Que diêm và rừng cỏ dại

29/05/2016 08:14
Xuân Dương
(GDVN) - Vì sao xuất hiện “một bộ phận cán bộ, đảng viên, nhất là những người có chức có quyền, có những biểu hiện sa sút phẩm chất, sống xa dân, vô trách nhiệm?

Tổng cộng có 93 câu trong bài phát biểu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng ngày 27/5/2016 tại “Hội nghị toàn quốc triển khai Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội XII của Đảng và các chỉ thị, kết luận của Bộ Chính trị, Ban Bí thư về công tác dân vận” (trừ câu “Thưa các đồng chí”). Trong 93 câu đó, có 36 câu đánh giá thực trạng chất lượng cán bộ đảng viên.

Nhận định tổng quát trong phát biểu của Tổng Bí thư là: “Nhiều năm qua, những hiện tượng cán bộ, đảng viên sa sút phẩm chất, thoái hoá có chiều hướng gia tăng và ngày càng nghiêm trọng”.

Rải rác trong 36 câu của bài phát biểu, Tổng Bí thư đánh giá chất lượng (một bộ phận không nhỏ) cán bộ đảng viên qua các từ: “thoái hóa, biến chất, vô tổ chức, ăn cắp, bê tha, vô cảm, vô trách nhiệm, đục khoét, vơ vét, thông đồng hối lộ, bất chính, nịnh bợ cấp trên, chèn ép cấp dưới, ích kỷ, buông thả, coi thường quần chúng, ăn chặn của dân, vòi vĩnh đòi quà cáp biếu xén, quan cách, gia trưởng, ông vua con, trù dập, ức hiếp quần chúng…”.

Que diêm và rừng cỏ dại ảnh 1

Bình minh im tiếng, hoàng hôn lắm mồm

(GDVN) - Vo tròn một tờ giấy rất dễ, gấp nó thành bông hoa, cánh chim hay thanh gươm mới khó. 

Có lẽ chưa bao giờ người dân được đọc một bài phát biểu với sự đa dạng của ngôn từ, với sự thẳng thắn không giấu giếm, không hoa mỹ như bài phát biểu này. 

Và cũng có lẽ trước khi xuất hiện bài phát biểu của Tổng Bí thư, người dân chưa bao giờ cảm nhận một cách sâu sắc sự xa cách đến đau lòng giữa chủ trương, đường lối của Đảng – Nhà nước và sự thực hiện mà đội ngũ cán bộ, đảng viên đang tiến hành như hiện nay.

Người viết cảm nhận như có những giọt nước mắt của người Đảng viên già rơi trên từng con chữ và cùng với đó cũng không thể không cảm thấy sự vô cảm của không ít đảng viên (chưa già) trước nỗi đau của người dân và vận mệnh đất nước.

Liệu có còn thói hư tật xấu nào của bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên chưa được liệt kê trong phát biểu của Tổng Bí thư?

Có thể không phải là vô tình khi Tổng Bí thư mượn lời Nguyễn Trãi nhận định về thời Hậu Trần: “Sở dĩ triều Hậu Trần suy vong là do các vua quan Hậu Trần không thực hiện đúng chính sách "thân dân", "làm kế sâu rễ bền gốc"; họ chỉ lo cuộc sống xa hoa, quyền lợi ích kỷ của mình, bỏ "mặc dân khốn khổ", "muôn dân oán giận mà không biết, lòng người oán trách mà chẳng kinh". 

Tầng lớp vua quan thời Trần cùng với dân chúng nước Việt đã lập nên chiến công vẻ vang ba lần đại thắng quân xâm lược nhà Nguyên.

Nhà Trần suy vong vì tầng lớp quan lại “chỉ lo cuộc sống xa hoa, quyền lợi ích kỷ của mình, bỏ mặc dân khốn khổ…".

Người Việt thời hiện đại, dưới sự dẫn dắt của Đảng Cộng sản Việt Nam cũng ba lần làm nên chiến công hiển hách không phải dân tộc nào cũng làm được, đó là chiến thắng ba kẻ địch hùng mạnh nhất thế giới là Pháp, Mỹ và Trung Quốc. 

Vấn đề là liệu chúng ta đã rơi vào hay có thể đang rơi vào tình trạng như thời Hậu Trần “muôn dân oán giận mà không biết”; “lòng người oán trách mà chẳng kinh"?

Bài phát biểu không chỉ mang nội dung tựa như sự kiểm điểm, sự nhận lỗi của người lãnh đạo cao nhất của Đảng mà còn hàm chứa lời cảnh báo, lời tuyên chiến với những kẻ hại dân, hại nước, với quốc nạn tham nhũng hiện tại.

Sức mạnh của Đảng không nằm ở số lượng Đảng viên nhiều hay ít mà ở sức cuốn hút của cán bộ, đảng viên với quần chúng.

Lời giáo huấn của V. Lênin từ hàng trăm năm trước đến nay vẫn nguyên giá trị: “Đối với đảng cầm quyền, một trong những nguy cơ lớn nhất và đáng sợ nhất là tự cắt đứt liên hệ với quần chúng”.

Nhân kỷ niệm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh 19/5/2010, chuyên mục TuanVietNam.net của báo điện tử Vietnamnet.vn có bài “Nếu xa dân thì chúng ta không còn lí do gì để tồn tại”.

