"Ưu tiên hàng nội địa, tôi ủng hộ Vinmart"

16/05/2016 07:29
Mai Anh
(GDVN) - “Là một người tiêu dùng thông thường, tôi ủng hộ cách làm của Vinmart”, ông Tùng nêu quan điểm.

Tập đoàn bán lẻ Central Group của Thái Lan đã hoàn tất thương vụ mua lại hệ thống siêu thị Big C Việt Nam gồm 33 siêu thị, 10 cửa hàng tiện lợi và một trang thương mại điện tử với giá 1,05 tỷ USD.

Cùng với trước đó tập đoàn bán lẻ của Thái là BCJ Group mua lại Mertro Việt Nam gồm 19 siêu thị và các bất động sản liên quan với giá 876 triệu USD.

Như vậy, chỉ riêng hai đại gia Thái Lan đã sở hữu trên 50 siêu thị trên tổng số khoảng 90 siêu thị ngoại tại thị trường bán lẻ Việt Nam. Thống kê trên cho thấy ưu thế của người Thái tại thị trường bán lẻ Việt Nam rất lớn.

Mới đây, Big C Việt Nam đòi tăng chiết khấu từ 4% - 5% với doanh nghiệp chế biến xuất khẩu thủy sản được xem làm khó doanh nghiệp Việt. Chiết khấu cao có thể khiến doanh nghiệp trong nước tự rút lui để rộng đường cho hàng ngoại vào siêu thị. 

Việc Big C đòi tăng chiết khấu là cách hàng xử không tương xứng với ưu đãi của Việt Nam dành cho doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Ảnh minh họa - Siêu thị Big C Thăng Long.
Việc Big C đòi tăng chiết khấu là cách hàng xử không tương xứng với ưu đãi của Việt Nam dành cho doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Ảnh minh họa - Siêu thị Big C Thăng Long.

Dẫu nhận định trên vẫn cảm tính do vấn đề chiết khấu là những thỏa thuận kinh doanh thuần túy giữa nhà bán lẻ và đơn vị cung ứng. Tuy nhiên, nhìn ở nhiều góc độ khác nhau... chuyên gia, giới quan sát vẫn có lý do để lo lắng cho doanh nghiệp trong nước.

Thất vọng cách hành xử doanh nghiệp FDI

Ở góc nhìn đầu tư, chuyên gia kinh tế Bùi Trinh nhận định: Vấn đề Big C hay những doanh nghiệp bán lẻ ngoại đòi tăng chiết khấu, làm khó doanh nghiệp Việt là cách hành xử đáng thất vọng của doanh nghiệp FDI.

Theo ông Trinh, hiếm có quốc gia nào lại tạo điều kiện thu hút đầu tư nước ngoài tốt như Việt Nam. Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài đến Việt Nam được ưu đãi mặt bằng, thuế, ví trí kinh doanh… Trong đó Metro, Big C cũng không ngoại lệ.

“Big C, Metro đổi chủ, tôi đã cảnh báo từ rất lâu. Tôi đã từng nói, doanh nghiệp Việt sẽ gánh hậu quả rất lớn khi phải chịu chi phí bán hàng, chi phí quản lý, chi phí sản xuất... trong đó chi phí bán hàng chiếm phần lớn lợi nhuận của doanh nghiệp, chi phí bán hàng chính là chiết khấu. Việc Big C đòi tăng chiết khấu khiến chi phí bán hàng tăng, doanh nghiệp Việt sẽ khó khăn”, ông Trinh nói.

Theo ông Trinh, việc doanh nghiệp bán lẻ chuyển nhượng sẽ đẩy hàng Việt sớm thua trên sân nhà trước hội nhập sâu. 

Chuyên gia kinh tế Bùi Trinh - ảnh nguồn Báo Hải quan.
Chuyên gia kinh tế Bùi Trinh - ảnh nguồn Báo Hải quan.

Tuy lo lắng nhưng chuyên gia kinh tế Bùi Trinh nhấn mạnh, việc lựa chọn hàng hóa có nguồn gốc xuất xứ ra sao là do người tiêu dùng, dựa trên chất lượng sản phẩm. Chúng ta không thể áp dụng biện pháp hành chính yêu cầu doanh nghiệp bán lẻ ngoại phải hạ chiết khấu.

“Mọi can thiệp bằng hành chính đều không thể, chỉ có người tiêu dùng đoàn kết với tiêu chí chọn hàng Việt. Mặt khác, nếu hàng hóa của doanh nghiệp Việt Nam tốt, tiêu thụ lớn... Big C có muốn đòi tăng chiết khấu cũng phải cân nhắc”, ông Trinh nói. 

