Quân đoàn 3 phá tan tuyến phòng thủ Tây Bắc Sài Gòn

23/04/2016 05:13
Đại tá Đặng Việt Thủy
(GDVN) - Trong chiến dịch Hồ Chí Minh, Quân đoàn 3 được Bộ chỉ huy chiến dịch giao nhiệm vụ tiến công trên hướng Bắc, Tây Bắc Sài Gòn.

LTS: Tiếp tục loạt bài viết về Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, hôm nay, Đại tá Đặng Việt Thủy nêu diễn biến trong trận tiêu diệt cứ điểm Đồng Dù của Quân đoàn 3 và phá tan tuyến phòng thủ Tây Bắc Sài Gòn của địch.  

Tòa soạn trân trọng gửi tới độc giả bài viết này. 


Trên hướng Bắc, Sư đoàn 320A (Sư đoàn Đồng Bằng) có nhiệm vụ tiến công cứ điểm Đồng Dù, phá tan tuyến phòng thủ Tây Bắc của địch.

Sư đoàn 320A do đồng chí Bùi Đình Hòe, nguyên Phó sư đoàn trưởng, được bổ nhiệm Sư đoàn trưởng, trực tiếp chỉ huy sư đoàn chiến đấu cùng các đồng chí Bùi Huy Bổng, Chính ủy; Đặng Văn Trượng, Phó chính ủy và Ngô Huy Phát, Phó sư đoàn trưởng.

Ngày 15/4/1975, sư đoàn chính thức nhận nhiệm vụ của Bộ tư lệnh Quân đoàn 3: Sư đoàn 320 được tăng cường Trung đoàn 593, có nhiệm vụ tập trung lực lượng đánh chiếm căn cứ Đồng Dù, mở cửa, đánh chiếm đầu cầu của Quân đoàn. 

Và đánh chiếm khu vực cầu Bông, cầu Sáng, bảo đảm đường cơ động cho mũi đột kích cơ giới mạnh của Quân đoàn tiến vào đánh chiếm sân bay Tân Sơn Nhất, bộ tổng tham mưu quân đội Sài Gòn. Sau đó, sẽ trở thành đội dự bị của Quân đoàn phát triển tiến công vào nội thành Sài Gòn.

Bộ đội Sư đoàn 320A đánh chiếm căn cứ Đồng Dù ngày 29/4/1975 (Ảnh: CAND)
Bộ đội Sư đoàn 320A đánh chiếm căn cứ Đồng Dù ngày 29/4/1975 (Ảnh: CAND)

Sau khi nhận nhiệm vụ, Đảng ủy và Bộ tư lệnh sư đoàn họp đánh giá lại toàn bộ tình hình và hạ quyết tâm: Kiên quyết tập trung lực lượng, phát huy sức mạnh tổng hợp của toàn sư đoàn, nỗ lực cao nhất để hoàn thành nhiệm vụ mở chiến dịch cho hướng tiến công của Quân đoàn, tiêu diệt căn cứ Đồng Dù, đánh chiếm Củ Chi, Tân Quy và cầu Bông, cầu Sáng. 

Sau đó nhanh chóng xốc lại đội hình, sẵn sàng phát triển vào Sài Gòn, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của Bộ tư lệnh Quân đoàn giao cho.

Ngày 22/4, phương án tiến công căn cứ Đồng Dù và khu vực phụ cận được Bộ tư lệnh quân đoàn phê chuẩn.

Các chiến sĩ Tiểu đoàn 17 công binh được lệnh khẩn trương hoàn thành cầu phao qua sông Sài Gòn bằng những phương tiện ta thu được của công binh địch trong chiến dịch Tây Nguyên.

Đêm 23/4, sư đoàn được lệnh vượt sông Sài Gòn, hành quân xuống Nam Bến Súc. Đến ngày 25 tháng 4, toàn bộ đội hình sư đoàn đã qua sông Sài Gòn vào vị trí tập kết an toàn.

Nằm trên trục quốc lộ số 1 Sài Gòn đi Tây Ninh, căn cứ Đồng Dù thực sự là cánh cửa sắt án ngữ phía Tây với Bình Dương và Hậu Nghĩa. 

