Những việc làm nổi bật của Hiệp hội trong quý 1 năm 2016

08/04/2016 06:57
TS. Văn Đình Ưng
(GDVN) - Hiệp hội các trường Đại học, Cao đẳng Việt Nam đang chủ động, tích cực hoạt động theo chức năng nhiệm vụ của mình nhằm phát triển nền giáo dục Việt Nam.

Nghiên cứu nắm bắt tư tưởng lớn Đại hội XII về giáo dục và đào tạo

Từ đầu năm 2016, Hiệp hội các trường Đại học, Cao đẳng Việt Nam đã tổ chức nghiên cứu một cách hệ thống các quan điểm tư tưởng lớn của Đại hội XII của Đảng về phát triển kinh tế - xã hội, trong đó có giáo dục đào tạo để xây dựng chương trình kế hoạch hoạt động của Hiệp hội trong năm 2016 và tầm nhìn đến năm 2020. 

Trong phương hướng nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội 5 năm 2016- 2020, Hiệp hội thấy rõ những tư tưởng lớn và quan điểm chỉ đạo quan trọng của Đảng về phát triển giáo dục đào tạo trong 5 năm tới. 

Những việc làm nổi bật của Hiệp hội trong quý 1 năm 2016 ảnh 1
Hiệp hội chủ động nghiên cứu đưa Nghị quyết Đại hội XII vào cuộc sống (Ảnh: Xuân Trung)

Thứ nhất, phải: “Thực hiện đồng bộ các cơ chế chính sách, giải pháp phát triển nguồn lực, nhất là nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế xã hội”;

Thứ hai, tiếp tục “Đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục, đào tạo theo hướng mở, hội nhập, xây dựng xã hội học tập, phát triển toàn diện năng lực, thể chất, nhân cách, đạo đức, lối sống, tôn trọng pháp luật và trách nhiệm công dân”; 

Thứ ba, cần “Phát triển hợp lý và đảm bảo bình đẳng giữa giáo dục công lập và giáo dục ngoài công lập”;

Thứ tư, cần “Giao quyền tự chủ cho các cơ sở giáo dục, đào tạo, nhất là các trường đại học, trường dạy nghề. Thí điểm chuyển đổi mô hình trường công lập sang cơ sở giáo dục do cộng đồng, doanh nghiệp quản lý và đầu tư phát triển”…(Văn kiện Đại hội XII) 

Và còn một số quan điểm của Đại hội XII về quản lý nhà nước, về động lực, về nguồn lực cho giáo dục đào tạo… rất mới, cần nghiên cứu thấu đáo để thực hiện.

Đặc biệt, mới đây tại Thông báo số 61/TB-VPCP ngày 31/3/2016 của Văn phòng Chính phủ, thông báo ý kiến của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam tại Hội nghị đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết số 77/NQ-CP ngày 24/12/2014 của Chính phủ về thí điểm đổi mới cơ chế hoạt động của các cơ sở giáo dục đại học công lập, Phó Thủ tướng giao nhiệm vụ cho Hiệp hội: 

Hiệp hội các trường Đại học, Cao đẳng Việt Nam cần phát huy tốt vai trò, vị trí của mình, đóng góp nhiều hơn vào sự phát triển của ngành giáo dục và đào tạo; tích cực hỗ trợ các Trường trong các hoạt động tuyển sinh, thi cử, xây dựng và khai thác học liệu. 

Đồng thời các Trường tự chủ cần tích cực tham gia, đóng góp vào các hoạt động của Hiệp hội nhất là trong công tác kiểm định, xếp hạng đại học, xây dựng trung tâm học liệu.


Hiệp hội thấy rằng, Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ đang rất quan tâm tin tưởng và kỳ vọng Hiệp hội sẽ có những đóng góp tích cực cho giáo dục đào tạo phát triển. 

Để xứng đáng với sự tin cậy đó, Hiệp hội đang chủ động nghiên cứu, tổ chức các hội thảo khoa học – thực tiễn, hội thảo quốc tế, khảo sát các mô hình quản lý giáo dục đào tạo trong và ngoài nước, làm tốt phản biện, tham mưu cho các cơ quan quản lý nhà nước về giáo dục đào tạo, hỗ trợ chuyên môn cho các trường Đại học, Cao đẳng để thực hiện nghiêm túc các tư tưởng chỉ đạo của Đại hội XII của Đảng, thực hiện ý kiến chỉ đạo và giao nhiệm vụ của Lãnh đạo Chính phủ.

