Tại sao đồng tiền mất giá, chứng khoán mất điểm theo những buồn vui?

28/06/2016 14:13
Ngọc Việt
(GDVN) - Việc cần thiết để có thể tránh thiệt hại bởi các sự kiện chính là các cá nhân, các tổ chức phải bình tĩnh xác định giá trị thông tin và hiệu ứng của nó.

Theo BBC ngày 27/6, tác động của Brexit tới thị trường tiền vẫn tiếp tục gây hậu quả nặng nề. Theo đó, đồng bảng Anh giao dịch ở mức 1,3365 USD, tức giảm 3% giá trị kể từ thời điểm đóng cửa phiên giao dịch ngày 24/6. So với euro, đồng bảng giao dịch ở mức 1,2147 euro, tức giảm 1,4% giá trị.

Trước đó, vào ngày 24/6 đen tối, bảng Anh giảm xuống ở mức thấp kỷ lục khi 1 bảng = 1,32 USD. Trước tình hình hình này, Bộ trưởng Tài chính Anh George Osborne phải có phát biểu để xoa dịu thị trường nhằm tránh thiệt hại thêm nữa cho nền kinh tế.

Trước đó, ngày 26/6, Tổng Giám đốc Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) Christine Lagarde khẳng định rằng thị trường vẫn kiểm soát được. Trong khi chỉ riêng ngày 24/6, thị trường chứng khoán thế giới đã mất hơn 2.000 tỉ USD giá trị.

Ông Jeremy Cook, Kinh tế trưởng công ty trao đổi ngoại hối World First, dự đoán đồng bảng Anh có thể sẽ giảm thêm 10% giá trị so với đồng USD trong những tháng tới khi tình hình chưa thể khả quan.

Còn tại Việt Nam, chốt phiên giao dịch sáng 27/6, VN-Index rớt thêm 7,5 điểm (giảm 1,21%), xuống mức 613,27 điểm. Có thời điểm VN-Index giảm đến 11 điểm, xuyên thủng mốc 610 điểm, toàn thị trường ngập trong sắc đỏ và nhanh chóng loang sang nhiều mã cổ phiếu có giá trị vốn hóa cao như VIC, VNM, VCB, BID…

Trong phiên cuối tuần trước thị trường chứng khoán Việt Nam đã lao dốc mạnh với sự hoảng loạn đáng kể của các nhà đầu tư, ước tính 25.000 tỉ đồng (tương đương hơn 1 tỉ USD) đã “bốc hơi” khỏi sàn, theo tuoitreonline.vn.

Thị trường chứng khoán Việt Nam trong cơn lốc Brexit, ảnh: Tuoitrenews.
Thị trường chứng khoán Việt Nam trong cơn lốc Brexit, ảnh: Tuoitrenews.

Như vậy là, việc giải toả tâm lý “tức nước” của người dân Anh dẫn đến “vỡ bờ” là Brexit xảy ra, được tiền tệ hoá, chứng khoán hoá mức độ thiệt hại và hậu quả là những khoản tài sản của nền kinh tế bốc hơi qua việc mất giá của đồng tiền, mất điểm của chứng khoán.

Người viết đã nhận được rất nhiều câu hỏi tại sao hiệu ứng sau mỗi sự kiện kinh tế - chính trị thế giới lại thường làm đồng tiền mất giá, chứng khoán mất điểm? Bản chất của việc đó là gì? Liệu có thể tránh được không và tránh bắng cách nào?

Với khả năng hiểu biết của mình, người viết xin được lý giải vấn đề này cùng qúy bạn đọc.

Tại sao giá trị đồng tiền có thể thay đổi qua những buồn vui?

Theo lịch sử các học thuyết kinh tế, tiền tệ ra đời khi việc trao đổi theo phương thức “hàng đổi hàng” tỏ ra bất tiện bởi sự không tương đồng giữa giá trị và giá trị sử dụng của các hàng hoá được đổi trao.

