Bộ trưởng khẳng định "đa số thực phẩm an toàn", sao dân vẫn hoài nghi?

02/04/2016 13:33
Việt Hoài
(GDVN) - Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp&Phát triển nông thôn Cao Đức Phát trả lời trước Quốc hội rằng, đa phần thực phẩm của chúng ta an toàn nhưng nhân dân không biết.

Trong ngày Bộ trưởng phát biểu, báo chí đăng tải ở Đà Nẵng phát hiện 7/9 mẫu măng tươi có chất vàng ô dùng để nhuộm vải.

Cũng ngày này tại Bình Dương, Chi cục Thú y, chăn nuôi và thủy sản quyết định xử phạt hai chủ trại dùng chất tạo nạc trong chăn nuôi heo, 200 con heo chuẩn bị xuất chuồng… đến bữa ăn của người dân có chất tạo nạc.

Bộ trưởng Cao Đức Phát khẳng định, đa số thực phẩm là an toàn nhưng nhân dân không biết nên mới có cảm giác không an toàn. Ảnh: Tiền Phong.
Bộ trưởng Cao Đức Phát khẳng định, đa số thực phẩm là an toàn nhưng nhân dân không biết nên mới có cảm giác không an toàn. Ảnh: Tiền Phong.

Mới cuối tháng 1/2016 vừa qua, tỉnh Quảng Ninh đã thu giữ 7 tấn thức ăn chứa chất tạo nạc.

Chiều ngày 18/1, đoàn kiểm tra liên ngành của TP.Biên Hòa (Đồng Nai) công bố kết quả sau khi lấy mẫu kiểm nghiệm tại 20 trang trại chăn nuôi heo trên địa bàn thành phố, phát hiện 2 trang trại, với số lượng gần 1.000 con heo có chất cấm (tạo nạc).

Người dân ở Hưng Yên vẫn rửa rau cần bằng nguồn nước thải, bị báo chí lên án thì đem rửa ở ao tù nước đọng.

Bộ trưởng khẳng định "đa số thực phẩm an toàn", sao dân vẫn hoài nghi? ảnh 2

Chất cấm không có tội, tội là do quản không chặt

(GDVN) - Chất Salbutamonl hoàn toàn không có tội với người dân. Nó trở thành kẻ sát thủ giết người thầm lặng là do quản không chặt.

Bộ trưởng khẳng định "đa số thực phẩm an toàn", sao dân vẫn hoài nghi? ảnh 3

Toàn bộ hệ thống phải vào cuộc giải quyết dứt điểm chất cấm trong năm 2016

(GDVN) - Nói rõ về việc kế hoạch giải quyết dứt điểm chất cấm trong năm 2016 của Bộ NN&PTNT, ông Việt nhấn mạnh: “Toàn bộ hệ thống phải vào cuộc...".

Chỉ trong vòng 10 ngày của tháng 1/2016, Chi cục Thú y TP.HCM đã phát hiện 998 con heo có chất tạo nạc ở các lò mổ, được đưa đưa từ các tỉnh về.

Một cán bộ thú y than thở “không có sức để kiểm tra, chứ ngày nào cũng kiểm thì con số còn lớn hơn nhiều”.

Tại hội thảo Sức khỏe và Vệ sinh an toàn thực phẩm tổ chức vào ngày 13/1/2016, những con số cho thấy “thần ung thư, bệnh tật” hiển hiện trên mâm cơm của mỗi gia đình.

Thống kê của Viện kiểm nghiệm thực phẩm: 40/120 mẫu rau có chứa tồn dư chat bảo vệ thực vật vượt mức cho phép; 62% thịt gia súc, gia cầm/735 mẫu không an toàn cho người sử dụng.

Xin thưa với Bộ trưởng Cao Đức Phát, theo Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế), năm 2015 có gần 200 vụ ngộ độc thực phẩm, với hơn 5.000 người mắc, 30 người đã tử vong. Trung bình một tháng có 2,5 người chết vì ăn.

Mới chỉ thống kê sơ sơ ba tháng đầu năm 2016 cho thấy thực phẩm chưa thật “đa số” an toàn.

Nếu thống kê con số của năm 2015 thì còn kinh hoàng hơn nhiều.

Đơn cử, trong hai tháng (8-9/2015), Sở Nông nghiệp&Phát triển nông thôn Hà Nội lấy 63 mẫu rau, quả kiểm nghiệm, thì 22% tồn dư thuốc bảo vệ thực vật vượt mức cho phép.

Nhân dân tin, xã hội tin con số mà Bộ trưởng Cao Đức Phát công bố tại Quốc hội: Trong 5 tháng qua, có gần 6.000 mẫu được phân tích, số mẫu có dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, vượt mức cho phép là 5,17%, số mẫu thịt có dư lượng hóa chất kháng sinh, chất cấm vượt mức cho phép là 1,92%.

Với tỷ lệ % đó nên Bộ trưởng đã yên tâm khẳng định là “đa số an toàn”.

5 tháng mới chỉ là thời gian của nửa năm. 6.000 mẫu được phân tích là con số quá nhỏ, nếu tính trung bình cho thời gian là 5 tháng với 150 ngày. Nếu tính trên số lượng các chợ nhỏ to của cả nước thì con số 6.000 mẫu được lấy chỉ là hạt muối trong biển cả.

Nhà báo Trần Đăng Tuấn làm phép tính chia: Ngẫm ra, trung bình mỗi ngày xét nghiệm 40 mẫu (cả rau quả và thịt), bình quân mỗi mẫu xét nghiệm cho 1,5 tỉnh.

Hoài nghi vì ông Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật Nguyễn Xuân Hồng đã từng khuyên người dân “đừng lo, hãy cứ ăn đi” khi khoai tây Trung Quốc bán ở Đà Lạt có dư lượng thuốc bảo vệ thực vật gấp 16 lần cho phép. Với lý luận là “cả thế giới, cả những nước phát triển nhất cũng chỉ đến mức độ như thế thôi”.

Tỷ lệ “đa số” thực phẩm an toàn cần được tính bằng co số chứ không thể ước lệ được.

Vậy nên xã hội hoài nghi với “đa số” thực phẩm an toàn.

Không phải không có lý do mà Đài truyền hình Việt Nam lại mở chương trình “Nói không với thực phẩm bẩn”; Bí thư Thành ủy TP.HCM đề nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép TP.HCM được thí điểm, thành lập một cơ quan chuyên giải quyết - “lo bữa ăn an toàn cho người dân”.

Mạng xã hội xuất hiện những fanpage: Tẩy chay thức ăn độc hại; Tuyên chiến với thực phẩm bẩn; Phản đối thức ăn độc hại.

Diễn đàn nhà báo trẻ cũng mở fanpage “Chống thực phẩm bẩn”, tôn vinh thực phẩm sạch, an toàn, phê phán, vạch mặt thực phẩm bẩn…

Trên mạng xã hội chỉ đủ trăm kiểu truyền cho nhau các bài thuốc chống ung thư. Nỗi khiếp sợ căn bệnh ung thư của người dân giờ đây còn sợ hơn cả tai nạn giao thông, cho dù tỷ lệ người tử vong cao hơn số người… chết do ăn, uống, hít thở.

Cả xã hội vào cuộc thì mới có hy vọng bữa cơm của người dân được an toàn.

Việt Hoài