Quân đoàn 3 phá tan tuyến phòng thủ Tây Bắc Sài Gòn  ảnh 2

Trận Xuân Lộc - mở “cánh cửa sắt” tiến về giải phóng Sài Gòn

(GDVN) - Thắng lợi trận Xuân Lộc tạo ra một địa bàn tập kết thuận lợi cho các binh đoàn chủ lực tiến công vào Sài Gòn từ hướng Đông.

Đồng Dù là một căn cứ phòng ngự trọng yếu trong tuyến phòng thủ Sài Gòn, nên từ lâu, Mỹ - ngụy đã ra công vun đắp, xây dựng nó trở thành một căn cứ xuất phát hành quân hỗn hợp quy mô lớn. 

Nó vốn là hang ổ của sư đoàn 25 Mỹ "Tia chớp nhiệt đới", nơi xuất phát các cuộc hành quân càn quét ra vùng Củ Chi, Bầu Bàng sang đến Bến Cả, Bến Súc, Tây Ninh. 

Sau này, khi Mỹ buộc phải cuốn cờ, sư đoàn "Tia chớp nhiệt đới" bàn giao cơ ngơi lại cho sư đoàn 25, một trong những sư đoàn chủ lực mạnh của quân lực Sài Gòn. 

Để bảo đảm an toàn cho Đồng Dù, Mỹ - Ngụy đã đánh phá, hủy diệt vùng Củ Chi, biến vùng này thành một vùng trắng. Đứng từ đài quan sát của căn cứ pháo binh sư đoàn 25 trong căn cứ Đồng Dù có thể nhìn thông suốt hàng chục km. 

Xung quanh căn cứ, chúng bố trí một hệ thống hàng rào và vật chướng ngại phòng thủ rất kiên cố và phức tạp với gần chục lớp rào kẽm gai đủ các kiểu: bãi mạ, lò xo, bùng nhùng, mái nhà... và gài mìn bẫy dày đặc. Sau hàng rào là hai lớp tường đất kiên cố có các lô cốt, ụ súng. 

Tiếp đó đến hệ thống phòng thủ nội vi, bao gồm hàng trăm lô cốt, ụ súng và hàng ngàn mét hào giao thông nối liền các phân khu.

Bên trong căn cứ rộng 8 km2, chia thành từng ô bàn cờ, có đường cơ động cho xe tăng, xe bọc thép và có cả một sân bay hạng vừa, máy bay vận tải C130 và các loại máy bay chiến đấu có thể hạ cánh được. 

Hệ thống thông tin liên lạc trong căn cứ và liên lạc với mọi nơi cần thiết được thiết kế một cách hoàn hảo. Trung tâm viễn thông của căn cứ Đồng Dù là một trong những trung tâm lớn và hiện đại ở miền Nam Việt Nam.

Về lực lượng địch, trong căn cứ thường xuyên có một đến hai trung đoàn bộ binh đóng giữ. Ngoài ra còn một trung tâm huấn luyện tân binh và hạ sĩ quan, các tiểu đoàn trực thuộc của sư đoàn như công binh, pháo binh, thiết giáp, thông tin, trinh sát.

Căn cứ pháo binh trong Đồng Dù là một căn cứ lớn có đến 18 khẩu pháo các loại, trong đó có 4 khẩu 175 "vua chiến trường".

Nhân dân Củ Chi, dưới sự lãnh đạo của Đảng và chính quyền cách mạng đã bao năm chiến đấu hết sức kiên cường, bám trụ vững vàng trên mảnh đất đầy thương tích ấy.

Lực lượng vũ trang cách mạng địa phương đã trưởng thành từ trong máu lửa, nhân dân được giác ngộ và tôi luyện trong đấu tranh. Đó là những yếu tố hết sức thuận lợi đối với cuộc chiến đấu sắp tới của sư đoàn.

Trong trận quyết chiến này, Bộ tư lệnh sư đoàn quyết định sử dụng lực lượng như sau:

Quân đoàn 3 phá tan tuyến phòng thủ Tây Bắc Sài Gòn  ảnh 3

Các trận đánh then chốt, xuất hiện thời cơ cho Chiến dịch Hồ Chí Minh toàn thắng

(GDVN) - Mùa Xuân 1975 cùng với thắng lợi to lớn của các chiến dịch, thời cơ lớn xuất hiện; toàn quân, toàn dân ta đi đến Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử.

