SCIC trả lương lãnh đạo hơn 100 triệu đồng/tháng

07/07/2016 15:12
Mai Anh
(GDVN) - Lãnh đạo SCIC khẳng định, khoản thu nhập hơn 100 triệu đồng/tháng của viên chức quản lý tại doanh nghiệp này là mức chi trả đúng với quy định của Chính phủ.

Trả lương đúng quy định 

Tổng Công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) vừa phát đi thông cáo nhấn mạnh, việc chi trả tiền lương, thưởng cho viên chức quản lý và người lao động SCIC tuân thủ đúng quy định của pháp luật và phù hợp kết quả hoạt động kinh doanh của SCIC.

Thực tế, năm 2015, doanh thu và lợi nhuận trước thuế của SCIC thực hiện vượt mức so với kế hoạch kinh doanh được phê duyệt.

Với khoản thu nhập hơn 100 triệu đồng mỗi tháng của viên chức quản lý, đánh giá của lãnh đạo SCIC khẳng định, số tiền trên bao gồm tiền lương, tiền thưởng và thù lao. 

Thu nhập của lãnh đạo SCIC trích từ báo cáo thực trạng quản trị doanh nghiệp SCIC. Ảnh: Báo LĐ.
Thu nhập của lãnh đạo SCIC trích từ báo cáo thực trạng quản trị doanh nghiệp SCIC. Ảnh: Báo LĐ.

Đại diện SCIC cho rằng, trong tổng thu nhập của viên chức quản lý, có một số khoản thù lao, tiền thưởng được hình thành từ năm 2014 nhưng chi trả trong trong năm 2015. Điều này do quy chế tài chính của SCIC được ban hành theo Quyết định của Bộ Tài chính áp dụng cho năm tài chính 2014 trở đi nên SCIC đã gộp cả nguồn của năm 2014 và năm 2015 để chi trả.

"Ngoài ra, theo quy định tại Thông tư số 19/2013/TT-BLĐTBXH của Bộ Lao động Thương binh và xã hội, việc quyết toán tiền thưởng cho viên chức quản lý được thực hiện theo nhiệm kỳ của viên chức quản lý được tính theo nhiệm kỳ của Chủ tịch Hội đồng thành viên nên SCIC cũng dồn chi trả một số khoản các năm trước sang năm 2015 (là năm cuối nhiệm kỳ)", đại diện SCIC lý giải.

Các khoản thu nhập này theo đại diện SCIC đều là những khoản thu nhập trước thuế, khi chi trả cho viên chức quản lý và người lao động, SCIC thực hiện khấu trừ thuế thu nhập cá nhân theo đúng quy định pháp luật hiện hành.
Cũng theo thông báo, đại diện SCIC cho biết đang báo cáo các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền về vấn đề này.

SCIC trả lương lãnh đạo hơn 100 triệu đồng/tháng ảnh 2

Nên tách SCIC khỏi Bộ Tài chính

(GDVN) - Theo các chuyên gia kinh tế, cần tách SCIC khỏi Bộ Tài chính để doanh nghiệp này kinh doanh tăng lợi nhuận từ vốn nhà nước thông qua các doanh nghiệp đang nắm.

SCIC trả lương lãnh đạo hơn 100 triệu đồng/tháng ảnh 3

SCIC chưa thể buông "con bò sữa" Vinamilk

(GDVN) - Những doanh nghiệp như Vinamilkđang mang lại lợi nhuận lớn nên SCIC không muốn thoái vốn do lo lắng kết quả kinh doanh sụt giảm và mất vai trò quản lý

Trước đó, theo báo cáo quản trị của SCIC năm 2015 vừa công bố cho thấy, bình quân thu nhập của lãnh đạo và nhân viên tại đây khá cao so với mặt bằng chung khối doanh nghiệp Nhà nước.

Cụ thể, 6 lãnh đạo chủ chốt của công ty có thu nhập trên 1 tỷ đồng/năm. Năm 2015, ông Lại Văn Đạo - Tổng giám đốc SCIC nhận về hơn 1,4 tỷ đồng. Thu nhập bình quân mỗi tháng của ông Đạo là 119 triệu đồng.

Bốn Phó tổng giám đốc, gồm: Ông Lê Song Lai, ông Hoàng Nguyên Học, ông Nguyễn Quốc Huy, bà Nhữ Thị Hồng Liên cũng nhận về mỗi người gần 1,3 tỷ đồng năm 2015.

