Cờ tàn Syria: Obama nhẹ nhàng "nẫng" thành quả chiến dịch không kích của Nga

27/04/2016 14:23
Ngọc Việt
(GDVN) - Việc Mỹ chỉ điều động 250 quân tới Syria trong giai đoạn này là một nước đi đầy khôn ngoan của Obama.

BBC ngày 24/4 đưa tin, trong chuyến thăm Châu Âu vừa qua, Tổng thống Barak Obama cho biết trong thời gian tới Hoa Kỳ sẽ đưa 250 quân nhân sang Syria hỗ trợ cho phe đối lập chống tổ chức khủng bố tự xưng Nhà nước Hồi giáo IS.

Mục tiêu của hành động này của Mỹ được mô tả là để động viên người Hồi giáo Sunni Ả Rập tham chiến cùng các tay súng người Kurd ở phía đông bắc Syria chống IS.

Trước đó trong khi trả lời phỏng vấn của BBC, Tổng thống Hoa Kỳ đã nói rằng ông sẽ không điều động bộ binh sang Syria bởi không thể giải quyết những vấn đề của đất nước này chỉ dựa trên giải pháp quân sự.

“Sẽ là sai lầm lớn cho nước Mỹ hoặc nước Anh... nếu điều quân sang Syria và lật đổ chính phủ của Bashar al- Assad, nhưng chúng ta có thể xiết chặt phạm vi hoạt động của IS”, ông Barack Obama nói.

Tổng thống Mỹ Barack Obama và Tổng thống Nga Vladimir Putin trong một cuộc gặp bất ngờ, ảnh: AP.
Tổng thống Mỹ Barack Obama và Tổng thống Nga Vladimir Putin trong một cuộc gặp bất ngờ, ảnh: AP.

Sau đó, ngày 25/4 trong cuộc họp báo cùng nữ Thủ tướng Đức Angela Merkel khi đang ở thăm nước này, ông Obama đã tuyên bố rằng, Nga phải thực hiện nghiêm túc Thoả thuận Minsk về Ukraine và đó là điều kiện tiên quyết trong việc xem xét có dỡ bỏ lệnh cấm vận đối với nước Nga của Putin hay không, theo VTV.

Hai tuyên bố liên tiếp của Tổng thống Mỹ liên quan trực tiếp tới lợi ích của nước Nga đều bất lợi cho Moscow, thậm chí còn mang vẻ thách thức với chính quyền của Tổng thống Putin. Dường như nó cho thấy, những nỗ lực của Nga trong việc cùng Mỹ giải quyết những bất đồng trong thời gian qua không hề mang lại kết quả thiết thực như Nga mong muốn.

Cả hai “nước cờ tàn” liên quan đến Syria và Ukraine đều được Mỹ sử dụng gây sức ép lên Nga. Nó không mang lại lợi ích nhiều cho Mỹ và phương Tây, nhưng lại gây thiệt hại rất lớn cho nước Nga khiến Moscow không thể không choáng váng, nhất là trong tình cảnh hiện nay.

Thả cá tôm nhưng chỉ vớt được bọt bèo, váng nước

Đến giờ này có thể dư luận đã thấy rằng, cuộc chiến chống chủ nghĩa khủng bố quốc tế nói chung, và lực lượng IS nói riêng đã nằm trong toan tính của các cường quốc.

Nghĩa là IS cũng là một quân cờ được sử dụng vì lợi ích chính trị của các cường quốc chủ chốt trong mặt trận chống chủ nghĩa khủng bố. Việc tấn công vào IS mạnh hay yếu đều có tính toán liên quan đến lợi ích của các quốc gia.

Việc Mỹ tăng thêm quân tới Syria cũng nằm trong nước cờ lợi ích ấy. Nhưng lợi ích của Mỹ khi tấn công IS tại Syria lúc này là gì nếu không phải là vai trò và vị thế của họ trong việc giải quyết tình hình nội chiến tại đất nước Bắc Phi này?

