Bây giờ, cả bảo vệ, văn thư, kế toán trường học cũng viết sáng kiến kinh nghiệm

30/05/2016 07:34
Nguyễn Cao
(GDVN) - Trong bài viết này, thầy Nguyễn Cao xin trao đổi thêm cùng thầy Trần Vũ về những phản biện của thầy từ chuyện sáng kiến kinh nghiệm.

LTS: Qúy độc giả đang theo dõi bài viết của thầy giáo Nguyễn Cao, bài viết thể hiện quan điểm, ý kiến của tác giả với mong muốn trao đổi thêm cùng thầy Trần Vũ (người phản biện lại những ý kiến của thầy Nguyễn Cao) về chuyện sáng kiến kinh nghiệm.
 
Nhân tiện, thầy Nguyễn Cao cũng trao đổi thêm về thực trạng viết sáng kiến kinh nghiệm hiện nay của ngành giáo dục. Tòa soạn trân trọng giới thiệu cùng độc giả. 


Chuyện sáng kiến kinh nghiệm đã trở thành một đề tài bàn luận chưa có hồi kết trong ngành giáo dục. Ai cũng biết mỗi năm ngành giáo dục có hàng ngàn, hàng vạn sáng kiến kinh nghiệm nhưng trong vô vàn những đề tài đó thì những sáng kiến được áp dụng vào thực tế giảng dạy chỉ được tính trên đầu ngón tay. 

Nhưng, rõ ràng từ lâu sáng kiến kinh nghiệm đã trở thành “lá bùa hộ mệnh” để xét các danh hiệu thi đua. 

Nghịch lí ở chỗ giáo viên đi dạy không lấy hiệu quả giảng dạy làm thước đo của người thầy trong một năm học, dù cho giáo viên có chất lượng giảng dạy tốt, thậm chí có  học sinh giỏi các cấp huyện, cấp tỉnh mà lại lấy sáng kiến kinh nghiệm làm tiêu chí đánh giá. 

Giờ đến cả bảo vệ, văn thư, kế toán trường học cũng viết sáng kiến kinh nghiệm (Ảnh: tuoitre.vn)
Giờ đến cả bảo vệ, văn thư, kế toán trường học cũng viết sáng kiến kinh nghiệm (Ảnh: tuoitre.vn)

Báo điện tử Giáo dục Việt Nam có loạt bài viết, phản hồi về chủ đề sáng kiến kinh nghiệm cùng với nhiều tâm tư đăng tải trên các phương tiện truyền thông gửi tới tân Bộ trưởng Bộ GD&ĐT cũng đề cập tới vấn đề này. 

Điều này chứng tỏ sự ngám ngẩm trong quá trình thực hiện sáng kiến kinh nghiệm của một bộ phận không nhỏ giáo viên khi viết để được đánh giá công chức ở mức hoàn thành nhiệm vụ trở lên và là cơ sở để xét các danh hiệu thi đua trong năm học. 

Ngày 22/5/2016, Báo điện tử Giáo dục Việt Nam tiếp tục đăng tải bài viết “Giáo viên không phải sợ, không phải lo lắng về sáng kiến kinh nghiệm!” của thầy Trần Vũ phản biện, chứng minh một số nội dung mà tác giả không đồng tình với tác giả Nguyễn Cao trong bài viết “Có thầy cô, nhà quản lý nào dám lên tiếng sau ý kiến này của thầy Nguyễn Cao?” đăng trên Báo điện tử Giáo dục Việt Nam ngày 14/5/2016. 

Bây giờ, cả bảo vệ, văn thư, kế toán trường học cũng viết sáng kiến kinh nghiệm ảnh 2

Giáo viên không phải sợ, không phải lo lắng về sáng kiến kinh nghiệm!

(GDVN) - Tôi cho rằng, đến lúc cơ quan quản lý giáo dục cấp trên cần phê duyệt quyết định thành lập Hội đồng khoa học chấm sáng kiến kinh nghiệm ở các cơ sở trường học.

Trong bài viết của mình, thầy Trần Vũ minh chứng sự không đồng tình bằng một luận cứ ở một số địa phương khiến tôi rất tâm đắc. Nhân tiện điều này, tôi có thêm trao đổi cùng thầy Trần Vũ để những vấn đề được làm rõ hơn. 

Thứ nhất, tôi muốn nói đến chữ “sợ” mà thầy Trần Vũ đã phân tích rất kỹ. Ở điểm này, thầy Trần Vũ đã hiểu sai vấn đề mà tôi đề cập tới.

