Đại sứ Trung Quốc: Manila - Bắc Kinh là láng giềng tốt, đối tác tốt, họ hàng tốt

17/05/2016 09:04
Phong Vân
(GDVN) - Ông Rodrigo Duterte sẽ cân bằng quan hệ với Mỹ và Trung Quốc, nhưng không dễ dàng nhượng bộ trong vấn đề Biển Đông.

Thời báo Hoàn Cầu ngày 17/5 cho hay, ngày 16/5 Đại sứ Trung Quốc tại Philippines Triệu Giám Hoa là một trong 3 Đại sứ nước ngoài đầu tiên được Tổng thống đắc cử Rodrigo Duterte chính thức tiếp kiến.

Ngày 16/5/2016, Tổng thống đắc cử Philippines Rodrigo Duterte tiếp kiến Đại sứ Trung Quốc Triệu Giám Hoa. Ảnh: Thời báo Hoàn Cầu.
Ngày 16/5/2016, Tổng thống đắc cử Philippines Rodrigo Duterte tiếp kiến Đại sứ Trung Quốc Triệu Giám Hoa. Ảnh: Thời báo Hoàn Cầu.

Trước đó, ông Rodrigo Duterte còn để ngỏ khả năng trực tiếp đối thoại giải quyết tranh chấp trên Biển Đông với Trung Quốc. Sau cuộc hội kiến tại thành phố Davao, Triệu Giám Hoa cho hay: “Hai bên đã đối thoại rất tốt”.

Ông Triệu Giám Hoa chúc mừng ông Duterte đắc cử Tổng thống và nhấn mạnh Trung Quốc là “láng giềng tốt, đối tác tốt, họ hàng tốt”, muốn cùng chính phủ mới Philippines xử lý thỏa đáng bất đồng, thúc đẩy hợp tác cùng có lợi.

Ông Rodrigo Duterte bày tỏ sẵn sàng nỗ lực cải thiện và phát triển quan hệ Trung Quốc-Philippines, tăng cường hợp tác cùng có lợi, đem lại lợi ích cho nhân dân hai nước.

Khi được báo giới hỏi về vấn đề Biển Đông giữa 2 nước, Đại sứ Trung Quốc chỉ cười, từ chối bình luận.

Ngoài Đại sứ Trung Quốc, Tổng thống đắc cử Philippines Rodrigo Duterte còn hội kiến với Đại sứ Nhật Bản và Đại sứ Israel. Theo hãng tin AFP Pháp, đây là 3 vị Đại sứ đầu tiên ông Rodrigo Duterte tiếp kiến, cũng là hoạt động công khai chính thức đầu tiên sau khi ông giành chiến thắng trong cuộc bầu cử Tổng thống ngày 9/5/2016.

Ngày 16/5, ông Rodrigo Duterte nói với báo giới, ông muốn duy trì quan hệ hữu nghị với tất cả các nước. Ông sẽ tiếp tục đưa vấn đề tranh chấp Biển Đông ra các hội nghị diễn đàn đa phương; nếu các cuộc tham vấn rơi vào ngõ cụt, ông đề cập đến khả năng đối thoại song phương với Trung Quốc.

Tờ Yomiuri Shimbun Nhật Bản đưa tin, khi gặp gỡ báo chí ngày 15/5 ông Rodrigo Duterte khẳng định: "Sẽ không nhượng bộ trong vấn đề quyền sở hữu ở Biển Đông, Trung Quốc cần tôn trọng vùng đặc quyền kinh tế của Philippines".

Tuy nhiên ông cũng lưu ý: "Nếu Trung Quốc muốn cùng khai thác thì cũng có thể"

Hứa Lợi Bình từ Viện Nghiên cứu Chiến lược châu Á-Thái Bình Dương và toàn cầu, Viện Khoa học xã hội Trung Quốc bình luận: “Sự xuất hiện công khai lần đầu tiên sau khi ông Rodrigo Duterte trúng cử là bàn tới quan hệ đối ngoại, đây là sự ‘quay trở lại’ trước việc quan hệ Trung Quốc-Philippines hiện đi chệch quỹ đạo chính, đã thể hiện chính xác, rõ ràng tiếng nói phổ biến của người dân Philippines”.

Trên tờ Thời báo Hoàn Cầu, Chu Chấn Minh từ Việt Nghiên cứu Đông Nam Á-Nam Á, tỉnh Vân Nam, Trung Quốc cho rằng: “Ông Rodrigo Duterte ưu tiên tiếp kiến Đại sứ Trung Quốc có thể nói là một hành động thiện chí, điều này cho thấy ông tuyệt đối không phải một cái đầu nóng, ông được lòng dân, ASEAN cũng sẽ ủng hộ ông”.