Cờ tàn Syria: Obama nhẹ nhàng "nẫng" thành quả chiến dịch không kích của Nga ảnh 2

Chết trong ảo tưởng

(GDVN) - Việc gây ảo tưởng về sự suy yếu của Trung Quốc có thể là sai lầm tai hại như vậy của truyền thông quốc tế gần đây.

Trong khi Nga đang đóng vai trò quan trọng nhất trong cuộc chiến chống IS trên mặt trận Syria, việc Mỹ đột ngột đưa quân vào Syria là hướng vào chia sẻ hay khống chế lợi ích của Nga tại cứ điểm chiến lược này?

Có thể thấy rằng, lợi ích tại Syria không quá lớn để các cường quốc chia sẻ ngoài việc tạo vị thế cho mình trên bàn cờ chính trị thế giới đang phải sắp xếp lại theo một trật tự mới. Vì vậy, cường quốc nào khôn ngoan thì sẽ chi phí cho cuộc chiến này ít nhưng vai trò có được sẽ lớn hơn và đó cũng là thành công của họ.

Trước thời điểm tuyên bố đưa 250 quân vào Syria, Mỹ đã gần như nhường Nga ở mặt trận này. Vì vậy Nga đang đóng vai trò quan trọng gần như độc tôn, song cũng là nước phải gánh chi phí lớn nhất.

Tuy nhiên, ai cũng biết dù chưa có một kịch bản thoả mãn các bên, nhưng bàn cờ chính trị Syria đang vào giai đoạn của những nước cờ tàn. Vì sự cò cưa đều không có lợi cho bất cứ bên nào nên kết thúc sớm là việc các cường quốc đã tính tới.

Bây giờ là lúc đòi hỏi các bên phải có nước đi sáng suốt. Việc Mỹ chỉ điều động 250 quân tới Syria trong giai đoạn này là một nước đi đầy khôn ngoan của Obama.

Obama loan báo gửi quân để giúp lực lượng tấn công IS tại Syria mạnh lên. Nhưng thực ra nó lại là cái cớ hợp lý cho việc Mỹ hỗ trợ, đặc biệt là có mặt bên cạnh lực lượng đối lập tại Syria.

Điều đó tạo ra tấm khiên che chở cho lực lượng này, giúp cho nó lớn mạnh và không dễ bị tiêu hao dưới các đòn tấn công của quân chính phủ được Nga hậu thuẫn. Bởi lẽ, khi người Mỹ đứng trên chiến hào của phe đối lập thì sẽ khiến cho Nga và chính phủ Syria không dễ dàng oanh tạc các mục tiêu của lực lượng này. 

Nếu như trước đây quân chính phủ Syria được Nga hỗ trợ có thể không kích phe đối lập bất cứ lúc nào và ở đâu, thì nay điều đó gần như là không thể vì có thể “lạc đạn vào người Mỹ”, bởi cả Mỹ và phe đối lập đều là lực lượng chống IS.

Thế là bao nhiêu tiền của đổ xuống với toan tính sử dụng quân cờ Syria để tạo thế cho mình, nhưng nay chỉ với 250 quân Mỹ có mặt tại đây thì chính sách hỗ trợ Assad của Putin có thể mất hết tác dụng.

Nước cờ tàn nhưng đầy lợi hại

Có thể thấy cả Mỹ và phương Tây đều đã thất vọng với quân cờ Ukraine. Những gì mà người ta tác động đến chính trường nước này cũng chỉ là một nước cờ tàn, không chứa đựng nhiều toan tính. Vậy nhưng với Nga thì quân cờ này vẫn gây nguy hại cho chính họ.

Cờ tàn Syria: Obama nhẹ nhàng "nẫng" thành quả chiến dịch không kích của Nga ảnh 3

Quýt làm cam chịu

(GDVN) - Dù tạo ra nguyên nhân nhưng không phải gánh hậu quả nên cả Moscow và Washington vẫn cứ vô tư với những cuộc chiến mà họ tham gia, họ còn cò cưa để kiếm lợi.

Tổng thống Putin và cộng sự đã rất cố gắng trong việc chia sẻ với Mỹ và đồng minh những vấn đề mà Washington đang xem là gánh nặng, hay những cục nợ, qua đó giúp Putin làm giảm tác hại của việc đi sai nước cờ Ukraine.

