Vì nhiệt tình, yêu thương trò mà giáo viên phải lạy phụ huynh và bồi thường sao?

04/03/2016 07:16
Thùy Linh
(GDVN) - “Hiện nay, hình phạt ghi tên vào sổ đầu bài không còn hiệu quả nữa bởi trong một học kỳ vừa qua, học sinh lớp tôi đã “xử lý” xong 3 cuốn sổ".

Bài viết "Con là cục cưng của bố mẹ, cô mà đánh con, bố con sẽ đuổi cô ra khỏi trường!” của tác giả Phan Tuyết đăng tải trên Báo điện tử Giáo dục Việt Nam ngày 1/3/2016 đã nhận được rất nhiều sự quan tâm của đông đảo bạn đọc.

Đặc biệt là những thầy cô đang ngày ngày đứng lớp và những bậc phụ huynh đang có con trong độ tuổi đến trường. 

Sau mỗi vụ việc phụ huynh lên tiếng kiện cáo khi thầy cô giáo dục con cái họ bằng roi vọt thì mỗi giáo viên rút ra cho mình nhiều bài học sâu sắc thậm chí nhiều thầy cô còn đưa ra quan điểm khi tới trường là "bỏ qua cho an toàn". 

Một kỳ học mất 3 cuốn sổ ghi đầu bài

Thầy Cao – một giáo viên một trường Trung học cơ sở thuộc tỉnh An Giang tâm sự:

Sau mỗi kì nghỉ dài như Tết Nguyên Đán, vì có nhiều thời gian vui chơi, giao du với các đối tượng bên ngoài nên khi Tết ra nề nếp trường, lớp bị xáo trộn. Nhưng giáo dục các em không hề dễ dàng chút nào. 

Vì chỉ cần đụng tới trò để mong muốn các em chấn chỉnh những việc làm sai trái cũng như giúp học trò tập trung vào việc học thì y rằng ngay ngày hôm sau sẽ thấy cảnh phụ huynh hầm hổ vào gặp thậm chí họ còn lên gặp thẳng Ban giám hiệu để lên tiếng, để kêu la này nọ nên giờ chúng tôi không muốn đụng vào học trò
”.  

Sổ đầu bài từ trước đến giờ được xem như là tài liệu để đánh giá, xếp loại học sinh, thi đua của lớp nên khi học sinh không học bài cũ, không chuẩn bị bài, mất trật tự…thì giáo viên sẽ trừ điểm hoặc ghi tên vào sổ. 

Chỉ vì nhiệt tình, yêu thương trò mà giáo viên phải lạy phụ huynh và bồi thường (Ảnh: baobinhthuan.com.vn)
Chỉ vì nhiệt tình, yêu thương trò mà giáo viên phải lạy phụ huynh và bồi thường (Ảnh: baobinhthuan.com.vn)

Nếu là vi phạm lần đầu thì sẽ nhắc nhở, vi phạm các lần tiếp theo theo thì tùy mức độ mà giáo viên chủ nhiệm sẽ xử lý như: hạ hạnh kiểm, phạt trực nhật, lao động, mời phụ huynh, đình chỉ học...

Tuy nhiên, “hiện nay hình phạt này đã không còn hiệu quả bởi trong một học kỳ vừa qua, học sinh lớp tôi đã “xử lý” xong 3 cuốn sổ đầu bài”, anh Cao chia sẻ. 

Hơn nữa, do cách sống của người miền Nam rất thoáng từ cách suy nghĩ đến hành động nên việc thấy cô giáo dục học trò càng khó hơn. Bởi lẽ, khi học sinh nghỉ học, thầy cô vào tận nhà vận động thì chứng kiến ngay cảnh bố mẹ đang chơi bài bạc mà không quan tâm tới lời giáo viên nói.

Khi hàng năm Bộ Lao động Thương binh và xã hội luôn công bố con số sinh viên ra trường không kiếm được việc làm ngày càng gia tăng khiến phụ huynh không thiết tha với việc học của con cái mình.

Cho nên, nhiều trường hợp khi thầy cô tới vận động thì phụ huynh cho rằng: “Con ông A, con bà B học Đại học xong giờ vẫn về đi cày, đi cấy…vậy học có tác dụng gì?”.

Triết lý của giáo viên khi đến trường: “Bỏ qua cho an toàn”


Liên hệ với cô H. – cô giáo Tiểu học trú tại tỉnh Đắk Lắk, cô kể: “Sự náo loạn của học sinh và phụ huynh hiện nay bị ảnh hưởng nhiều theo số đông.

