"Siêu dự án" trên sông Hồng, tư nhân làm nhưng tiền của nhà nước

09/05/2016 08:10
Mai Anh
(GDVN) - “Trên danh nghĩa doanh nghiệp tư nhân là chủ đầu tư nhưng tiền lại của nhà nước, của nhân dân”, PGS.TS Nguyễn Thiện Tống nhận định về dự án trên sông Hồng.

Dự án Giao thông thủy xuyên Á kết hợp thủy điện trên sông Hồng do Công ty TNHH Xuân Thiện - một trong những công ty con của Tập đoàn ThaiGroup của bầu Thụy đề xuất thực hiện tiếp tục gây tranh cãi khi các nhà khoa học đã lên tiếng phản đối, cho rằng dự án còn quá nhiều điểm mập mờ trong khi hậu quả để lại cho hơn 40 triệu người dân đồng bằng Bắc Bộ có thể nhìn thấy trước mắt.

Bên cạnh những phân tích cho thấy sự tác động đến môi trường của dự án, thì vấn đề khiến giới chuyên môn băn khoăn nhất là "Với một dự án lớn lên đến hàng chục nghìn tỷ đồng với nhiều hạng mục phức tạp, liệu một doanh nghiệp như Xuân Thiện có đủ sức thực hiện, nhất là khi nguồn vốn vẫn là dấu hỏi".

Sông Hồng đoạn chảy qua huyện Cẩm Khê, Phú Thọ - ảnh H.Lực.
Sông Hồng đoạn chảy qua huyện Cẩm Khê, Phú Thọ - ảnh H.Lực.

Tư nhân làm nhưng tiền nhà nước?

Theo kế hoạch của Công ty TNHH Xuân Thiện, khi được phê duyệt doanh nghiệp này sẽ thực hiện nạo vét 288km luồng sông Hồng từ Việt Trì lên Lào Cai, xây dựng khoảng 6 đập dâng nước và âu tàu kết hợp xây 6 nhà máy thủy điện nhỏ (cấp 2), kiểu tuabin trục ngang cột nước thấp, được thiết kế có công xuất 228MW; Đồng thời xây dựng 7 cảng từ Hà Nội tới Lào Cai để khai thác giao thông đường thủy dọc tuyến đường thủy này…

Nguồn vốn cần đề thực hiện dự án khoảng 24.510 tỷ đồng, trong đó Xuân Thiện thu xếp 30% tổng mức đầu tư (tức hơn 7.300 tỷ đồng), phần còn lại sẽ được huy động vốn vay thương mại.

Tuy nhiên Xuân Thiện chỉ mới có được 1.200 tỷ đồng vốn điều lệ, chưa bằng 30% số vốn mà doanh nghiệp cam kết góp để thực hiện dự án. Khả năng các ngân hàng cho vay cũng chưa rõ ràng.

Để giải đáp câu hỏi tiền đâu, trong đề xuất xây dựng Dự án giao thông xuyên Á kết hợp thủy điện trên sông Hồng, Công ty TNHH Xuân Thiện xin nhiều ưu đãi. Cụ thể, ở giai đoạn đầu nghiên cứu dự án, Công ty Xuân Thiện đề xuất tổng mức đầu tư hơn 15.700 tỷ đồng nhưng sử dụng 85% vốn vay ưu đãi của Chính phủ.  

Cùng với đó, Công ty Xuân Thiện xin Chính phủ cho hưởng hàng loạt ưu đãi, chính sách đặc thù như cho phép được tổ chức nạo vét luồng tàu kết hợp tận thu sản phẩm. Cho áp dụng giá bán điện đặc thù với các nhà máy phát điện trong dự án, có lộ trình tăng giá bán điện để hỗ trợ bù giá thu phí vận tải thủy, chi phí quản lý, duy tu bảo dưỡng công trình…

PGS.TS Nguyễn Thiện Tống trong cuộc trao đổi với phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam.
PGS.TS Nguyễn Thiện Tống trong cuộc trao đổi với phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam.

Nhận định phương án thu xếp vốn cũng như đề xuất ưu đãi của Công ty TNHH Xuân Thiện, PGS.TS Nguyễn Thiện Tống - Chuyên gia giao thông cho biết: “Trên danh nghĩa doanh nghiệp tư nhân là chủ đầu tư nhưng tiền lại của nhà nước, của nhân dân”.

Không ngạc nhiên với những điều kiện Công ty TNHH Xuân Thiện đưa ra, PGS.TS Nguyễn Thiện Tống nêu thực tế: Những năm qua, nhiều siêu dự án được đề xuất ra có những dự án được duyệt có dự án không nhưng điểm chung đó là người ta vẽ ra dự án rồi lấy cớ để muốn được nhà nước ưu đãi cho vay vốn, ưu đãi được miễn giảm thuế, được tạo điều kiện chỗ này chỗ khác…Trong khi thực tế nhiều dự án sau khi được duyệt, doanh nghiệp được ưu đãi vốn nhưng tiến độ chậm, dự án đình trệ.

Theo PGS.TS Nguyễn Thiện Tống, Xuân Thiện chỉ có 1.200 tỷ đồng vốn điều lệ nhưng muốn thực hiện dự án hơn 24.510 tỷ đồng là điều quá sức.