Tuy nhiên, khi Obama tuyên bố việc tuân thủ Thoả ước Minsk là điều kiện tiên quyết để xem xét việc dỡ bỏ cấm vận thì khiến cho những cố gắng của Nga trong việc chia sẻ với Mỹ thời gian qua trở thành "dã tràng xe cát".

Dù Ukraine không còn mang lại lợi ích quan trọng và trực tiếp cho Mỹ, nhưng nó lại rất hữu ích trong việc kiềm chế sức mạnh của Nga, nhất là khi nó được xem là chìa khoá đóng mở cấm vận đối với Nga.

Có lẽ khi đi sai nước cờ tại Ukraine, Putin biết rằng rất khó thoát ra nếu Mỹ và phương Tây không có quan điểm linh hoạt trong việc hoán chuyển bàn cờ này sang một bàn cờ khác. Với Ukraine hiện nay, Nga không thể tiến cũng không thể lùi.

Vấn đề Crimea là sai lầm khi thể chế chưa hoàn thiện. Nhưng việc can thiệp vào xung đột tại miền Đông Ukraine cũng không phải là nước cờ hay của Putin.

Nga không dám tiếp tục sáp nhập hai thực thể tiếp theo là nhà nước tự xưng Donetsk và Luhansk, khi đại diện hai thực thể này và người dân hai vùng lãnh thổ này có ý nguyện trở thành một phần của nước Nga qua những cuộc trưng cầu dân ý.

Điều đó cho thấy Putin đã nhận ra sai lầm trong nước cờ Ukraine nên không thể tiếp tục mạo hiểm hơn nữa. Đó cũng là một minh chứng Nga muốn Mỹ và phương Tây nhanh chóng lãng quên quân cờ này, nhưng thực tế lại không phải vậy.

Có lẽ Putin sẽ phải chấp nhận thực hiện điều kiện tiên quyết của Obama để hy vọng nhanh chóng thoát cấm vận, bởi tình hình nước Nga đã không cho phép Nga cù cưa với Mỹ trên bàn cờ Ukraine đã đến hồi kết. Với Mỹ nó vô hại, nhưng với Nga thì nó lại cực kỳ bất lợi.

Sự dứt khoát của Obama cho thấy, “hoàng hôn nhiệm kỳ” của Obama không hề dễ chịu với Putin. Nếu Putin không nhanh chóng thực hiện yêu cầu của Obama thì khi thay đổi quyền lực tại Mỹ diễn ra, Putin còn gặp khó hơn nhiều.

Hiểu sai đối thủ nên chọn sai đối tác

Người viết cho rằng, nước Nga hiện tại khó khăn bởi phải hứng chịu cấm vận của phương Tây trong lúc giá dầu thô giảm sâu trên thị trường thế giới. Vì vậy, muốn thoát ra thì Putin phải phá vỡ hai rào cản này, phải bẻ ngoặt được hai gọng kìm này.

Nước cờ tàn Ukraine không còn được Mỹ và phương Tây quan tâm, nhưng vẫn luôn gây thiệt hại cho nước Nga của Putin. Ảnh: Unian.
Nước cờ tàn Ukraine không còn được Mỹ và phương Tây quan tâm, nhưng vẫn luôn gây thiệt hại cho nước Nga của Putin. Ảnh: Unian.

Do đó việc chọn đối tác là một trong những điều quyết định đến thành công của các chính sách của Kremlin. Tiếc rằng, dường như Tổng thống Putin và cộng sự đã hiểu sai đối thủ nên đã chọn sai đối tác trong việc giải quyết cục diện tiến thoái lưỡng nan hiện nay.

Để phá thế cấm vận của Mỹ thì Nga phải tìm cách phá vỡ liên minh cấm vận mới hy vọng sớm thoát ra được. Người viết đã từng phân tích, con bài “dân nhập cư” là một trong những con bài hữu hiệu nhất mà có thể giúp cho Nga không chỉ thoát cấm vận mà còn có thể có những lợi ích lớn hơn từ việc này.