Sáu năm sau, Tổng Bí thư cho rằng: “Một bộ phận cán bộ, đảng viên, nhất là những người có chức có quyền, có những biểu hiện sa sút phẩm chất, sống xa dân, vô trách nhiệm với dân”. 

Tuy mới chỉ là “một bộ phận cán bộ đảng viên xa dân” nhưng như thế không có nghĩa là chưa nên báo động về tình trạng “tự cắt đứt liên hệ với quần chúng”.

Que diêm và rừng cỏ dại ảnh 2
Ảnh chụp màn hình ngày 28/5/2016 trên Tuanvietnam.net

Vì sao lại xuất hiện “một bộ phận cán bộ, đảng viên, nhất là những người có chức có quyền, có những biểu hiện sa sút phẩm chất, sống xa dân, vô trách nhiệm với dân”?

Câu trả lời thật đơn giản, vì khi trở thành “quan phụ mẫu”, “một bộ phận cán bộ, đảng viên, nhất là những người có chức có quyền” mặc nhiên coi mình thuộc đẳng cấp khác.

Họ hãnh diện vì đã biết cách trở thành giống biết bay như loài bướm sau khi chui ra khỏi kén chứ không phải là loài sâu chỉ biết bò, dù trước đó chẳng con bướm nào lại không phải là sâu nằm trong kén?  

Cũng còn một lý do khác, khi cán bộ không còn là công bộc của dân thì đương nhiên “các dân” chả dại gì mà “chơi” với họ, gần mực thì đen, gần đèn thì rạng.

Hậu quả của “sống xa dân, vô trách nhiệm với dân” là gì?

Là tổ chức, đoàn thể chỉ còn một tập hợp nhỏ trong toàn bộ dân chúng để lựa chọn, để kết nạp. 

Đó là những người “gần quan”, những người “thích quan”, những người “mua quan” và những người “bán quan” hay vì một lợi ích nào đó khác.

Số còn lại - trong đó có không ít người tài  tự nhiên bị biến thành người chứng kiến chứ không phải là người tham gia vào tiến trình lịch sử. 

Que diêm và rừng cỏ dại ảnh 3

Quân vương - logic của nghịch lý

(GDVN) - Một đấng Quân Vương có tinh thần ái quốc vĩ đại, dốc lòng phục vụ nhân dân, có đức cao trọng vọng, có tài năng xuất chúng, đất nước nhất định sẽ hùng cường.

Người viết luôn trăn trở với câu hỏi: “Vì sao với bộ máy chuyên chính gồm Công an, Kiểm sát, Tòa án, với các Ban kiểm tra, Thanh tra từ Trung ương xuống địa phương, kèm theo đó là các tổ chức chính trị xã hội (Công đoàn, hội Nông dân, Thanh niên, Phụ nữ, Cựu chiến binh) mà “hiện tượng cán bộ, đảng viên sa sút phẩm chất, thoái hoá có chiều hướng gia tăng và ngày càng nghiêm trọng”?

Hơn 500 năm trước, Niccolò Machiavelli, nhà ngoại giao, sử gia, triết gia người Ý đã viết trong tác phẩm “Quân Vương”:

Một Quân vương không nên sợ mang tiếng là tàn ác, khi cần phải giữ thần dân trong vòng đoàn kết và phục tùng. Kinh nghiệm cho thấy, như thế là có đức nhân từ hơn làm ra vẻ thương dân mà lại để cho trật tự rối loạn, xảy ra cướp bóc, giết chóc lung tung trong dân chúng. 

Những biến cố này thường thiệt hại cho toàn thể nhân dân, còn những sự trừng phạt nghiêm khắc của Quân Vương chỉ đụng chạm đến những cá nhân mà thôi
”. 

Các nghiên cứu khoa học qua việc khảo sát hàng nghìn người được David Robson tổng kết trong bài “Người tàn nhẫn thường thành công?”, tác giả viết: “Bệnh nham hiểm thường đi kèm với những người thành công nhiều hơn - những người có thói quen sử dụng mánh khoé thường có được các vị trí lãnh đạo”. [1]

Quan điểm của các học giả xưa nay cho chúng ta kết luận về vai trò quan trọng của người đứng đầu.

Trong một quốc gia, người có trái tim nhân từ nên tu hành làm phật chứ đừng làm chính trị gia. 

Tuy nhiên, giải quyết những vấn đề quốc gia đại sự cần có “thời” và có “thế”, sự nóng vội có thể mang lại kết quả không mong muốn.

“Thời” là hiện tình đất nước,

“Thế” là sức mạnh lòng dân.

“Thời” và “Thế” đều đã chín muồi, chỉ còn lại quyết tâm của người dẫn dắt.

Nói một cách hình tượng “một cây gỗ có thể làm nên hàng triệu que diêm, một que diêm có thể đốt cháy cả rừng cỏ dại”.

Nhân dân hoàn toàn ủng hộ chủ trương làm trong sạch đội ngũ mà Tổng Bí thư phát động.

Vấn đề là khi đốt cháy cả rừng cỏ dại, cây diêm cũng tự đốt cháy mình.

Điều này khó nhưng không phải là không có nhiều “que diêm” như thế.

Tài liệu tham khảo:

[1]http://www.bbc.com/vietnamese/culture_social/2016/01/160119_do-ruthless-people-really-get-ahead_vert_fut

Xuân Dương