Vingroup sẽ dẫn dắt cuộc chơi ở thị trường bán lẻ

06/06/2016 07:49
Mai Anh
(GDVN) - Theo TS. Đào Xuân Khương, cửa hàng tiện lợi thương hiệu Vinmart+ của Vingroup sẽ dẫn dắt cuộc cạnh tranh trên thị trường bán lẻ sau này

Trong bán lẻ, quan trọng là “cảm tình” của người tiêu dùng

Mới đây, Vingroup đã ký kết hợp tác đợt 1 với gần 250 doanh nghiệp Việt trong chương trình “Đồng hành, hỗ trợ và thúc đẩy sản xuất nội địa”.

Theo thỏa thuận, Tập đoàn Vingroup và các công ty thành viên gồm sẽ triển khai các gói giải pháp tổng thể bao gồm: Ưu đãi về phân phối, tăng cường hiện diện thương hiệu của doanh nghiệp trong hệ sinh thái hàng hóa, dịch vụ của Vingroup; Tư vấn về công nghệ, quản trị, kiểm soát chất lượng, marketing, tiêu thụ hàng hóa và tham gia góp vốn nâng cao hiệu quả sản xuất.

Lễ ký kết hợp tác đợt 1 giữa Vingroup với gần 250 doanh nghiệp Việt tham gia chương trình “Đồng hành, hỗ trợ và thúc đẩy sản xuất nội địa”.
Lễ ký kết hợp tác đợt 1 giữa Vingroup với gần 250 doanh nghiệp Việt tham gia chương trình “Đồng hành, hỗ trợ và thúc đẩy sản xuất nội địa”.

Cụ thể, trong vòng một năm, từ 1/6/2016 – 1/6/2017, các doanh nghiệp trên sẽ được hỗ trợ đưa hàng vào hệ thống siêu thị Vinmart và Vinmart+ của Vingroup với các điều kiện ưu đãi hợp lý.

Riêng các doanh nghiệp cung ứng thực phẩm, đặc biệt là thực phẩm tươi sống như thịt, cá, gia cầm, rau củ quả, trái cây… sẽ được hưởng mức chiết khấu bằng 0%. Vingroup sẽ bán hộ không lãi, cam kết trả cho đối tác doanh thu theo đúng mức giá công bố thông thường.

Toàn bộ phần chiết khấu sẽ được Vinmart và Vinmart+  hoàn trả 100% về nhà cung cấp, với mục đích tạo thêm nguồn kinh phí để doanh nghiệp tái đầu tư vào chất lượng sản phẩm và có thêm điều kiện thực hiện nghiêm ngặt các tiêu chuẩn, quy định về an toàn, vệ sinh thực phẩm.

Đồng thời, Vingroup cũng khuyến khích các nhà cung cấp điều chỉnh giảm giá bán để hỗ trợ người tiêu dùng….

Nhìn vào ưu đãi chiết khấu cho nhà cung ứng của Vingroup, TS. Đào Xuân Khương - Chuyên gia về phân phối và bán lẻ khẳng định, đây là một chương trình tốt, cần nhân rộng, các nhà bán lẻ khác cũng cần nhân rộng. 

Tiến sĩ Đào Xuân Khương - Chuyên gia phân phối và bán lẻ hiện đại - ảnh nguồn KCP
Tiến sĩ Đào Xuân Khương - Chuyên gia phân phối và bán lẻ hiện đại - ảnh nguồn KCP

"Tuy nhiên, bán lẻ Việt Nam không chỉ có Vingroup. Bán lẻ Việt Nam còn có gần 1 triệu cửa hàng tạp hóa trên cả nước.

Tôi nghĩ bây giờ phải làm thế nào để các nhà sản xuất nội địa liên kết được với 1 triệu cửa hàng này thì tuyệt với bởi họ không thể tự liên kết với nhau được. Ý tưởng ở đây là trong tương lai, có thể Vingroup sẽ là mắt xích trong chuỗi liên kết này", TS Khương nhận định. 

TS Khương tin tưởng, chương trình lần này của Vingroup sẽ có sự lan tỏa mạnh mẽ và tạo hiệu ứng thúc đẩy doanh nghiệp nội địa sản xuất, kinh doanh.

"Trước đây ta nghe liên kết trên hội nghị, trên diễn đàn nhiều rồi. Nhiều vị chỉ nói thôi mà không có hành động gì cụ thể. Vingroup không nói, họ làm cụ thể một lần. Từ đó họ sẽ rút kinh nghiệm", TS Đào Xuân Khương bày tỏ.  

Vinmart đủ sức cạnh tranh trên thị trường
Vinmart đủ sức cạnh tranh trên thị trường

Theo TS Đào Xuân Khương, ý tưởng liên kết giữa nhà sản xuất và nhà bán lẻ là phổ biến trên thế giới. Họ liên kết với nhau vì lợi ích chung. Cái khác trong liên kết của Vingroup có vẻ như Vingroup hỗ trợ nhà cung cấp nhiều hơn mà thôi.

"Ít nhất đến hôm nay, tôi thấy Vingroup đã thành công về mặt truyền thông. Trong bán lẻ, việc lấy được “cảm tình” của người tiêu dùng là rất quan trọng", TS Khương nói.

