Nhà trường phát mệt, học sinh thì bội thực vì tư vấn tuyển sinh

08/04/2016 06:51
Đỗ Tấn Ngọc
(GDVN) - Thời gian qua, Ban giám hiệu chúng tôi tiếp đón các đoàn tư vấn, tuyển sinh đến …mệt, học sinh thì “bội thực” vì thông tin.

LTS: Tiếp tục câu chuyện học để thất nghiệp, hôm nay, thầy giáo Đỗ Tấn Ngọc chia sẻ một góc độ khác của vấn đề.

Đó là câu chuyện tư vấn tuyển sinh. Hàng năm, phong trào này rất rầm rọ, tưởng như mang lại niềm vui lớn cho thí sinh và gia đình trong việc chọn trường, chọn nghề.

Nhưng có hoàn toàn như thế? Hay chỉ là chuyện tiếp thị tuyển sinh thông thường khiến cho cả nhà trường và học sinh đều mệt mỏi.

Tòa soạn trân trọng giới thiệu đến độc giả góc nhìn này của thầy Đỗ Tấn Ngọc.

Hiện nay, cả nước có 440 trường đại học, cao đẳng, 269 trường trung cấp nghề, hàng năm có thể đào tạo được  hàng triệu học sinh, sinh viên. 

Nhưng trong bối cảnh trường, lớp, hệ, ngành nghề mở ra quá nhiều, hàng trăm ngàn sinh viên đại học tốt nghiệp ra trường đang thất nghiệp thì tính cạnh tranh để thu hút người học giữa các trường vô cùng cam go, quyết liệt hơn bao giờ hết. 

Học sinh đang “bội thực” vì tư vấn tuyển sinh (Ảnh: Thùy Linh)
Học sinh đang “bội thực” vì tư vấn tuyển sinh (Ảnh: Thùy Linh)

Điều đó được bộc lộ rõ nét ngay từ khâu tư vấn tuyển sinh. Chính vì lẽ ấy, vài năm trở lại đây, hoạt động tư vấn tuyển sinh đại học, cao đẳng kể cả trung cấp nghề trở nên rầm rộ, sôi động, từ trước Tết nguyên đán đến hết tháng 3.  

Ngoài những thông tin tràn ngập trên sách, báo, ti vi..., học sinh lớp 12 còn được hướng dẫn, tư vấn trực tiếp từ ban tuyển sinh của nhà trường, của các đoàn tuyển sinh của nhiều trường đại học, cao đẳng, trung cấp nghề. 

Không chỉ có các đoàn trường dân lập, tư thục, mới thành lập mà còn có cả các đoàn của những trường nổi tiếng, đã có thương hiệu. 

Có trường còn tận dụng cả sinh viên của trường khi về nghỉ Tết tại địa phương, tỏa đến các điểm trường dán tờ rơi, thông tin tuyển sinh giúp cho trường. 

Họ đến tận lớp, tận trường dán, phát miễn phí tờ rơi, hồ sơ tuyển sinh, mượn giờ sinh hoạt của giáo viên chủ nhiệm, giờ chào cờ của cả trường để gặp gỡ học sinh khối 12, tư vấn tuyển sinh.

Nhà trường phát mệt, học sinh thì bội thực vì tư vấn tuyển sinh ảnh 2

Đầu vào 28, 29 điểm chưa chắc ra trường dễ xin việc

(GDVN) - Muốn lựa chọn ngành nghề thì buộc thí sinh cần phải biết chuyên môn ngành nghề đó như thế nào chứ không phải dựa vào tên gọi của chúng.

 
Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng (thuộc thành phố Quảng Ngãi), cơ sở giáo dục tôi đang công tác, hiện nay bảng tin lớn và dãy hàng rào dài hai bên cổng chính, chi chít, dày đặc băng rôn thông tin quảng cáo về tuyển sinh. 

Thời gian qua, Ban giám hiệu chúng tôi tiếp đón các đoàn tư vấn, tuyển sinh đến …mệt. Trong và sau mùa tuyển sinh, số tờ rơi, hình ảnh, hồ sơ mỗi em có được nhiều vô kể.
 
Sau  chương trình “Đưa trường học đến thí sinh” 2016 tại Trường THPT Võ Nguyên Giáp (TP Quảng Ngãi, tỉnh Quảng Ngãi) do 25 trường đại học ở phía Nam đồng tổ chức (ngày 28/2), được Đài phát thanh – truyền hình Quảng Ngãi ghi hình trực tiếp.

Tại đây, nhiều học sinh lớp 12 của các trường: THPT Ba Gia, THPT Sơn Mỹ, THPT Huỳnh Thúc Kháng, THPT Võ Nguyên Giáp bị “bội thực” thông tin và không ít học sinh thiếu ý thức vệ sinh môi trường khi đem rả, ném tờ rơi tứ tung trên nền sân trường. 

Em Nguyễn Văn Hùng,  học sinh lớp 12, một trường THPT ở thành phố Quy Nhơn (Bình Định) chia sẻ: 

Trong một thời gian ngắn lại tiếp nhận quá nhiều kênh thông tin tuyển sinh như vậy, thú thật bọn em bị “say”, bị nhiễu loạn thông tin. Giữa thông tin ngồn ngộn thế  này, chúng em biết lựa chọn ngành nghề, trường lớp sao đây?” 