Ban đầu vàng, bạc được dùng làm đơn vị trao đổi thay thế cho hàng hoá, nhưng vẫn còn nhiều bất tiện nên tiền giấy ra đời. Điều đó cho thấy, tiền tệ chỉ là công cụ thay thế cho hàng hoá trong trao đổi, nghĩa là giá trị của tiền tệ được quyết định bởi giá trị hàng hoá.

Giá trị đồng tiền của một quốc gia phụ thuộc vào giá trị sản phẩm hàng hoá – dịch vụ được tạo ra trong thời hạn nhất định, thường là một năm – gọi là thường niên.

Khi tổng giá trị hàng hoá sản phẩm – dịch vụ được tạo ra (GDP) mà thấp hơn tổng giá trị tiền tệ đại diện cho nó thì đồng tiền mất giá. Khi quốc gia được thành lập, chính quyền sẽ dựa trên những số liệu của chính quyền trước đó để xác định GDP và qua đó quyết định có in thêm tiền hay không để đảm bảo giá trị đồng tiền.

Khi không có cơ sở đó thì chính quyền sẽ sử dụng một loại tài sản để đảm bảo giá trị tượng trưng của đồng tiền và sau một năm hoặc một khoảng thời gian nhất định (nhưng phải hơn 1 năm) thì sẽ tổng hợp số liệu về GDP để xác định giá trị thực của đồng tiền và đó được xem là mốc giá khởi phát cho đồng tiền mới.

Có thể hình dung việc đó qua sự ra đời đồng tiền của Việt Nam sau Cách mạng tháng Tám 1945.

Trong "Tuần lễ vàng" do chính quyền Cách mạng tổ chức, cả nước đã quyên góp được 370kg vàng và 20 triệu đồng Đông Dương. Đây được xem là cơ sở đảm bảo đầu tiên cho việc phát hành giấy bạc Việt Nam Dân chủ Cộng hòa theo quyết định của Chính phủ ngày 31/11/1946.

Sau 5 năm, khi đã xác định được GDP quốc gia, ngày 5/6/1951, cùng với việc thành lập Ngân hàng Quốc gia Việt Nam, giấy bạc ngân hàng chính là đồng tiền quốc gia, đã chính được phát hành. 

Khi GDP năm sau = GDP năm trước thì đồng tiền được đảm bảo giá trị. GDP năm sau > GDP năm trước thì đồng tiền được xem là mạnh. GDP năm sau <GDP năm trước thì đồng tiền được xem là yếu và là nguyên nhân của tình trạng lạm phát.

Như vậy là, giá trị đồng tiền quốc gia luôn được xác định trên cơ sở GDP thường niên của quốc gia. Điều đó cho thấy, hoạt động sản xuất – kinh doanh làm thay đổi giá trị tài sản xã hội là yếu tố quyết định giá trị của đồng tiền. 

Và qua đó nhận thấy những yếu tố tác động làm thay đổi hoạt động sản xuất – kinh doanh tại một quốc gia được xác định là sẽ tác động đến việc thay đổi giá trị đồng tiền của một quốc gia trong một thởi điểm bất kỳ hay chu kỳ nhất định.

Có thể nhận diện những yếu tố ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất – kinh doanh quốc gia như thiên tai hay địch hoạ, sai lầm hay chuẩn xác trong chính sách hoặc cơ chế, thể chế kìm hãm hay thúc đầy sự phát triển...

Có lẽ tình hình tại đất nước Zimbabwe cho thấy rất rõ điều ấy. Tình hình sản xuất – kinh doanh tại Zimbabwe rất trì trệ.

Tại sao đồng tiền mất giá, chứng khoán mất điểm theo những buồn vui? ảnh 2

Trung Quốc ngấm đòn "gậy ông đập lưng ông"

(GDVN) - Trung Quốc đã tham gia vào sân chơi của kinh tế thế giới thì phải tuân thủ luật chơi, nếu không sẽ lợi bất cập hại và có thể đến lúc mất cả chì lẫn chài.