Cửa hàng tiện ích Vinmart+ sẽ dẫn dắt cuộc chơi

Với dân số 93 triệu người, thị trường bán lẻ tại Việt Nam có trị giá 110 tỷ USD mỗi năm, trong đó chỉ khoảng 1/4 người tiêu dùng được phục vụ thông qua các kênh bán lẻ hiện đại. Dự kiến đến năm 2020, thị trường bán lẻ tại Việt Nam sẽ đạt giá trị 150 tỷ USD.

Theo Nikei.com, Vingroup hiện đang điều hành chuỗi cửa hàng tiện lợi lớn nhất tại Việt Nam, VinMart+, với số lượng khoảng 650 cửa hàng.

Ra mắt vào năm 2014, Vingroup dự kiến sẽ nâng số cửa hàng VinMart+ lên con số 1.000 vào cuối năm nay. VinMart cũng có 100 siêu thị và 50 trung tâm mua sắm trên toàn quốc. Mỗi ngày có 2 cửa hàng VinMart+ được khai trương.

"Chúng ta đều biết, nếu xét về điểm bán lẻ, trung tâm thương mai, siêu thị, cửa hàng tiên lợi thì Vingroup đều nhiều hơn các nhà bán lẻ khác. Về quy mô cũng nhiều hơn. Có chăng chỉ là hiệu quả kinh doanh trên một điểm bán lẻ thì chưa bằng. Vì thế họ đang phải tập trung là: “Làm thế nào để doanh số của mỗi điểm bán lẻ phải tăng lên”. Vì thế, liên kết này là hoạt động để họ đạt được mục tiêu đó", TS Khương nhận định.

Hiện Vingroup hoạt động hầu hết các loại hình bán lẻ như trung tâm thương mai, siêu thị tổng hợp, siêu thị chuyên doanh, cửa hàng tiện lợi và cả bán lẻ online. Nền tảng thương mại điện tử của Vingroup cũng nằm trong số 10 địa chỉ mua sắm trực tuyến hàng đầu tại Việt Nam.

Vingroup sẽ dẫn dắt cuộc chơi ở thị trường bán lẻ ảnh 4

Vingroup "bán không lấy lãi", chiết khấu 0% cho hàng trăm doanh nghiệp thực phẩm

Vingroup sẽ dẫn dắt cuộc chơi ở thị trường bán lẻ ảnh 5

Vingroup triển khai chương trình hỗ trợ sản xuất nội địa quy mô lớn

Như vậy có thể dự đoán rằng, tương lai Vingroup sẽ là một tên tuổi lớn trong ngành bán lẻ. Ở đây có lẽ chúng ta chỉ nên xem kỹ xem bán lẻ đã đem lại lợi nhuận cho Vingroup chưa mà thôi. 

Bán lẻ Việt Nam ít nhất đến thời điểm này đang xuất hiện Vingroup, Saigon Coop, bán lẻ chuyên doanh thì có PNJ, Fahasa, Thế giới di động. 

TS Khương cho rằng, tổng thể thị trường bán lẻ vẫn chủ yếu do hệ thống bán lẻ truyền thống chi phối. Tức là các cửa hàng bán lẻ truyến thống. Vì vậy, doanh nghiệp nào chiếm lĩnh loại hình bán lẻ này thì mới dẫn dắt được sân chơi.

Trung tâm thương mại, siêu thị vẫn chỉ là nơi mua vào cuối tuần, vào dịp chứ chưa phải là nơi mua hàng ngày do thói quen tiêu dùng của người Việt Nam

Vì thế, mảng cửa hàng tiện lợi của Vingroup mới là mảng kinh doanh dẫn dắt cuộc chơi sau này. 

Khi họ có 1.000 - 2.000 điểm bán, lúc đó thị trường bán lẻ Việt Nam sẽ có một bức tranh khác

Đối chiếu cách làm của Vingroup với động thái đòi tăng chiết khấu của Big C, TS. Đào Xuân Khương cho rằng, mỗi doanh nghiệp đều có một cách làm. Mục tiêu cuối cùng của họ là phát triển chuỗi và hiệu quả kinh doanh trên từng điểm bán.

Mục tiêu của Vingroup và phát triển chuỗi và đẩy mạnh doanh số/điểm bán, vì thế Vingroup sẽ tập trung vào các nhà cung cấp giúp cho chuỗi này kéo người tiêu dùng tới cửa hàng và gia tăng doanh số. Tập trung hàng tươi sống là cách nhanh nhất kéo người tiêu dùng tới các điểm bán của Vingroup vì tần suất người tiêu dùng quay lại là hàng ngày.

Còn mục tiêu của Big C, tôi hiểu là họ đang tập trung cải thiện lợi nhuận/điểm bán. Vì thế họ phải tính toán đến việc lựa chọn nhà cung cấp đem lại cho họ lợi nhuận cao nhất.

TS. Đào Xuân Khương là chuyên gia tư vấn cao cấp về bán lẻ. Ông hiện đang là Chủ tịch của Công ty Cổ phần giải pháp phân phối KCP. Ngoài công việc kinh doanh TS. Đào Xuân Khương hiện đang giảng dạy tại trường doanh nhân PTI.
Mai Anh