Thực hư chuyện Bầu Đức bị thu hồi dự án

01/06/2016 07:26
Mai Anh
(GDVN) - Công ty CP Nông nghiệp quốc tế Hoàng Anh Gia Lai (HAGL Agrico) khẳng định, doanh nghiệp không bị thu hồi dự án mà chủ động xin không thực hiện dự án.

Những ngày qua, thông tin với nội dung “Hoàng Anh Gia Lai bị thu hồi dự án” xuất hiện trên nhiều phương tiện truyền thông làm dấy lên dư luận cho rằng Công ty CP Hoàng Anh Gia Lai đang gặp quá nhiều khó khăn, không đủ năng lực thực hiện dự án nên bị thu hồi.

Các thông tin trên nêu đến hai dự án của các HAGL Agrico (thuộc Công ty CP Hoàng Anh Gia Lai) bao gồm: Dự án trồng cỏ, nuôi bò với tổng mức đầu tư khoảng 1.600 tỷ đồng tại tỉnh Kon Tum và dự án trồng hồ tiêu tại tỉnh Gia Lai.

Thông tin với nội dung “Hoàng Anh Gia Lai bị thu hồi dự án” liên tiếp xuất hiện trên nhiều phương tiện truyền thông - ảnh trang trại bò Hoàng Anh Gia Lai
Thông tin với nội dung “Hoàng Anh Gia Lai bị thu hồi dự án” liên tiếp xuất hiện trên nhiều phương tiện truyền thông - ảnh trang trại bò Hoàng Anh Gia Lai

Trước thông tin suy diễn có thể ảnh hưởng đến doanh nghiệp, trao đổi với phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam chiều 31/5, đại diện Công ty CP Hoàng Anh Gia Lai cho biết, thông tin Hoàng Anh Gia Lai bị thu hồi dự án là cách hiểu chưa đúng bản chất vấn đề.

Cụ thể, vị đại diện Hoàng Anh Gia Lai khẳng định, doanh nghiệp tự chủ động xin không thực hiện dự án.

Hiểu sai bản chất sự việc

Cũng theo đại diện Công ty CP Hoàng Anh Gia Lai, HAGL Agrico đã có thông tin chính thức về vấn đề này và đăng tải trên website của doanh nghiệp.

Cụ thể ngày 28/5/2016, trong văn bản gửi cổ đông và nhà đầu tư, ông Nguyễn Xuân Thắng - Tổng giám đốc HAGL Agrico cho biết: Vừa qua liên quan đến việc Công ty không thực hiện Dự án trồng cỏ nuôi bò thịt công nghệ cao tại tỉnh Kon Tum, rất nhiều trang báo điện tử đã đưa thông tin với các tựa đề: “Kon Tum thu hồi dự án nuôi bò 1.600 tỷ đồng của Bầu Đức”; “HAGL bị thu hồi Dự án trồng cỏ, nuôi bò thịt tại Kon Tum”; …

Tuy nhiên, từ tháng 4/2016 vừa qua, Công ty đã có văn bản gửi Ủy ban nhân dân tỉnh Kon Tum, với nội dung xin được chính thức không thực hiện Dự án trồng cỏ nuôi bò thịt công nghệ cao tại huyện Ia D’Hrai tỉnh Kon Tum. 

Văn bản của HAGL Agrico
Văn bản của HAGL Agrico 

“Vì lý do quỹ đất của dự án có độ dốc lớn, địa hình chia cắt và phân tán trên nhiều vị trí gây khó khăn trong việc thực hiện cơ giới hóa và tưới nước trồng cỏ phục vụ nuôi bò.

Hiện trạng đất nêu trên không hiệu quả để áp dụng quy trình chăn nuôi công nghệ cao theo tiêu chí sản xuất kinh doanh mà công ty đang triển khai cho các dự án chăn nuôi nói riêng cũng như các dự án nông nghiệp nói chung. 

Đến thời điểm hiện nay công ty vẫn chưa tiến hành đầu tư đối với dự án này. Vì vậy việc không thực hiện dự án để Ủy ban nhân dân tỉnh Kon Tum xem xét giao dự án cho nhà đầu tư khác không gây ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của công ty”, văn bản của HAGL Agrico nhấn mạnh.

Thực hư chuyện Bầu Đức bị thu hồi dự án ảnh 3

Đường của Hoàng Anh Gia Lai nhập khẩu từ Lào được áp thuế 0%

Thực hư chuyện Bầu Đức bị thu hồi dự án ảnh 4

Chăn nuôi bò, "mỏ vàng" của Bầu Đức

HAGL Agrico cũng nhấn mạnh, hiện chăn nuôi bò đang mang lại nguồn thu lớn cho doanh nghiệp. Tuy nhiên, không vì thế doanh nghiệp mở rộng dự án tràn lan mà phải có phân tích, tính toán cụ thể.

Không lạ với quyết định thu hồi

Trước lý giải của HAGL Agrico, trao đổi với phóng viên, TS. Nguyễn Đăng Nghĩa - chuyên gia nông nghiệp cho biết: Doanh nghiệp hoàn toàn có lý của họ. Theo đó, khu vực đất có độ dốc lớn sẽ gây khó cho việc trồng và thu hoạch các loại cỏ phục vụ chăn nuôi bò.

Theo TS. Nguyễn Đăng Nghĩa, dù cỏ là loại cây dễ trồng, dễ sinh trưởng hơn các giống cây trồng khác tuy nhiên ở địa hình có độ dốc lớn dễ xói mòn, mặt khác gây khó cho việc chăm sóc thu hoạch. Vì thế, việc không lựa chọn vùng địa hình như vậy đển thực hiện dự án trồng cỏ nuôi bò là hoàn toàn hợp lý.

Ở góc nhìn kinh tế, PGS.TS Bùi Quang Bình - Tạp chí Khoa học kinh tế nhận định: Không khó hiểu với quyết định xin không đầu tư của Hoàng Anh Gia Lai tại dự án trồng cỏ nuôi bò tại Kon Tum.

“Dự án đầu tư của doanh nghiệp đưa ra từng thời điểm phù hợp với chiến lược kinh doanh khác nhau, doanh nghiệp thấy có lãi phù hợp sẽ thực hiện ngược lại chủ động xin dừng dự án”, PGS.TS Bùi Quang Bình cho biết.

PGS.TS Bùi Quang Bình phân tích, ở đây doanh nghiệp được cấp đất và phải trả tiền thuê đất nhưng chưa thực hiện các hạng mục dự án. Do đó việc xin không thực hiện dự án vừa không mất tiền thuê đất vừa tạo điều kiện cho các doanh nghiệp khác đầu tư, trả lại quỹ đất cho địa phương. Cách làm này tốt cho cả doanh nghiệp và địa phương hơn là “ngâm đất” dự án rồi để hoang phí như nhiều dự án bất động sản hiện nay.

Về việc các địa phương đưa ra quyết định thu hồi đất, đây chỉ là thủ tục hành chính bắt buộc xuất phát từ đề nghị rút không thực hiện dự án của doanh nghiệp. Bởi trên cùng diện tích đất dự án phải có quyết định thu hồi nhà đầu tư này mới có thể ra quyết định cấp phép cho nhà đầu tư khác để không chồng chéo văn bản.

“Tóm lại việc địa phương thu hồi đất khi doanh nghiệp chủ động xin không thực hiện dự án là việc làm hết sức bình thường”, PGS.TS Bùi Quang Bình khẳng định.

Mai Anh