Những nữ CEO mê áo dài Việt

08/03/2016 07:41
Nguyên Thảo
(GDVN) - "Hình ảnh tà áo tung bay trên đường phố lạ như nhắc tôi luôn có trách nhiệm, trân quý hình ảnh quê hương trong mỗi chuyến đi xa”, Lãnh sự Nam Phi chia sẻ.

Với tình yêu, niềm đam mê và tự hào vẻ đẹp tinh tế, dịu dàng của tà áo dài Việt Nam mà trong nhiều năm qua, bà Đỗ Thị Kim Liên - Lãnh sự Nam Phi tại TP.HCM và bà Đỗ Thị Minh Đức – Chủ tịch HĐQT Công ty CP Bảo hiểm Viễn Đông (VASS) đều lựa chọn cho mình chiếc áo dài trong bất kỳ cuộc gặp gỡ với đối tác hay các chuyến công tác trong và ngoài nước. 

Bà Đỗ Thị Kim Liên (đứng giữa) - Lãnh sự Nam Phi tại TP.HCM và nhân viên nữ của VASS hưởng ứng phong trào mặc áo dài nơi công sở.
Bà Đỗ Thị Kim Liên (đứng giữa) - Lãnh sự Nam Phi tại TP.HCM và nhân viên nữ của VASS hưởng ứng phong trào mặc áo dài nơi công sở. 

Trong vai trò là một chính khách, tích cực hỗ trợ cho cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam giao thương đa dạng các mặt hàng hóa sang thị trường Nam Phi, và kích cầu ngành du lịch giữa hai nước, bà Đỗ Thị Kim Liên chia sẻ: “Mỗi lần đặt chân đến đất nước Nam Phi xinh đẹp hoặc có những chuyến đi công tác ở nước ngoài tôi đều mặc áo dài truyền thống của Việt Nam để tham dự hội nghị và tiếp đón khách.

Mỗi dân tộc trên thế giới đều có một loại y phục truyền thống. Khi nhìn vào những trang phục truyền thống này chúng ta có thể phân biệt từng quốc gia, lúc này hình ảnh chiếc áo dài nổi bật giữa bạn bè Quốc tế như một lời giới thiệu “tôi đến từ Việt Nam” mọi người đều trầm trồ khen ngợi chiếc áo tôi đang mặc và tôi đã nhận được nhiều thiện cảm và sự kính trọng của tất cả mọi người ở đó.

Hình ảnh tà áo tung bay trên đường phố lạ như nhắc tôi luôn có trách nhiệm, trân quý hình ảnh quê hương Việt Nam trong mỗi chuyến đi xa”.  

Bà Đỗ Minh Đức, CEO VASS và Lãnh sự Nam Phi chúc mừng ngày Quốc tế phụ nữ 8/3.
Bà Đỗ Minh Đức, CEO VASS và Lãnh sự Nam Phi chúc mừng ngày Quốc tế phụ nữ 8/3.  

Với bà Liên, chiếc áo dài đã góp phần quảng bá hình ảnh Việt Nam ra khắp nơi trên thế giới. Vẻ đẹp của người phụ nữ vừa hiền dịu nét đẹp tinh khôi, thướt tha của chiếc áo dài mạng đậm bản sắc của dân tộc.   

Trong khi đó, cũng với tình yêu mãnh liệt với chiếc áo dài, là một lãnh đạo luôn tích cực làm mới hình ảnh của mình tại công sở bằng những bộ cánh cách tân mạnh mẽ, không kém phần nữ tính, sang trọng và quý phái, bà Đỗ Thị Minh Đức – Chủ tịch HĐQT Công ty CP Bảo hiểm Viễn Đông lại "thổi hồn" cho chiếc áp dài bằng cách: “Chúng tôi rất quan tâm đến đời sống tinh thần và vật chất của cán bộ - nhân viên trong công ty, nên hàng năm đến dịp 8/3 hoặc 20/10, VASS luôn tổ chức những chương trình mang ý nghĩa tôn vinh chị em, như Cuộc thi ảnh đẹp VASS Lady chẳng hạn.

Năm nay, hưởng ứng với lời kêu gọi của Sở Du lịch TP.HCM, chúng tôi đặt may áo dài để tặng cho hơn 100 phái đẹp của VASS nhằm giúp người mặc hiểu được giá trị thanh lịch của chiếc áo dài, cũng chính là giữ được một phần quốc hồn, quốc túy của dân tộc Việt”. 

Duyên dáng áo dài nơi công sở.
Duyên dáng áo dài nơi công sở. 

Cũng chính từ ý tưởng này của bà Đức mà sáng 7/3/2016, tại trụ sở chính 80 Võ Văn Tần, Quận 3, những tà áo dài cách điệu của gần 100 nhân viên nữ của Công ty CP Bảo hiểm Viễn Đông (VASS) đã gây ngạc nhiên cho người đi đường bởi màu sắc, kiểu dáng quyến rũ, khó rời mắt…

Đây chính là một trong những quà tặng ý nghĩa của VASS dành cho phái đẹp nhân ngày Quốc tế Phụ nữ 8/3, đồng thời hưởng ứng phong trào mặc áo dài trong các sinh hoạt đời thường như đi làm, dạo phố, dự lễ tiệc... do Ủy ban Nhân dân TP.HCM, Sở Du lịch TP.HCM phối hợp với Sở Văn hóa & Thể thao cùng các đơn vị liên quan tổ chức thường niên vào tháng 3 kể từ năm 2014.

