Atlat địa lý Việt Nam hiện nay gây khó khăn cho người mù màu

29/04/2016 08:56
Nguyễn Văn Chính
(GDVN) - Một số nước trên thế giới có xuất bản riêng bản đồ cho người rối loạn sắc giác. Tôi mong Bộ GD&ĐT nên xuất bản cuốn Atlat địa lý phiên bản cho người mù màu.

LTS: Nhìn nhận thấy những khó khăn trong việc sử dụng Atlat địa lý Việt Nam của học sinh bị mắc tật mù màu, trong bài viết này thầy giáo Nguyễn Văn Chính công tác tại Trung tâm giáo dục thường xuyên Trảng Bom, huyện Trảng Bom, tỉnh Đồng Nai mạnh dạn chỉ ra giải pháp với mong muốn những thí sinh mắc tật này có cơ hội học tập tốt hơn nói chung và môn Địa lý nói riêng. 

Tòa soạn trân trọng giới thiệu cùng độc giả. 

Học sinh cả nước đặc biệt các em khối 12 đang chuẩn bị bước vào mùa thi 2016. Có một vấn đề mà từ trước đến nay chưa được các nhà giáo dục quan tâm đó là “khó khăn của học sinh  bị mù màu khi sử dụng Atlat địa lý Việt Nam”. 

Trong bài viết này, tôi xin đề cập tới vấn đề tưởng rằng rất nhỏ nhưng đã ảnh hưởng rất lớn tới các thí sinh mắc tật này. 

Mù màu là gì?

Bệnh mù màu hay còn gọi là rối loạn sắc giác (colour-blindness) là một bệnh, một tật của mắt xảy ra ở không ít người. 

Người mắc tật này không phân biệt được màu lục và màu đỏ và loại không phân biệt được giữa màu xanh da trời và màu vàng, nặng nhất là không phân biệt bất kì màu sắc nào. 

Bệnh mù màu không ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe và trí tuệ của con người nhưng gây một số khó khăn cho người mắc phải như: xem bản đồ, biểu đồ, chọn lựa màu sắc, lái xe, thiết kế, vẽ tranh...

Theo ước tính có khoảng từ 5% - 8% nam giới mắc phải, đối với nữ thì thấp hơn (dưới 1%). Có nhiều nguyên nhân gây bệnh như: lão hóa, tai nạn, tác dụng phụ của thuốc... Nhưng nguyên nhân chính là do di truyền.

Atlat địa lý Việt Nam hiện nay gây khó khăn cho người mù màu ảnh 1

Thầy giáo bày "mẹo" sử dụng Atlat Địa lý Việt Nam cho thí sinh thi quốc gia

(GDVN) - Atlat Địa lý Việt Nam được coi là cuốn sách giáo khoa Địa lý thứ hai, là “tài liệu” duy nhất mà học sinh được mang vào phòng thi trong tất cả các kỳ thi.

 
Bệnh phát sinh do đột biến hoặc thiếu một gen trên nhiễm sắc thể X, làm rối loạn tế bào cảm thụ ánh sáng ở mắt cần để phân biệt màu sắc. 

Nếu con trai nhận được gen này từ mẹ thì chắc chắn sẽ mắc bệnh mù màu. Còn con gái chỉ mắc bệnh khi cả bố và mẹ đều có gen mù màu. Điều đó giải thích vì sao nam giới mắc chứng mù màu có tỷ lệ cao hơn nhiều so với nữ.

Bệnh mù màu không ảnh hưởng nhiều đến cuộc sống bình thường tuy nhiên trong một số trường hợp thì không như vậy. 

Vào năm 1875, ở Thụy Điển đã xảy ra tai nạn xe lửa đầu tiên làm chết nhiều người, gây chấn động châu Âu. Hai tàu tốc hành, một tàu hàng và một tàu khách, đâm thẳng vào nhau trong lúc đang chạy với tốc độ cao. Rất lâu sau, các chuyên gia không rõ nguyên nhân. 

Tình cờ một nhà tâm lý đưa cho người công nhân lái tàu còn sống sót chọn mấy cuộn len có màu khác nhau thì phát hiện ra anh ta bị tật mù màu đỏ. Do không phân biệt rõ đèn tín hiệu cấm tàu với đèn thông xe nên anh vẫn thản nhiên cho tàu phóng nhanh, đâm vào xe lửa đang chạy đúng tuyến đường, gây ra tai nạn khủng khiếp. 

Chưa có thống kê về vụ tai nạn tương tự trên đường bộ, nhưng việc không phân biệt đèn xanh, đèn đỏ khi lưu thông cũng rất dễ dẫn đến tai nạn.

Atlat địa lý Việt Nam gây khó khăn cho học sinh mù màu như thế nào?

Năm học học 2015 – 2016 đang vào giai đoạn kết thúc. Các khối lớp bước vào kì thi học kì II. Quan trọng hơn hàng triệu thí sinh chuẩn bị cho kì thi quốc gia 2016. 

Thống kê việc đăng kí môn thi năm 2015, môn Địa lý được coi là môn “cứu điểm” nên chiếm tỉ lệ khá cao 48%. Trong các kì thi những năm gần qua hầu hết các em đều được sử dụng Atlat địa lý để làm bài. 

Vì kiến thức trong cuốn này chiếm hơn 70% kiến thức môn địa lý và có thể lấy được 50% số điểm trong bài thi nếu biết cách sử dụng. Vì thế quá trình học tập và thi cử, các em học sinh bị tật mù màu bị ảnh hưởng không nhỏ.

Nội dung Atlat địa lý phong phú và đa dạng tuy nhiên chủ yếu sử dụng màu sắc để kí hiệu và phân loại. Những học sinh mắc tật không phân biệt màu đỏ và màu lục sẽ không thể nhận biết được một số nội dung tiêu biểu sau đây: 

Hai màu đỏ và lục gây khó khăn cho thí sinh (Ảnh chụp từ Atlat địa lý Việt Nam)
Hai màu đỏ và lục gây khó khăn cho thí sinh (Ảnh chụp từ Atlat địa lý Việt Nam)

Nhóm không phân biệt màu vàng và xanh lam:

Màu vàng và màu lam trên cũng khó phân biệt (Ảnh chụp Atlat địa lý Việt Nam)
Màu vàng và màu lam trên cũng khó phân biệt (Ảnh chụp Atlat địa lý Việt Nam)

Trên đây chỉ là một vài hình minh họa nội dung gây khó khăn cho học sinh, thí sinh mù màu. Ngoài ra còn rất nhiều nội dung khác cần chú ý.

Đối với bản thân người mù màu bẩm sinh, thì những khái niệm về màu sắc trên rất mơ hồ. Nhiều khi trong nhận thức người bị không nhận thức được mình bị mù màu dẫn đến nhầm lẫn màu sắc.

Giải pháp khắc phục

Người bị mù màu do di truyền thì không thể khắc phục hay chữa trị. Mù màu không do di truyền thì tuỳ vào từng nguyên nhân. Cũng có thể hạn chế bằng kính loạn sắc (nhưng cách này cũng không mang lại hiệu quả cao).

Vì thế, Bộ GD&ĐT nên có giải pháp chủ động như xuất bản Atlat địa lý phiên bản cho người mù màu. 

Ở một số nước trên thế giới có xuất bản riêng bản đồ cho người rối loạn sắc giác. Chỉ có như vậy mới giúp ích được nhiều cho thí sinh thiệt thòi này. 

Nguyễn Văn Chính