Bởi lẽ, chữ “sợ” này được tôi dẫn ra từ nội dung bài báo “Đâu là lý do khiến giáo viên “sợ” sáng kiến kinh nghiệm?” đăng trên Báo điện tử Giáo dục Việt Nam của chính thầy Trần Vũ, ở bài viết này thầy nhắc tới chữ “sợ”, “ác mộng” nhiều lần. 

Thứ hai, thầy Trần Vũ có vẻ “nghi ngờ” khi tôi đề cập tới việc bố trí người chấm sáng kiến kinh nghiệm. 

Xin trích lại nguyên văn đoạn này trong bài viết của tôi:

Có những trường có một hiệu trưởng và một hiệu phó, nhưng khi thành lập Hội đồng chấm sáng kiến kinh nghiệm tự phân công ông hiệu trưởng làm trưởng Hội đồng, ông hiệu phó làm phó Hội đồng và bắt thêm ông kế toán làm Thư kí Hội đồng…Hỡi ôi! Các vị học môn Sử, Địa… thì làm sao chấm được Tiếng Anh, Toán, Lí, Hóa…làm sao biết được các quy tắc, các thì, các định luật, định nghĩa chuyên ngành…”.

Thầy đã lấy những dẫn chứng này để làm sáng tỏ luận điểm cho bài viết của mình. Và, sau đó có trích dẫn thêm một số hướng dẫn của một số địa phương khác.

Tuy nhiên, tôi đã sử dụng cụm từ “có những trường” (có nghĩa là tôi không nói đến những người không cùng chuyên môn ở cấp Phòng, Sở). Tôi chỉ dùng số ít chứ không dùng những cụm từ như: “tất cả” hay “các trường hiện nay”. 

Vậy thì cấp trường chỉ có từ 2-4 vị trong Ban giám hiệu thì cũng  có chừng ấy chuyên ngành, nhưng ở các trường phổ thông hiện nay có mấy môn học? Vậy không phải “Các vị học môn Sử, Địa… thì làm sao chấm được Tiếng Anh, Toán, Lí, Hóa…” là gì?

Xin thưa với thầy rằng ở các trường phổ thông hiện nay rất ít trường có Hội đồng khoa học và cũng rất ít Tổ trưởng chuyên môn được phân công chấm sáng kiến kinh nghiệm. 

Bây giờ, cả bảo vệ, văn thư, kế toán trường học cũng viết sáng kiến kinh nghiệm ảnh 3

Thầy giáo trực tiếp lên tiếng về tệ “vàng thau lẫn lộn” ở sáng kiến kinh nghiệm

(GDVN) - Nhiều người năm nào cũng đăng ký các danh hiệu thi đua nhưng lại, không bao giờ có suy nghĩ, dành thời gian, công sức để làm sáng kiến kinh nghiệm.

Theo thầy, những người chấm có “uy tín” thì tôi không phủ nhận nhưng những người chấm sáng kiến kinh nghiệm này mà hiểu được toàn bộ nội dung các môn học khác là tôi không đồng ý.

Cũng trao đổi thêm với thầy, ở đâu cũng quy định hai người chấm độc lập/ sáng kiến kinh nghiệm nhưng nó mang tính hình thức nhiều hơn, nhất là ở cấp Trường.

Thứ 3, trong bài viết của tôi có nói đến vấn đề “thù lao” khi được chấm sáng kiến kinh nghiệm thì thầy lập luận lại: 

Đành rằng người chấm sáng kiến kinh nghiệm là có bồi dưỡng theo quy định, như giáo viên làm nhiệm vụ chấm thi tốt nghiệp THPT. 

Do đó, không có gì phải lo lắng và  sợ “vàng thau lẫn lộn” trong việc chấm sáng kiến kinh nghiệm mà phải có niềm tin vào Hội đồng khoa học các cấp để viết sáng kiến kinh nghiệm, bởi còn có nhiều người có tâm huyết với nghề, có lương tâm khi làm nhiệm vụ được giao
”.

Là người đang đứng trên bục giảng, có lẽ thầy, tôi hay hàng triệu giáo viên vẫn luôn đặt niềm tin vào lãnh đạo, vào sự đổi mới của ngành giáo dục. Ta phải tin, hy vọng vào những người “cầm cân nảy mực”, cũng như chúng ta đang dạy cho học sinh đạo lí, tri thức để làm người. 

