Dân có thể được “đi nhanh” như cán bộ cấp cao khi xảy ra va chạm giao thông

01/04/2016 07:26
QUỐC TOẢN
(GDVN) - Bộ Công an đang tính toán phương án mở rộng quyền, cho phép người dân được “đi nhanh” sau khi xảy ra va chạm giao thông.

Hôm 31/3, trao đổi với phóng viên Báo điện tử Giáo dục Việt Nam, Thiếu tướng Trần Thế Quân, Phó Cục trưởng Cục Pháp chế và Cải cách hành chính tư pháp, Bộ Công an cho biết, cơ quan này đang tính toán phương án mở rộng quyền quy định trong Dự thảo, cho phép người dân được "đi nhanh" sau khi xảy ra va chạm giao thông.

Tướng Quân cho rằng, việc bổ sung, mở rộng quyền này là phù hợp với xu thế, nhằm đáp ứng nhu cầu cuộc sống xã hội.

“Khi đưa ra Dự thảo này, cũng còn nhiều ý kiến khác

Dân có thể được “đi nhanh” như cán bộ cấp cao khi xảy ra va chạm giao thông ảnh 1

"Xe cán bộ cao cấp được ưu tiên khi xảy ra tai nạn nghe rất phản cảm"

nhau, trong đó không ít ý kiến cho rằng đây là sự bất bình đẳng và có phần ưu ái cán bộ cấp cao khi xảy ra va chạm giao thông.

Tuy nhiên, quan điểm của Bộ Công an khi đưa ra dự thảo này hoàn toàn không có sự ưu ái gì hết.

Người dân có lẽ chưa hiểu hết tầm quan trọng của việc cảnh vệ cho cán bộ cấp cao, nên mới có thắc mắc như vậy.

Tuy nhiên, với sự góp ý của dư luận, cơ quan dự thảo luật này xét thấy người dân cũng cần được giải quyết cho "đi nhanh” như cán bộ cấp cao sau khi xảy ra va chạm giao thông, trong những trường hợp cấp thiết như đưa người đi cấp cứu bằng phương tiện đơn thuần...

Bởi lẽ, tính mạng con người cũng phải đặt lên hàng đầu và cần được giải quyết nhanh gọn như yêu cầu công vụ”, Tướng Quân nói.

Hiện trường 1 vụ va chạm giao thông (ảnh: Báo Đà Nẵng)
Hiện trường 1 vụ va chạm giao thông (ảnh: Báo Đà Nẵng)

Cũng theo Thiếu tướng Trần Thế Quân việc xem xét bổ sung, mở rộng quyền "đi nhanh” cũng là giải pháp giải quyết các vấn đề liên quan tới ùn tắc giao thông khi xảy ra va chạm, tai nạn giao thông.

Trường hợp phương tiện hư hỏng nặng, có thể gây nguy hại cho người đi đường thì lực lượng chức năng mới lập biên bản, tạm giữ phương tiện theo quy định.

Mặt khác, Dự thảo này chỉ áp dụng để giải quyết các vi phạm hành chính khi xảy ra tai nạn giao thông, chứ không áp dụng cho trường hợp vi phạm có dấu hiệu hình sự.

“Thông tư này quy định rất rõ, nếu phát hiện dấu hiệu hình sự của vụ việc, lực lượng thực thi nhiệm vụ phải chuyển sang cơ quan điều tra để làm rõ hành vi vi phạm.

Do đó, phạm vi điều chỉnh của Thông tư không áp dụng cho những trường hợp có dấu hiệu hình sự.

Do đó, phương án cho "đi nhanh” trong trường hợp vi phạm hành chính không nhất thiết phải áp dụng riêng đối với những người là cán bộ cấp cao, mà có thể áp dụng trên diện rộng, bao gồm nhiều đối tượng nghề nghiệp khác nhau”, Thiếu tướng Trần Thế Quân cho hay.

Trước đó, nhiều ý kiến cho rằng Dự thảo đề cập về quy định một số tình huống cụ thể trong điều tra, giải quyết tai nạn giao thông đường bộ, cơ quan chức năng có phần “ưu ái” cho cán bộ cao cấp cao, rất dễ gây phản cảm trong dư luận.

Cụ thể, tại Điều 22, Chương 3 của Dự thảo đề cập về quy định một số tình huống cụ thể trong điều tra, giải quyết tai nạn giao thông đường bộ.

Theo đó, nếu tai nạn giao thông liên quan đến cán bộ cao cấp của Đảng, Nhà nước thì hướng giải quyết được quy định theo 2 phương án.

Nếu phương tiện giao thông của cán bộ cao cấp đó vẫn hoạt động được, đủ điều kiện tham gia giao thông thì lập biên bản về vụ tai nạn, ghi biển số xe, giấy đăng ký xe, giấy phép lái xe của người điều khiển phương tiện, đánh dấu vị trí phương tiện, ghi nhận vị trí các dấu vết trên phương tiện, chụp ảnh hiện trường, quay camera (nếu có).

Yêu cầu người điều khiển phương tiện ký xác nhận vào biên bản rồi giải quyết cho đi; định thời gian yêu cầu người điều khiển phương tiện đến trụ sở cơ quan Công an để giải quyết.

Nếu phương tiện giao thông của cán bộ cao cấp đó không đủ điều kiện tham gia giao thông thì phải giải quyết cho cán bộ cao cấp của Đảng, Nhà nước đến địa điểm an toàn hoặc đến nơi cần thiết theo yêu cầu của cán bộ đó.

Trường hợp cán bộ đó trực tiếp điều khiển phương tiện tham gia giao thông thì trước khi giải quyết cho đi phải lập biên bản về vụ tai nạn, ghi biển số xe, giấy đăng ký xe, giấy phép lái xe, đánh dấu vị trí phương tiện, ghi nhận vị trí các dấu vết trên phương tiện, chụp ảnh hiện trường, quay camera (nếu có).

Yêu cầu người điều khiển phương tiện ký xác nhận vào biên bản; định thời gian yêu cầu cán bộ đó đến trụ sở cơ quan Công an để giải quyết.

QUỐC TOẢN