chứ chạy theo hư danh thì việc đầu tư là lãng phí.

Ông Liêm phân tích, trên khía cạnh kinh tế, tất nhiên doanh nghiệp không chạy theo hư danh nhưng đôi khi họ mượn cái hư danh đó để đặt điều kiện: Tôi đầu tư dự án này anh (thành phố có dự án, đất nước có dự án…) được danh, muốn được danh thì phải đánh đổi bằng lợi ích lớn.

“Quan trọng nhất hiệu quả, trước khi thực hiện dự án phải lấy hiệu quả làm nguyên tắc chi phối chứ chỉ chạy theo hư danh mà không có hiệu quả thì lãng phí. Những ngày qua báo chí đưa tin về nhà thi đấu bao nhiêu nghìn tỷ rất oai nhưng không được sử dụng hiệu quả”, ông Liêm nói.

“Có những bệnh viện, có những khu ký túc xá sinh viên xây dựng hiện đại xong để đó không được sử dụng khai thác hiệu quả. Ở đây, ta ngửi thấy ngay lợi ích nhóm lợi ích bởi dự án hoàn thành không được khai thác hiệu quả, xã hội thiệt”, nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng nhấn mạnh.

Theo TS. Liêm, nếu đạt kỷ lục thế giới mà hiệu quả cao đầu tư lớn ta vẫn làm. Ngược lại không phải kỷ lục thế giới, hiệu quả không có vốn ít ta cũng không nên làm.

“Tôi không băn khoăn vấn đề kỷ lục nhưng tôi nghĩ người đưa ra dự án lấy cái danh kỷ lục đó để trở thành điều kiện trao đổi. Ai biết tháp truyền hình của ai, họ chỉ biết tháp truyền hình đó ở Hà Nội, ở Việt Nam”, ông Liêm cho hay.

"Bài học" tháp truyền hình Tam Đảo

Từ dự án tháp truyền hình cao nhất thế giới mà VTV đang có ý định thực hiện, ông Phạm Sỹ Liêm kể lại bài học quá khứ: Khoảng những năm 80 thế kỷ trước, khi Đài Truyền hình Việt Nam mới ra đời, đất nước thời bao cấp kinh tế khó khăn. Khi đó Đài Truyền hình Việt Nam xin xây dựng ở trên đỉnh Tam Đảo một tháp truyền hình cao không đến 100 mét. 

Thời điểm đó, tháp truyền hình Tam Đảo được xây dựng nhằm phục vụ thu phát sóng truyền hình do xây dựng trên độ cao lớn, khoảng cách lại gần Hà Nội. Vì xây dựng trên đỉnh Tam Đảo trong khi cốt (chiếu cao từ mặt biển lên đỉnh) đã là hơn 1.900m cho nên cộng cả tháp gần 2.000m. 

Tuy nhiên, dự án xây dựng xong không sử dụng được do sét đánh. Sét đánh nên không ai dám sống dưới chân tháp nên không thể vận hành được thiết bị. Mặt khác, sét đánh hư hỏng cả thiết bị vì thế tháp truyền hình đó không vứt bỏ, lãng phí.

“Dù bị bỏ không, lãng phí nhưng không ai chịu trách nhiệm mà âm thầm vứt bỏ, tôi nghĩ Đài truyền hình bây giờ cũng không nhắc đến tháp truyền hình tại Tam Đảo coi như dự án đó không phải của mình.

Tôi chỉ lo lắng dự án tháp truyền hình cao nhất thế giới này nếu nhẹ dạ tin vào những hiệu quả phù phiếm mà lặp lại như tháp tại Tam Đảo thì lại lãng phí”, ông Liêm lo lắng.

Ngoài lãng phí kinh tế, theo TS. Liêm để xây dựng tháp truyền hình đòi hỏi khoa học công nghệ cao rất khó.

Ông Liêm lo lắng dự án được xây dựng trên tây Hồ Tây, đây là vùng đất phù sa nền đất không tốt, nền móng không tốt ảnh hưởng chất lượng công trình. Ngoài ra dự án xây dựng cao phải tính toán độ lắc, độ bền thiết bị.

“Nếu dễ ai cũng có thể làm được vì thế cần tính toán xem xét thật kỹ dự án”, ông Liêm kết luận. 

Mai Anh