Không chờ đợi, tích cực triển khai những công việc hữu ích

Trong 3 tháng đầu năm 2016, Hiệp hội đã triển khai một số hoạt động chủ yếu như: Xây dựng kế hoạch hoạt động chung toàn Hiệp hội và các Ban chuyên môn; Tổ chức nghiên cứu phản biện chính sách, kiến nghị các giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn, ổn định về tổ chức bộ máy, cơ chế hoạt động cho một số trường hội viên, như Trường Đại học Hùng Vương, Trường Đại học Phú Xuân. Đồng thời tập trung triển khai một số việc chính và quan trọng sau:

Một là: Thành lập Trung tâm Kiểm định chất lượng giáo dục độc lập- trực thuộc Hiệp hội các trường Đại học, Cao đẳng Việt Nam. 

Giáo dục Việt Nam muốn phát triển lành mạnh, theo kịp thế giới thì phải chấp nhận kiểm địch độc lập để biết mình đang đứng ở đâu, chất lượng thế nào, từ đó có hướng phấn đấu nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo, đáp ứng yêu cầu nguồn nhân lực ngày càng cao.  

Ngày 8/1/2016 tại Hà Nội, Hiệp hội đã công bố Quyết định thành lập và ra mắt Trung tâm Kiểm định chất lượng giáo dục trực thuộc Hiệp hội. 

Ngay sau lễ ra mắt, Hiệp hội đã tổ chức Hội thảo chủ đề “Kiểm định chất lượng và phân tầng xếp hạng giáo dục”. Hội thảo có sự tham gia của gần 400 đại biểu đến từ hàng trăm trường đại học cao đẳng hội viên. 

Việc ra đời Trung tâm Kiểm định thuộc Hiệp hội là cơ hội để nâng cao chất lượng giáo dục đại học ở Việt Nam trong quá trình hội nhập quốc tế.  Hiện nay Trung tâm Kiểm định của Hiệp hội đã chuẩn bị đầy đủ điều kiện và chính thức đi vào hoạt động từ đầu năm 2016.

Hai là: Chuẩn bị và triển khai một số cuộc hội thảo như: 

- Hội thảo về “tự chủ đại học”

Đây là vấn đề trọng tâm của giáo dục đại học, là quan điểm chỉ đạo mới và quan trọng của Đại hội XII của Đảng. Lãnh đạo Hiệp hội đã chỉ đạo lập “Nhóm chuyên gia” nghiên cứu các vấn đề liên quan đến tự chủ đại học, từ lý luận, thực tiễn, xu hướng, chính sách đến các mô hình đại học tự chủ. 

Đồng thời tổ chức các đoàn tiến hành khảo sát tại một số trường đã và đang được Bộ GD&ĐT giao làm thí điểm về tự chủ, một số trường Đại học, Cao đẳng ngoài công lập, trường đại học mở có kinh nghiệm có mô hình tự chủ về tài chính và một số mặt đã và đang hoạt động hiệu quả. 

Từ thực tiễn đa dạng đó tìm ra các vấn đề xã hội, cơ chế vướng mắc, chính sách chưa phù hợp đang cản trở tiến trình tiến tới tự chủ của các trường Đại học, Cao đẳng công lập, tư thục. 

Các nghiên cứu thực tiễn đó phải đi đến có câu trả lời cho những vấn đề trì trệ, thiếu sinh khí, thiếu động lực trong đào tạo đại học ở nước ta, chỉ ra giải pháp thảo gỡ để phát triển. 

Cùng với các hoạt động nghiên cứu khảo sát thực tế đó, Hiệp hội đã có kế hoạch tổ chức một số cuộc hội thảo nhỏ và vừa tại một số cụm trường về tự chủ đại học, sau đó sẽ tổ chức hội thảo lớn. 

Dự kiến sẽ phối hợp với Bộ GD&ĐT, với Hội đồng Quốc gia giáo dục và Phát triển nhân lực và các đơn vị liên quan. Các hội thảo về tự chủ đại học đã và đang chuẩn bị khá công phu, bắt đầu diễn ra từ Quý II/2016.  
   
Trên cơ sở kết quả các hội thảo, Hiệp hội sẽ dự thảo Quy chế tổ chức cho một số mô hình trường đại học tự chủ của Việt Nam để xin ý kiến rộng rãi hơn.

- Hội thảo quốc tế về giáo dục và cuộc cách mạng 4.0.