Trường hợp địch chưa tăng cường lực lượng về Đồng Dù, sư đoàn sử dụng Trung đoàn 48 tăng cường một đại đội xe tăng cùng với pháo binh sư đoàn và pháo binh cấp trên tăng cường tiến công tiêu diệt căn cứ Đồng Dù; đột phá trên hai hướng: mũi chủ yếu từ Tây Bắc, mũi thứ yếu từ Tây Nam đánh vào. 

Trung đoàn 9 và một đại đội xe tăng làm dự bị đánh phát triển và đánh quân địch vòng ngoài.

Trung đoàn 64 đánh chiếm khu vực cầu Bông, cầu Sáng và phát triển lên quận lỵ Hóc Môn theo nhiệm vụ Quân đoàn giao ở giai đoạn một của chiến dịch.

Trường hợp địch tăng cường lực lượng về Đồng Dù và khu vực xung quanh, sư đoàn dùng cả hai trung đoàn bộ binh cùng với Trung đoàn 54 pháo binh và các đơn vị tăng cường tập trung tiêu diệt bằng được căn cứ Đồng Dù, mở đường cho sư đoàn bạn đánh vào Tân Sơn Nhất, sau đó sẽ phát triển theo kế hoạch.

Tiểu đoàn 1 Trung đoàn 48, đơn vị có truyền thống mở cửa, lần này được giao nhiệm vụ đột phá hướng chủ yếu (hướng Tây Bắc).

Mọi việc chuẩn bị đã hoàn thành. Theo hiệp đồng, pháo chiến dịch đã liên tục bắn phá căn cứ Đồng Dù trong mấy ngày liền. Đơn vị bạn đã cắt đường từ Tây Ninh xuống và từ Hậu Nghĩa sang. 

Ngày 27/4, sư đoàn được tin tên chuẩn tướng Lý Tòng Bá đã điện cho trung đoàn 50 đưa lực lượng từ ấp Khói về phòng thủ Đồng Dù và điện cho trung đoàn 10 thiết giáp sẵn sàng cơ động.

Sư đoàn quyết định đánh Đồng Dù theo phương án hai: địch có tăng cường phòng thủ.

17 giờ ngày 28/4, các đơn vị tham gia chiến đấu được lệnh chuẩn bị hành quân vào chiếm lĩnh. Pháo của ta vẫn tiếp tục bắn phá. Căn cứ Đồng Dù bốc cháy ngùn ngụt. Số phận sư đoàn 25 địch đã được định đoạt.

5 giờ sáng ngày 29/4/1975, Sở chỉ huy sư đoàn như lắng lại, hồi hộp chờ đợi giờ nổ súng. Phó tư lệnh Quân đoàn Kim Tuấn cũng có mặt tại sở chỉ huy sư đoàn, trực tiếp chỉ huy trận đánh.

Sư đoàn trưởng, chính ủy sư đoàn đã sẵn sàng ở vị trí chỉ huy. Phó sư đoàn trưởng Ngô Huy Phát, theo phân công, trực tiếp đi với sở chỉ huy Trung đoàn 48.

10 giờ 30 phút là giờ hiệp đồng với Sư đoàn 10 của Quân đoàn, là giờ Sư đoàn 320 phải cơ bản làm chủ căn cứ Đồng Dù để Sư đoàn 10 vượt qua cửa mở này tiến vào tiến công Tân Sơn Nhất. 

Từ 5 giờ 30 đến 10 giờ 30 chỉ có năm giờ đồng hồ để dứt điểm một căn cứ rộng 8 km2 được phòng thủ kiên cố quả là một nhiệm vụ nặng nề. 

Đúng giờ quy định, cùng một lúc tất cả các trận địa pháo của sư đoàn và pháo tăng cường cho sư đoàn đồng loạt nổ súng. Tiếng đại bác gầm lên dữ dội theo phương án hiệp đồng với bộ binh. Kế hoạch hỏa lực được chia làm nhiều giai đoạn theo một phương án được tính toán rất tỉ mỉ.

Ra lệnh cho pháo bắn xong, sư đoàn trưởng tiếp tục ra lệnh cho các hướng bộ binh cho điểm hỏa đồng loạt, bắt đầu thực hành phá rào, mở cửa và ra lệnh cho xe tăng, pháo cao xạ vào chiếm lĩnh trận địa và tuyến xuất phát xung phong.