Bởi nghe một trường hợp nào giáo viên đánh học sinh thì phải kiện nên cứ đà đó họ thấy con họ bị đụng nhẹ là cũng đưa sự việc ra để kiện cáo. Giờ dạy con người ta khổ lắm”.

Vì nhiệt tình, yêu thương trò mà giáo viên phải lạy phụ huynh và bồi thường sao? ảnh 2

Nghề giáo - xưa thì cao quý, nay bạc như vôi

(GDVN) - Khi chẳng may gặp chuyện thì giáo viên chẳng có ai để chia sẻ về mặt tư tưởng. Dần dần họ trở nên cô đơn ngay chính trong ngôi trường của mình.

Cô H. kể rằng: “Cách đây vài năm trường tôi có trường hợp giáo viên phải lạy phụ huynh và bồi thường 80 triệu đồng (tương đương với khoảng 2 năm đi dạy không ăn không uống) đồng thời bị chuyển nơi công tác chỉ vì sự nhiệt tình. 

Năm đó, cô giáo ấy dạy lớp 1, trong lớp có một bé nữ không chịu học mặc dù cô giáo đã kèm cặp nhiều ngày nhưng em đó vẫn lì, không học. 

Như mọi ngày, khi tan lớp nhưng cô vẫn cặm cụi hướng dẫn nhưng do học sinh không học nên cô dọa “nếu không học thì cô nhốt lại trường” rồi cô bước ra ngoài và đóng cánh cửa lớp. 

Vì thấy cô bước ra, học sinh ngoái cổ trông theo qua cửa sổ. Không may, em đó bị mắc cổ ở cửa sổ và khóc thét lên, người dân chạy ra hô hoán rồi gia đình kiện buộc cô giáo và Ban giám hiệu phải xuống nhà xin lỗi nhiều lần và đền tiền, chuyển trường
”.

Kể từ đó, giáo viên cả trường, cả vùng xem đó như bài học để đời, không ai dám đụng vào học sinh và triết lý của thầy cô hiện nay là: “Bỏ qua cho an toàn”. 

Hơn nữa, theo quy định của Bộ GD&ĐT về phổ cập giáo dục đang trở thành rào cản khiến việc dạy dỗ của giáo viên trở nên khó khăn. Vì ở độ tuổi nào thì buộc phải cho học ở lớp tương ứng nên dù học sinh có học yếu, ý thức không tốt, đạo đức kỷ luật kém thì vẫn cho lên lớp. 

Vì nhiệt tình, yêu thương trò mà giáo viên phải lạy phụ huynh và bồi thường sao? ảnh 3

Con là cục cưng của bố mẹ, cô mà đánh con, bố con sẽ đuổi cô ra khỏi trường!

(GDVN) - Và thế là giáo viên giờ đây “có tiết thì vào lớp, hết giờ bước ra, học sinh muốn làm gì thì làm”...

Cứ như thế, thành tích thi đua của giáo viên, của nhà trường cùng với sự nuông chiều con cái của phụ huynh đang khiến học trò không được dạy dỗ đến nơi đến chốn tạo nên một lỗ hổng lớn về kiến thức, kỹ năng sống nằm ở con số 0. 

Giáo viên vùng cao vui mừng vì chưa phải chịu áp lực gì từ phụ huynh

Hơn 30 năm đứng trên bục giảng, cô M. - Hiệu trưởng của một trường thuộc tỉnh Cao Bằng nhận định: “Giáo dục mỗi nơi sẽ có những đặc điểm riêng và thực sự địa bàn nơi chúng tôi công tác chưa chịu áp lực gì từ phía phụ huynh. 

Ở đây chưa có chuyện giáo viên bạo hành học sinh và phụ huynh mải lo việc nương rẫy nên họ rất tin tưởng nhà trường và hầu như coi việc giáo dục các em là của thầy cô. 

Do vùng sâu vùng xa nên học sinh từ lớp 3 đã bắt đầu biết phụ giúp bố mẹ việc nhà , chăn trâu, thả bò chứ không có chuyện được ngồi chơi máy tính, Ipad hay điện thoại nên việc du nhập văn hóa không lành mạnh hầu như là không có. 

Dạy ở địa bàn điều kiện kinh tế còn gặp nhiều khó khăn nên thầy cô chưa dám kì vọng nhiều vào việc các em sẽ học thật giỏi mà chỉ mong các em sẽ học được gì trong nhà trường khi ứng xử với mọi người
”. 

Thùy Linh