Cuộc đối thoại giữa ông Đinh La Thăng và bà Mai Kiều Liên

02/03/2016 07:28
Mai Anh (Tổng hợp)
(GDVN) - Bà Mai Kiều Liên - TGĐ Vinamilk thẳng thắn nêu vấn đề trước gợi ý của Bí thư Thành ủy TP.HCM Đinh La Thăng về việc “chuyển nông dân thành cổ đông Vinamilk".

Chiều 1/3, Đoàn kiểm tra của Ban Thường vụ Thành ủy TP.HCM do ông Đinh La Thăng - Bí thư Thành ủy TP.HCM dẫn đầu có buổi làm việc với Ban thường vụ Đảng ủy khối doanh nghiệp Trung ương tại TP.HCM.

Tại buổi làm việc, ông Đinh La Thăng có những trao đổi với bà Mai Kiều Liên - Bí thư Đảng ủy, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Sữa Việt Nam (Vinamilk) về phương hướng hỗ trợ nông dân và đã gợi ý: Vì sao Vinamilk không chuyển nông dân thành cổ đông của mình, cho nông dân góp bò như là góp vốn...

Bà Mai Kiều Liên - Bí thư Đảng ủy, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Sữa Việt Nam (Vinamilk) trong buổi làm việc với Đoàn kiểm tra của Ban Thường vụ Thành ủy TP.HCM (ảnh PLO).
Bà Mai Kiều Liên - Bí thư Đảng ủy, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Sữa Việt Nam (Vinamilk) trong buổi làm việc với Đoàn kiểm tra của Ban Thường vụ Thành ủy TP.HCM (ảnh PLO).

Bà Mai Kiều Liên cho biết, hiện số lượng sữa mà Vinamilk mua từ đàn bò của bà con nông dân tính thay thế nhập khẩu là khoảng 131 triệu USD. Bà Liên cho rằng, điều này đã thể hiện sự gắn bó giữa doanh nghiệp và bà con.

Tuy vậy bà Liên cũng cho biết, trong 3 năm tới Vinamilk sẽ phải giảm giá thành thu mua nếu muốn cạnh tranh với thế giới.

Theo bà Liên, khi vào TPP giá sữa chỉ còn 8.000 đến 9.000đ/lít mà hiện nay Vinamilk mua giá 13.000đ/lít.

"Nếu bà con vẫn giữ quy mô nhỏ lẻ, manh mún thì rất khó, chúng tôi đã bàn với các hộ nông dân của cả nước là trong vòng 3 năm tới Vinamilk phải cùng với bà con làm như thế nào để giảm giá để chúng ta trụ được”, bà Liên nói.

Trước thực tế giá cả thị trường và yêu cầu hội nhập, ông Thăng đã đề nghị bà Liên đưa ra những giải pháp để bà con nông dân giảm giá thành sản xuất bằng mức Vinamilk thu mua.

Bà Liên cho biết, Vinamilk đã làm việc với khoảng 8.000 hộ nông dân (có ký hợp đồng) trên toàn quốc. Trước mắt công ty đã khảo sát từng hộ để chỉ ra từng con bò đã quá già, năng suất thấp và yêu cầu thay đàn hoặc con giống (chọn con giống từ Vinamilk, hoặc tự liên hệ).

Theo bà Liên, để cạnh tranh thì năng suất của một con bò phải từ 20 lít sữa/ngày trở lên, còn từ 15 lít sữa/ngày trở xuống thì không thể đáp ứng nhu cầu.

Bà Liên cho rằng, nông dân nuôi bò gần nhau nên gộp thành đàn lớn để giảm chi phí chăm sóc, tăng năng suất.

Theo bà Mai Kiều Liên, nếu nông dân còn giữa cổ phần Vinamilk từ năm 2003 có lẽ bây giờ không cần nuôi bò vẫn khỏe.
Theo bà Mai Kiều Liên, nếu nông dân còn giữa cổ phần Vinamilk từ năm 2003 có lẽ bây giờ không cần nuôi bò vẫn khỏe.

Về đề nghị của Bí thư Thành ủy TP.HCM về việc chuyển nông dân thành cổ đông Vinamilk, bà Mai Kiều Liên khẳng định: Vinamilk tạo điều kiện tốt nhất cho nông dân.

Cụ thể, trước đây khi cổ phần hóa năm 2003, Vinamilk đã cho nông dân mua tham gia cổ phần, thực hiện rất đúng, thậm chí có ưu đãi giảm 30% mệnh giá.

Khi đấy, cán bộ công nhân của Vinamilk mua 10.000 đồng/cổ phần còn nông dân chỉ mua có 7.000 đồng/cổ phần thôi. Bà con nói không có tiền, Vinamilk đứng ra liên hệ ngân hàng, bảo lãnh cho bà con mua cổ phần. 

Bà Liên cho biết: Sau đó, cổ phiếu Vinamilk có giá thì bà con nông dân bán ngay và bán hết luôn. Đến bây giờ chắc không còn nông dân cầm cổ phiếu Vinamilk nữa. Hồi đó mà nông dân chịu giữ cổ phần thì đến nay khỏi nuôi bò cũng sống khỏe.

Hiện nay để nông dân góp vốn bằng bò sữa, theo bà Liên sẽ khó khăn bởi bò của nông dân năng suất cho sữa thấp mặt khác, Vinamilk là công ty cổ phần muốn cho nông dân tham gia trở thành cổ đông phải có sự chấp nhận của các cổ đông khác.

Mai Anh (Tổng hợp)