6 giờ, Trung đoàn 9 báo cáo về có hiện tượng địch phản kích, Tiểu đoàn 4 đã tiêu diệt một trung đội địch từ cổng Tây Nam tiến ra.

Quân đoàn 3 phá tan tuyến phòng thủ Tây Bắc Sài Gòn  ảnh 4

Quân đoàn 1 hành quân thần tốc tiến công địch trên hướng Bắc Sài Gòn

(GDVN) - "Đi xa, tiến sâu, đánh thắng trận đầu, thắng lợi giòn giã liên tục đến thắng lợi hoàn toàn" là mệnh lệnh từ trái tim của mỗi cán bộ, chiến sĩ quân đoàn 1.

7 giờ, đài kỹ thuật sư đoàn báo cáo địch cho tiểu đoàn 3 trung đoàn 50 ở xóm Mới và một chi đội thiết giáp lên phản kích.

Có thể bọn này sẽ đánh vào phía sau đội hình Trung đoàn 9 trong khi hướng đột phá của trung đoàn chưa mở cửa xong. Tình hình bỗng trở nên căng thẳng.

Trong khi ấy, trên hướng chủ yếu của trận đánh, cuộc chiến đấu đang diễn ra vô cùng quyết liệt.

Đại đội 3 Tiểu đoàn 1 do đại đội trưởng Trần Nhật Tăng và chính trị viên Đào Xuân Sáng chỉ huy đang tổ chức lại hỏa lực chuẩn bị cho các bộc phá viên lên phá nốt những hàng rào cuối cùng. 

Mìn liên kết nổ tốt, một mảng rào rộng gần chục mét gồm bốn lớp đã bị phá bung. Nhưng các hỏa điểm địch đã tập trung tưới lửa lên cửa mở. Dùng máy thông tin vô tuyến liên lạc trực tiếp với trung đoàn, đại đội trưởng Trần Nhật Tăng yêu cầu trên bắn chi viện lên khu vực đầu cầu. 

Đề nghị của anh được chấp thuận. Đạn pháo của ta tới tấp rót lên khu vực đầu cầu. Trong khi đó các bộc phá viên đã sẵn sàng. Trung đội trưởng trung đội bộc phá Nguyễn Hữu Dóng dẫn bộc phá viên Nguyễn Văn Chung lên cửa mở.

Mặc đại liên, phóng lựu địch ken dày, Nguyễn Văn Chung, Trần Văn Minh rồi Nguyễn Khắc Bảo không một chút do dự, ôm mìn lao lên. Từ phía sau, chính trị viên Đào Xuân Sáng bình tĩnh chỉ huy các tổ hỏa lực bắn yểm trợ cho Bảo. 

Bỗng một chùm M79 nổ tóe trước mặt. Bảo ngã vật xuống. Trong giây lát, Bảo lại bật dậy, lao lên đặt mìn vào hàng rào rồi chạy trở lại. Trái mìn nổ tung. Hàng rào bị xé toang, Bảo loạng choạng, chới với rồi ngã vật ra. 

Quyết không để trận đánh bị gián đoạn, chiến sĩ bộc phá số 4 Nguyễn Văn Lĩnh ôm mìn lao lên cửa mở... Nhưng cũng như Nguyễn Khắc Bảo, Nguyễn Văn Lĩnh đã ngã xuống sau khi hàng rào cuối cùng bị phá toang.

- Hãy trả thù cho các đồng chí đã hy sinh! Tất cả tiến lên!

Tiếng hô của chính trị viên Sáng vang lên dõng dạc. Cả đại đội 3 ào ạt đánh lên cửa mở.

Thấy tình hình vô cùng nguy ngập, bọn địch trong căn cứ lồng lên. Chúng tập trung pháo, cối, 12,8mm, đại liên, M79 tưới lửa lên cửa mở, đồng thời điều xe tăng ra, chuẩn bị bịt cửa mở. Tiểu đoàn trưởng Nguyễn Quang Vinh điện về báo cáo với trung đoàn trưởng Lê Quang Bình:

- Địch đang bịt cửa mở. Tình hình rất căng thẳng. Tôi xin phép được lên trực tiếp chỉ huy đột phá. Đồng chí phó tham mưu trưởng trung đoàn sẽ thay tôi nắm sở chỉ huy, giữ liên lạc với trung đoàn.