Tổng giá trị hàng hoá, sản phẩm, dịch vụ được tạo ra quá ít, trong khi chính phủ nước này liên tục phát hành tiền và đưa vào lưu thông, từ đó dẫn đến hậu quả là 175.000.000 tỷ đô la Zimbabwe (ZWD) mới đổi được 5USD, theo Bloomberg ngày 13/6/2015.

Thậm chí ở Việt Nam, người ta đổi 500.000 VND lấy 100.000 tỷ ZWD chỉ để giữ làm lưu niệm.

Khi xã hội phát triển, tiến bộ xã hội tạo nên một thế giới hội nhập thì có thêm nhiều hiệu ứng nằm ngoài ranh giới quốc gia có thể ảnh hưởng đến hoạt động kinh tế của một hay một số quốc gia nào đó và làm thay đổi giá trị đồng tiền của những quốc gia đó.

Có thể nhận diện những hiệu ứng đó là các sự kiện kinh tế - chính trị lớn hay đặc biệt xảy ra trên thế giới ảnh hưởng trực tiếp hay gián tiếp đến một quốc gia, một số quốc gia, một khu vực hay cả thế giới. 

Những sự kiện đó sẽ gây ra hiệu ứng “lắng nghe và biểu cảm” được thể hiện qua sự hưng phấn hay lo lắng, hoang mang đối với người dân các quốc gia, lực lượng tham gia vào hoạt động sản xuất – kinh doanh.

Khi người dân bị lôi cuốn vào một sự kiện nào đó kèm theo tâm trạng sẽ ảnh hưởng đển khả năng hoàn tất công việc của họ, từ đó ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất – kinh doanh của một đơn vị kinh tế, một ngành kinh tế và cả nền kinh tế quốc dân. 

Như vậy là tâm trạng của người dân đối với mỗi sự kiện sẽ làm ảnh hưởng đến việc tạo ra giá trị hàng hoá, sản phẩm, dịch vụ, có thể tăng, có thể giảm, có thể không tăng không giảm, nghĩa là giá trị đảm bảo cho đồng tiền có thể thay đổi qua các sự kiện khiến cho đồng tiền thay đổi giá trị.

Một nền kinh tế, một số nền kinh tế, thậm chí cả nền kinh tế toàn cầu có thể lớn lên hay nhỏ đi sau một sự kiện và hệ quả tiếp theo là giá trị các đồng tiền thay đổi có lợi hay có hại cho các nền kinh tế khác nhau.

Sự kiện càng lớn hay tính chất của sự kiện càng nhạy cảm thì hiệu ứng của nó càng mạnh, sự kiện xảy ra tại các quốc gia có mức độ hội nhập càng sâu, tại các nền kinh tế đóng vai trò càng lớn trên thế giới thì hiệu ứng của sự kiện tác động đến giá trị tiền tệ trên thế giới càng mạnh.

Vì vậy, những nhà đầu cơ cơ hội chỉ cần nhận diện mức độ của hiệu ứng, hay tác động vào các sự kiện khiến cho hiệu ứng của nó tạo những tâm trạng khác nhau trong đời sống theo ý muốn là họ có thể làm giàu.

Hiện nay, hiệu ứng Brexit đang tác động theo cơ chế như vậy.

Nhận diện bản chất thị trường chứng khoán tăng giảm điểm trước những sự kiện  

Khi xã hội phát triển, chế độ đa sở hữu ra đời. Một hay một vài cá nhân sở hữu một đơn vị kinh tế mà ta tạm gọi là công ty hay doanh nghiệp nào đó muốn chia sẻ quyền lợi, trách nhiệm và rủi ro với nhiều người khác nhưng không thể kêu gọi một cách trực tiếp theo kiểu quen, thân, tin được nữa thì cổ phần ra đời.

