Hồi ức của Đại tướng Lê Trọng Tấn về trận Điện Biên Phủ bắt sống tướng Đờ Cát

07/05/2016 06:17
Đại tá Đặng Việt Thủy
(GDVN) - Cả thung lũng Điện Biên rực rỡ trong ánh đuốc. Đoàn tù binh đang nối đuôi nhau đi ra khỏi Mường Thanh…Chiến dịch Điện Biên Phủ kết thúc thắng lợi.

LTS: Chiến dịch Điện Biên Phủ là chiến dịch tiến công quy mô lớn nhất của quân đội ta trong cuộc kháng chiến chống Pháp, làm phá sản hoàn toàn kế hoạch Na-Va, góp phần quyết định kết thúc thắng lợi 9 năm kháng chiến chống Pháp. Đây là một thắng lợi vĩ đại trong lịch sử chống ngoại xâm của dân tộc ta, cổ vũ phong trào chống thực dân của các dân tộc trên thế giới.

Nhân kỷ niệm 62 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2016), Đại tá Đặng Việt Thủy nêu diễn biến chi tiết về cuộc tổng công kích chiến dịch Điện Biên Phủ bắt sống tướng Đờ Cát. 

Tòa soạn trân trọng giới thiệu cùng độc giả. 


Đại tướng Lê Trọng Tấn (1914-1986), quê ở xã Yên Nghĩa, huyện Hoài Đức, Hà Nội, là Thứ trưởng Bộ Quốc phòng kiêm Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam (1980-1986), tham gia cách mạng 1944, nhập ngũ tháng 8/1945, là Đại tướng năm 1984. 

Tháng 8/1945, ông là ủy viên quân sự trong ban lãnh đạo khởi nghĩa tỉnh Hà Đông.

Cuối năm 1945-1950 giữ các chức vụ: trung đoàn phó, trung đoàn trưởng, quyền Khu trưởng Khu 14, Phó Tư lệnh Liên khu 10, Trung đoàn trưởng kiêm Chính ủy Trung đoàn 209, Phó chỉ huy trận Đông Khê và chỉ huy đánh Binh đoàn Sac-Tông trong Chiến dịch Biên giới (16/9-14/10/1950). 

Từ tháng 12/1950 – 1954 là Đại đoàn trưởng đầu tiên Đại đoàn 312, trong Chiến dịch Điện Biên Phủ ông là Đại đoàn trưởng Đại đoàn 312.  

"Tổng công kích chiến dịch Điện Biên Phủ bắt sống tướng Đờ Cát" được trích từ hồi ức “Đường vào Sở chỉ huy Đờ Cát" của Đại tướng Lê Trọng Tấn in trong sách “Đại tướng Lê Trọng Tấn với Chiến dịch Điện Biên Phủ”, Nhà xuất bản Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2004.

Sau đây là hồi ức của Đại tướng Lê Trọng Tấn:

Đợt ba chiến dịch Điện Biên Phủ bắt đầu từ ngày 1 tháng 5.

Ở hướng Đại đoàn 308, Trung đoàn 36 đã phát triển cách hàng rào cứ điểm 311B khoảng 50 mét. Trận địa của Trung đoàn 88 cũng cách cứ điểm 311A tương tự. Trung đoàn 102 sau một thời gian củng cố đang sung sức.

Đại đoàn 312 đã áp sát vị trí 505.

Đại đoàn 316 vẫn chiếm giữ hai vị trí A1 và C1. Trận địa của đại đoàn đã có thêm hai vị trí tiến công quan trọng là trận địa hỏa lực trên Đồi Cháy và Trung đoàn 174, đơn vị sẽ đánh A1 đã có thêm một mũi chia cắt lợi hại giữa A1 và A2.

Lá cờ “Quyết chiến quyết thắng” của Quân đội Nhân dân Việt Nam tung bay trên nóc hầm tướng De Castries. (Ảnh: Tư liệu/Báo nhân dân)
Lá cờ “Quyết chiến quyết thắng” của Quân đội Nhân dân Việt Nam tung bay trên nóc hầm tướng De Castries. (Ảnh: Tư liệu/Báo nhân dân)

Ngoài ra trung đoàn được sự giúp đỡ của công binh đã đào một đường ngầm để đặt một tấn thuốc nổ đánh vào khu hầm ngầm của địch trên đồi A1.

Ở hướng Đại đoàn 304 có thêm Trung đoàn 9, cùng với Trung đoàn 57 lên từ trước đã áp sát Hồng Cúm hình thành một vòng vây ngăn chặn không cho địch chạy sang Lào. 

Pháo binh trong đợt này có thêm một tiểu đoàn ĐKZ 75, một tiểu đoàn hỏa tiễn 75 mi-li-mét sáu nòng. 108 nòng hỏa tiễn 75 sẽ là hỏa lực dự bị quyết định.

Nhiệm vụ của các đại đoàn trong đợt ba là đánh chiếm các điểm cao địch còn chiếm giữ ở phía Đông, tiêu diệt một số vị trí địch ở phía Tây, tiêu diệt thêm một bộ phận sinh lực địch, phát triển sâu hơn nữa trận địa tiến công và bao vây, phát huy tất cả các loại hỏa lực bắn phá tung thâm, uy hiếp vùng trời của địch, chuẩn bị chuyển sang tổng công kích.