Được trung đoàn trưởng chấp thuận, tiểu đoàn trưởng Vinh bàn giao công việc cho phó tham mưu trưởng trung đoàn rồi lao lên cửa mở.

Đại đội 3 bắt đầu đột phá. Trung đội trưởng trung đội thọc sâu Vũ Văn Sơn đang tổ chức lại hỏa lực. Nhưng hễ một xạ thủ nào nhổm dậy định bắn là lập tức bị đại liên địch quật ngã. Ác nhất là hai khẩu 12,8mm trên hai chiếc xe tăng chôn ngầm trong bờ tường đất. 

Từ vị trí có lợi, chúng có thể kiềm chế toàn bộ khu vực cửa mở. Không thể để tình trạng này kéo dài. Sơn quan sát lại và nhận ra rằng vì ta ở dưới sườn dốc bắn lên nên đường đạn ăn cao, không thể găm trúng chiếc xe quái ác ấy được.

Lại một vài đồng chí nữa trúng đạn. Sơn bậm môi suy nghĩ rồi bò lên nhặt một khẩu B40 của một xạ thủ vừa bị thương. Anh nằm dán mình xuống đất, căng mắt quan sát vị trí chiếc xe tăng địch. "Phải đứng dậy mà bắn!" - Sơn tự nhủ thầm rằng: 

"Nếu không đứng dậy bắn thì không thể bịt mồm nó được. Nhưng, đứng dậy trong lúc hỏa lực địch đang ken dày thế này... nguy hiểm! Nhưng... Không còn cách nào khác. Phải đứng thẳng dậy. Một khoảnh khắc thôi. Miễn là đừng trúng đạn trước khi mình siết cò!". 

Sơn nghĩ vậy rồi kiểm tra lại súng lựa thế nằm. Một... hai... ba! Đột ngột và bất ngờ, Vũ Văn Sơn bật dậy, đứng sừng sững phía trước cửa mở. Có lẽ chỉ trong một giây lát. Cái giây lát ấy hẳn thằng địch bên trong bờ thành đất đã nhìn thấy anh. Chúng đã bắn như vãi đạn. 

Nhưng... Sơn đã kịp siết cò. Trái đạn B40 từ nòng súng của anh lao vút ra, như cắm thẳng vào bờ thành đất, nơi chiếc xe tăng địch đang ẩn nấp.

Một đụn khói đen bốc lên sau tiếng nổ dữ dội. Bị đánh một cú bất ngờ, địch choáng váng trong giây lát. Chính trị viên Sáng chớp thời cơ, ra lệnh:

- Xung phong!

Các chiến sĩ đại đội 3 bật dậy. Nhưng, chỉ vượt được chừng hai chục mét, họ lại bị hỏa lực địch đánh bật trở lại. Tiểu đoàn trưởng Vinh báo cáo về trung đoàn xin pháo bắn lần thứ hai.

Đại đội 3, sau ba đợt xung phong, vẫn chưa đánh chiếm được khu vực đầu cầu. Hỏa lực địch vẫn còn rất mạnh và bắn rất tập trung vào khu vực cửa mở.

8 giờ, trung đoàn lệnh cho đại đội xe tăng đi với hướng chủ yếu vào tham gia đột phá. Nhưng chiếc xe tăng đi đầu vừa chồm tới cửa mở đã bị súng chống tăng của địch từ bên trong bắn trúng.

Chiếc thứ hai bị hỏng xích ngay ngoài hàng rào. Đại đội trưởng xe tăng trực tiếp chỉ huy chiếc thứ ba lao vào tiếp tục cùng đại đội 3 đột phá.

Đợt xung phong thứ tư. Tiếp đó là đợt xung phong thứ năm.

Đại đội 3 lọt được một bộ phận vào bên trong bờ tường đất. Địch từ hai phía tràn ra tiếp tục bịt chặt cửa mở. Xe tăng và các bộ phận phía sau vẫn không lọt vào được. 

