Thầy giáo bày cách giúp học sinh giành điểm cao môn Ngữ văn

20/04/2016 06:54
Nguyễn Văn Lự
(GDVN) - Theo cấu trúc của đề thi Ngữ văn THPT quốc gia 2016 thì việc thí sinh giành điểm câu hỏi Đọc-hiểu hoàn toàn không khó.

LTS: Sau nhiều lần đi coi thi, chấm thi, thầy giáo Nguyễn Văn Lự có lời khuyên tới các thí sinh chuẩn bị tham gia kỳ thi THPT quốc gia sắp tới cách làm bài môn Ngữ văn đặc biệt ở câu hỏi Đọc-hiểu.

Tòa soạn trân trọng giới thiệu cùng các thí sinh.


Câu hỏi 3 điểm phần Đọc-hiểu ở môn Ngữ văn được xem như một cơ hội để các em giành điểm thì nhiều em lại không biết, nhiều em thì bỏ qua, nhiều em làm bài rồi tẩy xóa lung tung…khiến giám thị không thể cho điểm.

Thầy giáo “bày mưu” giúp học sinh giành điểm cao môn Ngữ văn (Ảnh: tuoitre.vn)
Thầy giáo “bày mưu” giúp học sinh giành điểm cao môn Ngữ văn (Ảnh: tuoitre.vn)

Để có được 0,5 điểm trong bài tự luận thì đòi hỏi thí sinh phải hiểu đúng, diễn đạt trôi chảy một nội dung dài mà đề bài đưa ra. Nhưng chỉ cần 1-2 dòng trong phần Đọc-hiểu là thí sinh có thể “ẵm” ngay 0,5 điểm mà không lo giám thị bỏ quên.

Kinh nghiệm nhỏ sau đây sẽ giúp thí sinh giành điểm cao ở môn Ngữ văn:

Làm đúng từng bước

1. Đọc thật kỹ đề bài, đọc đến thuộc lòng rồi hãy làm từng câu, dễ làm trước, khó làm sau.

2. Đọc các yêu cầu, gạch chân các từ ngữ quan trọng, câu quan trọng.

3. Luôn đặt câu hỏi và tìm cách trả lời: Ai? Cái gì? Là gì? Như thế nào? Kiến thức nào?

4. Trả lời tách bạch các câu, các ý. Chọn từ ngữ, viết câu và viết cẩn thận từng chữ.

5. Đọc lại và sửa chữa chuẩn xác từng câu trả lời. Không bỏ trống câu nào, dòng nào.

Bắt đầu từ đâu


Với 3 mức độ: nhận biết, thông hiểu và vận dụng thấp, các thí sinh học khối Tự nhiên hay Xã hội đều có thể đạt từ 2 điểm phần Đọc-hiểu. Các em không thể học ôn tất cả từng bài từ THCS nhưng cần quan tâm trọng điểm sau:

1. Nhận biết 6 phong cách ngôn ngữ văn bản. Dựa ngay vào các xuất xứ ghi dưới phần trích của đề bài để chọn: Báo chí, Văn chương nghệ thuật, Khoa học, Chính luận, Khẩu ngữ hay Hành chính công vụ.

2. Xác định 5 phương thức biểu đạt của văn bản dựa vào các từ ngữ hay cách trình bày. Đoạn trích thấy có sự việc diễn biến (Tự sự), nhiều từ biểu lộ xúc động (Biểu cảm), nhiều từ khen chê, bộc lộ thái độ (Nghị luận), nhiều từ thuyết trình, giới thiệu về đối tượng (Thuyết minh) và có nhiều từ láy, từ gợi tả sự vật, sự việc (Miêu tả).

3. Nhận biết các phép tu từ từ vựng (so sánh, ẩn dụ, hoán dụ, lặp từ, nói quá, nói giảm, chơi chữ…); tu từ cú pháp (lặp cấu trúc câu, giống kiểu câu trước; đảo ngữ; câu hỏi tu từ; liệt kê.).

Các biện pháp tu từ có tác dụng làm rõ đối tượng nói đến, tăng thêm gợi cảm, gợi hình ảnh, âm thanh, màu sắc, làm đối tượng hấp dẫn, sâu sắc.

4. Đọc kỹ đoạn trích trong đề bài, đặt tên nhan đề, nêu đại ý, hay cảm xúc trong đoạn văn ngắn 5-7 dòng. Thí sinh cần trả lời các câu hỏi: Đoạn trích viết về ai? Vấn đề gì? Biểu hiện như thế nào? Đặt trong tình huống bản thân để nêu hành động cần thiết.

5. Văn bản trong đề chưa thấy bao giờ nên thí sinh cần đọc nhiều lần để hiểu từng câu, từng từ, hiểu nghĩa và biểu tượng qua cách trình bày văn bản, liên kết câu, cách ngắt dòng...

Việc cần làm ngay từ bây giờ:

1. Sử dụng hiệu quả thời gian học ôn trên lớp, cố nhớ bài thầy cô ôn tập.

2. Hỏi thầy cô ngay những gì chưa hiểu, chưa rõ, dù là nghĩa một từ, một câu.

3. Viết đúng từ ngữ, trình bày rõ ràng, đúng chính tả, dấu câu. Không viết dài.

4. Chỉ dùng thời gian khoảng 30 phút làm câu hỏi Đọc-hiểu. Trả lời đúng câu hỏi của đề.

5. Làm trọn vẹn từng câu, không bỏ ý, không viết vội vàng để giành chắc chắn từng 0,25 điểm trong từng ý nhỏ.

Nguyễn Văn Lự