Hợp đồng lịch sử với Boeing đưa Vietjet bước ra sân chơi lớn

25/05/2016 07:42
Mai Anh
(GDVN) - Hợp đồng Vietjet ký với Boeing trong khuôn khổ sự kiện Tổng thống Mỹ thăm Việt Nam đã nâng tầm, khẳng định doanh nghiệp Việt sẵn sàng bước vào sân chơi lớn.

Nâng tầm doanh nghiệp Việt

Ngày 23/5/2016, trước sự chứng kiến của Chủ tịch Nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam Trần Đại Quang và Tổng thống Mỹ Barack Obama cùng đoàn lãnh đạo cấp cao của hai nước Hãng hàng không thế hệ mới Vietjet (Việt Nam) và Tập đoàn chế tạo máy bay Boeing (Mỹ) đã ký kết hợp đồng đặt mua 100 tàu bay B737 MAX 200, trị giá 11,3 tỷ đô la Mỹ.

Đây được xem hợp đồng lớn nhất trong quan hệ thương mại Việt Nam - Hoa Kỳ từ trước đến nay, thậm chí được coi là một trong các hợp đồng lịch sử của hãng sản xuất máy bay Boeing.

Tổng Giám đốc Vietjet Nguyễn Thị Phương Thảo và Tổng giám đốc Tập đoàn chế tạo máy bay Boeing Ray Conner trao đổi tài liệu ký kết.
Tổng Giám đốc Vietjet Nguyễn Thị Phương Thảo và Tổng giám đốc Tập đoàn chế tạo máy bay Boeing Ray Conner trao đổi tài liệu ký kết.

Ở góc nhìn thương hiệu, Chuyên gia Marketing và thương hiệu Võ Văn Quang đánh giá, những hợp đồng "khủng" như Vietjet ký với Boeing thực sự đưa doanh nghiệp Việt bước ra sân chơi lớn, nâng tầm doanh nghiệp Việt.

Ông Quang phân tích, quan hệ kinh tế thương mại Việt Nam - Hoa Kỳ bắt đầu nối lại sau khi hai nước bình thường hóa quan hệ ngoại giao. Tuy nhiên hợp tác về kinh tế doanh nghiệp hai nước chưa nhiều, một phần nguyên nhân là do doanh nghiệp Việt Nam giai đoạn đầu mở cửa, năng lực tài chính thương hiệu còn yếu trong khi doanh nghiệp và tập đoàn kinh tế của Mỹ có bề dày thương trường, nên khó gặp nhau để hợp tác.

Tuy nhiên sau gần 30 năm đổi mới, kinh tế Việt Nam đã phát triển vượt bậc. Nhiều doanh nghiệp lớn của Việt Nam như Viettel, Hoàng Anh Gia Lai, Tập đoàn TH… đã và đang có những dự án đầu tư lớn tại các nước trên thế giới.

Hợp đồng lịch sử với Boeing đưa Vietjet bước ra sân chơi lớn ảnh 2

Vietjet ký kết hợp đồng lịch sử, mua 100 máy bay của Mỹ

(GDVN) - Vietjet và Tập đoàn chế tạo máy bay Boeing đã ký kết hợp đồng đặt mua 100 tàu bay B737 MAX 200, trị giá 11,3 tỷ USD.

“Mặc dù vậy tên tuổi doanh nghiệp Việt chưa được biết đến nhiều, đặc biệt với thị trường Mỹ. Vì thế, có thể nói hợp đồng mua máy bay Boeing của Vietjet khai mở và đánh dấu bước phát triển mới, nâng tầm doanh nghiệp Việt trong mắt doanh nghiệp, doanh nhân Mỹ", ông Võ Văn Quang cho biết.

Trong điều kiện hiện nay, hợp tác giữa các quốc gia thể hiện rõ ràng nhất là qua các hợp đồng hợp tác kinh tế. Do đó, sự kiện Vietjet ký hợp đồng với Boeing mua 100 máy bay Boeing 737 MAX 200 không chỉ có ý nghĩa về kinh tế mà còn có ý nghĩa về chính trị, khẳng định mối quan hệ sâu rộng giữa hai nước Việt Nam và Hoa Kỳ. 

Ở khía cạnh thương hiệu và marketing, ông Quang đánh giá cao sự khôn ngoan của Vietjet khi có sự chuẩn bị và lựa chọn thời điểm ký hợp đồng đúng vào dịp Tổng thống Mỹ Barack Obama sang thăm Việt Nam - một sự kiện thu hút lớn nhất sự chú ý của truyền thông và dư luận thế giới.