Chiều 29/4, hàng trăm khẩu pháo của ta đã nhất loạt nổ súng bắn vào khu trung tâm Mường Thanh, phá một kho lương thực và một kho 3.000 viên đạn pháo 105.

Trưa ngày 30/4, ta tổ chức một trận tập kích hỏa lực xuống toàn bộ phân khu Hồng Cúm. Lực lượng tham gia có bốn khẩu lựu pháo 105, ba khẩu sơn pháo 75, ba khẩu cối 120, gần 100 khẩu cối 81 và 60 của Đại đoàn 304. 

Trận tập kích kéo dài gần một giờ. Pháo địch không bắn trả được phát nào. La-lăng – đại tá chỉ huy phân khu điện về Hà Nội báo cáo: “Tất cả số pháo ở I-da-ben (mật danh Hồng Cúm) đã bị diệt, chỉ còn một khẩu. Xin thả dù gấp những bộ phận thay thế”.

Hồi ức của Đại tướng Lê Trọng Tấn về trận Điện Biên Phủ bắt sống tướng Đờ Cát ảnh 2

Những người lính thầm lặng góp công lớn chiến thắng Điện Biên Phủ

(GDVN) - Trong những ngày chiến dịch Điện Biên Phủ diễn ra, những dân công xe thồ không một lần vào chiến trường nhưng họ đã góp công lớn cho chiến dịch chiến thắng.

Trận tập kích bằng hỏa lực vào Hồng Cúm đã tạo điều kiện thuận lợi cho trận đánh đêm hôm sau. Sau mấy ngày mưa liên miên, sáng 1/5 trời nắng đẹp.

Trưa ngày mùng 1, pháo ta bắn mãnh liệt vào toàn bộ khu trung tâm. Trung đoàn 98 tiến công C1. 

Theo kế hoạch, lúc 18 giờ đơn vị phòng ngự trên C1 lui xuống mở cửa. 19 giờ 2 phút hỏa lực của trung đoàn bắn dồn dập vào các hỏa điểm địch trên C1.

Hai khẩu sơn pháo của ta đặt trên đồi D cách C1 vài trăm mét bắn rất chính xác. Pháo vừa ngừng, bộ binh lập tức xung phong. Một mũi nhanh chóng cắt đứt đường địch rút về C2. Địch dùng súng phun lửa bắn ra cửa mở. 

Một mũi của ta bí mật vòng phía sau tiêu diệt khẩu súng phun lửa, diệt hai lô cốt rồi cắt đứt đường địch rút về đồi Mâm Xôi.

Sau một giờ chiến đấu, quân ta làm chủ C1, diệt tại trận 144 tên, bắt sống 44 tên, thu toàn bộ vũ khí. Ở A1 trong đêm hôm đó quân ta cũng đánh chiếm thêm hai ụ súng.

Ở hướng Tây, Trung đoàn 88 Đại đoàn 308 với kinh nghiệm đánh lấn đã bí mật cắt hàng rào từ mấy hôm trước, đưa hỏa lực vào gần. Khi pháo bắn xong, lập tức xung phong tiêu diệt cứ điểm 311 trong lúc địch đang thay quân. Đêm 3/5 Trung đoàn 36 lại tiêu diệt và chiếm lĩnh vị trí 311B.

Trong đợt ba, đại đoàn chúng tôi được phân công tiêu diệt 505A, 505B. Cả hai cứ điểm đều nằm trên địa hình bằng phẳng.

Để bảo đảm cho Trung đoàn 209 hoàn thành nhiệm vụ, chúng tôi huy động lực lượng cơ quan thành lập các đơn vị vận tải đặt tên là đội “Vinh Quang” làm nhiệm vụ chuyên chở lương thực, đạn dược lên tuyến trước và đưa thương binh về phía sau. 

Chúng tôi theo dõi kết quả đánh lấn của từng đêm. Ban ngày cùng anh em cán bộ rà soát lại kế hoạch tiến công tới từng mũi. Anh Quang Trung xuống Trung đoàn 209 cùng Trung đoàn trưởng Hoàng Cầm kiểm tra và trực tiếp tổ chức tiến công cứ điểm 505B.

Vị trí 505B bằng phẳng nằm cạnh đường số 4, tiếp đó là hàng loạt vị trí nối liền nhau: 506, 507, 508, 509 chạy tới đường hầm của tướng Đờ Cát. Bên tay phải là vị trí 505A. 

Trận đánh 505 diễn ra ác liệt. 20 giờ 30 phút, trung đoàn chiếm được cửa mở sau nhiều lần phải dừng lại để củng cố. 

20 giờ 45 phút, quân ta lọt vào chiến hào địch, chia làm hai mũi phát triển. Đây là trung đội cuối cùng của đại đội. Trung đội lọt vào giữa vùng hỏa lực dày đặc nhất của địch. 