Phong trào phát động nhằm mục đích tôn vinh nét đẹp của áo dài Việt Nam, góp phần vào việc bảo tồn, gìn giữ và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc. 

"Tôi ủng hộ TP.HCM kêu gọi chị em phụ nữ mặc áo dài đi làm", bà Đỗ Thị Kim Liên vui vẻ nói.

"Tôi ủng hộ TP.HCM kêu gọi chị em phụ nữ mặc áo dài đi làm", bà Đỗ Thị Kim Liên vui vẻ nói.

"Tôi ủng hộ TP.HCM kêu gọi chị em phụ nữ mặc áo dài đi làm", bà Đỗ Thị Kim Liên vui vẻ nói. 

Ra đời từ thế kỷ XVIII, áo dài là biểu tượng của vẻ đẹp truyền thống Việt Nam, là nét văn hóa gói trọn tinh thần phụ nữ Việt: ý nhị, e ấp nhưng tinh tế và quyến rũ. Trải qua nhiều biến cố, thăng trầm, hình ảnh những cô gái mặc áo dài đã khắc sâu vào lịch sử dân tộc như một ấn tượng về quốc phục của phái đẹp. 

Trong nhịp sống hiện đại, áo dài vẫn giữ tính chất cá nhân hóa, thay chủ nhân nói lên tính cách ý nhị: mỗi chiếc được đo may cho từng người riêng biệt. Trong số những trang phục may sẵn, chiếc áo dài trở thành biểu tượng cho mỗi chị em phụ nữ, góp phần bộc lộ tính cách giữa đám đông.

Ông Nguyễn Bảo Anh, Phó Giám đốc Trung tâm Xúc tiến du lịch TP.HCM, cho biết: “Năm ngoái, Lễ hội Áo dài được tổ chức rất thành công và thu hút sự quan tâm của người dân TP, khách du lịch trong và ngoài nước. Năm nay, thay vì khuyến khích người dân mặc áo dài trong 2 tuần, ngành du lịch TP vận động người dân mặc áo dài trong suốt 4 tuần diễn ra lễ hội”.

Ông Anh cũng kỳ vọng nhân rộng ra mô hình khuyến khích phụ nữ mặc áo dài trên cả nước, bởi theo ông “Du khách khi tới một đất nước nào đó đều mong muốn nhìn thấy hình ảnh phụ nữ nước họ mặc trang phục truyền thống, như tới Hàn Quốc là Hanbok, Nhật Bản là Kimono, đến Việt Nam là áo dài… tựa như thưởng lãm một “đặc sản” vậy!”.

Và để thu hút khách du lịch trong và ngoài nước khi đến TP HCM, cũng như tạo hấp dẫn cho du khách tham gia lễ hội, từ ngày 5 đến hết 20/3 tại nhiều địa điểm như Bảo tàng TP.HCM, Bảo tàng Mỹ thuật, Bảo tàng Chứng tích chiến tranh, Bảo tàng Áo dài, Thư viện Khoa học tổng hợp, Công viên tượng đài Bác Hồ với thiếu nhi, Nhà Văn hóa Sinh viên... Ban tổ chức vận động các nhà may, doanh nghiệp, trung tâm thương mại giảm giá may áo dài cho du khách, may áo dài lấy ngay trong thời gian lễ hội hoặc giảm giá vải áo dài và các phụ kiện, trang sức đi kèm…

Ông Đinh Hiếu Thuận – Chủ tịch Công đoàn VASS: Hôm nay thật đặc biệt, tôi và các đồng nghiệp nam choáng ngợp trước cảnh tượng “trăm hoa đua nở” của các đồng nghiệp nữ diện áo dài đi làm. Nhiều chị em thường ngày ăn vận giản dị nhưng hôm nay diện áo dài, trang điểm rất đẹp, duyên dáng và nữ tính…

Ngắm nhìn họ trong trang phục áo dài, chúng tôi mong muốn thành phố sẽ duy trì nét đẹp văn hóa truyền thống này vào đời sống, chứ không chỉ hưởng ứng trong tháng 3 như kêu gọi của Sở Du lịch TP. 

Chị Nguyễn Thị Mỹ Ngà – Trung tâm Chăm sóc Khách hàng VASS: Hôm nay mặc áo dài, tôi có cảm giác như sống lại cảm xúc của ngày đầu tiên khoác trên người trang phục này. Ban đầu tôi có hơi e ngại vì mặc cảm mình là người khuyết tật, nhưng chiếc áo đã giúp tôi che bớt khiếm khuyết thân thể, thay vào đó là tôn lên vẻ nữ tính, duyên dáng, dịu dàng. Tôi rất mong mỗi tháng được mặc áo dài một lần, vừa gìn giữ nét đẹp văn hóa truyền thống, vừa tự hào mình là người Việt Nam.

Nguyên Thảo