Trong khi đó, Kiểm soát viên Nguyễn Quốc Trị cũng nhận về gần 1,1 tỷ đồng….

Theo báo cáo tài chính, năm 2015, SCIC chi tới 121 tỷ đồng để trả chi phí cho nhân viên, trong đó chi phí cho các cấp quản lý là 71,7 tỷ đồng còn nhân viên là 49,3 tỷ đồng - tăng mạnh so với năm 2014. Chi phí nhân viên bao gồm lương và các khoản trợ cấp khác.

Cấn nhấn mạnh rằng, SCIC là doanh nghiệp 100% vốn nhà nước và hầu hết các lãnh đạo của tổng công ty cũng là các công chức, viên chức nhà nước.

SCIC chưa buông những "con gà đẻ trứng vàng"

SCIC lâu nay vẫn được xem là một tổ chức “ngồi mát” khi mà lợi nhuận khủng từ các “con gà đẻ trứng vàng” mà SCIC may mắn được chỉ đạo tiếp quản phần vốn góp cứ đều đặn chảy về tổng công ty. 

Tính tới thời điểm 31/12/2015, tổng tài sản của SCIC đạt 73.263 tỉ đồng, tăng nhẹ 3% so với đầu năm (71.142 tỉ đồng). Tài sản ngắn hạn của SCIC đạt gần 40.500 tỉ đồng, sụt giảm 31% so với đầu năm nhưng bù lại tài sản dài hạn tăng gấp gần ba lần, đạt hơn 32.763 tỉ đồng.

Doanh thu của SCIC tăng trưởng khá nhanh trong những năm qua và đặc biệt tăng gấp rưỡi trong năm 2015, từ 7.000 tỉ đồng lên trên 10.500 tỉ đồng.

Nguyên nhân chính khiến doanh thu tăng mạnh là SCIC đã đẩy mạnh hoạt động bán ra các khoản đầu tư của mình.

Theo báo cáo tổng kết năm 2015, SCIC cho biết đã đẩy mạnh hoạt động bán vốn nhà nước tại 120 doanh nghiệp, thu về 4.491 tỉ đồng trên giá vốn 1.682 tỉ đồng. Đến cuối năm 2015, danh mục quản lý của SCIC còn 197 doanh nghiệp, với vốn nhà nước theo giá trị sổ sách là 20.020 tỉ đồng còn giá trị thị trường là khoảng 95.697 tỉ đồng.

Ngoài doanh thu từ bán vốn thì doanh thu từ cổ tức của SCIC cũng tăng trưởng 36% trong năm vừa qua, đạt mức 4.900 tỉ đồng, trong đó riêng thu từ cổ tức của “bò sữa” Vinamilk ước tính đã lên tới 2.700 tỉ đồng (chiếm 55% tổng doanh thu cổ tức).

Phần còn lại là doanh thu từ lãi tiền gửi và lãi trái phiếu với giá trị 1.040 tỉ đồng (giảm so với mức 1.200 tỉ đồng của năm 2014 do mặt bằng lãi suất có xu hướng giảm).

Do doanh thu tăng mạnh trong khi chi phí tăng không đáng kể nên lợi nhuận sau thuế của SCIC đạt 7.850 tỉ đồng, tăng 42% so với năm 2014 và vượt 39% kế hoạch đề ra. Theo đó, tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu đạt 24,45%.

Có thể thấy doanh thu, lợi nhuận SCIC đến từ thành quả kinh doanh của những doanh nghiệp như Vinamilk, nhựa Tiền Phong, Traphaco, FPT, Nhựa Bình Minh…

Đó cũng là một trong những nguyên nhân dù Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo yêu cầu SCIC chọn thời gian thích hợp, báo cáo Thủ tướng quyết định thoái vốn 10 doanh nghiệp trong đó có việc thoái vốn khỏi Công ty CP Sữa Việt Nam (Vinamilk), tuy nhiên danh mục kế hoạch thoái vốn của SCIC trong năm 2016 không có tên 8/10 doanh nghiệp lớn, trong đó có Vinamilk. 

Được biết năm 2016, SCIC đã đặt kế hoạch doanh thu 12.528 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế đạt 8.414 tỷ đồng, trong đó lãi cổ tức là 4.428 tỷ đồng. Tính đến cuối năm 2015, SCIC còn nắm giữ vốn tại 197 doanh nghiệp với tổng các khoản đầu tư là 19.740 tỷ đồng.

Mai Anh