Trong bài viết của thầy có đề cập đến Nghị định 56, nhưng một số nơi thì Nghị định này mãi sang học kì II của năm học này mới ban hành về các đơn vị trường học nên có những địa phương đã “chữa cháy” bằng hướng dẫn từ “một đề án, đề tài, sáng kiến” thành một … “cải tiến” hay một “giải pháp hữu ích”. 

Khổ nỗi, Sở GD&ĐT có quy định chấm cải tiến hay giải pháp hữu ích này không được trả tiền khiến các Ban giám hiệu lấy lý “nhiều việc” mà giao cho Tổ trưởng…chấm luôn.

Tại sao những sáng kiến kinh nghiệm hàng chục trang giấy lại có thời gian chấm mà khi có một vài trang lại không bố trí chấm được. Đây chỉ là một trong rất nhiều câu hỏi chưa có lời giải đáp.

Bây giờ, cả bảo vệ, văn thư, kế toán trường học cũng viết sáng kiến kinh nghiệm ảnh 4

Giáo viên vỡ mộng vì tưởng "thoát" sáng kiến kinh nghiệm

(GDVN) - Giáo viên ở nhiều địa phương đang băn khoăn rằng: Từ Thông tư 35 của Bộ GD&ĐT ban hành đến việc áp dụng thực tế ở từng địa phương tại sao lại khác nhau?

 

Nhân tiện, tôi cũng xin trao đổi thêm với thầy Trần Vũ cùng độc giả về thực trạng viết sáng kiến kinh nghiệm hiện nay của ngành giáo dục:

Tháng 9 năm 2015, Nghị định 56 của Chính phủ được ban hành. Nghị định này được áp dụng cho toàn bộ cán bộ công nhân viên chức, trong Nghị định này đã nêu rõ là mỗi người trong năm phải có một đề tài, đề án, một sáng kiến được áp dụng có hiệu quả…mới được xét công chức từ mức hoàn thành nhiệm vụ trở lên. Nếu không có thì xếp không hoàn thành nhiệm vụ. 

Vì thế, mà trong trường học bây giờ không chỉ giáo viên làm sáng kiến kinh nghiệm mà bảo vệ, văn thư, kế toán, y tế học đường….cũng đều làm sáng kiến kinh nghiệm. Trong khi nhiều người viết câu, chữ chưa rành. 

Nhiều cuộc họp được giao viết biên bản mà không dám viết, có người viết mà loay hoay mãi không xong, không đúng với tuần tự của một văn bản hành chính công vụ (đây loại văn bản này dễ viết nhất) thì làm sao có thể thực hiện một sáng kiến kinh nghiệm với hàng chục trang giấy và vô vàn những đề mục bắt buộc của một văn bản khoa học.

Chính vì thế mà chuyện viết sáng kiến kinh nghiệm ngày nay như một món lẩu thập cẩm nhưng nêm gia vị khác nhau. Nhiều người là xin xỏ giữa đơn vị này với đơn vị khác hay giữa tỉnh này, tỉnh kia. 

Những người không có người thân ở xa hay sợ “mắc cỡ” thì lên mạng lấy về chỉnh sửa sơ sơ là thành một sáng kiến kinh nghiệm cho mình. Nhiều người còn đặt vấn đề cho giáo viên Ngữ văn viết và trả tiền! Chỉ tội ngân sách nhà nước phải chi trả một số tiền khổng lồ cho những việc làm vô bổ như thế này. 

Bởi trường nào cũng phải thành lập Hội đồng chấm sáng kiến kinh nghiệm, rồi Phòng, Sở cũng thế. Đó là chưa nói tiền phát thưởng cho những người được giải và những người được giải lại được xét các danh hiệu thi đua cao như chiến sĩ thi đua cơ sở, chiến sĩ thi đua cấp tỉnh, cấp bộ, rồi bằng khen cấp này, cấp khác. Một số tiền khổng lồ phải chi nhưng hiệu quả gần như chẳng đáng là bao.

Giáo viên viết sáng kiến kinh nghiệm đã than vãn từ năm này sang năm khác nhưng rõ ràng rất khó bỏ bởi Nghị định 56 đã ra đời… Và, những sáng kiến kinh nghiệm “cứ đến hẹn lại lên” cho dù ai cũng biết phần lớn sáng kiến kinh nghiệm chẳng có tác dụng gì! 

Nguyễn Cao