Người ta chia giá trị doanh nghiệp thành một số đơn vị cố định với những giá trị nhất định gọi là cổ phần và những người mua cổ phần gọi là cổ đông của doanh nghiệp, công ty. Chẳng hạn, giá trị công ty được xác định là 100 triệu VND (D), nếu chia cho 1.000 cổ phần (L) thì giá trị mỗi cổ phần sẽ là: V = D/L = 100 triệu / 1.000 = 100.000 VND.

Sắc xanh trên bảng điện tử cho thấy vẫn có những loại cổ phiếu tại Việt Nam miễn nhiễm với Brexit. Hình minh họa, ảnh: Internet.
Sắc xanh trên bảng điện tử cho thấy vẫn có những loại cổ phiếu tại Việt Nam miễn nhiễm với Brexit. Hình minh họa, ảnh: Internet.

Khi những cổ đông muốn mua bán cổ phần bất cứ lúc nào, cho bất cứ ai thì cần một nơi có thể thực hiện điều ấy và thị trường chứng khoán giá đời. Lúc đó cổ phần của các công ty, doanh nghiệp trở thành cổ phiếu trên thị trường chứng khoán và được đảm bảo bằng một loại giấy tờ có giá trị như tiền tệ và có thể chuyển nhượng.

Khi những yếu tố càn thiết cho một thị trường chứng khoán ra đời và hoạt động thì sẽ có một số lượng nhất định các công ty được chọn tham gia thị trường chứng khoán ban đầu và tổng giá trị ban đầu ấy được gắn với một số điểm quy ước theo quyết định của cơ quan quản lý.

Và đó chính là điểm khởi phát - cơ sở ban đầu tính điểm cho một thị trường chứng khoán. Chẳng hạn như thị trường chứng khoán Hà Nội có điểm khởi phát là 100 điểm, theo tài liệu của Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước.

Khi số lượng đơn vị tham gia thị trường chứng khoán gia tăng hoặc giá trị giao dịch tăng thì điểm của thị trường chứng khoán cũng gia tăng và ngược lại.

Tuy nhiên, nếu điểm của một sàn chứng khoán giảm xuống dưới ngưỡng quy định, chẳng hạn giảm 50% điểm khởi phát thỉ sàn chứng khoán ngừng giao dịch và có thể được xem xét có tiếp tục hay không.

Như vậy, cơ sở của chứng khoán và thị trường chứng khoán cũng là giá trị của sản phẩm hàng hoá, dịch vụ và cũng chịu ảnh hưởng của hoạt động sản xuất – kinh doanh.

Tuy nhiên, nếu như tiền tệ gắn với hoạt động kinh tế của cả một quốc gia bởi mỗi quốc gia chỉ phát hành một đồng tiền, thì chứng khoán gắn liền với cả hoạt động kinh tế quốc gia, cả với hoạt động sản xuất – kinh doanh của từng đơn vị kinh tế cụ thể.

Mỗi doanh nghiệp có thể phát hành một loại cổ phiếu, vì vậy mức độ nhạy cảm của chứng khoán cao hơn so với tiền tệ trước hiệu ứng của một sự kiện nào đó. Biểu hiện rõ nét là thị trường chứng khoán có thể thay đổi khi một sự kiện nào đó diễn ra nhưng thị trường tiền tệ thì không hẳn như vậy.

Đây cũng được xem là mức độ mạo hiểm của người tham gia thị trường chứng khoán.

Có thể thấy rằng, Brexit tác động tới thị trường tiền tệ Việt Nam không quá lớn, giá trị của VND không thay đổi nhiều. Cụ thể, theo số liệu tại ngân hàng Vietcombank tỷ giá USD/VND ngày 27/6/2016 được niêm yết tại mức 22.295 - 22.365 VND/USD chiều mua vào và 22.365 đồng/USD chiều bán ra.

Trong ngày 24/6 tỉ lệ này là là 22.300 – 22.370 VND/USD (mua vào – bán ra), tỷ lệ biến động chỉ chưa tới 0,0225%. Tuy nhiên thị trường chứng khoán Việt Nam thì ảnh hưởng rất nhiều, bởi hiệu ứng kép trong tác động của Brexit tới thị trường chứng khoán. 