“Từ vụ việc Big C lần này đặt ra vấn đề cần phải có lựa chọn doanh nghiệp bán lẻ ngoại có điều kiện. Cụ thể, cần yêu cầu cam kết chiết khấu, cam kết hàng Việt chiếm bao nhiêu %”, vị chuyên gia nêu giải pháp.

"Ưu tiên hàng nội địa, tôi ủng hộ Vinmart" ảnh 3

Đòi tăng chiết khấu cao, Big C có thể "gậy ông đập lưng ông"

"Ưu tiên hàng nội địa, tôi ủng hộ Vinmart" ảnh 4

Đòi tăng chiết khấu đến 25%, siêu thị Big C có ép được doanh nghiệp Việt?

Đồng quan điểm, chuyên gia thương hiệu Hoàng Tùng - Sáng lập thương hiệu Pizza Home cho biết: “Việc những thương hiệu nước ngoài, đặc biệt là những thương hiệu của Thái Lan đang dần thâu tóm chuỗi bán lẻ trong nước từ lâu đã khiến dư luận dấy lên về một cuộc đổ bộ của hàng Thái vào thị trường Việt Nam.

Và thực tế là trong thời gian qua, ngày càng có nhiều hơn những mặt hàng từ Thái Lan xuất hiện tại thị trường Việt qua các chuỗi bán lẻ”.  

Theo ông Tùng về cơ bản, bán lẻ là kinh doanh phân phối. Nhà bán lẻ mua hàng với khối lượng lớn từ các nhà sản xuất để phân phối lại cho người tiêu dùng.

Việc đơn vị bán lẻ có một số lượng hàng nhập khẩu là điều đương nhiên vì họ cần phải có sự đa dạng hóa sản phẩm để phục vụ nhu cầu của người tiêu dùng.

“Tuy nhiên, việc Big C tăng chiết khấu đối với doanh nghiệp trong nước là bước đi lợi bất cập hại. Lợi là Big C có thể có thêm lợi nhuận, điều này ai cũng có thể thấy, tuy nhiên hại cũng rất lớn cho chính siêu thị này”, ông Hoàng Tùng nhận định.

Theo ông Tùng, thứ nhất, khi doanh nghiệp phải chiết khấu cho nhà bán lẻ quá nhiều, họ sẽ tìm đến nhà bán lẻ khác với mức chiết khấu thấp hơn. 

Thứ hai chiết khấu cao đẩy giá thành đến tay người tiêu dùng sẽ tăng lên. Khách hàng là người tiêu dùng cuối cùng, sau khi so sánh về giá cả và chất lượng có thể sẽ tìm đến thương hiệu bán lẻ khác để mua sắm.

“Về cơ bản, trong hoạt động bán lẻ, nhà bán lẻ như Big C và nhà cung cấp ngoài quan hệ mua – bán thông thường còn có cả một phần quan hệ đối tác trong đó. Lợi ích giữa hai bên luôn phải có sự cân bằng, nếu không khách hàng sẽ quay lưng. 

Ông Hoàng Tùng chia sẻ về vai trò thương hiệu.
Ông Hoàng Tùng chia sẻ về vai trò thương hiệu.

Hành động của Big C có thể liên tưởng đến câu nói của Sam Walton - Nhà sáng lập Walmart, ông vua bán lẻ ở Mỹ: “Chỉ có một ông chủ duy nhất. Đó là khách hàng. Khách hàng có thể sa thải bất kỳ ai trong công ty, từ chủ tịch cho tới nhân viên, chỉ đơn giản bằng việc tiêu tiền vào chỗ khác” - ông Tùng cho biết.

Siêu thị Việt hỗ trợ tối đa cho sản xuất nội địa

Trong khi Big C đòi tăng chiết khấu, với quyết tâm đồng hành cùng doanh nghiệp Việt và nâng cao vị thế hàng Việt trên thị trường, Hệ thống siêu thị Vinmart thuộc Tập đoàn Vingroup triển khai Chương trình “Đồng hành, hỗ trợ và thúc đẩy sản xuất nội địa”, huy động tối đa các nguồn lực để thực hiện tổng thể 3 gói giải pháp: Hỗ trợ đẩy mạnh tiêu thụ hàng Việt Nam qua hệ thống bán lẻ hiện đại; Thúc đẩy sản xuất và tiêu dùng hàng nội địa; Trực tiếp tham gia sản xuất trong một số ngành hàng tiêu dùng.

Theo đó, Vingroup sẽ xây dựng chính sách chiết khấu thương mại với ưu đãi mạnh mẽ cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt Nam tiêu thụ hàng qua hệ thống bán lẻ của Tập đoàn.

