Sau 12/7, Trung Quốc có trở thành kẻ ngoài vòng pháp luật?

30/06/2016 08:41
Hồng Thủy
(GDVN) - Tiến sĩ Trần Công Trục cho hay, dù mong manh, nhưng ông vẫn hy vọng đến phút chót Trung Quốc có thể thay đổi thái độ, chấp nhận thực thi phán quyết của PCA.

South China Morning Post ngày 30/6 đưa tin, Tòa Trọng tài Thường trực (PCA) ở The Hague, Hà Lan hôm Thứ Tư thông báo, Tòa sẽ chính thức ra phán quyết vụ Philippines khởi kiện Trung Quốc (áp dụng sai, giải thích sai và vi phạm UNCLOS 1982) ở Biển Đông vào ngày 12/7 tới.

Luật sư Paul Reichler đại diện cho Philippines trong một phiên điều trần tại PCA, ảnh: Rappler.
Luật sư Paul Reichler đại diện cho Philippines trong một phiên điều trần tại PCA, ảnh: Rappler.

Trả lời phỏng vấn hãng Reuters, luật sư Paul Reicher được Philippines thuê làm đại diện cho mình tại PCA tin tưởng rằng, PCA sẽ ra phán quyết chống lại yêu sách đường lưỡi bò vô lý, phi pháp (và bành trướng) của Bắc Kinh. Nếu tiếp tục không chấp nhận vụ kiện và phán quyết của Tòa, Trung Quốc sẽ trở thành một quốc gia "ngoài vòng pháp luật".

Reichler, người đứng đầu nhóm luật sư đại diện cho Philippines trong vụ kiện kéo dài 3,5 năm cho biết, ông không có thông tin nào về phán quyết của Tòa thời điểm này và cũng không mong đợi được thông báo nó cho đến phút cuối cùng.

Tuy nhiên ông tin rằng thân chủ của mình - Philippines sẽ thành công. Theo luật sư Reichler, phán quyết của PCA có thể tước đi bất kỳ cơ sở pháp lý nào của Trung Quốc cho việc thực hiện một yêu sách (bành trướng) như vậy. Việc không chấp nhận và thực thi phán quyết chẳng khác nào Trung Quốc tự tuyên bố họ là một nhà nước sống ngoài vòng pháp luật.

Reichler là một luật sư quốc tế có uy tín rất lớn, thường nhận đại diện cho nước nhỏ chống lại các siêu cường. Năm 1980 ông đại diện cho Nicaragua trong vụ kiện Hoa Kỳ tài trợ cho phiến quân Contra chống lại chính phủ cánh tả.

Giữa lúc căng thẳng tăng cao trên Biển Đông, luật sư Reichler nhấn mạnh: Không ai muốn, thậm chí không ai nên sử dụng vũ lực. Ông dự đoán Trung Quốc sẽ phải đối mặt với áp lực phải tuân theo phán quyết từ các nước khác, gồm Việt Nam, Indonesia và Malaysia.

"Có thể đến lúc Trung Quốc sẽ nhận ra rằng, họ có nhiều điều để mất hơn trong việc gây ra tình trạng hỗn loạn vô luật pháp", Reichler nói.

Đồng quan điêm này, Tiến sĩ Trần Công Trục, chuyên gia về biên giới lãnh thổ và Luật Biển, UNCLOS 1982 cho biết, Hội đồng Trọng tài 5 thẩm phán đều là những chuyên gia hàng đầu thế giới về Luật Biển do PCA lựa chọn từ Tòa án Quốc tế về Luật Biển để thụ lý vụ án.

Hơn ai hết họ hiểu tầm quan trọng của vụ kiện đến sự sống còn của UNCLOS 1982 cũng như trách nhiệm của họ trong việc bảo vệ tính trong sáng, hiệu lực pháp lý của Công ước - thành quả của nhân loại sau bao mồ hôi, công sức, thời gian và tiền bạc mới có được bộ luật được coi là "Hiến pháp xanh" cho các vùng biển và đại dương.

Tiến sĩ Trần Công Trục cho hay, dù mong manh, nhưng ông vẫn hy vọng đến phút chót Trung Quốc có thể thay đổi thái độ, chấp nhận thực thi phán quyết của PCA.

Vì hành động đó chỉ chứng tỏ sự dũng cảm, trưởng thành, ý thức thượng tôn và bảo vệ luật pháp quốc tế của một thành viên Công ước, thành viên Thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, thay vì trở thành kẻ càn quấy ngoài vòng pháp luật.

Cũng trên tờ South China Morning Post ngày 19/6 cho hay, các quan chức Bộ Ngoại giao Trung Quốc "tâm sự riêng" rằng, Bắc Kinh đã nghĩ đến việc thuê đội ngũ luật sư hàng đầu để chống lại vụ kiện của Philippines, nhưng những luật sự giỏi nhất về luật quốc tế, UNCLOS đã bị Manila thuê mất.

Hồng Thủy