Dấu ấn, bài học trong công tác bảo đảm hậu cần chiến lược năm 1975

30/04/2016 07:20
Theo Quân đội nhân dân
(GDVN) - Thành công của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975 này đã để lại nhiều bài học quý trong công tác bảo đảm hậu cần chiến lược ngày nay.

Chưa đầy hai tháng, bằng ba chiến dịch tác chiến hiệp đồng quân, binh chủng quy mô lớn là Chiến dịch Tây Nguyên, Chiến dịch Huế-Đà Nẵng và đỉnh cao là Chiến dịch Hồ Chí Minh, cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975 của quân và dân ta đã giành được toàn thắng, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.

Để tiến hành cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975, công tác hậu cần đặt ra những yêu cầu hết sức to lớn, mới mẻ, phức tạp và vô cùng khẩn trương. Song lực lượng hậu cần đã khắc phục mọi khó khăn, bảo đảm khối lượng vật chất-kỹ thuật khổng lồ, góp phần để chiến dịch toàn thắng.

Hơn bốn mươi năm đã trôi qua, song những bài học về công tác bảo đảm hậu cần cho chiến dịch vẫn còn nguyên giá trị, nhất là trong công tác quán triệt quyết tâm chiến lược của Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương, thực hiện tốt yêu cầu về thời cơ chiến lược, về phương châm, phương thức bảo đảm hậu cần cho tác chiến; tính chủ động và linh hoạt trong sử dụng lực lượng, phương tiện; sáng tạo trong tổ chức chỉ huy, chỉ đạo điều hành hậu cần chiến lược…

Dấu ấn, bài học trong công tác bảo đảm hậu cần chiến lược năm 1975 ảnh 1
Tiểu đoàn Vận tải 101 Bộ đội Trường Sơn chuẩn bị lên đường làm nhiệm vụ trong kháng chiến chống Mỹ. Ảnh tư liệu.

Khi Hiệp định Pa-ri được ký kết, ở miền Nam, đế quốc Mỹ buộc phải rút hết quân về nước. Tuy nhiên, Mỹ vẫn duy trì lực lượng cố vấn và bảo trợ cho ngụy quyền Sài Gòn để làm tay sai.

Trong bối cảnh đó, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng đã chỉ đạo ngành Hậu cần chuẩn bị mọi mặt để đón thời cơ. Từ chỉ đạo của cấp trên, Tổng cục Hậu cần xây dựng kế hoạch hậu cần 3 năm (1973-1975), trong đó trọng tâm là chi viện lực lượng, phương tiện và vật chất cho miền Nam...

Trong thời gian này, Tổng cục Hậu cần đã chỉ đạo hậu cần các chiến trường điều chỉnh thế trận cho phù hợp với yêu cầu tác chiến:

Hậu cần Mặt trận Tây Nguyên tăng cường lực lượng và điều chỉnh thế bố trí các căn cứ hậu cần cánh Bắc, căn cứ cánh giữa và căn cứ cánh Nam bảo đảm cho các hướng tiến công; hậu cần Quân khu Trị Thiên sáp nhập với hậu cần B5, triển khai ở 3 căn cứ: A Sầu, A Lưới và Ba Lòng. Hậu cần Quân khu 5 tăng cường lực lượng cho các căn cứ: H1 ở Đại Lộc, H2 ở Bình Sơn, H3 ở Hóc Đèn-bắc Đường 19, Bình Định.

Hậu cần Miền bổ sung lực lượng cho hậu cần Quân khu 8, Quân khu 9, chấn chỉnh tổ chức, điều chỉnh thế bố trí thành 2 thế đội, kết hợp với các căn cứ hậu cần quân khu tạo thành thế trận hậu cần liên hoàn, bao vây áp sát Sài Gòn. Sở chỉ huy tiền phương hậu cần được thành lập để thống nhất chỉ đạo các lực lượng hậu cần phục vụ chiến dịch. 

Dấu ấn, bài học trong công tác bảo đảm hậu cần chiến lược năm 1975 ảnh 2

Một số văn kiện của Đảng chỉ đạo Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975

(GDVN) - Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975, đỉnh cao là Chiến dịch Hồ Chí Minh, là kết quả rực rỡ trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của dân ta.

Thực hiện quyết tâm chiến lược của Bộ Chính trị, đầu tháng 3-1975, ta mở Chiến dịch Tây Nguyên. Công tác bảo đảm hậu cần cho các chiến trường vẫn đúng kế hoạch cơ bản, nên việc tổ chức, chỉ huy bảo đảm hậu cần vẫn do từng chiến trường đảm nhiệm.

Tuy nhiên, Tổng cục Hậu cần đã bố trí 3 tổ phái viên đi các chiến trường B1, B2, B3 để nắm tình hình và chỉ đạo tại chỗ. Đây là một yếu tố có tính chủ động cao về công tác chỉ huy hậu cần.

