Quận Hai Bà Trưng yêu cầu phóng viên phải có thẻ Nhà báo mới làm việc

20/06/2016 15:27
Thiện Chí
(GDVN) - Mặc dù phóng viên đã xuất trình giấy giới thiệu ghi rõ nội dung làm việc nhưng cán bộ đơn vị này không chấp nhận.

Thực tiễn hoạt động báo chí, nhiều phóng viên, nhà báo đang bị cản trở, gây khó khăn khi đi làm việc tại một số cơ sở. Điển hình, khi nhà báo đến làm việc, nhất là về vấn đề tiêu cực, các cơ sở thường đòi hỏi nhà báo phải có giấy giới thiệu, còn nếu phóng viên có giấy giới thiệu thì yêu cầu phải có thẻ Nhà báo. 

Đặc biệt, cách đây chưa lâu, tại Thông tư 01/2014/CA của Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao, Tòa án Nhân dân Tối cao đã đưa vào quy định nhà báo đến dự phiên tòa phải có cả thẻ Nhà báo và Giấy giới thiệu. Quy định này đã gây dư luận không đồng tình từ báo giới và dư luận xã hội. 

Không phải chỉ có Tòa án có quy định như thế, mà ngay cả một số phường, xã của Hà Nội, khi nhà báo muốn làm việc với lãnh đạo phường thường bị yêu cầu quay trở lại cơ quan xin giấy giới thiệu. Nay, điều này sẽ không còn nữa bởi quy định luật rất rõ ràng. Khi luật Báo chí có hiệu lực từ ngày 01/1/2017 thì những quy định như thế này sẽ không tồn tại.

Nói thế không có nghĩa là, bây giờ phóng viên chưa có thẻ nhà báo (phóng viên tác nghiệp bằng giấy giới thiệu) là chưa được bảo vệ. Thực tế, ngay từ Nghị định 159/2013/NĐ-CP, ký ngày 12/11/2013, có hiệu lực vào ngày 1/1/2014, đã ghi nhận và bảo hộ quyền tác nghiệp của phóng viên chưa có thẻ Nhà báo.

Với lý giải tương tự, trong Nghị định 159, danh xưng “phóng viên” được đặt bên cạnh danh xưng “nhà báo” và được bảo vệ như nhau trước những hành vi cản trở trái pháp luật, uy hiếp tính mạng, hủy hoại, cố ý làm hư hỏng, thu giữ trái phép phương tiện, tài liệu​​​

Thời gian qua, Báo điện tử Giáo dục Việt Nam có loạt bài phản ánh về tình trạng khai thác cát trá hình trên sông Hồng thuộc địa bàn quận Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng, Long Biên (Hà Nội) được đông đảo bạn đọc quan tâm, ủng hộ và lãnh đạo thành phố Hà Nội cũng thường xuyên có chỉ đạo Công an Hà Nội, cụ thể là Phòng Cảnh sát Môi trường - PC49 vào cuộc kiểm tra, xử lý.

Trong đó có liên quan đến việc, Công ty Cổ phần đầu tư khai thác và Phát triển khoáng sản Sông Hồng thực hiện dự án nạo vét luồng đường thủy nội địa, đoạn từ km 177+000 đến km182+000 trên sông Hồng thuộc địa bàn các quận trên đang có dấu hiệu vi phạm khi thực hiện dự án.

Để làm rõ vấn đề và trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước trong việc kiểm tra, giám sát việc thực hiện của đơn vị, phóng viên Báo điện tử Giáo dục Việt Nam đã đến đặt lịch làm việc với UBND quận Hai Bà Trưng.

Ông Hùng cho rằng mình đang làm đúng theo nguyên tắc của Nhà nước (Ảnh Thiện Chí)
Ông Hùng cho rằng mình đang làm đúng theo nguyên tắc của Nhà nước (Ảnh Thiện Chí)

Khi phóng viên đến trụ sở UBND quận Hai Bà Trưng thì được một nhân viên bảo vệ yêu cầu sang Phòng Tiếp dân của quận có địa chỉ tại 30 phố Lê Đại Hành để làm việc.

Tại phòng Tiếp dân, một cán bộ tên Hùng liên tục có hành vi, thái độ hạch sách, gây khó khăn cho phóng viên. 

Cụ thể, ông Hùng yêu cầu:“Anh không có thẻ Nhà báo theo quy định của Nhà nước, thì anh phải có chứng minh thư rồi ghi rõ nội dung làm việc”.

Khi phóng viên xuất trình chứng minh thư và giấy giới thiệu thì vị cán bộ này lại yêu cầu phóng viên phải về xin chữ ký xác nhận của Tổng biên tập Báo.

Phóng viên đặt câu hỏi: “Anh căn cứ vào quy định nào để yêu cầu phóng viên phải có thẻ Nhà báo mới tiếp?", ông Hùng lý giải:“Nếu thế thì người ta cấp thẻ Nhà báo làm gì?”

Không trích dẫn được quy định pháp luật, ông Hùng liền trình ra văn bản của Bộ Thông tin và Truyền thông về việc gia hạn thẻ Nhà báo, nội dung văn bản này không liên quan gì đến việc quy định phóng viên phải có thẻ Nhà báo.

Sau một hồi hạch sách, gây khó khăn cho phóng viên, vị cán bộ tên Hùng cuối cùng cũng không tiếp nhận giấy giới thiệu, không sắp xếp lịch làm việc để cung cấp thông tin cho báo chí.

Theo Luật báo chí mới tại khoản 12, điều 9 quy định: nghiêm cấm hành vi “đe dọa, uy hiếp tính mạng, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của nhà báo, phóng viên; phá hủy, thu giữ phương tiện, tài liệu, cản trở nhà báo, phóng viên hoạt động nghề nghiệp đúng pháp luật”.

Nghị định 159 có hiệu lực bắt đầu từ ngày 1/1/2014 mở rộng đối tượng được bảo vệ trong khi tác nghiệp báo chí bao gồm hai đối tượng “nhà báo” và “phóng viên”. Nhà báo là người hoạt động báo chí được Bộ Thông tin và Truyền thông cấp thẻ. Phóng viên là những người hoạt động báo chí, đưa tin viết bài, chụp ảnh được cơ quan báo chí cử đi tác nghiệp báo chí mà chưa có thẻ nhà báo.

Trong Nghị định 159, Điều 7 về Hành vi cản trở trái pháp luật hoạt động báo chí, ghi rõ:

Khoản 1, phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đối với hành vi cản trở trái pháp luật hoạt động nghề nghiệp của nhà báo, phóng viên.

Khoản 2, phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng với hành vi xúc phạm danh dự, nhân phẩm của nhà báo, phóng viên khi đang hoạt động nghề nghiệp.

Khoản 3, phạt tiền đến 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau: Uy hiếp tính mạng nhà báo, phóng viên; Hủy hoại, cố ý làm hư hỏng phương tiện, tài liệu hoạt động của nhà báo, phóng viên; Thu giữ trái phép phương tiện, tài liệu hoạt động báo chí của nhà báo, phóng viên.

Với Nghị định mới này, Nhà nước đã nâng cao biện pháp bảo vệ nhà báo, đồng thời công nhận và bảo vệ lực lượng phóng viên tác nghiệp báo chí chưa có thẻ nhà báo trong hoạt động báo chí.

Thiện Chí