Phía nào cũng có súng bắn tới. Dũng cảm và mưu trí, anh em chia nhau diệt từng hỏa điểm địch. Tiểu liên bị tắc, anh em phải dùng lựu đạn để đánh từng ổ đề kháng. Tiểu đoàn đưa thêm đội hai vào chiến đấu lúc 21 giờ 37 phút. 

Từ 507, địch cho bộ binh, xe tăng ra xông ra phản kích. Đơn vị sau không lên kịp, các chiến sĩ đã tự động đánh địch. ĐKZ của ta bắn đứt xích xe tăng. Các chiến sĩ bám sát từng ngách hào, dùng lựu đạn địch đánh địch. 

Lúc này pháo của ta vẫn bắn vào 507, trận địa pháo địch và trên các con đường địch di chuyển. Đường vào 505B vừa nhỏ hẹp, vừa trơn. Địch bắn pháo không ngớt. Nhưng hai trung đội tăng viện của ta cũng đã lọt được vào 505B. 

4 giờ 20 phút, Tiểu đoàn 166, Trung đoàn 209 đã tiêu diệt xong cứ điểm này. Trung đoàn trưởng ra lệnh cho Tiểu đoàn 166, Tiểu đoàn 154 nhanh chóng cải tạo công sự, chuẩn bị tiến công 507, 509.

Hồi ức của Đại tướng Lê Trọng Tấn về trận Điện Biên Phủ bắt sống tướng Đờ Cát ảnh 3

Điện Biên Phủ - Chiến thắng của bản lĩnh và trí tuệ người Việt Nam

(GDVN) - Tròn 60 năm sau ngày chiến thắng, ta hoàn toàn có thể tự hào khẳng định rằng: Điện Biên Phủ - Chiến thắng của bản lĩnh và trí tuệ người Việt Nam.

Khoảng cách từ đây đến hầm của tướng Đờ Cát chỉ còn 500 mét theo đường chim bay. Từ vị trí 505B, anh em đã đào một hào giao thông xuyên qua ba lớp rào thép gai cách lô cốt đầu tiên của vị trí 107 mười lăm mét. 

Bên hướng phụ, Tiểu đoàn 115 cũng đã cắt hai hàng rào và đào hào thẳng vào một lô cốt địch ở Tây Bắc. Tiểu đoàn trưởng Thiết Cương được giao nhiệm vụ chỉ huy tiến công 506.

Trên trận địa của 505B quân ta đã dùng súng trường, tiểu liên bắn tỉa địch ở 506. ĐKZ và cối 120 bắn sập một số hầm và lô cốt địch. 

Trưa 5/5, anh em đã bắt sống năm tên lính Pháp và lính ngụy nhảy dù xuống 505B. Địch từ Hồng Cúm, các cứ điểm 704 và A1 bắn ra ác liệt, nhưng trận địa của ta trên 505B vẫn như một mũi dao sắc nhọn chĩa về phía hầm tướng Đờ Cát. 

Lúc này điện thoại bị đứt. Máy bộ đàm bị hỏng, các cán bộ tác chiến đã xuống từng đơn vị trực tiếp truyền đạt mệnh lệnh. Sau 2 phút pháo chế áp, đơn vị xung phong. 15 phút sau anh em đã vượt qua cửa mở, lực lượng chỉ còn hơn một trung đội. 

Theo đúng kế hoạch, số anh em đã lọt vào đồn địch, chia làm hai cánh chia cắt 506. Nhưng khi hai mũi gặp nhau thì lực lượng chỉ còn một tiểu đội. Địch dùng lựu đạn từ các ngách hào ném ra tới tấp.

Chiến sĩ ta đã chộp lựu đạn địch đánh trả quyết liệt. Lúc này địch tập trung vào hầm ngầm cố thủ. Không có thuốc nổ đánh hầm ngầm, anh em tạm dừng chờ lực lượng phía sau.

Biết phía trước gặp khó khăn, Tiểu đoàn trưởng Thiết Cương liền tập hợp lực lượng vượt qua cửa mở tiến về phía tiểu đội đang tạm thời dừng lại. 

Khi vào đến nơi thì bộ phận này chỉ còn có mười người. Lúc đó là 23 giờ 23 phút. Tiểu đoàn trưởng điểm lại lực lượng mới tăng viện và lực lượng đã có từ trước, thấy chỉ còn lại 13 người kể cả mình. 

Anh quyết định chia thành ba mũi, mỗi mũi do một cán bộ phụ trách, riêng anh chỉ huy một mũi. Địch tưởng đã đánh bật được ta ra khỏi 506 liền tổ chức phản kích. Bọn địch ở 509 cũng tràn sang. 

Cuộc chiến đấu khá chênh lệch về lực lượng đã diễn ra quyết liệt. Sau một giờ chiến đấu ta chỉ còn năm chiến sĩ và tiểu đoàn trưởng. Mỗi người còn hai quả lựu đạn.

Nắm được tình hình này, Trung đoàn trưởng Hoàng Cầm lập tức tổ chức một số nhân viên của trung đoàn bộ và tiểu đoàn bộ thành một lực lượng tăng viện cho 506. Địch bắn rất rát vào khu cửa mở. Trời gần sáng, địch xông ra phản kích hòng đẩy ta ra khỏi cứ điểm 506.