Được sự hỗ trợ của Tập đoàn Phoenix Kontact đến từ Cộng hòa Liên bang Đức, ngày 4/3/2016, tại Hà Nội, Hiệp hội đã chủ trì tổ chức hội thảo quốc tế chủ đề “Hội nhập quốc tế về giáo dục” với sự tham gia của 200 đại biểu đến từ các trường đại học và cao đẳng trong nước và quốc tế. 

Trong đó đại biểu của 12 trường Đại học, Cao đẳng đến từ Canada, Hiệp hội các trường đại học Ireland, đại sứ quán một số nước và 74 trường Đại học, Cao đẳng Việt Nam. 

Hội thảo đã nhận được sự quan tâm lớn của các trường đại học, cao đẳng và các chuyên gia; là cơ hội để kết nối, giao lưu tìm kiếm cơ hội hợp tác quốc tế, liên kết đào tạo nguồn nhân lực.

Hội thảo có sự tham gia của các Cục, Vụ chuyên môn của Bộ GD&ĐT, Bộ Lao động-Thương binh và xã hội cùng các chuyên gia giáo dục.

Hội thảo cũng bước đầu đề cập đến các vấn đề giáo dục mới, cuộc cách mạng 4.0 và mối quan hệ giữa các nhà sản xuất với các cơ sở đào tạo nhân lực đáp ứng nhu cầu mới của cuộc cách mạng 4.0 tạo ra.

Dự kiến trong tháng 7/2016 Hiệp hội sẽ chủ trì tổ chức Hội thảo quy mô lớn về “Cuộc cách mạng 4.0 và các vấn đề mới trong giáo dục đào tạo”. 

- Tọa đàm về thi và tuyển sinh.

Nhận thấy vấn đề thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh Đại học, Cao đẳng năm 2015 đã có một số tiến bộ, nhưng vẫn còn nhiều ý kiến khác nhau, chưa có được sự ổn định, chưa giải quyết triệt để các vấn đề liên quan đến hoạt động dạy và học trong nhà trường phổ thông, liên quan đến tự chủ đại học và các vấn đề xã hội khác. 

Ngoài việc các chuyên gia của Hiệp hội góp ý phát biểu thông qua báo chí, Hiệp hội đã phối hợp với trường Đại học Thăng Long tổ chức tọa đàm về chủ đề “Thi và tuyển sinh năm 2016 và các năm tiếp theo” với sự tham gia của đại biểu đến từ một số trường Đại học, Cao đẳng, sở GD&ĐT và các chuyên gia giáo dục. 

Sau tọa đàm, Hiệp hội đã tập hợp ý kiến và có bản góp ý kiến nghị gửi tới các cấp quản lý liên quan.  

Quan điểm xuyên suốt của Hiệp hội trong vấn đề thi và tuyển sinh là phải giao quyền tổ chức thi tốt nghiệp THPT cho các sở GD&ĐT, giao việc tuyển sinh cho các trường Đại học, Cao đẳng. 

Giáo dục phải hướng tới sự phát triển toàn diện nhân cách năng lực con người, thi tốt nghiệp THPT phải hướng học sinh học toàn diện, nhà trường dạy đều các môn, tránh dạy và học lệch, chỉ chú trọng mấy môn thi. 

Việc chỉ thi 3 môn bắt buộc (Văn, Toán, Ngoại ngữ) và 1 môn tự chọn như đề án của Bộ GD&ĐT hiện nay sẽ không tránh khỏi có nhiều học sinh học lệch.

- Các hội thảo chuyên đề theo đề nghị của trường hội viên và địa phương:

Hiệp hội thấy rằng, trong triển khai các chủ trương chính sách về giáo dục, trong thực hiện nhiệm vụ đào tạo, các trường Đại học, Cao đẳng thường có những vướng mắc. 

Chẳng hạn, mấy năm qua thực hiện việc chuyển đổi quy trình đào tạo Đại học, một số trường Đại học, Cao đẳng đã chủ động chuyển sang đào tạo theo học chế tín chỉ, bước đầu đã có một số thành công. Tuy nhiên có nhiều trường còn lúng túng. 

Sắp tới, đầu tháng 4 năm 2016 Hiệp hội phối hợp với Trường Cao đẳng Y tế Thái nguyên tổ chức Hội thảo Kinh nghiệm tổ chức đào tạo theo học chế tín chỉ trong các trường cao đẳng Y, Dược; các trường trong khu vực có nhu cầu sẽ được mời tham dự.