Nhiều đoàn tuyển sinh của trường đại học, cao đẳng, trung cấp nghề hiện nay rất sốt sắng, tích cực về địa phương, trường lớp, đưa ra những hứa hẹn, cam kết khá hấp dẫn về cơ sở vật chất, học bổng, hỗ trợ các em học sinh, sinh viên nghèo, có ngay chỗ làm sau khi tốt nghiệp ra trường…  

Họ đi mang danh nghĩa là tư vấn mùa thi nhưng thực chất đến để tiếp thị, quảng bá cho tên tuổi, thương hiệu nhằm lôi kéo học sinh về, đến với mình. 
Tất nhiên, nhiều trường, nhiều ngành, nghề mới mở ra, cần quảng cáo mạnh để có học sinh, sinh viên biết, đăng ký vào học. 

Nhưng, không thể lồng vào quá mức đối với công tác tư vấn, tránh gây rối rắm, phức tạp không đáng có cho học sinh. 

Nhiều học sinh lớp 12 do tôi chủ nhiệm các năm học trước, hiện đang theo học một số trường đại học, cao đẳng, trung cấp nghề trong khu vực, Tết về, bộc bày trong bức xúc, tiếc nuối: 

Thầy ơi, năm nay, em phải ôn tập, thi vào trường khác thôi. Vì trường em đang học tệ quá, cơ sở vật chất, phòng học, thư viện đều tạm bợ, đi thuê, đi mượn cả, còn giáo viên toàn thỉnh giảng từ trường khác, có tuần chơi dài, có tuần học chết bỏ. 

Nói không quá, có trường cao đẳng còn thua trường THPT mình nhiều thứ. 
Thế mà trong các tờ rơi, tờ quảng cáo, lời tư vấn của các cán bộ trong đoàn tuyển sinh về trường năm ngoái, chúng em thấy trường lớp đó quá ngon lành. Ra đó học một thời gian, chúng em mới vỡ lẽ, trường lớp nơi này không đúng những gì mà họ từng quảng cáo…

Nhà trường phát mệt, học sinh thì bội thực vì tư vấn tuyển sinh ảnh 3

Thí sinh có thể đăng kí nguyện vọng vào cả trường công an và quân đội

(GDVN) - Ngày hội tuyển sinh-hướng nghiệp năm 2016 có rất nhiều thí sinh quan tâm đến ngành quân đội, công an đặc biệt về công tác tuyển sinh và chỉ tiêu năm nay.

Lời nói chân thật của các học sinh ở trên cũng là thực tế đáng buồn, đang tồn tại ở không ít trường đại học, cao đẳng, trung cấp nghề. 

Trường lớp mở ra phải vì mục tiêu giáo dục, đào tạo nguồn nhân lực có chất lượng, đáp ứng nhu cầu xã hội, không chấp nhận việc lợi dụng lòng tin của học sinh, phụ huynh để đem lại lợi nhuận cho cá nhân và một số người. 

Bộ GD&ĐT từng có văn bản nhắc nhở, nghiêm cấm các trường không được gửi giấy báo tuyển khi học sinh đó không tham gia thi và nộp hồ sơ xét tuyển vào trường đó. 

Tuy nhiên, hiện tượng, gửi loạn xạ giấy, phiếu trúng tuyển, gây bội thực trong học sinh sau mùa thi tuyển sinh vẫn chưa có hồi kết. 

Đã đến lúc, Bộ GD&ĐT, cơ quan chủ quản cần tăng cường công tác quản lý, kiểm tra để công tác tư vấn và tuyển sinh sớm đi vào nền nếp, trật tự, đem lại những thông tin chuẩn nhất, tốt nhất cho học sinh. 

Cuốn Tuyển sinh đại học, cao đẳng mà Bộ phát hành hàng năm, lâu nay, được xem là cuốn “ cẩm nang” tuyển sinh đáng tin cậy nhất, tuy nhiên, mấy năm nay, sau khi phát hành, lại vẫn có những trục trặc, sai sót rất đáng tiếc, khiến học sinh, phụ huynh chưa thật yên tâm. 

Giữa một biển thông tin, tư vấn còn nhiễu loạn như hiện nay, về phía học sinh, phụ huynh cần thận trọng, sáng suốt trong lựa chọn, đăng ký dự thi các trường. 

Những ngành nghề mà xã hội có dấu hiệu bão hòa, dư thừa nhiều như kế toán, ngân hàng, kinh tế, sư phạm…thì học sinh, phụ huynh nên cân nhắc, chuyển đổi cho phù hợp với xu thế, hoàn cảnh về nhu cầu nguồn nhân hiện nay và tương lai. 

Chúng tôi thiết nghĩ, công tác tư vấn tuyển sinh có định hướng, trật tự,  được tổ chức tốt vừa giúp cho người học chọn lựa ngành nghề phù hợp với sở trường, khả năng của bản thân vừa góp phần giảm bớt tình trạng “thừa thầy, thiếu thợ”.

Đồng thời tránh được tình trạng nhiều ngành nghề, hàng trăm ngàn cử nhân, thạc sĩ ra trường đang phải chịu cảnh thất nghiệp hoặc làm những công việc phổ thông, trái với chuyên môn đã được đào tạo.

Đỗ Tấn Ngọc