Cuộc chiến với thực phẩm bẩn, đừng để cái đúng thành thiểu số!

20/05/2016 07:47
Ths Trương Khắc Trà
(GDVN) - Người Việt đang ngập trong cơn bão thực phẩm kém an toàn là do cái đúng còn quá ít, nền giáo dục còn quá nhiều “sạn”...

LTS: Khái niệm “thực phẩm không an toàn”, “thực phẩm bẩn” được nhắc đến rất nhiều, thu hút sự quan tâm đặc biệt của các cấp, các ngành, toàn xã hội trong thời gian gần đây. 

Nhiều cơ sở sản xuất, chế biến thực phẩm bẩn hoặc có dấu hiệu vi phạm đã bị nêu tên trên các phương tiện truyền thông.

Tuy nhiên trong cuộc chiến với thực phẩm bẩn, chúng ta đã thực sự nghiêm túc và quyết liệt hay chưa?

Trong bài viết này, Ths Trương Khắc Trà chỉ ra điều này. Tòa soạn trân trọng giới thiệu cùng độc giả. 


Liên tiếp những tin không vui với người tiêu dùng được báo chí cập nhật, nhật báo Thanh niên ngày 15/5/2016 có đăng bài “Lò mổ hiện đại “chết” vì lò mổ lậu”, cùng ngày tờ Kinh tế Nông thôn giật tít “Hiếm như…chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn”.  

“Lò mổ hiện đại” nói ở trên lớn nhất Tây Nam Bộ, được đầu tư hàng chục tỉ đồng, là nơi giết mổ gia súc theo quy trình đảm bảo cung cấp nguồn thực phẩm sạch nhưng nghịch lý rằng, nó đã không thể trụ vững trước sự cạnh tranh của…“lò mổ lậu”, một minh chứng cho thực trạng đáng buồn rằng, cái ác đang lên ngôi!

Cuộc chiến với thực phẩm bẩn, đừng để cái đúng thành thiểu số! ảnh 1
Cuộc chiến với thực phẩm bẩn: Đừng để cái đúng là thiểu số! (Ảnh chưa rõ tên tác giả)

Chưa dừng lại ở đó, tờ báo Kinh tế Nông thôn còn cho hay, hiện nay, mới chỉ có 35 tỉnh thành xây dựng được 280 chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn!

Vậy có nghĩa là, còn lại 30 tỉnh thành chưa có chuỗi cung ứng này, có nghĩa là hàng chục triệu người đang chấp nhận sử dụng thực phẩm không an toàn. 

Những con số biết nói ấy đã khẳng định phát biểu “thực phẩm của ta đa số là an toàn nhưng do người dân không biết” của một quan chức cấp cao trong ngành Nông nghiệp là võ đoán!

Dù không muốn nhưng cũng đành chấp nhận sự thật rằng, thực phẩm bẩn vẫn đang bao vây chúng ta.

Đành bấm bụng cười buồn vì cái sự éo le của cuộc đời, không éo le sao được khi kinh doanh có đầu tư bài bản, khoa học lại bại trận thê thảm dưới cách làm ăn bất chấp, ác độc, phải bấm bụng cười buồn vì biết chắc chắn rằng không đâu trên thế giới lại tồn tại nhiều nghịch lý bi hài như ở mảnh đất hình chữ S này!

Cuộc chiến với thực phẩm bẩn, đừng để cái đúng thành thiểu số! ảnh 2

Lãnh đạo từ xã đến tỉnh phải chịu trách nhiệm nếu xảy ra thực phẩm bẩn

(GDVN) - Thủ tướng ra chỉ thị yêu cầu Bộ trưởng, trưởng ngành, Chủ tịch tỉnh,cơ quan thuộc Chính phủ... tăng cường quản lý an toàn thực phẩm.

Cái xấu, cái ác ở bất cứ thời đại nào, dù có phổ biến đến đâu chăng nữa cũng không thể (không được) đại diện cho xu hướng phát triển. 

Ấy vậy, nhưng buồn thay giữa thanh thiên bạch nhật cái ác, cái xấu vẫn nghiễm nhiên tồn tại, không những vậy nó còn tồn tại với tư cách là “xu thế”, phải chăng cái ác, cái xấu đang được ai đó chống lưng?

Triết gia nổi tiếng người Đức, Hêghen có câu nói nổi tiếng: “Tồn tại là hợp lý, hợp lý là tồn tại” phải chăng sự tồn tại của hàng ngàn hàng vạn cái lò mổ không đạt chuẩn trên đất nước này là hợp lý? Và chúng ta cũng có cơ sở để lý luận ngược lại rằng không hợp lý sao vẫn tồn tại? 

Thực tế ấy đã “bần cùng hóa” chủ doanh nghiệp đầu tư lò mổ hiện đại hàng chục tỉ đồng, lương tâm chúng ta có trách được ông chủ ấy nếu lỡ mai này phát hiện ra ông ta phải theo “xu thế” để đầu tư lò mổ rẻ tiền, không đảm bảo an toàn? 

Trách sao được khi ông ta đã từng tốt nhưng không thể sống được bằng cái tốt ấy! Chân lý nhà tù “nhân đạo là tự sát” thật đúng trong trường hợp này.

