Tham gia TPP, ngân hàng Việt Nam "lợi đơn, lợi kép"

13/04/2016 07:12
Lê Anh/chinhphu.vn
(GDVN) - Tham gia Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) sẽ giúp hệ thống tài chính-ngân hàng Việt Nam đẩy mạnh tái cơ cấu, nâng cao năng lực cạnh tranh...

Đây là nhận định được các chuyên gia kinh tế đưa ra tại Hội thảo “Hiệp định TPP: Cơ hội và thách thức đối với lĩnh vực tài chính và phát triển kinh doanh của doanh nghiệp Việt Nam”.

Nhận diện những thách thức

Bà Vũ Minh Châu, Vụ Hợp tác quốc tế (Ngân hàng Nhà nước Việt Nam) cho biết, những khó khăn, thách thức đối với hệ thống ngân hàng thương mại (NHTM) Việt Nam trong bối cảnh hội nhập toàn cầu, nhất là TPP, đặt ra yêu cầu đối với NHNN là phải sớm hoàn thiện hệ thống pháp luật.

Đồng thời điều chỉnh các vấn đề, nội dung cam kết mới phù hợp với cam kết quốc tế; có lộ trình trong việc áp dụng các chuẩn mực và thông lệ quốc tế trong quản lý giám sát, hoạt động của các tổ chức tín dụng.

Tham gia Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) sẽ giúp hệ thống tài chính-ngân hàng Việt Nam đẩy mạnh tái cơ cấu, nâng cao năng lực cạnh tranh... Ảnh minh họa.
Tham gia Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) sẽ giúp hệ thống tài chính-ngân hàng Việt Nam đẩy mạnh tái cơ cấu, nâng cao năng lực cạnh tranh... Ảnh minh họa. 

Hiện nay, có không ít NHTM và các tổ chức tín dụng còn hạn chế về năng lực tài chính, năng lực quản trị điều hành, quản trị rủi ro, công nghệ hạ tầng… Điều này sẽ gây khó khăn trong đầu tư, mở rộng quy mô phát triển, trong khi áp lực cạnh tranh từ phía các tổ chức tài chính và ngân hàng nước ngoài ngày càng tăng.

Bên cạnh đó, sản phẩm dịch vụ của các NHTM trong nước còn chưa đa dạng. Với cam kết cho phép các tổ chức tín dụng được cung cấp dịch vụ tài chính mới, sức ép cạnh  tranh từ các ngân hàng nước ngoài, nhất là các ngân hàng lớn ngày càng hiện hữu.

Tuy nhiên, bà Châu cũng cho biết, mặc dù Việt Nam cam kết mở cửa thị trường thẻ có mã quốc tế, cho phép các nhà cung cấp nước ngoài cung cấp qua biên giới các dịch vụ thanh toán bù trừ, nhưng Việt Nam không mở cửa thị trường thẻ nội địa; bảo lưu quyền yêu cầu chuyển mạch thẻ qua một cổng thống nhất tại đơn vị chuyển mạch thẻ quốc gia (Banknetvn). Điều này có lợi cho sự phát triển thị trường thẻ của các ngân hàng nội địa.

Nhiều cơ hội mở ra

Bên cạnh những thách thức, các chuyên gia cho rằng, việc tham gia TPP cũng sẽ là cơ hội rất lớn giúp cho hệ thống tài chính-ngân hàng của Việt Nam đẩy mạnh tái cơ cấu, nâng cao năng lực cạnh tranh trên trường quốc tế.

Theo đó, TPP sẽ tạo triển vọng cho ngành thương mại Việt Nam đạt mức tăng trưởng mạnh mẽ; mở ra cơ hội cho các dịch vụ tài chính-ngân hàng đồng hành, hỗ trợ vốn, cho các doanh nghiệp (DN) xuất khẩu trong tương lai.

Các luồng vốn đầu tư quốc tế (FDI) vào Việt Nam sẽ tăng mạnh trong thời gian tới tạo thuận lợi cho hệ thống ngân hàng tăng cường thanh khoản và gia tăng cơ hội kinh doanh.

Ngoài ra, hệ thống ngân hàng có điều kiện tiếp cận với các nguồn vốn ủy thác trên thế giới với chi phí thấp hơn do vị thế của Việt Nam sẽ được cải thiện nhiều sau khi gia nhập TPP.

Bên cạnh đó, lĩnh vực tài chính-ngân hàng sẽ được mở rộng hơn theo các cam kết chung trong TPP. Việt Nam có cơ hội thu hút FDI vào ngành ngân hàng, một ngành cần vốn, công nghệ và năng lực quản lý điều hành cao.

Việc tham gia sâu rộng của các nhà đầu tư nước ngoài cũng sẽ tạo điều kiện mở rộng hợp tác, nâng cao năng lực quản trị và tài chính cho các ngân hàng nội địa.

Cùng quan điểm trên, ông Nguyễn Xuân Vũ, Trưởng Văn phòng đại diện Vietinbank tại TP.HCM cho rằng, tham gia TPP sẽ tạo nền tảng cho hội nhập kinh tế khu vực và quốc tế của Việt Nam.

Việc mở cửa thị  trường sẽ giúp thị trường tài chính phát triển và đa dạng hóa với các sản phẩm mới cung cấp cho khách hàng. Các NHTM có nhiều cơ hội để nâng cao năng lực tài chính thông qua việc tìm kiếm đối tác chiến lược, tăng huy động nguồn vốn quốc tế.

Chia sẻ tại hội thảo, ông Alan Phạm, Kinh tế trưởng Tập đoàn Vina Capital cho biết, để “đón đầu” các cơ hội đầu tư do TPP mang lại, gần đây, rất nhiều tổ chức và cá nhân nước ngoài đã đến Việt Nam nhằm tìm kiếm cơ hội đầu tư kinh doanh.

Đây là cơ hội rất tốt cho các doanh nghiệp, tổ chức tài chính kinh doanh, doanh nghiệp trong nước có thể thu hút thêm được các nguồn vốn ngoại nhằm nâng cao năng lực tài chính và quản trị doanh nghiệp.

Để tận dụng được các cơ hội này, điều quan trọng nhất mà các doanh nghiệp Việt Nam cần cho các nhà đầu tư thấy đó là năng lực quản trị điều hành và tính minh bạch thông tin của doanh nghiệp trên thị trường.

Lê Anh/chinhphu.vn