Tiểu đoàn trưởng Thiết Cương chỉ huy năm chiến sĩ ném một loạt lựu đạn. Đợt xung phong của địch tạm dừng. Nhưng mỗi người chỉ còn một quả lựu đạn.

Đúng lúc đó lực lượng tăng viện đã đến. Tiểu đoàn trưởng chỉ huy đánh đợt xung phong thứ hai của địch. 

Đúng 8 giờ sáng, quân ta chiếm hoàn toàn sở chỉ huy địch ở 506, bắt sống 30 lính dù thuộc tiểu đoàn dù số 6, trong đó có một quan ba từ C2 chạy sang và tên quan tư chỉ huy 506. 

Hồi ức của Đại tướng Lê Trọng Tấn về trận Điện Biên Phủ bắt sống tướng Đờ Cát ảnh 4

Bộc phá gói lá chuối và chuyện chưa biết về một người lính Điện Biên

(GDVN) -Để vượt thác, phải dùng mìn phá đá, người lính ấy có sáng kiến gói mìn bằng lá chuối, trước khi làm nhiệm vụ, được truy điệu sống...

Ngay sau đó, một bộ phận tiểu đoàn 542 tổ chức trận địa phòng ngự trên vị trí 506 vừa đánh chiếm, chuẩn bị tiến công 509.

Địch dùng pháo, máy bay oanh tạc dữ dội lên 506. Do ta và địch ở gần nhau nên địch dùng bom lửa. Anh em dùng đất dập tắt ngọn lửa bén vào người, quyết không rời trận địa.

Như vậy, cùng với Đại đoàn 308, Đại đoàn 312 đã hoàn thành nhiệm vụ tiêu diệt một số vị trí bảo vệ sở chỉ huy địch.

Lúc này, trong sở chỉ huy địch đang có cuộc tranh luận gay gắt về việc thực hiện kế hoạch rút lui khỏi Điện Biên Phủ. Sau này, khi bắt sống tướng Đờ Cát, chúng ta được biết kế hoạch như sau:

Sau khi kế hoạch “Chim ưng” không thực hiện được, Na-va thông qua kế hoạch “Chim biển” với mục đích tránh cho quân viễn chinh Pháp một sự đầu hàng nhục nhã. Ba tiểu đoàn dự bị chiến lược cuối cùng của bộ chỉ huy quân viễn chinh Pháp được Na-va ném vào kế hoạch này. 

Một trong ba tiểu đoàn sẽ được thả xuống Điện Biên Phủ cùng lực lượng của tập đoàn cứ điểm tự phá vây. Từ Lào sẽ có bốn đến năm tiểu đoàn bộ binh cùng với hai tiểu đoàn dù còn lại sẽ được ném xuống, tạo thành một vùng hành lang an toàn trong vùng thung lũng Nậm Nưa, Mường Nhạ, Nậm Hợp đón quân ở Điện Biên Phủ chạy sang Lào.

Ngày 4 tháng 5, lúc Đờ Cát được thông báo về kế hoạch “Chim biển” cũng là lúc quân của Đờ Cát chỉ còn đóng trên 20 cứ điểm trên một diện tích hẹp. Đợt tiến công thứ ba của quân ta đã làm cho các sĩ quan trong tập đoàn cứ điểm coi như số phận tập đoàn cứ điểm đã được định đoạt. 

Ngày 4 tháng 5, tướng Đờ Cát triệu tập sĩ quan chỉ huy các đơn vị còn lại bàn cách thực hiện kế hoach rút chạy mà Na-va vừa thông báo. Lực lượng còn lại sẽ chia làm ba cánh quân rút sang Thượng Lào theo ba hướng, nếu từng cánh quân phá vây thành công. 

Trong ba hướng Đông, Tây và Nam thì hướng Nam xem ra có nhiều may mắn hơn cả. Viên chỉ huy nào cũng muốn rút theo hướng Nam, không ai chịu ai. Cuối cùng Đờ Cát phải dùng cách rút thăm. Kết quả quân dù do đại tá Lăng-gle và trung tá Bi-gia chỉ huy sẽ rút chạy theo hướng Đông Nam. 

Quân lê dương và Bắc Phi do các đại tá Lơ-mơ-ni-ê và Vê-đô chỉ huy sẽ rút theo hướng Nam. Quân hỗn hợp ở Hồng Cúm do đại tá La-lăng chỉ huy chạy theo hướng Tây. Còn lính bị thương và nhân viên quân y sẽ bỏ lại.

Rút thăm xong mọi người nhất trí: “Chim biển” sẽ cất cánh vào hồi 20 giờ ngày 7 tháng 5 năm 1954. Nhưng có một chi tiết kế hoạch “Chim biển” không tính đến là quân ta đã biết được một phần kế hoạch này.

Nắm được dấu hiệu chuẩn bị rút lui của địch, Bộ chỉ huy chiến dịch đã lệnh cho Đại đoàn 308 kiểm soát chặt chẽ các con đường đi sang hướng tây. Ở phía nam, Đại đoàn 304 (thiếu) được lệnh phái một đơn vị bí mật bố trí tại Bản Ty bít chặt con đường rút chạy của địch sang Lào. 