Trước đó, tháng 12 năm 2015 theo đề nghị của tỉnh Bắc Ninh, Hiệp hội cũng đã phối hợp với Viện nghiên cứu phát triển Kinh tế- Xã hội Bắc Ninh tổ chức thành công hội thảo với chủ đề “Phát triển khu đô thị đại học tại Bắc Ninh- thực trạng, phương hướng và giải pháp”. 

Kết quả hội thảo được UBND tỉnh Bắc Ninh sử dụng trong hoạch định chủ trương chính sách nhằm phát triển khu đô thị đại học tại tỉnh nhà làm điều kiện phát triển kinh tế - xã hội địa phương và khu vực. 

Hiệp hội đang chuẩn bị để thành lập một số “Câu lạc bộ chuyên ngành đào tạo”. Mỗi Câu lạc bộ sẽ gồm một số trường có chung chuyên ngành đào tạo, hoặc có khoa chuyên ngành phù hợp tham gia. 

Các Câu lạc bộ này sẽ chủ động đề xuất nghiên cứu những vấn đề chuyên sâu của chuyên ngành đào tạo. Hiệp hội sẽ chỉ đạo và điều tiết sự phối hợp giữa các Câu lạc bộ để tạo ra sức mạnh mới, động lực mới trong nghiên cứu khoa học chuyên ngành và công nghệ đào tạo. 

Hợp tác quốc tế, liên kết với địa phương và doanh nghiệp trong đào tạo cũng sẽ chia sẻ thêm kinh nghiệm và nguồn lực cho các Câu lạc bộ này hoạt động ngày càng hiệu quả hơn.

Ba là: Tích cực, chủ động trong hợp tác quốc tế:

Ngay sau khi thành lập, trong năm 2015, Hiệp hội các trường Đại học, Cao đẳng Việt Nam đã tiếp xúc giao lưu và ký thỏa thuận hợp tác với Hiệp hội Đại học tư Nhật Bản, với Hiệp hội Đại học Canada và Ireland.

Năm 2016 tiếp tục phát triển quan hệ đã được thiết lập, chuyển thành các hoạt động cụ thể như hội thảo, liên kết hội viên.

Tháng 3 năm 2016, Hiệp hội các trường Đại học, Cao đẳng Việt Nam đã làm việc và ký thỏa thuận với Hiệp hội các trường Đại học, Cao đẳng Mông Cổ.

Hiệp hội này được thành lập cách đây 20 năm với gần 50 trường thành viên. 
Nội dung bản thỏa thuận: Thúc đẩy và khuyến khích việc trao đổi các giáo viên và các nhà nghiên cứu; Mời nhau tham dự các hoạt động như triển lãm, giảng dạy, hội thảo, diễn đàn; Trao đổi các ý kiến và kinh nghiệm vì lợi ích cả hai bên; Khuyến khích các chương trình hợp tác nghiên cứu về các lĩnh vực hai bên cùng quan tâm; Trao đổi các thông tin nghiên cứu và số liệu về giáo dục nhằm giúp cho việc đào tạo.   

Tháng 5/2016 Hiệp hội sẽ đón đoàn của Hiệp hội Đại học Ấn Độ với hơn 20 trường Đại học, Cao đẳng tham gia sang Việt Nam tìm kiếm quan hệ hợp tác đào tạo.

Hiệp hội chủ trương tích cực tranh thủ các hội nghị, hội thảo quốc tế để mở rộng giao lưu kết nối với các hiệp hội đại học và tổ chức giáo dục khác, làm đầu mối kết nối hội viên của Hiệp hội với các trường Đại học, Cao đẳng ngoài nước. 

Cuối tháng 4/ 2016, Hiệp hội tổ chức đoàn gồm các chuyên gia của Hiệp hội cùng lãnh đạo một số trường Đại học, Cao đẳng hội viên tham dự Hội chợ quốc tế về đào tạo trong thời đại cuộc cách mạng 4.0 và thăm một số mô hình đào tạo ở Cộng hòa Liên bang Đức và Cộng hòa Séc. 

Các Văn kiện Đại hội XII của Đảng Cộng sản Việt Nam đã được ban hành, cả nước đang học tập và quán triệt. 

Hiệp hội các trường Đại học, Cao đẳng Việt Nam đang chủ động nắm bắt và tích cực hoạt động theo chức năng nhiệm vụ của mình góp phần sớm đưa những tư tưởng lớn, những giải pháp mạnh về giáo dục đào tạo vào đời sống xã hội nhằm phát triển nền giáo dục Việt Nam. Đây là hành động thiết thực của Hiệp hội trong học tập và đưa Nghị quyết của Đảng vào cuộc sống.

TS. Văn Đình Ưng