Thành lập hãng hàng không mới: Ai định giá vốn góp của Vietnam Airlines?

12/03/2016 08:53
Mai Anh
(GDVN) - Nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Trần Quốc Thuận cho rằng, VNA cần định giá công khai minh bạch tài sản VASCO trước khi thành lập hãng hàng không mới.

Theo đề xuất của Vietnam Airlines (VNA) lên Bộ Giao thông vận tải, VNA sẽ góp vốn cùng 2 doanh nghiệp thuộc một ngân hàng thành lập hãng hàng không mới mang tên Công ty cổ phần Hàng không VASCO (VT – VASCO). 

Sẽ không có gì phải tranh cãi nếu trước khi đề xuất thành lập Công ty cổ phần Hàng không VASCO, VNA công khai kế hoạch thành lập hãng bay, thương hiệu, tài sản của doanh nghiệp cổ phần được định giá và bán công khai minh bạch. 

Tuy nhiên, thực tế phương án cho ra đời một hàng hàng không mới dưới hình thức công ty cổ phần dường như đã được lên kế hoạch từ trước.

Bởi lẽ, trong tờ trình Bộ Giao thông vận tải, Vietnam Airlines cho biết, quy mô vốn điều lệ của Công ty cổ phần này tối thiểu sẽ là 300 tỉ đồng. Trong đó, Vietnam Airlines góp 51%.

Cần minh bạch tài sản của VASCO qua định giá - ảnh minh họa (nguồn VASCO)
Cần minh bạch tài sản của VASCO qua định giá - ảnh minh họa (nguồn VASCO)

Vietnam Airlines góp vốn bằng các tài sản hiện có do VASCO đang quản lý (tính ra giá trị khoảng 153 tỉ đồng) gồm 5 máy bay ATR 72 hiện đang khai thác các đường bay đi Côn Đảo, Điện Biên, Cà Mau, Kiên Giang,... kho phụ tùng vật tư, động cơ dự phòng.

Hai cổ đông còn lại góp vốn bằng tiền (tương ứng 147 tỷ đồng).Lý giải về sự bất thường trong đề xuất này của VNA, trao đổi với phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam, ông Vũ Anh Minh - Vụ trưởng Vụ Quản lý doanh nghiệp Bộ Giao thông vận tải cho rằng, không có quy định nào hướng dẫn chuyển đơn vị phụ thuộc của một Tổng công ty Cổ phần thành công ty cổ phần. 

Theo ông Minh, việc lựa chọn đối tác cùng tham gia góp vốn thành lập Công ty cổ phần Hàng không VASCO là quyền của VNA. 

Ông Minh cho biết, theo quy định của pháp luật hiện nay, doanh nghiệp Nhà nước là doanh nghiệp mà nhà nước sở hữu 100% cổ phần. Trong khi VNA đã thực hiện cổ phần hóa từ cuối năm 2014, bởi vậy VNA không phải là một công ty nhà nước, do đó các công ty phụ thuộc, trong đó có VASCO, cũng không thể coi là doanh nghiệp nhà nước được.

Tuy nhiên nêu quan điểm của mình, LS. Trương Anh Tú - Văn phòng luật sư Trương Anh Tú (Hà Nội) cho biết: Việc góp vốn thành lập công ty cổ phần khác với cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước. 

Thành lập hãng hàng không mới: Ai định giá vốn góp của Vietnam Airlines? ảnh 2

Không đặt mục tiêu lợi nhuận, Hãng hàng không VASCO hoạt động thế nào?

(GDVN) - Đặt mục tiêu lãi suất cho VASCO thấp hơn giai đoạn trước khi chuyển đổi thành công ty cổ phần, liệu hãng hàng không mới VASCO có hoạt động hiệu quả?

Tuy nhiên, hiện VNA là công ty cổ phần nhưng nhà nước vẫn giữ 75% vốn và cử đại diện vốn nhà nước tại VNA, nên VNA được hiểu doanh nghiệp nhà nước.

Theo LS. Tú, nhà nước nắm giữ 75% cổ phần tại VNA nên cũng có vốn góp tại hãng hàng không mới VT – VASCO. 

Do đó nếu VT – VASCO hoạt động hiệu quả hay thua lỗ đều ảnh hướng đến nguồn vốn của nhà nước.

Để đảm bảo tài sản nhà nước không bị thất thoát trước khi chuyển đổi sang hãng hàng không cổ phần, LS. Trương Anh Tú cho rằng cần đánh giá lại tài sản của Công ty Bay dịch vụ hàng không là bao nhiêu, việc định giá cần có sự chấp thuận của Cơ quan nhà nước có thẩm quyền hoặc cơ quan định giá chuyên nghiệp. Đánh giá đó phải đúng, khách quan để đảm bảo tài sản nhà nước không bị thất thoát.

Đồng quan điểm, ông Trần Quốc Thuận - nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội cho biết, quy trình thành lập công ty cổ phần tư nhân không yêu cầu minh bạch mà chủ động của cá nhân tổ chức góp vốn. Tuy nhiên với trường hợp VNA đề xuất thành lập hãng hàng không cổ phần VASCO thì khác.

VNA hiện là doanh nghiệp cổ phần trong đó nhà nước nắm giữ đến 75% cổ phần, nay VNA thành lập VASCO dưới dạng công ty cổ phần có pháp nhân tách biệt khỏi VNA. Trước khi thực hiện vấn đề góp vốn, cần phải tổ chức định giá tài sản của VASCO.

“Trước nhất phải định giá công bố tổng giá trị tài sản hiện hữu của VASCO là bao nhiêu. Việc định giá tài sản VASCO rất quan trọng, bởi đường hoàng hay không đường hoàng là ở chỗ này”, ông Thuận nói.

Theo ông Thuận, tài sản hiện hữu tại VASCO là của nhà nước nên cần định giá và công khai. Nên mời công ty định giá có uy tín trên thế giới để đảm bảo tài sản được đánh giá đúng, không cao cũng không thấp hơn.

Đặt giả thiết nếu tài sản VASCO bị định giá thấp hơn giá trị thực tế, thì chỉ sau thời gian, cổ phần của hãng hàng không mới sẽ tăng giá khiến giá trị cổ đông tăng lên. Khi đó nếu chuyển đổi bán cổ phần cho đơn vị khác, cổ đông ở đây là VNA sẽ được hưởng lợi.

LS. Trần Quốc Thuận nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội - ảnh: H.Lực
LS. Trần Quốc Thuận nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội - ảnh: H.Lực

Ngược lại nếu đánh giá cao tài sản VASCO, VNA cũng được hưởng lợi bởi không phải bỏ thêm nguồn tiền trong khi vốn chủ sở hữu của hãng hàng không mới không đảm bảo theo con số 300 tỷ đồng.

Để phát huy được hết năng lực của hãng hàng không mới, VASCO cũng như để tài sản nhà nước phát huy được hết giá trị, theo ông Thuận nên thực hiện từng bước từ định giá tài sản VASCO, không nên vội vàng.  

“Muốn khoa học nên chăng cần có hội thảo góp ý kiến, định giá lại VASCO sau đó công bố công khai tài sản cần có thời gian. Mình đang chống tiêu cực nên càng công khai minh bạch càng chống được tiêu cực, càng dân chủ”, ông Trần Quốc Thuận cho biết.

Mai Anh