Đại đoàn 312 chúng tôi nhận được lệnh bám thật sát địch để đón thời cơ tổng công kích, đồng thời đề phòng địch tháo chạy.

Thời gian nổ súng của toàn mặt trận là 20 giờ 30 phút ngày 6 tháng 5 năm 1954, lấy tiếng nổ của khối bộc phá 1.000 ki lô gam trên đồi A1 làm hiệu lệnh tiến công.

Trên đồi A1, Trung đoàn 174 Đại đoàn 316 chia làm hai mũi. Một mũi do Tiểu đoàn 249 từ trận địa phòng ngự của trung đoàn trên A1 tiến công từ hướng Đông Nam. Một mũi của tiểu đoàn 251 đánh vào “Ụ thằng người” tức lô cốt số 17. 

Đây là một mũi hiểm đánh thúc vào sau lưng A1, bịt hẳn đường tháo chạy, đồng thời cắt đứt hoàn toàn A1 với khu trung tâm Mường Thanh, khiến viện binh của chúng không thể phản kích được. 

Khối thuốc nổ 1.000 ki lô gam được chia thành 50 gói, mỗi gói 20 ki lô gam được chuyển theo một đường ngầm dài 60 mét đặt vào căn hầm chứa thuốc nổ do công binh đào suốt mười ngày đêm.

Đúng 20 giờ 30 phút ngày 6/5, đại đoàn ra lệnh điểm hỏa. Nhưng ngoài dự kiến của Bộ tư lệnh và cả của chúng tôi, khối bộc phá một tấn do nổ ngầm dưới đất nên chỉ nghe thấy một tiếng ục và một cột khói bốc lên. 

Đường dây điện thoại liên lạc với công binh bị đứt, nhưng quan sát thấy trên A1 có ánh chớp rất sáng, Trung đoàn trưởng Nguyễn Hữu An liền cho bộ đội nổ súng đồng thời báo cáo lên đại đoàn. Pháo bắn chế áp trong 15 phút rồi bộ binh xung phong. 

Sau 15 phút, trung đội đầu cầu đã chiếm được bắc khu A và một phần khu nam. Một đại đội đánh lên hầm ngầm và khu thông tin, một đại đội đánh vào trận địa súng cối.

Ở hướng Tây Nam, đại đội 674 Tiểu đoàn 251 cho một bộ phận đánh chiếm “Ụ thằng người”, một lực lượng đánh xuống A3. 

Trên A1 địch chống cự quyết liệt. Thấy tình hình khó khăn, Trung đoàn trưởng Nguyễn Hữu An trực tiếp đi cùng đại đội thuộc đội dự bị lên A1. 

Đại đội trên hướng đông nam đánh chiếm khu B, đánh vào hầm ngầm bắt được một số tù binh rồi đánh sang khu C, bắt liên lạc với Tiểu đoàn 251 từ phía tây đánh lên, đến trận địa súng cối thì trận chiến đấu diễn ra giằng co. Cả hai tiểu đoàn đều không phát triển được. Đến 23 giờ trung đoàn điều một đại đội vào tăng cường. 

3 giờ sáng ngày 7 tháng 5 thì chiếm được trận địa súng cối, bắt được 120 tù binh trong đó có tên Pu-giê chỉ huy A1. Ta bao vây khu cố thủ nhưng địch vẫn chống cự. Tổ ba người tiến đánh, người đi trước lia tiểu liên, người đi sau ném lựu đạn. 

Đến 4 giờ 30 sáng ngày 7 tháng 5, Trung đoàn 174 đã đập tan hoàn toàn sức kháng cự cuối cùng của địch, làm chủ hoàn toàn A1. Trung đoàn dùng hỏa lực bắn mạnh sang C2 chi viện cho Trung đoàn 98 đồng thời chuẩn bị đánh A3.

Cũng trong đêm hôm đó, Trung đoàn 98 tiến công C2. Địch đã đưa lên C2 sáu đại đội thuộc tiểu đoàn dù lê dương số 2 và tiểu đoàn dù ngụy số 5 quyết giữ C2. Cuộc chiến đấu diễn ra gay go ngay từ phút đầu. Địch dùng pháo và cối 120 bắn chặn dữ dội. 

Hồi ức của Đại tướng Lê Trọng Tấn về trận Điện Biên Phủ bắt sống tướng Đờ Cát ảnh 5

Ký ức Điện Biên - Một thời máu lửa

(GDVN) - 56 ngày đêm súng nổ, nhiều chiến sĩ đã anh dũng ngã xuống để làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ lừng lẫy chấn động địa cầu.

Sau mấy đợt xung phong, quân ta chỉ chiếm được hai lô cốt. Ở hướng phối hợp từ C1 qua Yên Ngựa cũng bị hỏa lực địch chặn lại. Cánh vu hồi do địa hình trống trải bị hỏa lực của địch bắn ngang sườn.

Trong khi đó tại hướng chủ yếu, một tiểu đội do chính trị viên dẫn đầu đã vượt qua lưới lửa của địch lọt được vào cứ điểm. 