Theo Chu Chấn Minh, ông Rodrigo Duterte muốn làm rõ ranh giới với người tiền nhiệm Benigno Aquino, đó là khôi phục quan hệ với Trung Quốc. Chu Chấn Minh tự tin nói: “Cải thiện quan hệ với Trung Quốc chỉ có lợi, không có hại cho Philippines. Đây là vấn đề nằm trong dự tính. Bất kể ai lên làm Tổng thống Philippines cũng đều phải cải thiện quan hệ với Trung Quốc”.

Trước đó, ông Rodrigo Duterte cũng từng tuyên bố, ông sẽ đích thân ngồi xuồng máy đến bãi cạn Scarborough. Báo chí Nhật Bản cho rằng, “cá tính thất thường khó đoán” của ông Rodrigo Duterte trong quan hệ với Trung Quốc cũng có thể trở thành cơ hội cải thiện quan hệ Trung Quốc-Philippines.

Theo tờ Deutsche Welle Đức, ông Rodrigo Duterte không chờ cho đến khi nhậm chức mới nói đến vấn đề chính sách đối với Trung Quốc. Đến nay, ông muốn “thương lượng” với Trung Quốc về vấn đề tranh chấp trên Biển Đông, đồng thời không muốn mất đi đối tác thương mại, nhà đầu tư Trung Quốc.

Nhưng điều này không có nghĩa là ông Duterte dễ dàng chấp nhận yêu sách của Trung Quốc trong vấn đề Biển Đông.

Theo tờ Rappler Philippines ngày 15/5, ông Rodrigo Duterte là một chính trị gia rất “thiết thực”. Ông tuyên bố lái xuồng máy đến bãi cạn Scarborough tuyên bố chủ quyền chỉ là nói vui với cử tri. Ông sẵn sàng “đối thoại trực tiếp với Bắc Kinh, xây dựng kế hoạch cùng khai thác ở vùng biển tranh chấp, tránh chiến tranh”.

Theo bài báo, dự kiến ông Duterte sẽ thực hiện chính sách như của cựu Tổng thống Arroyo, cân bằng Trung-Mỹ. Ông cũng có ý định để quan chức thời bà Arroyo vào nội các của mình, điều này có nghĩa là, ông Duterte rất có thể sẽ từ bỏ chiến lược chống bành trướng của Trung Quốc thời ông Benigno Aquino.

Tạp chí The National Interest Mỹ ngày 14/5 cho rằng, ông Rodrigo Duterte là “nhân tố không xác định mới” trong vấn đề Biển Đông. Xét tới năm 2017, Philippines sẽ đảm nhiệm chức Chủ tịch luân phiên ASEAN, lập trường của ông Duterte có ảnh hưởng thực chất đối với cuộc khủng hoảng Biển Đông. “Khủng hoảng Biển Đông hầu như sẽ phát triển theo hướng có lợi cho Trung Quốc”.

Theo tờ South China Morning Post, Hồng Kông, mặc dù khó nắm bắt được chính sách ngoại giao của ông Duterte, nhưng hầu như ông “mềm” hơn so với ông Benigno Aquino, muốn đối thoại với Trung Quốc, ít nhất là muốn “đóng băng” tranh chấp.

Theo tạp chí The Diplomat Nhật Bản, trong quan hệ với Trung Quốc, chính sách ngoại giao của ông Duterte khó đoán trước. Nhưng điều này có thể trở thành cơ hội để cải thiện quan hệ Trung Quốc-Philippines.

South China Morning Post cho rằng, cho dù Tòa Trọng tài Thường trực ra phán quyết hoàn toàn có lợi cho Philippines, Manila cũng vẫn phải đàm phán trở lại với Bắc Kinh, nhưng Manila sẽ có thêm “con bài mặc cả”.

Theo tờ Yomiuri Shimbun nhận định: "Chính quyền Benigno Aquino đã làm sâu sắc hợp tác với Mỹ và Nhật Bản và đối mặt với Trung Quốc. Ông Duterte không thể quên được, tiếp tục hợp tác với Nhật Bản, Mỹ và các nước khác là then chốt của ổn định khu vực”.

Nhà nghiên cứu Bonnie Glasser từ Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và quốc tế Mỹ cho rằng, ông Rodrigo Duterte sẽ phát hiện, xử lý quan hệ với Trung Quốc và Mỹ là một thách thức lớn, cân bằng quan hệ với 2 nước này là điều rất khó.

Hứa Lợi Bình cũng cho rằng, trong chính sách ngoại giao với Philippines, Bắc Kinh không thể coi nhẹ nhân tố Mỹ-Nhật. Đây là một ván cờ. Dù sao Mỹ và Nhật Bản đã quan hệ nhiều năm với Philippines. Hiện nay, Trung Quốc không phải là đối tác thương mại lớn nhất của Philippines, hơn nữa nước này lại đứng thứ ba sau Mỹ, Nhật Bản. Đây là điều ít thấy ở các nước Đông Nam Á. 

Phong Vân