Tiểu đoàn trưởng Nguyễn Quang Vinh báo cáo với trung đoàn xin đưa đại đội 1 vào tiếp tục đột phá. Trong khi ấy đại đội 3 do chính trị viên Sáng chỉ huy vẫn tiếp tục phát triển vào bên trong. Đại đội 1 tiếp tục đột phá đánh chiếm rộng thêm khu vực đầu cầu rồi đưa xe tăng lên.

8 giờ 30 phút, đại đội 3 báo cáo đã phát triển đến khu vực bãi xe của tiểu đoàn công binh nhưng đạn đã sắp hết. Thương binh nhiều. Sức chiến đấu giảm sút. Chính trị viên Đào Xuân Sáng, trung đội trưởng Vũ Văn Sơn đã bị thương. 

Tiểu đoàn trưởng Vinh liền ra lệnh cho đại đội 3 dừng tại chỗ, củng cố vị trí đứng chân, đưa thương binh ra, cho đại đội 1 tiếp tục thọc sâu vào căn cứ và đưa nốt đại đội 2 vượt qua khu đầu cầu vào đánh chiếm khu vực bãi tập.

Trận đánh diễn ra mỗi lúc một thêm quyết liệt.

Ở hướng thứ yếu, Tiểu đoàn 3 Trung đoàn 48 vẫn chưa vào được trong căn cứ.

Hướng Trung đoàn 9 vẫn tiếp tục đánh phản kích. Các chiến sĩ Tiểu đoàn 16 súng máy cao xạ đã hạ nòng pháo cùng với Tiểu đoàn 5 diệt hàng trăm tên địch. Nhưng địch vẫn tiếp tục đưa lực lượng phía sau lên, hy vọng có thể bẻ gãy hướng tiến công của ta, chi viện cho đồng bọn trong căn cứ.

Địch trong căn cứ kháng cự quyết liệt. Tên chuẩn tướng Lý Tòng Bá vẫn bám máy, chỉ huy. Các chiến sĩ trinh sát kỹ thuật của ta vẫn nghe rõ tiếng hắn hò hét trên vô tuyến điện.

Quân đoàn 3 phá tan tuyến phòng thủ Tây Bắc Sài Gòn  ảnh 5

Hào hùng chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử của Quân đoàn 2

(GDVN) - Vào những ngày cuối tháng 4 năm 1975, lực lượng của ta đã rầm rộ tiến vào bao vây chặt sào huyệt cuối cùng của địch.

9 giờ, trinh sát kỹ thuật báo tin Lý Tòng Bá ra lệnh cho trung đoàn 46 ở Trảng Bàng, Đồng Chùa về gấp cứu nguy cho Đồng Dù.

Trước tình hình ấy, Bộ tư lệnh sư đoàn ra lệnh:

- Kiên quyết tập trung lực lượng, đưa thêm lực lượng vào hướng Tiểu đoàn 1 Trung đoàn 48 thọc sâu vào sở chỉ huy sư đoàn 25 ngụy và phát triển sang hướng Tiểu đoàn 3 Trung đoàn 48 và hướng Trung đoàn 9, hỗ trợ cho hai hướng này phát triển.

- Đội dự bị của sư đoàn gồm Tiểu đoàn 2 Trung đoàn 48 và 8 chiếc xe tăng theo hướng Tiểu đoàn 1 phát triển vào đánh bung ra, chiếm các mục tiêu bên trong, hỗ trợ cho Tiểu đoàn 1 thọc sâu vào sở chỉ huy và hai hướng thứ yếu phát triển vào.

- Trung đoàn 9 xốc lại đội hình Tiểu đoàn 5, tiếp tục đột phá; dùng Tiểu đoàn 4 và Tiểu đoàn 16 súng máy cao xạ ngăn chặn và tiêu diệt địch từ Ấp Mới phản kích xuống.

- Pháo binh tiếp tục bắn chi viện cho bộ binh trên tất cả các hướng.

Tiểu đoàn 1 tiếp tục phát triển vào trung tâm mặc dù đã bị thương vong khá nhiều. Lúc này cán bộ chỉ huy tiểu đoàn chỉ còn tiểu đoàn trưởng Nguyễn Văn Quang chưa bị thương. 

