Phần Đọc hiểu của môn tiếng Anh dài, nhiều từ mới

01/07/2016 17:40
Thùy Linh - Việt Dũng
(GDVN) - Kết thúc môn thi tiếng Anh, nhiều thí sinh đánh giá phần đọc hiểu của đề thi vừa dài vừa nhiều từ mới, phần viết luận khó.

Chiều 1/7, gần 900.000 thí sinh dự kỳ thi THPT Quốc gia 2016 tiếp tục bước vào môn thi Ngoại ngữ. Đây là 1 trong 3 môn thi bắt buộc nhằm xét công nhận tốt nghiệp THPT.

Đề thi có hai phần thi viết và trắc nghiệm, trong thời gian 90 phút. Giờ phát đề cho thí sinh là 14h15, giờ bắt đầu làm bài là 14h30 phút.

Kết thúc môn thi tiếng Anh, nhiều thí sinh đánh giá phần Đọc hiểu của đề thi vừa dài vừa nhiều từ mới, phần viết luận khó. 

Đề thi môn Tiếng Anh mã đề 642 (Ảnh: Thu Ngà)
Đề thi môn Tiếng Anh mã đề 642 (Ảnh: Thu Ngà)

Thí sinh đầu tiên bước ra phòng thi tại điểm thi Học viện kỹ thuật quân sự nhận xét: “Đề thi năm nay phần viết khá dài, phần chuyển đổi câu khó”. 

Thí sinh Nguyễn Thị Thanh Huyền (học sinh trường THPT Vạn Xuân, Hà Nội) chia sẻ: “Đề thi năm nay khó hơn năm ngoái, với bài làm của mình em dự kiến chỉ đạt được 6 điểm. Phần Đọc hiểu chiếm mất nhiều thời gian vì khá dài và nhiều từ mới”. 

Một thí sinh xin được giấu tên, khá tự tin với bài làm của mình có thể đạt được 8 điểm đánh giá: “Đề thi Tiếng Anh năm nay vừa sức với em tuy nhiên phần Đọc hiểu hơi dài, riêng bài đọc thứ 2 có nhiều từ ngữ khá mới so với chúng em”. 

Nhiều thí sinh đánh giá phần Đọc hiểu của đề thi vừa dài vừa nhiều từ mới, phần viết luận khó (Ảnh: Thùy Linh)
Nhiều thí sinh đánh giá phần Đọc hiểu của đề thi vừa dài vừa nhiều từ mới, phần viết luận khó (Ảnh: Thùy Linh)

Trong khi đó, hầu hết các thí sinh thi tại khu vực TP.Hồ Chí Minh ngay sau khi kết thúc giờ làm bài thi môn tiếng Anh vào chiều ngày 1/7 cũng cho rằng, đề thi có 64 câu trắc nghiệm dài tới 6 trang (8 điểm), 5 câu tự luận (2 điểm) là quá dài so với thời gian làm bài được cho phép.

Tại điểm thi trường trung học phổ thông Nguyễn Khuyến (quận 10), một điểm thi của trường Đại học Bách Khoa, phải đến 16h15, thí sinh đầu tiên mới bước ra khỏi cổng điểm thi.

Thí sinh Đặng Ngọc Mai (học sinh trường Nguyễn Du, quận 10) đánh giá, đề thi nhìn chung là cho khá nhiều câu khó.

Trong phòng thi của Mai, rất nhiều em bỏ nhiều câu trong đề thi, và Mai cũng không nằm ngoại lệ. Thí sinh Mai cho biết, em chỉ làm hết khoảng 60% đề bài yêu cầu.

Hai thí sinh trao đổi kết quả làm bài tiếng Anh ở điểm thi THPT Nguyễn Khuyến chiều 1/7 (ảnh: P.L)
Hai thí sinh trao đổi kết quả làm bài tiếng Anh ở điểm thi THPT Nguyễn Khuyến chiều 1/7 (ảnh: P.L)

Em Đoàn Ngọc Nhi (học sinh trường Nguyễn Thị Minh Khai, quận 3) cũng đồng ý với quan điểm của thí sinh Mai.

Nhi cho rằng, đối với đề thi như chiều hôm nay, chỉ những em nào học chuyên Anh thì mới có khả năng làm được 80, 90% đề bài, còn em nào học không chuyên hay không giỏi tiếng Anh thì chỉ đạt được ở mức trung bình, hoặc trên một chút.

Dù vậy, Nhi vẫn hy vọng rằng sẽ không bị điểm ‘liệt’, đủ để yêu cầu xét tốt nghiệp như bình thường.

Tuy nhiên, là học sinh chuyên tiếng Anh của trường trung học phổ thông Nguyễn Thượng Hiền, quận Tân Bình, em Nguyễn Ngọc Tuấn thì nhận định đề thi tiếng Anh vừa thi xong cũng bình thường, nhưng câu hỏi viết luận khá hay.

“Câu hỏi này bắt viết đoạn văn ngắn về vấn đề lợi ích của môn bơi lội rất thời sự, khá bất ngờ. Em viết cũng khá tốt, chắc cũng được 7 điểm với bài thi môn này” – Tuấn chia sẻ.

Vào sáng ngày 1/7, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Bùi Văn Ga đã dẫn đầu đoàn công tác của Bộ đến thăm, kiểm tra công tác coi thi tại trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn và Đại học Khoa học Tự nhiên TP.Hồ Chí Minh.

Theo đánh giá của Thứ trưởng Bùi Văn Ga, cho tới nay, công tác tổ chức thi đã diễn ra đúng theo kế hoạch, chưa xảy ra vấn đề nào sai sót hay sự cố trên cả nước.

Các bộ, ngành ở trung ương, các địa phương, các trường Đại học, các Sở Giáo dục và Đào tạo, thanh niên tình nguyện đã có sự phối hợp chặt chẽ, hỗ trợ tích cực các thí sinh ở xa rất hiệu quả.

Buổi chiều cùng ngày, đoàn công tác của Bộ Giáo dục và Đào tạo đi kiểm tra tình hình thi ở khu vực Đồng Bằng Sông Cửu Long.

Thùy Linh - Việt Dũng