Tiểu đội chia làm hai mũi đánh vào trận địa súng cối, phá tám khẩu, diệt sở chỉ huy, trong đó có một quan ba. Mặc dù lực lượng ít nhưng các chiến sĩ ta rất dũng cảm, lấy súng địch đánh địch, có lúc nhảy ra khỏi chiến hào chiến đấu đánh ngang sườn địch. 

Tuy không bắt được liên lạc với tiểu đội này nhưng nghe tiếng súng ta nổ, Trung đoàn trưởng Vũ Lăng ra lệnh chi viện, đồng thời tổ chức đưa đội dự bị vào chiến đấu. 

Đội dự bị bị pháo ngăn chặn không vượt qua được cửa mở. Bộ phận trong cứ điểm bị thương vong gần hết. Lúc này Trung đoàn 174 đã đánh chiếm được A1.

Bộ tư lệnh Đại đoàn 316 nhận định: địch trên C2 còn đông và ngoan cố nhưng không thể chống lại được quân ta. Trung đoàn 98 vẫn còn khả năng chiến đấu. 

Bộ tư lệnh đại đoàn đưa tiểu đoàn dự bị của đại đoàn vào chiến đấu; lệnh cho Trung đoàn 174 dùng hỏa lực chi viện cho Trung đoàn 98, chuẩn bị tiến công A3 và phối hợp với Trung đoàn 98 chặn không cho địch tăng viện lên C2. Bộ chỉ huy chiến dịch quyết định cho 200 viên đạn lựu pháo bắn vào C2 chi viện tiểu đoàn dự bị của Đại đoàn 316 hoàn thành nhiệm vụ.

7 giờ 30 phút, pháo vừa ngừng chế áp, quân ta đã nhanh chóng chia làm ba mũi đánh vào C2. Địch đưa tám trung đội ra phản kích bị ta chặn đánh phải rút về Mường Thanh. 9 giờ 30 phút, quân ta làm chủ C2. Sáu đại đội thuộc tiểu đoàn dù lê dương số 2 và tiểu đoàn dù ngụy số 5 gồm hơn 600 tên bị diệt và bị bắt sống. Trung đoàn 174 cũng đánh chiếm làm chủ A3.

Toàn bộ dãy điểm cao phía đông tập đoàn cứ điểm đã bị tiêu diệt. Ở phía tây, Trung đoàn Thủ đô Đại đoàn 308 đã tiêu diệt cứ điểm 510. Trận địa tiến công của trung đoàn chỉ còn cách hầm của Đờ Cát 300 mét. Điều kiện để chuyển sang tổng công kích đã chín muồi.

Sáng 7/5 có những dấu hiệu rất đáng chú ý về địch. Máy bay tiếp tế đạn dược đều quay về Hà Nội không thả dù như mọi hôm. Máy bay thả lương thực, thực phẩm cũng ít hơn. Lác đác ở một số cứ điểm có nhiều tiếng nổ: địch đang phá vũ khí. Một số địch vứt súng đạn xuống sông Nậm Rốm.

Bộ chỉ huy chiến dịch ra lệnh cho bộ đội sẵn sàng.

Tôi ra lệnh cho Trung đoàn 141 lúc này đang ở phía sau chuẩn bị và cho cán bộ tác chiến, quân lực, hậu cần xuống các trung đoàn 165 và 209.

Ở hướng Trung đoàn 165 địch dùng bom lửa đánh trúng vị trí 506 nhưng trận địa ta vẫn giữ vững. Hướng Trung đoàn 206 gặp khó khăn. 

Trời đã sáng nhưng cửa mở đánh vào 507 vẫn chưa mở được. Hỏa lực bắn yểm hộ đã bắn đỏ cả nòng. Bộc phá đã đánh hàng chục quả nhưng vẫn còn hàng rào chưa mở. Suốt đêm theo dõi, hướng 209 lúc thì báo cáo còn một hàng rào, lúc khác lại có tin hàng rào còn nguyên. 

Tôi, anh Trần Độ, anh Quang Trung gần như cả đêm không ngủ. 4 giờ sáng, anh Quang Trung nói: “Anh ở nhà chuẩn bị cho 141 tham gia tổng công kích. Tôi phải xuống 209 xem sao”. 

Anh Quang Trung xuống đến nơi thì cả Hoàng Cầm – Trung đoàn trưởng và Thăng Bình – Trung đoàn phó đều ra 507. 

Sáng ra mới rõ suốt đêm hôm qua, quân ta đã đánh bộc phá vào hàng rào bùng nhùng. Bộc phá nổ, hàng rào bị hất tung lên rồi lại xẹp xuống. Hoàng Cầm cho điều ĐKZ75 lên tổ chức hỏa lực yểm hộ. Thăng Bình cho thu nhặt bao tải và ván đặt lên hàng rào bùng nhùng. Trung đội trưởng Trần Can cho anh em tung chăn phủ lên trên. 

Lúc này quân ta chỉ còn cách hầm Đờ Cát khoảng 300 mét. Hỏa lực địch bắn ra ác liệt. Sau khi được hỏa lực yểm hộ, quân ta xung phong. Trần Can dẫn đầu đội hình trung đội vượt qua hàng rào bùng nhùng nhưng do vận động cao nên một số anh em bị sát thương.