Chính trị viên Nguyễn Văn Thư tuy bị thương vẫn không rời vị trí của mình. Vinh và Thư nắm lại tình hình, quyết định cho đại đội 1 còn sung sức tiếp tục phát triển, đồng thời củng cố những khu vực đại đội 3 và đại đội 2 chiếm được, mở đường cho xe tăng lên. 

Nhưng, đứng trong một căn cứ rộng mênh mông, nhà cửa san sát như một thành phố, thật khó xác định được đâu là sở chỉ huy địch. Vinh tìm vị trí có lợi quan sát toàn khu vực một lát rồi gọi đại đội trưởng Nguyên tới, chỉ về phía trước, ra lệnh:

- Cứ nhằm hướng có cái cột ăng-ten lớn kia mà tiến!

Nguyên nắm lại đội hình, phân chia cán bộ đại đội đi theo từng mũi rồi bắt đầu cho đại đội xung phong dọc theo con đường trục lớn vào trung tâm.

Vượt qua khu vực đại đội 3 đã đánh qua, đại đội 1 bắt đầu gặp hỏa lực địch ngăn chặn. Để tạo sức đột phá mạnh, đại đội trưởng Nguyên chủ trương dồn các xạ thủ lên phía trước để mình trực tiếp chỉ huy. 

Xạ thủ B40 Phạm Hữu Hợp luôn bám sát đại đội trưởng, liên tiếp diệt các hỏa điểm địch, tạo điều kiện cho đại đội đột phá. Qua khỏi khu vực tiểu đoàn công binh, các hỏa điểm địch từ bên kia đường (khu sở chỉ huy sư 25) tập trung bắn chặn mũi thọc sâu của Nguyên. 

Một lần nữa Nguyên lại phát huy sức mạnh của đội xạ thủ. Một mặt anh tìm cách liên lạc với phía sau, chỉ mục tiêu cho pháo binh và xe tăng, một mặt dùng cối 60 của đại đội bắn kìm chân bọn bộ binh để cho các xạ thủ tập trung tiêu diệt các hỏa điểm. 

Các xạ thủ Tĩnh, Hợp, Lịch, Mãn nhanh chóng dập tắt các hỏa điểm địch. Bọn bộ binh bị cối bắn rát cũng hốt hoảng tháo chạy ra hướng sân bay. Đường vào khu vực sở chỉ huy sư đoàn 25 ngụy đã mở. Đại đội trưởng Nguyên bật dậy, thét lớn:

- Xung phong! Chiếm sở chỉ huy địch!

Các chiến sĩ xe tăng theo sát bộ binh, tiếp tục dùng pháo và đại liên trên xe bắn áp đảo địch cho bộ binh xung phong. Xạ thủ Phạm Hữu Hợp giương cao lá cờ truyền thống của sư đoàn, lúc này đã ướt đẫm máu của các chiến sĩ tiểu đoàn Đống Đa kiên cường, lao về phía trước.

Những tên sĩ quan, tên lính ngoan cố kháng cự đều bị tiêu diệt. Nguyên dẫn đầu mũi thọc sâu của đại đội 1 đã đứng trước cửa nhà chỉ huy của tên chuẩn tướng Lý Tòng Bá.

Quân đoàn 3 phá tan tuyến phòng thủ Tây Bắc Sài Gòn  ảnh 6

Sức mạnh nhân dân và vai trò quần chúng trong chiến dịch Hồ Chí Minh 1975

(GDVN) - Có thể khẳng định, trong cuộc đại thắng mùa Xuân năm 1975, đỉnh cao là Chiến dịch Hồ Chí Minh, vai trò của quần chúng nhân dân là rất quan trọng.

- Sở chỉ huy địch đây rồi! Các đồng chí!... Phát triển sâu vào bên trong, kiểm tra kỹ, tìm cho ra Lý Tòng Bá!

Ra lệnh cho các chiến sĩ xong, Nguyên hồi hộp cầm máy báo cáo về sở chỉ huy trung đoàn:

- Đại đội 1 Tiểu đoàn Đống Đa đã chiếm được sở chỉ huy sư đoàn 25 ngụy. Tên Lý Tòng Bá và bộ tham mưu của hắn đã bỏ chạy. Chúng tôi đang truy lùng! Xin chỉ thị.