“Doanh nghiệp lấy tiền đâu để làm dự án. Những dự án kiểu này nhà nước không nên có chính sách ưu đãi vay vốn cho doanh nghiệp, ưu đãi vốn nên dành cho các khoản vay tại các dự án cần thiết, trọng điểm phục vụ kinh tế đất nước”, ông Nguyễn Thiện Tống nêu quan điểm.

"Siêu dự án" trên sông Hồng, tư nhân làm nhưng tiền của nhà nước ảnh 3

Công ty Xuân Thiện không đủ khả năng thực hiện siêu dự án trên sông Hồng

"Siêu dự án" trên sông Hồng, tư nhân làm nhưng tiền của nhà nước ảnh 4

Siêu dự án trên sông Hồng "chắc chắn ảnh hưởng môi trường" vẫn được đồng thuận?

Nhìn vào những đề xuất xin ưu đãi của Công ty TNHH Xuân Thiện, PGS.TS Nguyễn Thiện Tống cho rằng, có thể thấy ngay những nguồn lợi thu về của doanh nghiệp khi dự án bắt đầu triển khai.

Theo đó, Xuân Thiện xin được tổ chức nạo vét luồng tàu kết hợp tận thu sản phẩm. Nói cách khác doanh nghiệp nạo vét lòng sông thu, nguồn cát, sỏi dưới lòng sông doanh nghiệp xin được tận thu - tức bán lấy tiền. 

Như vậy khi bắt đầu dự án, doanh nghiệp đã có nguồn thu để bù phần chi phí, do đó gần như doanh nghiệp không cần bỏ vốn, thậm chí còn có thể thu lợi về từ sản vật lòng sông.

Trở lại vấn đề nguồn vốn, theo PGS.TS Nguyễn Thiện Tống, “siêu dự án” trên sông Hồng là do doanh nghiệp tư nhân có ý tưởng thực hiện. Đây không phải dự án cấp bách, ảnh hưởng đời sống kinh tế xã hội người dân. Do đó, không nhất thiết phải thực hiện, vì thế không nên có ưu đãi cho doanh nghiệp. Ngược lại, để thẩm định phê duyệt cần phải có những đánh giá cho thấy hiệu quả lớn của dự án.

Nên để Quốc hội biểu quyết

Muốn có được những đánh giá thẩm định dự án, theo PGS.TS Nguyễn Thiện Tống cần đơn vị thứ ba khách quan, tốt nhất là các tổ chức thẩm định dự án quốc tế được mời để có những đánh giá khách quan. 

Việc mời tổ chức thậm định dự án quốc tế đánh giá sẽ tránh được việc doanh nghiệp thuê tư vấn trong nước, có khi là “tay trong” của doanh nghiệp, dẫn đến kết quả, đánh giá hiệu quả dự án không khách quan.

Mặt khác, với dự án lớn có ảnh hưởng đến cả khu vực đồng bằng sông Hồng theo PGS.TS Nguyễn Thiện Tống, nên đưa ra Quốc hội xin ý kiến đại biểu và không nên vội vàng. Dù dự án có hiệu quả nhưng không phải vấn đề cấp bách nên càng phải xem xét thân trọng.

Đồng quan điểm, ông Trần Quốc Thuận - Nguyên Phó Chủ nhiệm văn phòng Quốc hội cho rằng, Dự án trên sông Hồng cần đưa ra Quốc hội thảo luận biểu quyết. Dù dự án mới ở bước đầu xin chủ trương để nghiên cứu đầu tư nhưng theo ông Thuận cũng cần thận trong.

Đặt vấn đề, nếu đề xuất nghiên cứu đầu tư nào cũng được dễ dàng đồng ý chủ trương nhưng dự án không hiệu quả, không được phê duyệt, doanh nghiệp sẽ mất chi phí vào quá trình nghiên cứu, cơ quan chức năng mất uy tín thẩm định đánh giá dự án.

Liên quan đến đề xuất của Công ty Xuân Thiện, trả lời Tuổi trẻ, Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải - Nguyễn Nhật nêu quan điểm xin chủ trương để làm nghiên cứu khả thi, nếu được Chính phủ phê duyệt mới được lập báo cáo nghiên cứu khả thi. Do đó theo ông Nhật "họ chỉ xin nghiên cứu nên Bộ Giao thông vận tải ủng hộ chủ trương". 

Tương tự, trao đổi với Tuổi trẻ, ông Lê Công Phụng (nguyên thứ trưởng Bộ Ngoại giao) cho rằng để tiến hành cần rất cẩn trọng vì có liên quan đến nước khác.

“Theo tôi, nếu làm thì cần phối hợp với phía Trung Quốc và có những tính toán. Bởi nếu sau khi ta làm thủy lộ và thủy điện, họ xây thêm vài đập phía thượng nguồn thì ta vận hành như thế nào, có vận hành được nữa không? Và kết nối hàng hóa nữa. Chúng ta đã có vướng mắc trên sông Mekong rồi, giờ tính làm ở sông Hồng cần rất cẩn thận”, ông Phụng nói.

Mai Anh