Người tiêu dùng chưa biết đến khi nào sẽ được sử dụng thực phẩm an toàn bởi việc xây dựng chuỗi cung cấp thực phẩm an toàn đang gặp khó khăn do nhiều rào cản như vốn, cung cách quản lý, thói quen tiêu dùng… nói như vậy phải chăng chúng ta “bó tay” trước vấn nạn thực phẩm bẩn? 

Vì 280 chuỗi cung cấp thực phẩm an toàn sẽ khó “thắng” được hàng hàng hàng vạn đầu mối cung cấp thực phẩm không an toàn.

Đành rằng cái ác, cái xấu có thể tồn tại với tư cách là mặt trái không thể thiếu của cuộc sống như là cái “gót chân Asin”, nhưng bất kỳ hành động nào dung túng bao che cho cái ác, cái xấu đều mang tội chống lại đồng loại.

Chúng ta đã nói quá nhiều về sự tụt hậu từ kinh tế, văn hóa, xã hội, y tế, giáo dục, vấn nạn tham nhũng hoành hành… cũng bởi do cái đúng chỉ là thiểu số và còn quá nhiều những chuyện…thật như đùa, đó là mẫu số chung của hầu hết vấn đề.

Người Việt đang ngập ngụa trong cơn bão thực phẩm kém an toàn cũng là do cái đúng còn quá ít, nền giáo dục còn quá nhiều “sạn” cũng là vì cái đúng mới chỉ le lói, phòng chống tham nhũng chưa đạt được kết quả như mong muốn cũng là bởi cái đúng chưa phải đa số…

Xã hội chỉ văn minh tiến bộ khi và chỉ khi cái đúng là phổ biến, cái ác, cái xấu phải bị tấn công trấn áp để trở thành thiểu số, khi ấy cái xấu, cái ác sẽ không còn đủ sức để đánh trả chính nghĩa, công lý và hiển nhiên sự “hợp lý” tồn tại nhờ bám vào cái ác, cái xấu cũng không còn đất sống.

Đâu là giải pháp?

Thực phẩm bẩn đã trở thành vấn đề cấp thiết mang tính quốc gia, hệ thống luật, chế tài về xử phạt người buôn bán kinh doanh thực phẩm bẩn được quy định khá rõ ràng như điều 317, điều 195, điều 193, điều 191, điều 190…Bộ Luật hình sự 2015, thậm chí mức phạt cao nhất có thể lên tới 20 năm tù nhưng người tiêu dùng vẫn ăn chất độc hàng ngày mà chưa thấy ai đi tù!?

Cuộc chiến với thực phẩm bẩn, đừng để cái đúng thành thiểu số! ảnh 3

Chất cấm không có tội, tội là do quản không chặt

(GDVN) - Chất Salbutamonl hoàn toàn không có tội với người dân. Nó trở thành kẻ sát thủ giết người thầm lặng là do quản không chặt.

Trong khi bên kia chiến tuyến thực phẩm bẩn vẫn sinh sôi nảy nở gieo rắc bệnh tật, chết chóc đến khắp nơi, phía bên này các cơ quan chức năng vẫn loay hoay tìm giải pháp, “trái bóng” trách nhiệm bị đá qua đá lại rồi cuối cùng chìm vào quên lãng.

Luật, chế tài đã có nhưng thực hiện như thế nào cho hiệu quả, không loại trừ trường hợp “nén bạc đâm toạc tờ giấy” một bộ phận không nhỏ cán bộ bị “lỏng tay” trong xử lý thực phẩm bẩn. 

Thay vì hô hào khẩu hiệu như “nỗ lực”, “cố gắng”, “kiên quyết”..., Bí thư Đinh La Thăng đề nghị Chính phủ nên ban hành chỉ thị phải gắn với các giải pháp cụ thể, cần xác định rõ trách nhiệm: 

Nhập chất cấm, cần có 10 cân mà cho nhập 10 tấn thì hòa cả làng. Vậy phối hợp giữa các bộ như thế nào? Phải xử lý nghiêm bộ nào cho nhập”.

Bên cạnh việc quản lý chặt chẽ nguồn chất cấm cần quy trách nhiệm rõ ràng đến từng địa phương, xã phường, khu phố, khu dân cư, cái khó hiện nay là chưa quy được trách nhiệm cụ thể nên khi triển khai làm chồng chéo, dẫm chân nhau khi xảy ra sự cố thì nảy sinh đá “bóng trách nhiệm”.

Tăng cường tổ chức tuyên truyền tại cơ sở về mối nguy hại do thực phẩm bẩn gây nên, hiện nay các tổ chức đoàn thể được tổ chức về tận khu dân cư nên phải phát huy vai trò giám sát từ các đoàn thể này, phối hợp chặt chẽ với các ngành chức năng chuyên môn, báo cáo kịp thời đến các cơ quan này khi phát hiện sai phạm.

Các Bộ cần thống nhất chương trình hành động, tránh tình trạng “ông nói gà bà nói vịt”, “trống đánh xuôi, kèn thổi ngược”, giao cụ thể chức năng, nhiệm vụ của từng cơ quan, đơn vị trong việc quản lý thực phẩm, làm cơ sở quy trách nhiệm khi có sự cố xảy ra.

Ngăn chặn đẩy lùi nạn thực phẩm bẩn không chỉ là nhiệm vụ của cơ quan nhà nước mà đây là nhiệm vụ của mỗi cá nhân, thẳng thắn đấu tranh không khoan nhượng với những kẻ đầu độc đồng loại.

Ths Trương Khắc Trà