Riêng các mặt hàng thực phẩm tươi sống, Vingroup cam kết phân phối các sản phẩm sạch, an toàn với mức giá bằng đúng giá bán của nhà cung cấp trong vòng 1 năm.

Bên cạnh đó, tùy thuộc vào tình hình thực tế và tiềm năng của từng doanh nghiệp, Vingroup sẽ có thêm những chính sách hỗ trợ về hiện diện và khuyến mại…

Tuyên bố này của Vingroup, theo chuyên gia thương hiệu Hoàng Tùng sẽ gợi mở cho doanh nghiệp Việt Nam về kênh phân phối mới đó là tìm đến siêu thị, nhà bán lẻ trong nước.

Vingroup tuyên bố sẽ xây dựng chính sách chiết khấu thương mại với ưu đãi mạnh mẽ cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt Nam tiêu thụ hàng qua hệ thống bán lẻ của Tập đoàn.
Vingroup tuyên bố sẽ xây dựng chính sách chiết khấu thương mại với ưu đãi mạnh mẽ cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt Nam tiêu thụ hàng qua hệ thống bán lẻ của Tập đoàn.

Ông Tùng phân tích, nhà sản xuất luôn có những lựa chọn của riêng mình để tối ưu kênh bán hàng. Nhà sản xuất và nhà bán lẻ ngoài quan hệ mua – bán thông thường còn có cả trong đó quan hệ của đối tác, nghĩa là phải thực sự tôn trọng nhau và đưa nhau đến những giải phát giúp cả 3 bên cùng có lợi bao gồm: Nhà sản xuất – Nhà bán lẻ - Khách hàng.

"Ưu tiên hàng nội địa, tôi ủng hộ Vinmart" ảnh 7

Vingroup triển khai chương trình hỗ trợ sản xuất nội địa quy mô lớn

(GDVN) - Quyết tâm đồng hành và nâng cao vị thế hàng Việt trên thị trường, Vingroup quyết định triển khai Chương trình “Đồng hành, hỗ trợ và thúc đẩy sản xuất nội địa".

Ông Tùng nhận định, việc Vinmart ưu tiên nhà cung ứng nội địa rõ ràng là hướng đi ngược hẳn lại so với cách mà Big C đang áp đặt lên nhà sản xuất. Điều này sẽ giúp Vinmart có được sự ủng hộ của một bộ phận không nhỏ người tiêu dùng.

Bởi không ít thì nhiều, người tiêu dùng sẽ luôn dành nhiều cảm tình dành cho thương hiệu trong nước (trong trường hợp sản phẩm tương đương về chất lượng và giá cả), nhất là trong bối cảnh hàng ngoại đang ồ ạt chiếm lĩnh thị trường; 

Việc giảm chiết khấu có thể khiến những doanh nghiệp sản xuất tìm đến với Vinmart nhiều hơn, từ đó Vinmart cũng có nhiều hơn sự lựa chọn về nguồn hàng để đáp ứng tốt hơn nhu cầu phong phú của khách hàng. 

“Nếu Vingroup coi Big C là đối thủ chính trong lĩnh vực bán lẻ thì hoạt động đối nghịch với đối thủ là điều nên làm, nhất là trong trường hợp này, Vinmart có nhiều yếu tố thuận lợi để có được nhiều hơn cảm tình từ người tiêu dùng cũng như nhà sản xuất.

Việc giảm chiết khấu về mặt lý thuyết sẽ giúp mức giá thành cuối cùng đến tay người tiêu dùng tốt hơn, từ đó người tiêu dùng cuối cùng được hưởng lợi, và đó có thể là một trong những yếu tố tác động mạnh đến quyết định tìm đến Vinmart mua hàng thay vì đến BigC”, ông Hoàng Tùng nhận định.

“Là một người tiêu dùng thông thường, tôi ủng hộ cách làm của Vinmart”, ông Tùng nêu quan điểm.

Với tốc độ phát triển mạnh mẽ và mạng lưới hiện có gồm hơn 50 TTTM Vincom, 800 Siêu thị VinMart và cửa hàng tiện lợi VinMart+; hàng triệu tài khoản thương mại điện tử Adayroi; 59 cửa hàng chuyên biệt VinDS và 123 Trung tâm điện máy VinPro và cửa hàng VinPro+…, toàn bộ hệ thống bán lẻ của Vingroup sẽ là cầu nối hiệu quả để hàng Việt Nam chất lượng cao đến được với đông đảo người tiêu dùng. 
Mai Anh