Kết thúc Chiến dịch Tây Nguyên, tình hình phát triển thuận lợi, diễn biến cuộc tiến công không còn nằm trong phạm vi địa bàn Tây Nguyên mà đã phát triển thành cuộc tổng tiến công và nổi dậy trên toàn miền Nam.

Vì vậy, ngay khi có quyết định mở Chiến dịch Huế-Đà Nẵng, Tổng cục Hậu cần đã nhanh chóng thành lập bộ phận tiền phương để tổ chức hiệp đồng bảo đảm giữa các lực lượng hậu cần trên địa bàn chiến dịch, do đó vật chất hậu cần đã được bảo đảm đầy đủ, kịp thời cho chiến dịch.

Đến cuối tháng 3/1975, Bộ Chính trị quyết định mở Chiến dịch Hồ Chí Minh. Đây là chiến dịch tiến công hiệp đồng quân, binh chủng quy mô lớn có kết hợp với nổi dậy của quần chúng nhân dân kết thúc chiến tranh, với tổng quân số phải bảo đảm là hơn 30 vạn người.

Để tiến hành chiến dịch, chúng ta phải cơ động các binh đoàn vào vị trí tập kết, bảo đảm nhu cầu vật chất khoảng 60 nghìn tấn, cứu chữa thương binh, bệnh binh 20% quân số tham gia chiến dịch...

Trong khi đó, địa bàn mở chiến dịch ở xa hậu phương, thời gian chuẩn bị ngắn, yêu cầu bí mật cao.

Thực hiện tư tưởng chỉ đạo của Bộ Chính trị, lực lượng hậu cần đã chủ động tổ chức điều chỉnh về lực lượng, thế trận hậu cần, đưa thêm ra phía trước hơn 10 nghìn người, 15 bệnh viện dã chiến, 17 đội điều trị cơ động có khả năng thu dung, cứu chữa 8.000-10.000 thương binh; thành lập được các tiểu đoàn cơ động phục vụ bốc xếp, làm đường.

Dấu ấn, bài học trong công tác bảo đảm hậu cần chiến lược năm 1975 ảnh 3

Các trận đánh then chốt, xuất hiện thời cơ cho Chiến dịch Hồ Chí Minh toàn thắng

(GDVN) - Mùa Xuân 1975 cùng với thắng lợi to lớn của các chiến dịch, thời cơ lớn xuất hiện; toàn quân, toàn dân ta đi đến Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử.

Để bổ sung 20 nghìn tấn vật chất theo nhu cầu, Tổng cục Hậu cần và Đoàn 559 đã vận chuyển gấp từ hậu phương và các tỉnh Tây Nguyên, miền Trung vào chiến trường được 11 nghìn tấn; chỉ đạo các binh đoàn mang theo đội hình cơ động vào chiến dịch gần 10 nghìn tấn, kết hợp cùng hậu cần của Quân khu 5 bảo đảm đạn dược cho Quân đoàn 1 cơ động gấp từ ngoài Bắc vào.

Nhờ đó, công tác hậu cần trong Chiến dịch Hồ Chí Minh đã có 58.800 tấn vật chất dự trữ, thực hiện được 95% nhu cầu tác chiến, đây là một trong những kỳ tích, dấu ấn đậm nét trong công tác bảo đảm hậu cần của Quân đội ta.

Hiện nay, trước yêu cầu nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong thời kỳ mới, những bài học về công tác bảo đảm hậu cần trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước nói chung và trong đại thắng mùa Xuân 1975 nói riêng vẫn còn nguyên giá trị, cần được kế thừa và phát triển để đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ bảo đảm hậu cần trong hiện tại và tương lai.

Ngành Hậu cần nói chung, Tổng cục Hậu cần nói riêng sẽ tiếp tục quán triệt sâu sắc các quan điểm của Đảng, nhất là Nghị quyết Trung ương 8 (khóa XI) về “Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới” và Nghị quyết 623 của QUTW: “Về công tác hậu cần Quân đội đến năm 2020 và những năm tiếp theo”, tập trung xây dựng hậu cần quân đội thực sự là nòng cốt của hậu cần nhân dân trong nền quốc phòng toàn dân.

Bên cạnh đó, chú trọng xây dựng thế trận, tạo tiềm lực, khả năng huy động hậu cần từ nền kinh tế quốc dân phục vụ quốc phòng. Tập trung xây dựng hậu cần khu vực phòng thủ tỉnh, thành phố vững chắc. Từng bước hình thành các khu vực hậu cần hoàn chỉnh trên các địa bàn, hướng chiến lược, trước hết là địa bàn chiến lược trọng yếu.

Tiếp tục xây dựng ngành Hậu cần Quân đội vững mạnh toàn diện theo hướng cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, bảo đảm nâng cao sức mạnh của quân đội, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao.

Theo Quân đội nhân dân