Tại sao đồng tiền mất giá, chứng khoán mất điểm theo những buồn vui? ảnh 4

Brexit: Nước Anh không sốc sao chúng ta phải sốc?

(GDVN) - Kinh tế Việt Nam bị ảnh hưởng như thế nào bởi Brexit thì có lẽ phải hàng năm nữa mới có thể nhận diện kết quả.

Theo Vneconomy, chốt phiên sáng 27/6, VN-Index rớt thêm 7,5 điểm (giảm 1,21%). Tuy nhiên, trên bảng giá trị và chỉ số chứng khoán Việt Nam khi diễn ra Brexit và hậu Brexit, thì có sắc đỏ - giảm điểm và sắc xanh – tăng điểm, điều đó đồng nghĩa là không phải hiệu ứng Brexit có thể tác động tiêu cực tới mọi loại cổ phiếu.

Hoặc tác động tiêu cực từ Brexit không đủ mạnh làm thay đổi hoạt động sản xuất – kinh doanh của một doanh nghiệp nào đó nên cổ phiếu của đơn vị đó vẫn được giao dịch bình thường. Như vậy thị trường chứng khoán diễn biến khó đoán hơn.

Có thể thấy rằng, thị trường chứng khoán chịu ảnh hưởng cả ở tầm vĩ mô lẫn vi mô nên mới được xem là phong vũ biểu của nền kinh tế - nghĩa là thể hiện rõ nét nhất thực trạng của một nền kinh tế.

Như vậy, cả tiền tệ và chứng khoán đều bị ảnh hưởng bởi hiệu ứng của các sự kiện lớn, đặc biệt diễn ra trên thế giới, như hiện nay đang là Brexit, nhưng độ nhạy cảm của chứng khoán lớn hơn và khó dự báo hơn. 

Đặc biệt, khi tham gia mua bán cổ phiếu thì người mua, người bán – nhà đầu tư – nhiều khi chỉ biết đơn vị phát hành cổ phiếu qua thông tin, chứ không biết thực tế hoạt động của nó ra sao, trong khi cổ phiếu chỉ là một loại giấy có giá trị và có thể thay đổi giá trị nên mức độ rủi ro của nhà đầu tư là cực kỳ lớn.

Do vậy, với chứng khoán thì thông tin về hoạt động của các doanh nghiệp được xem là yếu tố quyết định và mua bán chứng khoán có thể được xem không khác gì là hoạt động mua bán thông tin trong hoạt động kinh tế.   

Tóm lại, tiền tệ và chứng khoán là những loại tài sản có độ nhạy cảm rất lớn với những thông tin về các sự kiện. Vì vậy, những nhà đầu cơ cơ hội khai thác yếu tố này để làm giàu và họ không ngần ngại tạo ra những thông tin không xác thực về một sự kiện nào đó.

Bằng việc làm cho tâm lý đám đông có thể hỗn loạn, những nhà đầu cơ coi đó là cơ hội cho họ gây hại cho người khác và làm lợi cho bản thân họ. 

Do đó, việc cần thiết để có thể tránh thiệt hại bởi các sự kiện chính là các cá nhân, các tổ chức phải bình tĩnh xác định giá trị thông tin và hiệu ứng của nó để có quyết định chính xác cho hành động, hoạt động của mình.

Chẳng hạn, giá trị hàng hoá xuất khẩu của Việt Nam sang nước Anh chỉ 2,5% tổng kim ngạch xuất khẩu, theo số liệu của Tổng cục Thống kê, nên tình hình kinh tế - chính trị tại xứ sở sương mù hậu Brexit không ảnh hưởng quá lớn đến hoạt động thương mại của Việt Nam, vì vậy các doanh nghiệp xuất khẩu không quá lo lắng về hiệu ứng tiêu cực của Brexit trên đất nước Anh. 

Ngọc Việt