Hoàng Cầm lên quan sát thấy có thể mở ở chỗ khác mà vẫn có thể đánh được vào 507. Hoàng Cầm xin ý kiến anh Quang Trung. Được sự đồng ý của đại đoàn, Trung đoàn 209 đã mở xong cửa mở. Trần Can vọt tiến qua cửa mở nửa chừng bị thương. 

Ba đồng chí sau thì một bị thương, hai hy sinh. Vừa đi xuống thì có lệnh tiểu đoàn; đại đội trưởng, đại đội phó đều bị thương nặng, trung đoàn chỉ định Trần Can lên thay. Địch dùng lựu đạn đánh ra, anh em nhặt ném trả. Cuộc chiến đấu giằng co bên cửa mở diễn ra đến quá trưa.

Đồng chí Võ Nguyên Giáp gọi điện thoại thẳng cho Hoàng Cầm động viên Trung đoàn 209 cố gắng chấn chỉnh lại lực lượng, tiến công bằng được 507. Tôi thống nhất với các anh Quang Trung và Hoàng Cầm 14 giờ sẽ cho pháo bắn.

Tới 15 giờ, đại đội 360 do đại đội trưởng Tạ Quốc Luật chỉ huy phối hợp cùng sáu chiến sĩ còn lại của đại đội 366 đột phá thắng lợi 507 và đánh chiếm toàn bộ 507.

Thấy cờ trắng lác đác xuất hiện, Hoàng Cầm gọi điện xin cho trung đoàn xuất kích. Tôi hỏi kỹ lại tình hình 507 và các vị trí 508, 509, Hoàng Cầm nhận định địch hoang mang lắm rồi, xin cho cả trung đoàn đánh.

Tôi có cân nhắc vì suốt đêm hôm qua (6 tháng 5) cả bộ tư lệnh đại đoàn không ngủ vì những báo cáo của 209. Tôi hỏi:

- Hiện nay anh ở đâu?

- Báo cáo: tôi đang ở đồi D.

- Thăng Bình đâu?

- Ở dưới 507.

Vừa lúc đó một cán bộ ghé tai tôi nói nhỏ: “Anh Quang Trung bị bom vùi lúc mười giờ. Anh em đang moi hầm để cứu”.

Tôi cố nén xúc động dặn Hoàng Cầm:

- Cẩn thận, trận cuối cùng dễ sượng lắm đấy!

Hoàng Cầm quả quyết:

- “Ăn” đấy anh ạ, địa hình ở đây bằng phẳng. Còn quân của nó thì hoang mang lắm rồi, anh cứ cho xuất kích toàn trung đoàn.

Tôi bảo để báo cáo Đại tướng xin ít pháo cho chắc tay. Một lát sau pháo binh các cỡ của Bộ chỉ huy bắn dồn dập vào khu trung tâm.

Cùng lúc đó, tôi được Đại tướng Võ Nguyên Giáp thông báo: “Tất cả các đơn vị đã được lệnh tổng công kích”. 

Hồi ức của Đại tướng Lê Trọng Tấn về trận Điện Biên Phủ bắt sống tướng Đờ Cát ảnh 6

Ai đã đề nghị tướng Giáp thay đổi cách đánh tại Điện Biên Phủ?

(GDVN) - Chuyển sang phương châm “đánh chắc, tiến chắc” là quyết định quan trọng nhất trong cuộc đời tướng Giáp.

Tôi ra lệnh cho Trung đoàn 141 tiến sau đội hình Trung đoàn 209. Lúc này Trung đoàn phó Thăng Bình đã ra lệnh cho đại đội 360 phát triển sang 508, 509. Tôi ra lệnh cho Hoàng Cầm bám sát địch, thọc thẳng vào Mường Thanh.  

Đại đội 360 đã như một mũi tên chạy đến cầu sắt bắc qua sông Nậm Rốm. Tiếng hô “Bắt sống Đờ Cát” đã cổ vũ anh em xông lên.

Khẩu đại liên bốn nòng của địch lồng lộn bắn sang. Đạn cối nổ trên mặt cầu. Tạ Quốc Luật chỉ huy tổ đi đầu ném thủ pháo sang. 

Vừa lúc đó, một loạt đạn pháo của ta giập trúng trận địa hỏa lực địch bên kia cầu. Tổ ba người vọt tiến sang bên kia cầu. Một quả bom địch ném trúng mặt đường.

Tổ đi đầu dừng lại trước ngã ba. Vừa lúc đó có tên cai dõng chạy qua. Anh em hỏi hầm Đờ Cát. Tên cai dõng chỉ vào ụ cao to xung quanh có bốn xe tăng đang bắn ra loạn xạ. Luật cho đánh thủ pháo đứt xích một xe tăng. Một chiếc bốc cháy. Hai chiếc còn lại bỏ chạy. 

Luật ra lệnh đánh hầm. Hai chiến sĩ Vinh và Nhỏ phân công nhau: Nhỏ bịt một cửa hầm, Vinh tiến vào cửa hầm chính.  