Bằng chứng là, sau lễ ký kết, cái tên Vietjet đã được thế giới nhắc tới. Sẽ không nói quá khi cho rằng, Vietjet sẽ là hình ảnh mới, đại diện cho một Việt Nam năng động, hội nhập.

Trên khía cạnh thị trường hàng không, ông Võ Văn Quang cho biết, tàu bay Boeing 737 là dòng máy bay phục vụ bay tầm ngắn và trung bình, phù hợp với hãng hàng không giá rẻ.

Tàu bay được thiết kế ghế ngồi ngang với Airbus A320 (loại tàu bay chủ yếu của Vietjet hiện nay). Mặt khác thiết kết Boeing 737 hiện đại sang trọng hơn nhưng vận hành lại tiết kiệm nhiên liệu đến 20% so với máy bay dòng cũ của B737 và A320.

Tuy nhiên chúng tôi kỳ vọng Vietjet cần trang bị thêm máy bay thân rộng và gia nhập các liên minh hàng không giá rẻ quốc tế như Value Alliance...

Chuyên gia Marketing và thương hiệu Võ Văn Quang - ảnh nhân vật cung cấp.
Chuyên gia Marketing và thương hiệu Võ Văn Quang - ảnh nhân vật cung cấp.

Với những điểm cộng của Boeing 737, theo ông Quang, Vietjet đang gián tiếp gửi lời thách thức cạnh tranh với các đối thủ trong thị trường hàng không trong nước, mặt khác cũng thể hiện tham vọng của hãng nhằm phát triển đường bay mới đến các khu vực châu Á.

Phả hơi nóng vào thị trường hàng không

Đánh giá thị trường hàng không những năm qua, Chuyên gia thương hiệu Võ Văn Quang nhận định: Sự lớn mạnh của Vietjet Air đã lấn sân và “ăn bớt” thị phần của Vietnam Airlines (VNA) rất nhiều. Thậm chí, Vietjet chiếm lĩnh thị trường mà VNA còn chưa kịp mở đường bay mới. 

Không chỉ mất dần thị phần trong nước vào tay Vietjet, VNA đang bị Vietjet "phả hơi nóng" cạnh tranh ở phân khúc đường bay tầm trung. Với việc mua 100 tàu bay Boeing 737, nhiều khả năng Vietjet sẽ xúc tiến mở các đường bay tầm trung giá hợp lý cho hành khách. Khi đó, lợi thế duy nhất của VNA chỉ còn ở đường bay dài.

Nói về thành công của Vietjet, theo ông Quang, sau những thất bại của Air Mekong, Indochina Airlines... Vietjet ra đời nắm bắt thời cơ phát triển đi vào phân khúc giá rẻ còn bỏ ngỏ và nhanh chóng thành công nhờ chiến lược và lãnh đạo tài tình của người đứng đầu doanh nghiệp.

“Bà Nguyễn Thị Phương Thảo - Tổng giám đốc Vietjet là doanh nhân năng động ở Đông Âu, có nhiều năm làm trong ngành tài chính và đã điều hành ngân hàng có rất nhiều kinh nghiệm điều hành tài chính, thu xếp vốn. Do đó, dấu ấn phát triển Vietjet có vai trò lớn đến từ việc chuẩn bị vốn năng lực tài chính mà công đầu thuộc về bà Nguyễn Thị Phương Thảo”, ông Quang nhận định.

Sau hợp đồng khủng của Vietjet xuất hiện những lo ngại về việc Vietjet khó thu xếp được tài chính, khó có tiền lên đến hàng tỷ USD để mua, thuê máy bay… ông Quang cho rằng, lo ngại đó là thừa bởi trong kinh doanh hiện đại doanh nghiệp nếu có chiến lược kinh doanh tốt, tiềm năng đầu tư lớn, hợp lý thì vấn đề vốn, thu xếp tài chính không khó bởi các tổ chức tín dụng, ngân hàng luôn sẵn sàng với những dự án có hiệu quả.

“Mặt khác bộ máy lãnh đạo Vietjet hiện đang rất mạnh mẽ, có năng lực và dám nói dám làm. Vietjet hoàn toàn có đủ năng lực thực hiện dự án lớn”, ông Quang nói.

Mai Anh