Tuy nhiên, Putin đã không xem đó là “nhiệm vụ” của mình nên không dùng tới, để bây giờ con bài này đã hết hiệu nghiệm với nước Nga.

Có lẽ Putin nhận định rằng, khi Obama hướng trọng tâm quan hệ đối ngoại về Châu Á – Thái Bình Dương thì những đồng minh của Mỹ ở lục địa già sẽ chủ động chia tay Mỹ nên liên minh cấm vận cũng có thể vì vậy mà rạn nứt.

Tuy nhiên, dù có giảm nhẹ sự ưu tiên đối với bờ đông Đại Tây Dương thì tất cả những đồng minh lâu năm đều là đối tác của Mỹ và luôn là đối thủ của Nga. Vì vậy nó không tự dựng thay đổi tính chất quan hệ nếu không có những tác động từ Nga.

Trong khi đó Putin lại không xây dựng được quan hệ đối tác tin cậy với bất cứ đồng minh nào của Mỹ ở bên bờ này Đại Tây Dương. Có lẽ Putin không thể không giật mình khi Obama họp bàn tròn cùng bộ tứ Merkel – Holland – Cameron – Renzi tại Hanover.

Cờ tàn Syria: Obama nhẹ nhàng "nẫng" thành quả chiến dịch không kích của Nga ảnh 5

Già néo đứt dây

(GDVN) - Sẽ có những “Hamid Kazai”, những “Nouri al-Maliki” của Syria xuất hiện nắm giữ vận mệnh quốc gia. Lúc đó lực lượng đối lập hiện nạy tại Syria sẽ bị lịch sử...

Dù họ ngồi với nhau bàn về bất cứ điều gì đi chăng nữa thì cũng là lời cảnh báo cho Putin, rằng liên minh cấm vận không dễ rạn nứt và vòng kim cô với nước Nga không dễ được tháo ra nếu không có sự đánh đổi.

Với gọng kìm dầu thô Nga cũng không có bước đi sáng suốt và chỉ cần một chuyến thăm cuối nhiệm kỳ của Obama đến Trung Đông là có thể phủi sạch mọi cố gắng của Putin.

Cùng là những nước sản xuất dầu thô, Nga đã quá hy vọng vào OPEC. Trong khi người tiêu thụ mới là yếu tố quyết định chứ không phải nhà cung cấp quyết định giá cả và số lượng trên thị trường. Song Nga lại tìm cách liên minh với đối thủ và hy vọng họ trở thành đối tác.

Nga không hề tìm ra thị trường mới hay tìm cách xây dựng quan hệ tốt đẹp với những đối tác sử dụng dầu thô để qua đó tác động tích cực đến giá dầu, giúp Nga giảm bớt khó khăn. OPEC thì không chịu cắt giảm sản lượng, còn Trung Quốc thì muốn dìm giá dầu để hưởng lợi tối đa.

Putin loay hoay trong vòng xoáy cấm vận – dầu thô tụt giá với những bước đi thiếu sáng suốt, còn nước Nga thì ngày cảng mệt mỏi bởi khó khăn.

Obama càng vui vẻ, hào hứng bao nhiêu trong những chuyến thăm đồng minh chiến lược thì càng làm cho Putin mệt mỏi bấy nhiêu khi đã hiểu sai đối thủ của mình. Putin muốn phá vỡ liên minh chống cấm vận mà lại không đột phá vào bất cứ mắt xích nào của liên minh ấy.

Nga muốn tăng giá dầu mà liên minh với đối thủ trong hoàn cảnh lợi ích không thể sẻ chia. Khi Obama sang Châu Âu thì nghĩa là cơ hội cho Moscow đã hết.

Chưa đủ tầm để tạo trật tự mới

Người viết cho rằng, thế giới đơn cực xoay quanh “trục” Mỹ đang thay đổi và có thể nhìn thấy xu thế lưỡng cực đang hình thành, với sự nổi lên bởi tham vọng của Trung Quốc trong thời gian gần đây.

