Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội đang "đóng cửa" với báo chí

08/06/2016 13:35
Nhân Nghĩa
(GDVN) - Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội đang có dấu hiệu phạm Luật Báo chí khi không phối hợp cung cấp thông tin cho báo chí.

Nhiều vấn đề cần được làm rõ

Sau khi Báo điện tử Giáo dục Việt Nam có bài “Siêu thị Hàn Quốc K-Maker có “gian lận” về nguồn gốc xuất xứ sản phẩm?” những ngày qua đang được dư luận, bạn đọc quan tâm và có ý kiến về báo yêu cầu làm rõ vấn đề liên quan đến việc quản lý, giám sát, kiểm tra của Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội đối với sản phẩm CHOCO ROCK 2 (một loại kẹo đồ chơi) tại hệ thống siêu thị Hàn Quốc K - Market.

Sản phẩm có nguồn gốc xuất xứ từ Trung Quốc nhưng lại được dán mác Hàn Quốc
Sản phẩm có nguồn gốc xuất xứ từ Trung Quốc nhưng lại được dán mác Hàn Quốc 

Đây là sản phẩm được nhiều trẻ em ưa chuộng. Tuy nhiên, hệ thống siêu thị Hàn Quốc K-Market chuyên kinh doanh, bán lẻ các sản phẩm có xuất xứ 100% từ Hàn Quốc lại có dấu hiệu lừa dối người tiêu dùng khi dán mác Hàn Quốc nhưng bên trong sản phẩm lại có “xuất xứ từ Trung Quốc”.

Bên cạnh đó, bạn đọc cũng đã cung cấp đến Báo điện tử Giáo dục Việt Nam một đoạn video clip dài 8 phút ghi lại cảnh 2 cán bộ (1 nam, 1 nữ) mặc sắc phục của Quản lý thị trường, được cho là thuộc Đội Quản lý thị trường Hà Nội đang nhận “phong bì” của doanh nghiệp.

Hai cán bộ mặc sắc phục Quản lý thị trường vào cửa hàng uống nước trà nhận "vật" giống tiền mà không có động thái kiểm tra
Hai cán bộ mặc sắc phục Quản lý thị trường vào cửa hàng uống nước trà nhận "vật" giống tiền mà không có động thái kiểm tra

Video clip cho thấy, hai cán bộ Quản lý thị trường trên vào cửa hàng uống nước, cán bộ nam thì chân vắt vẻo chữ ngũ, 2 tay xoa xoa vào lòng bàn chân. Sau khi chủ cửa hàng đưa “phong bì” thì nhanh chóng cầm và đưa cho cán bộ nữ bỏ vào cặp  mà không có động thái kiểm tra cửa hàng.

Sau khi clip được đăng tải, rất nhiều bạn đọc, dư luận quan tâm, cho rằng một số mặt hàng trên thị trường chưa đảm bảo chất lượng là có sự tiếp tay của một bộ phận cán bộ Quản lý thị trường sau khi nhận “vật” giống tiền của doanh nghiệp?

Ngoài ra, vụ việc thẩm mỹ viện Thanh Hằng Beauty Medi (169 Bùi Thị Xuân, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) dính nghi án buôn lậu thuốc cũng đã được phóng viên đặt lịch làm việc với Quản lý thị trường Hà Nội.

Cụ thể, Báo điện tử Giáo dục Việt Nam đã phản ánh, trong thời gian dài, trên trang web và facebook của Thẩm mỹ viện Thanh Hằng Beauty Medi (beautymedi.vn) địa chỉ tại 169 Bùi Thị Xuân, Hai Bà Trưng (Hà Nội) liên tục xuất hiện thông tin quảng cáo, khuyến mãi sản phẩm “thuốc” REDUXAN được giới thiệu là “chống tăng cân”, nhập khẩu từ Đức.

Tuy nhiên, theo đại diện Cục Quản lý dược (Bộ Y tế) xác nhận với phóng viên Báo điện tử Giáo dục Việt Nam thì tính đến thời điểm hiện tại, chưa có sản phẩm nào có tên “Reduxan” được Cục Quản lý Dược cấp số đăng ký lưu hành thuốc hoặc cấp giấy phép nhập khẩu thuốc thành phẩm. Hiện tại, không có số đăng ký loại thuốc này tại Cục Dược.

Đồng thời, Cục Quản lý Dược cũng chưa cấp giấy xác nhận nội dung quảng cáo cho sản phẩm thuốc nào có tên “Reduxan”.

Vì sao Quản lý thị trường Hà Nội im lặng?

Để làm rõ 03 vấn đề mà Báo điện tử Giáo dục Việt Nam đã phản ánh, được bạn đọc, dư luận rất quan tâm trong thời gian qua, phóng viên đã nhiều lần đến Chi cục Quản lý thị trường thành phố Hà Nội để đặt lịch làm việc, tìm hiểu thông tin.

Tại đây, các cán bộ, nhân viên văn phòng thuộc đơn vị này đã hướng dẫn phóng viên để lại giấy giới thiệu, và hứa sẽ trao đổi lại với các lãnh đạo và cho lịch làm việc cụ thể trong ngày gần nhất.

Tuy nhiên, đã nhiều tuần trôi qua, phóng viên chờ sự “hồi âm” của đơn vị này nhưng vẫn “bặt vô, âm tín”.

Trong thời gian chờ đợi, đã có vài cuộc điện thoại từ đơn vị Chi cục Quản lý thị trường thành phố Hà Nội gọi đến nhưng không phải cung cấp thông tin mà chi nói:

“Vấn đề làm việc của anh, em sẽ báo cáo lại với lãnh đạo Chi cục nội dung làm việc và gọi lại cho anh sau”.

Hứa hẹn của nữ cán bộ Chi cục là vậy nhưng nhiều tuần trôi qua vẫn để phóng viên chờ đợi.

Trước cách làm việc thiếu nghiêm túc, loanh quanh với báo chí, rõ ràng Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội không những đang phạm Luật Báo chí mà còn khiến người dân nghi ngờ về sự minh bạch của cơ quan này.

Báo điện tử Giáo dục Việt Nam sẽ tiếp tục thông tin.

Nhân Nghĩa