Theo một hiệu lệnh chung, Vinh và Nhỏ ném hai quả thủ pháo. Khói vừa tan thì một sĩ quan trong bộ tham mưu của tướng Đờ Cát ra giơ tay xin hàng. Đại đội trưởng Tạ Quốc Luật xuống hầm cùng hai chiến sĩ Vinh và Nhỏ bắt sống toàn bộ bộ chỉ huy tập đoàn cứ điểm, trong đó có thiếu tướng Đờ Cát.

Đó là lúc Đờ Cát vừa ra lệnh đầu hàng và qua làn sóng điện từ biệt vợ con. Câu đầu tiên Đờ Cát nói với Tạ Quốc Luật là: “Xin đừng bắn tôi!”.

Nhận được báo cáo của Trung đoàn 209 đã bắt được tướng Đờ Cát lúc 17 giờ 30 phút, tôi ra lệnh giải ngay Đờ Cát và toàn bộ bộ tham mưu lên Sở chỉ huy đại đoàn. Tôi hỏi Hoàng Cầm:

- Anh Quang Trung thế nào?

- Báo cáo, anh em đã bới được rồi. Không việc gì. Anh ấy đã hút thuốc lá. 

Tôi nhẹ hẳn người, hỏi tiếp:

- Anh đã trông thấy Đờ Cát chưa?

- Báo cáo thấy rồi.

- Ăn mặc như thế nào?

- Báo cáo anh, Đờ Cát mặc quần áo màu vàng nhạt, đội mũ ca-lô đỏ, đeo quân hàm cấp tướng.

- Quân hàm nó thế nào mà biết là nó cấp tướng?

- Có sao anh ạ!

- Được rồi, thế ai giải nó đi đấy?


- Anh Thăng Bình đã đánh xe jeep đi rồi ạ!

- Xe nào, ai lái?

- Báo cáo, anh Thăng Bình dùng xe chiến lợi phẩm và bắt một tù binh da đen lái.

Một lát sau anh em dẫn tướng Đờ Cát vào. Chúng tôi so ảnh. Đúng là Đờ Cát, tuy có xanh và gầy hơn so với lúc còn đeo lon đại tá. Nhìn cái mũ ca-lô đỏ tôi lại nhớ tới câu nói của Đờ Cát khi thấy quân ta chưa đánh Điện Biên: “Tôi sẽ đội cái mũ đỏ này để Việt Minh dễ nhận rõ mục tiêu!”.

Tôi gọi điện báo cáo Đại tướng Võ Nguyên Giáp: “Tướng Đờ Cát hiện đang ở trước mặt tôi. Đã so ảnh của Bộ chỉ huy chiến dịch gửi xuống. Xác định đúng là tướng Đờ Cát và toàn bộ bộ tham mưu”.

Lúc này cả không gian Điện Biên Phủ im lặng khác thường. Ngoài trời, một luồng gió mát làm dịu những dây thần kinh căng thẳng. Trời có trăng. Tôi cứ nhìn mãi vầng trăng non thấp thoáng trong đám mây mỏng xốp như bông. 

Cả thung lũng Điện Biên rực rỡ trong ánh đuốc. Đoàn tù binh đang nối đuôi nhau đi ra khỏi Mường Thanh. Các chiến sĩ ta chốt trên các ngả, súng lắp lưỡi lê, vẫn mũ nan chân đất trong bộ quần áo còn dính bùn đang chỉ đường cho đám tù binh đi ra theo loa phóng thanh.

Sau chiến thắng, Bộ chỉ huy chiến dịch quyết định duyệt binh vào ngày 13 tháng 5, tức đúng một tuần lễ sau ngày địch ở Điện Biên Phủ đầu hàng, để phát huy thắng lợi và trao cờ “Quyết chiến Quyết thắng” của Bác Hồ cho Đại đoàn 312. Thường vụ đảng ủy họp triển khai công tác chuẩn bị và quyết định để đồng chí Đàm Quang Trung thay mặt đại đoàn nhận cờ.

Đàm Quang Trung, người chiến sĩ Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân mười năm về trước, mũ nồi, chân đất, dưới lá cờ đỏ sao vàng tuyên thệ, nay là đại đoàn phó một đại đoàn đã đánh Him Lam mở đầu Chiến dịch Điện Biên Phủ và kết thúc chiến dịch bằng trận đánh bắt sống tướng Đờ Cát.

Hình ảnh Đàm Quang Trung được cử để nhận cờ vừa cụ thể lại vừa tượng trưng cho sự lớn mạnh của quân đội ta.

Tôi giục Đàm Quang Trung cắt tóc, cạo râu và chọn bộ quân phục mới nhất để chuẩn bị đi nhận cờ của Bác.

Nguồn trích dẫn:

- "Đại tướng Lê Trọng Tấn với Chiến dịch Điện Biên Phủ", NXB Quân đội nhân dân, Hà Nội - 2004.

- "Từ điển Bách khoa Quân sự Việt Nam", NXB Quân đội nhân dân, Hà Nội - 2004.

Đại tá Đặng Việt Thủy