Sở chỉ huy sư đoàn sôi nổi hẳn lên khi nhận được báo cáo đại đội 1 Tiểu đoàn 1 Trung đoàn 48 đã chiếm được sở chỉ huy sư đoàn 25 ngụy, những tuyến đề kháng cơ bản đã bị đập tan, quân ta từ các hướng đang tràn vào căn cứ tiếp tục truy quét địch.

Sư đoàn trưởng chỉ đồng hồ nói với đồng chí trưởng phòng tác chiến Quân đoàn đi cùng với Phó tư lệnh Quân đoàn:

- Đúng 10 giờ 30 phút, anh Tiến nhé! Chúng tôi đã hoàn thành nhiệm vụ mở cửa theo đúng hiệp đồng.

Phó tư lệnh Quân đoàn mỉm cười:

- Được. Tốt đấy! Nhưng... nếu các anh để tên Bá chạy thoát thì chưa phải thật tốt. Phải làm sao tóm cho được tên tướng ngụy ngạo mạn này!

- Tôi đã ra lệnh cho anh em truy quét, quyết bắt sống nó bằng được.

Cửa mở vào Sài Gòn đã thông, được lệnh của Bộ tư lệnh Quân đoàn, Sư đoàn 10 bộ binh bắt đầu hành tiến. Các chiến sĩ Sư đoàn 10 cùng với pháo binh, xe tăng ào ạt hành quân qua cửa mở Đồng Dù. 

Ngồi trên xe, các chiến sĩ Sư đoàn 10 nhìn thấy khói lửa vẫn còn bốc lên ngùn ngụt trong căn cứ Đồng Dù. Tiếng súng truy quét tàn binh địch của các chiến sĩ 320 vẫn còn rộ lên từng chặp. 

Khi đi ngang qua sở chỉ huy Sư đoàn 320, Sư đoàn trưởng Sư đoàn 10 cho xe dừng lại, chạy vào chúc mừng chiến công của Sư đoàn Đồng Bằng, sư đoàn mà đồng chí đã nhiều năm làm chiến sĩ và từ đó trở thành người cán bộ chỉ huy cấp sư đoàn... Hai sư đoàn trưởng chúc mừng nhau và hẹn gặp nhau tại Sài Gòn.

Các chiến sĩ Sư đoàn 320 được nhân dân Củ Chi giúp đỡ, đã bắt gọn bộ chỉ huy sư đoàn 25 địch, gồm tên chuẩn tướng Lý Tòng Bá sư đoàn trưởng, tên đại tá Trần Thắng Chức phó sư đoàn trưởng và một số sĩ quan tham mưu.

Xuất thân từ một sĩ quan thiết giáp, Lý Tòng Bá đã được quan thầy đưa sang Mỹ đào tạo và sau đó đưa về làm sĩ quan chỉ huy. Lý Tòng Bá đã từng làm tư lệnh sư đoàn 23 ở Tây Nguyên, làm tỉnh trưởng Bình Dương, khét tiếng là một tên sĩ quan gian ác và tham nhũng.

Khi bị bắt làm tù binh, Lý Tòng Bá than thở:

- Cuộc đời binh nghiệp của tôi hai lần đụng độ với Sư đoàn 320 các ông. Lần thứ nhất ở Kon Tum, lần ấy tôi tưởng mình thắng trận và nhờ chiến tích giả tạo ấy tôi đã được đích thân tổng thống Nguyễn Văn Thiệu đặc cách gắn lên ve áo tôi quân hàm chuẩn tướng. Còn lần này thì bại trận thật sự, có điều ông Thiệu đã chuồn rồi, không còn có thể chia sẻ với tôi nỗi nhục bại trận.

Cùng với số phận của Lý Tòng Bá, sư đoàn 25 của quân đội Sài Gòn cũng đã bị xóa sổ.

Tài liệu tham khảo:

- "Lịch sử Quân đội nhân dân Việt Nam (1944-1975)", NXB Quân đội nhân dân, Hà Nội - 2005.

- "Năm 1975 - Những sự kiện lịch sử trọng đại", NXB Quân đội nhân dân, Hà Nội - 2010.

- "Đại thắng mùa xuân 1975 kết thúc cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của dân tộc Việt Nam", NXB Quân đội nhân dân, Hà Nội - 2005.

Đại tá Đặng Việt Thủy