Tập Cận Bình đã sử dụng rất nhiều công cụ để khẳng định vai trò của Bắc Kinh trên trường quốc tế và qua đó dần khẳng định vị thế của mình. Tuy nhiên, dù có nhiều thành công nhưng tham vọng của Bắc kinh chưa thể hiện thực hoá, ít nhất là trong thời gian Obama còn ngồi ghế Tổng thống Hoa Kỳ.

Song có lẽ Putin và cộng sự của mình không nhìn ra sự thực ấy nên đã nhanh chóng ngả về phía Bắc Kinh, với hy vọng sử dụng quân cờ này cho mục đích có lợi cho mình.

Cờ tàn Syria: Obama nhẹ nhàng "nẫng" thành quả chiến dịch không kích của Nga ảnh 6

Công thành thân thoái thì hơn

(GDVN) - Một lãnh đạo đã rời xa chính trường gần 4 nhiệm kỳ mà vẫn để lại sự nuối tiếc của người dân thì có hạnh phúc nào bằng. Tiếc là ông Putin không làm như vậy.

Chỉ có điều, Moscow sẽ không bao giờ sử dụng được quân cờ Trung Quốc cho mục đích của mình mà là ngược lại. Vì vậy tương kế tự kế là phương châm mà Kremlin phải tính tới. Nhưng khi Nga chưa kịp tính thì thời cuộc “lợi bất cập hại” đã ấp đến.

Những chuyến thăm Trung Đông, Châu Âu và Châu Á- Thái Bình Dương, trong đó có chuyến thăm Việt Nam sắp tới của Obama, dù ở buổi hoàng hôn của nhiệm kỳ thì cũng là lời nhắc nhở Putin.

Rằng liên minh Nga – Trung chưa đủ tầm để tạo ra tính chất lưỡng cực hay đa cực trong trật tự của thế giới mà Mỹ đã xác lập hơn một phần tư thế kỷ qua. Vì vậy, việc chọn Bắc Kinh làm đối tác trong chiếc lược ngoại giao mới của Kremlin là không hợp với tình cảnh của nước Nga hiện tại.

Mặt khác với vị thế và vai trò của nước Mỹ, Obama chỉ cần một thay đổi nhỏ sẽ khiến Tập Cận Bình gạt Putin qua một bên một cách không thương tiếc. Bài học mà Nixon áp dụng năm 1972 có thể được Obama và những người kế nhiệm vận dụng lại để loại bỏ Putin một cách dễ dàng.

Người Mỹ luôn tận dụng tối đa các con bài, các quân cờ với phương châm, nếu không mang lợi cho người Mỹ thì cũng phải làm cho đối thủ thiệt hại.

Vì vậy, Mỹ không tỏ ra sốt sắng và quá quan tâm tới những động thái gần đây của Nga về Biển Đông, mà không khó đoán rằng Washington chỉ coi đó là hành động của Moscow bám đuôi Bắc Kinh mà thôi.

Nếu tình hình nghiêm trọng khiến cho quân lực Mỹ xuất hiện thường trực ở Biển Đông thì đó là việc Washington tạo ra sự đối trọng để cân bằng với Bắc Kinh, chứ đó không phải là sự đối trọng của liên minh Nga – Trung.

Điều đó cho thấy, Kremlin đã đi quá xa với khả năng thực tế của nước Nga hiện tại, nó chưa mang lại lợi ích cụ thể cho nước Nga, nhưng nó có thể khiến người dân Nga khó khăn hơn nếu cả hai gọng kìm tạo nên vòng kim cô quanh nước Nga bị các đối thủ siết chặt thêm nữa.

Đó cũng không phải là điều phỏng đoán nữa mà nó đã trở thành hiện thực qua những chuyến đi của Obama gần đây.

Tóm lại, những động thái, những tuyên bố mà Tổng thống Mỹ Obama thể hiện trong những chuyến thăm tới những đối tác của nước Mỹ là những chứng minh rõ ràng cho hiệu quả chính sách đối ngoại của Tổng thống Nga Putin thời gian qua là không có gì đáng kể.

Nga đã không còn khiến cho Mỹ và các đồng minh lo ngại.

Ngọc Việt